Kinh tế   Nông - lâm - thủy sản

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Sản xuất lúa theo hướng VietGAP mang lại hiệu quả kinh tế cao 

Cập nhật ngày: 20/05/2017 - 01:05

BTNO - Khi tham gia mô hình, nông dân phải thực hiện đúng quy trình VietGAP và ghi chép sổ nhật ký đầy đủ; sử dụng các giống lúa chất lượng cao và có phẩm cấp từ cấp xác nhận trở lên.

Nâng cao diện tích sản xuất lúa theo hướng VietGAP, tạo ra sản phẩm lúa chất lượng cao, bảo đảm đáp ứng được yêu cầu thị trường… là nội dung của Đề án khuyến nông năm 2016 về xây dựng Dự án nâng cao hiệu quả sản xuất lúa chất lượng cao giai đoạn 2016 - 2018.

Theo đó, mô hình sản xuất lúa theo hướng VietGAP (gọi tắt là mô hình) đã được Trung tâm Khuyến nông tỉnh tổ chức triển khai thực hiện. Tại huyện Gò Dầu, xã Phước Thạnh là nơi được chọn làm điểm thực hiện mô hình này.

Thu hoạch lúa.

Tổ liên kết sản xuất lúa VietGAP xã Phước Thạnh gồm 16 thành viên, tham gia sản xuất với tổng diện tích 31 ha. Mô hình được thực hiện trong thời gian từ tháng 11.2016 đến tháng 4.2017. Khi tham gia mô hình, nông dân phải thực hiện đúng quy trình VietGAP và ghi chép sổ nhật ký đầy đủ; sử dụng các giống lúa chất lượng cao và có phẩm cấp từ cấp xác nhận trở lên.

Bên cạnh đó, nông dân còn được hướng dẫn, tập huấn quy trình kiểm soát hồ sơ, động vật gây hại, sản phẩm không phù hợp và truy xuất; hướng dẫn về an toàn lao động, an toàn thực phẩm, môi trường; sử dụng thuốc BVTV an toàn và hiệu quả…

Ông Nguyễn Hồng Vũ- Tổ phó Tổ liên kết sản xuất lúa VietGAP xã Phước Thạnh cho biết, sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP có yêu cầu nghiêm ngặt, do đó, nông dân phải tuân thủ đúng theo quy trình kỹ thuật. Trong vụ Đông Xuân vừa qua, năng suất lúa đạt 9 tấn/ha, đạt yêu cầu đề ra. Qua thực tế sản xuất, ông Vũ nhận định đây là một mô hình có hiệu quả kinh tế, chi phí sản xuất giảm từ 1.000.000 - 1.500.000 đồng/ha so với không tham gia VietGAP (giảm chi phí phun xịt thuốc BVTV).

Trong vụ Đông Xuân 2016-2017, Công ty TNHH công nghệ NHONHO đánh giá Tổ liên kết sản xuất lúa VietGAP xã Phước Thạnh đạt 100% theo yêu cầu theo tiêu chuẩn VietGAP, và đã cấp giấy chứng nhận VietGAP cho tổ liên kết này.

Ông Vũ bên cánh đồng lúa sản xuất theo hướng VietGAP.

Theo Trạm Khuyến nông huyện Gò Dầu, dù mô hình mới thực hiện nên nông dân còn bỡ ngỡ, chưa hiểu hết cách thức thực hiện VietGAP, nhưng với sự hỗ trợ của cán bộ kỹ thuật và nỗ lực của nông dân, mô hình đã đạt được những kết quả tích cực. Trước khi thực hiện mô hình, người nông dân chưa áp dụng rộng rãi tiến bộ khoa học kỹ thuật, nên năng suất và chất lượng sản phẩm còn thấp.

Từ khi tham gia thực hiện mô hình VietGAP, nông dân biết bón phân cân đối theo từng giai đoạn sinh trưởng; sử dụng thuốc BVTV hợp lý, an toàn và hiệu quả, bảo đảm được thời gian cách ly; sử dụng giống và vật tư nông nghiệp có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng; từ đó góp phần nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm.

Ông Võ Văn Hoà- Chủ tịch HND xã Phước Thạnh cho biết, mô hình này là bước khởi đầu cho nông dân làm theo tiêu chuẩn lúa sạch. Sắp tới, Hội Nông dân xã sẽ tiếp tục phối hợp với Trạm Khuyến nông huyện vận động nông dân tham gia vào mô hình sản xuất lúa VietGAP.

TRÚC LY