BAOTAYNINH.VN trên Google News

Rừng Phước Vinh 

Cập nhật ngày: 14/03/2018 - 07:38

BTN - Ðã vài lần tôi viết về rừng Phước Vinh. Nhưng đấy mới chỉ là rừng trong ký ức những người đi kháng chiến. Có lẽ đấy là khu rừng bền bỉ nhất gắn bó với quân dân cách mạng Tây Ninh suốt cả hai thời kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.

Rừng Phước Vinh (bên phải) nhìn từ sông Vàm Cỏ Đông.

Ngay từ những năm 1946-1950, đây đã là căn cứ đứng chân của bộ đội Si-vô-tha sau đó trở thành bộ đội Ðông Bắc Campuchia nổi tiếng một thời với người chỉ huy dũng cảm Ngô Thất Sơn, ông đã hy sinh và được truy tặng Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Từ năm 1951 khi thành lập tỉnh Gia Ninh thì rừng Phước Vinh lại là căn cứ của Tỉnh uỷ Gia Ninh cùng nhiều đơn vị của lực lượng vũ trang miền Ðông. Qua thời kháng chiến chống Mỹ, rừng Phước Vinh trở thành căn cứ của Tỉnh uỷ Tây Ninh và huyện Châu Thành. Nhiều đơn vị quân dân chính của Miền, của Y4 (căn cứ Khu uỷ Sài Gòn- Gia Ðịnh) cũng từng chọn rừng Phước Vinh làm căn cứ.

Trong ký ức của bà Nguyễn Thị Kim Chi, nguyên Tỉnh uỷ viên, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh còn in đậm câu chuyện về thân phụ của bà- cụ Nguyễn Hồng Phan, một cán bộ lão thành cách mạng huyện Châu Thành đã từ Trí Bình lên sống tại Phước Vinh giữa những cánh rừng bạt ngàn.

Nơi ấy lại gần Trảng Còng, một địa danh đã trở nên nổi tiếng nhờ bài hát “Lên Ngàn” của nhạc sĩ Hoàng Việt. Nhiều chuyện bà Chi nhớ và viết lại thì chúng ta cũng đã biết. Duy có chuyện này chắc chưa ai chép. Ðấy là chuyện cụ Phan có sáng kiến chôn giấu lúa để phòng khi giặc Pháp theo dòng sông Vịnh lên Phước Vinh càn quét.

Vào những lúc sắp đến mùa thu hoạch, cụ đào những hố vuông hoặc tròn ngay giữa trảng rừng. Hố rộng 2-3 mét và sâu 7- 8 tấc. Ðào xong, chất củi xuống và đốt cho đất bốn bên cứng lại như gạch xây. Xong rồi, đánh nhiều tấm tranh đặt vòng quanh, đáy hố thì rải trấu. Lúa gặt về tuốt phơi khô rồi đổ đầy hố, trải những tấm giạt đan từ cây sặc lên, lấp đất và trồng cỏ. Thế là có một kho lương, để cả nhà yên tâm làm những việc cách mạng giao trong kháng chiến trường kỳ.

Ðấy là chuyện của mấy tháng sau trận lũ lịch sử năm Nhâm Thìn 1952. Các lực lượng cách mạng miền Ðông và tỉnh, huyện tìm về rừng Phước Vinh làm rẫy. Bà Kim Chi còn nhớ đấy là khoảng thời gian rừng Phước Vinh rất vui, dù quân Pháp liên tục càn quét, kể cả máy bay đầm già đi bắn trâu và thả bom xăng hòng đốt cháy rừng căn cứ.

Bà Chi cùng hai cô em là Kim Ðồng, Kim Ðịnh từng được đích thân nhạc sĩ Hoàng Việt dạy cho bài hát Lên Ngàn (do ông Ba Xuân Hồng dẫn tới). Mà thời ấy, Phước Vinh còn mang tên xã Khăng Xuyên, huyện Châu Thành.

Ðến năm 1954, chính quyền cách mạng mới đổi tên thành xã Tà Păng và giữ tên ấy suốt 21 năm kháng chiến chống Mỹ (năm 1959, chính quyền Sài Gòn đặt tên mới cho xã này là Phước Vinh- thuộc quận Phước Ninh).

Thật là may vì ngay từ năm 1985, Ban Tổng kết chiến tranh tỉnh Tây Ninh cùng Ðảng bộ huyện Châu Thành và xã Phước Vinh đã tập hợp và in cuốn sách “Truyền thống cách mạng xã Phước Vinh”.

Sách có in 2 tấm bản đồ. Một bản là hiện trạng xã năm 1985, bản kia ghi những địa danh từng có trong quá khứ. Ðấy là bàu Voi Nằm, cách không xa đường tỉnh lộ 13 (nay là đường 788). Tính ra, cái tên này có thể xa xưa nhất vì đường lộ 13 cũng là con đường sứ ngày xưa được vua Gia Long cho tu sửa từ năm 1815 nhằm tạo thuận lợi cho các đoàn cống sứ từ Chân Lạp sang.

