Kinh tế   Công nghiệp – Dịch vụ

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Sàn thương mại điện tử: Kích cầu tiêu thụ sản phẩm OCOP 

Cập nhật ngày: 25/06/2021 - 07:56

BTN - Ðẩy mạnh tiêu thụ nông sản, trong đó có các sản phẩm OCOP trong khi dịch bệnh diễn biến phức tạp nhưng vẫn bảo đảm giá cả, an toàn trong tiêu thụ là vấn đề nan giải của cơ quan quản lý nhà nước và nông dân. Trong bối cảnh đó, kênh bán hàng qua mạng xã hội, sàn giao dịch điện tử “lên ngôi”, phần nào giải quyết được “bài toán” này.

Các sản phẩm OCOP của Tây Ninh trên kênh bán hàng Postmart.

Từ cuối năm 2020, Uỷ ban nhân dân tỉnh đã giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đẩy mạnh công tác chỉ đạo, triển khai thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tới các địa phương.

Ðến nay, chương trình đạt được nhiều kết quả tích cực, qua đó nâng cao nhận thức của cấp uỷ, chính quyền các cấp và cộng đồng doanh nghiệp về ý nghĩa, tầm quan trọng của Chương trình OCOP trong phát triển kinh tế nông thôn.

Theo kết quả đánh giá, xếp hạng các sản phẩm OCOP năm 2020, tỉnh Tây Ninh có 9 sản phẩm được xếp hạng như: sản phẩm bánh tráng siêu mỏng của Công ty TNHH Tân Nhiên (thị xã Hoà Thành); bánh tráng phơi sương, rau rừng tổng hợp của hộ kinh doanh Lê Thị Thanh Thuý (thị xã Trảng Bàng); muối ớt, muối ớt tôm của cơ sở chế biến thực phẩm Phú Gia Bảo (huyện Gò Dầu); dế sấy bơ tỏi của trại dế Oanh Vĩnh (huyện Tân Châu)… trong đó có 2 sản phẩm được đánh giá đạt 4 sao, 7 sản phẩm đạt 3 sao.

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể chủ động đưa sản phẩm, nông sản của mình “lên sàn” giới thiệu, tư vấn sản phẩm đến “cộng đồng mạng”, khách hàng trong và ngoài tỉnh.

Anh Hồ Ðắc Vĩnh- chủ trại dế Oanh Vĩnh, xã Suối Dây, huyện Tân Châu cho biết, sản phẩm dế sấy bơ tỏi, tỏi ớt của cơ sở được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Bên cạnh kênh bán hàng truyền thống, anh Vĩnh còn đưa sản phẩm lên mạng xã hội, sàn thương mại điện tử như Lazada, Postmart. Nhờ đó, sản phẩm được nhiều người biết đến hơn, tiêu thụ ổn định ngay cả trong thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Anh Vĩnh chia sẻ: “Trước đây, tôi chỉ phân phối sản phẩm thông qua thị trường truyền thống như nhà hàng, quán ăn, quán nhậu vỉa hè và một số đại lý bán lẻ. Khách hàng tiếp cận sản phẩm chỉ theo khu vực, nghĩa là hàng tới đâu thì chỉ người dân khu vực đó tiếp cận được. Còn các sàn giao dịch điện tử thì lại khác, phản hồi của thị trường rất tốt, doanh số bán hàng có thể tăng gấp đôi so với thị trường truyền thống trước đây”.

Có sản phẩm OCOP được chứng nhận, Công ty TNHH Tân Nhiên đã đưa sản phẩm lên hầu hết các sàn thương mại điện tử lớn ở Việt Nam. Anh Ðặng Khánh Duy - Giám đốc Công ty TNHH Tân Nhiên cho biết, giao dịch trên các sàn thương mại điện tử là cách để giới thiệu sản phẩm tới người tiêu dùng nhiều hơn, giúp người bán giải đáp thắc mắc của khách hàng nhanh chóng, không bị giới hạn về khoảng cách, nên có thể mở rộng được thị trường.