Voi nằm, có thể là voi rừng hoặc là voi do triều đình Chân Lạp đem sang cống nộp cho triều đình Huế. Rất nhiều nơi được ghi là rừng rậm như đoạn gần địa danh Thâm Thái, bến Cây Sao hay Bực Lở, Băng Dung. Phía Ðông Bắc con đường 788 có nhiều khu rừng rậm xen kẽ với trảng, bàu.

Như trảng Chiếu Bóng, trảng Máy Bay Bắn Trâu, trảng Còng có tên từ thời kháng Pháp, có cả rừng và suối như rừng Bàu Hang, suối Tống Du là căn cứ Tỉnh uỷ Gia Ðịnh Ninh từ năm 1952. Theo sách này thì năm 1985 Phước Vinh còn tới 2.186 ha đất rừng. Ðến năm 2017, theo số liệu thống kê của xã, đất rừng vẫn còn 735 ha.

Con đường 788 nay đã chia Phước Vinh làm hai nửa. Nửa phía Ðông Bắc giáp với Tân Biên, liên thông với rừng Lò Gò - Xa Mát nay đã là vườn quốc gia. Nửa phía Tây Nam cặp sát dòng chính của sông Vàm Cỏ Ðông.

Trong năm 2017, tôi đã có vài lần đi tìm những ký ức anh hùng trên nửa đất ven sông ấy. Những bến sông Băng Dung, Cây Ổi tôi đã từng qua nhưng hầu như chẳng còn gặp một cánh rừng nào cả. Cù lao Rừng Huỳnh nay đã thành một xóm dân cư nho nhỏ, thưa thớt cửa nhà.

Trải ra bên xóm cù lao là những cánh đồng lúa xanh bát ngát, hoặc những ruộng hoa màu xen kẽ. Cái địa danh xóm Chùa xưa từng có ngôi chùa Nam tông nay thuộc ấp Phước Lập đã thành một cánh đồng màu bên một ao súng tím nở đầy hoa. Sang tới Chót-lô-viêng (có người phiên âm thành Chốt Lò Quyên) thấy nổi bật nhất bên con đường đá nhựa một ngôi trường tiểu học mang tên ấp Phước Lộc.

Từ đây xuống bến Băng Dung chỉ một đoạn không xa. Ðây chính là nơi vài chục em thiếu nhi của đội ca vũ thiếu nhi lội bộ theo các chú, các anh về lập nên trường học đầu tiên của cách mạng Tây Ninh từ tháng 10 năm 1962. Ngôi trường mang tên Hoàng Lê Kha ấy tồn tại suốt chiều dài kháng chiến chống Mỹ.

Ý tưởng lập ngôi trường là của ông Nguyễn Văn Linh, Bí thư Trung ương Cục miền Nam. Sau một lần xem các em biểu diễn, ông đã bàn với ông Tám Hoà, Bí thư Tỉnh uỷ về việc đào tạo các em thành những nhân tài cho cách mạng (theo sách “Ba thế hệ xanh- một chặng đường”- Tỉnh đoàn Tây Ninh xuất bản năm 1998).

Phải tới tháng 12.2017, tôi mới lại trở lên Phước Vinh, định đi tìm những bến Cây Sao, Bực Lở và cánh đồng Thâm Thái (mà có sách chép là Tam Thái). Dù đã có con đường mới chạy dài ven sông nối các bến sông, nhưng tìm được bến Cây Sao cũng hơi khó. Vì hàng chục bến sông như thế giờ đã hoang vu, vắng lặng, chỉ có một lối nhỏ hun hút từ con đường đất đỏ gập ghềnh đi xuống.

Bến Cây Sao giờ cũng thế, vài ba căn nhà cấp 4 lợp tôn nằm chơ vơ trên bến luênh loang nước ngập sau cơn bão tháng 12. Vậy mà nơi này từng là nơi trú đóng của Trường Chính trị tỉnh nhà, nơi vào tháng 5.1952, mỗi vụ gặt thu tới hàng ngàn giạ lúa đủ cho quân dân Tây Ninh trường sức đánh Tây.

Dọc đường, đôi chỗ còn hoang vu, lau lách mọc đầy, nhưng tuyệt nhiên chẳng còn thấy một cây to nào cả. Ngay cả cây sao lớn năm bảy người ôm từng làm nên cái tên của bến sông lịch sử ấy nay cũng không còn. Bên nhà dân còn lác đác những cây mai vàng hoặc vài cây gừa, cây sanh nhoai nhóc vươn cao giữa màu xanh ruộng, rẫy. Sông Vàm Cỏ Ðông mùa lũ vẫn lai láng chảy phía xa xa…

TRẦN VŨ