Trên thực tế, một số sàn thương mại điện tử như Sendo, Postmart, Voso đã có những gian hàng riêng cho các sản phẩm OCOP. Tại Tây Ninh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng với Sở Công Thương chỉ đạo Trung tâm Xúc tiến thương mại đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại trên sàn giao dịch thương mại điện tử, đơn cử như Postmart.vn có một số sản phẩm như: bánh tráng siêu mỏng của Công ty TNHH Tân Nhiên; mật ong rừng của Công ty TNHH Bảo An; dế sấy sả ớt, dế sấy bơ tỏi của trại dế Oanh Vĩnh.

Ðây là bước đột phá để giải bài toán giữa cung và cầu trong thời đại công nghệ 4.0 mà các sàn thương mại điện tử đem lại cho nông nghiệp sạch của Tây Ninh, qua đó, các sản phẩm sạch của tỉnh sẽ được đưa đến tận tay người tiêu dùng trên khắp mọi miền.

Postmart.vn của Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam hoạt động dựa trên nguyên tắc mua hàng trực tiếp từ các cơ sở sản xuất tại tất cả các tỉnh, thành phố và cung cấp tận tay khách hàng không qua trung gian. Vì vậy, giá thành và chất lượng sản phẩm luôn được bảo đảm, rõ nguồn gốc thương hiệu, không có hàng nhái, hàng kém chất lượng.

Bà Phạm Thị Phương Thảo- Phó Giám đốc Bưu điện tỉnh Tây Ninh cho biết, thời gian qua, Bưu điện đã đưa một số đặc sản của địa phương lên sàn thương mại điện tử, như muối ớt, bột ngũ cốc, mật ong, giúp người dân ở khắp mọi miền đất nước biết thêm về các đặc sản của tỉnh Tây Ninh.

Trong thời gian tới, Bưu điện tỉnh sẽ tiếp tục tuyên truyền, giới thiệu để người tiêu dùng biết đến sàn giao dịch này; và có những trải nghiệm mua sắm mặt hàng chất lượng cao, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Hiện Bưu điện đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chuẩn bị đưa những sản phẩm OCOP lên sàn.

Tuy nhiên, thực tế là vẫn còn nhiều doanh nghiệp nhỏ, hợp tác xã, người dân ở khu vực nông thôn không dễ dàng tiếp cận kênh bán hàng này. Bởi lẽ, để bán hàng trên mạng xã hội, các chủ thể phải thành thạo công nghệ; có kỹ năng bán hàng, chụp ảnh, viết bài, trả lời trên mạng...

Có thể thấy, trong tình hình dịch bệnh như hiện nay, thương mại điện tử không chỉ là “phao cứu sinh” mà còn là kênh tiêu thụ lâu dài, tạo kết nối chặt chẽ trong chuỗi cung ứng nông sản Việt, phát triển sản phẩm OCOP, mang lại sự thuận lợi, tiện ích và an toàn cho cả người sản xuất và khách hàng.

Ðể tiếp tục phát huy những kết quả đạt được và đưa Chương trình OCOP phát triển bền vững trong thời gian tới, ngày 7.6.2021, Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch phát động phong trào thi đua thực hiện chương trình Mỗi xã một sản phẩm trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021-2025, trong đó ưu tiên đầu tư các dự án nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực cấp tỉnh; đầu tư gian hàng giới thiệu, bán sản phẩm OCOP trong các chợ, siêu thị; đầu tư hạ tầng nông nghiệp kết hợp với du lịch.

Ðẩy mạnh công tác tuyên truyền; tập huấn cho các đối tượng trực tiếp triển khai thực hiện chương trình ở các cấp để nâng cao nhận thức về ý nghĩa, vai trò của Chương trình OCOP với phát triển kinh tế của địa phương; tăng cường quản lý việc sử dụng chứng nhận sản phẩm OCOP.

Khuyến khích, ưu tiên hỗ trợ phát triển các sản phẩm chế biến sâu, ứng dụng công nghệ cao, quy mô sản xuất lớn, có vùng nguyên liệu được nuôi trồng theo quy trình bảo đảm các điều kiện an toàn, bảo vệ môi trường.

Vũ Nguyệt