BAOTAYNINH.VN trên Google News

Giải báo chí tỉnh Tây Ninh lần thứ 16 - Năm 2017:

Sự khẳng định của một lớp người làm báo mới 

Cập nhật ngày: 21/06/2017 - 06:25

BTN - Một điểm mới đáng trân trọng của Giải năm nay là sự thể hiện năng lực, tố chất nghề nghiệp của những cây bút mới, những phóng viên trẻ của các cơ quan báo chí. Tác phẩm của những tác giả này đã vươn lên từ mức độ chất lượng giải Khuyến khích của năm trước để đoạt giải chính thức trong năm nay.

PV Báo Tây Ninh tác nghiệp, thực hiện bài viết về nghề nuôi ngựa ở Trảng Bàng. Ảnh: Đại Dương

Nhân kỷ niệm 92 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21.6, theo thông lệ hằng năm, Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh Tây Ninh tổ chức Giải Báo chí Tây Ninh lần thứ 16 năm 2017 nhằm đánh giá kết quả một năm tác nghiệp của những người làm báo chuyên nghiệp và không chuyên nghiệp trong tỉnh.

Tham dự Giải năm nay, Ban Thư ký 3 chi hội trực thuộc Hội Nhà báo tỉnh đã tuyển chọn được 43 tác phẩm, cụm tác phẩm báo chí đã đăng trên Báo Tây Ninh, phát trên sóng Đài PT-TH Tây Ninh từ Ngày Báo chí 21.6 năm trước đến 21.6 năm nay.

Do các tác phẩm dự giải phải được sơ tuyển trong số hàng ngàn tác phẩm báo chí đã đăng trên báo in, báo điện tử, phát trên sóng PT-TH trong suốt một năm qua, nên số lượng tác phẩm dự giải tuy không nhiều nhưng rất tiêu biểu, mang tính khái quát cho cả một năm hoạt động nghiệp vụ phục vụ tuyên truyền nhiệm vụ chính trị của tỉnh, phục vụ nhu cầu thông tin của bạn đọc của giới báo chí Tây Ninh.

Nhìn chung, về nội dung cho thấy báo chí Tây Ninh năm qua đã có sự tiếp cận, phản ánh cuộc sống xã hội gần gũi hơn, sâu sát hơn, thiết thực hơn và có tính định hướng cũng như tính phản biện xã hội rõ nét hơn các năm trước. Có thể nói, đó là một bước tiến đáng mừng, thực sự có tác động nâng cao chất lượng thông tin, chất lượng hoạt động báo chí của tỉnh nhà.

Điểm qua các tác phẩm đoạt giải cao, chúng ta thấy đối với loại hình báo in là cụm bài “Chuyện ông Phó Giám đốc bị buộc thôi việc”, là một loạt bài mang tính phản biện xã hội; từ sự việc cá nhân một viên chức “chân trong, chân ngoài” bị cơ quan chủ quản cách chức phó giám đốc một đơn vị sự nghiệp, tác giả đã phát hiện và thực hiện điều tra một vụ vi phạm mang tính điển hình trong phát triển kinh tế thị trường, thực chất là một vụ “chạy dự án, bán dự án” trá hình dưới chiêu bài hợp tác kinh doanh trong công ty TNHH hai thành viên, cùng đầu tư thực hiện dự án, nhưng chỉ có một thành viên thực hiện góp vốn chuyển vào tài khoản cá nhân của thành viên kia, để rồi thành viên không góp vốn lại tráo trở gian dối xin cấp giấy phép kinh doanh mới giành lấy vị trí lãnh đạo công ty.

Sau đó, khi bị ngành chức năng phát hiện, cấp lại giấy phép cho người thực sự đầu tư thực hiện dự án, thì thành viên không góp vốn lại đâm đơn kiện ra toà. Mới đây, sau khi thành viên có góp vốn phản tố, Toà án tỉnh đã xét xử xoá tư cách thành viên của bên không góp vốn.

Kết cục của sự việc đã xác định tính chiến đấu, tính chính xác, tạo nên giá trị của tác phẩm báo chí, cũng như quá trình tác nghiệp công phu, nghiêm túc trên tinh thần đóng góp xây dựng xã hội, xây dựng và phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của tác giả, xứng đáng được trao giải thưởng cao nhất của loại hình báo in.

Đối với loại hình phát thanh truyền hình, giải cao nhất thuộc tác phẩm truyền hình “Không sợ làm ơn mắc oán” nêu gương các bạn trẻ ở thành phố Tây Ninh yêu cuộc sống, bức xúc trước vấn nạn tai nạn giao thông đang gieo rắc tai hoạ thảm thương cho nhiều gia đình đã tự nguyện dấn thân trong nỗ lực cứu hộ cho những người chẳng may gặp nạn trên đường, nhất là vào ban đêm.

Hoạt động tự nguyện của nhóm bạn trẻ này đã có sức lan toả rất tích cực, thu hút nhiều người tham gia, đồng thời có sự quan tâm, giúp đỡ của các tổ chức chính trị xã hội và ngành chức năng bảo đảm trật tự an toàn giao thông, từ đó, Đội cứu nạn giao thông Tây Ninh hình thành và duy trì hoạt động, góp phần cứu sống, xoa dịu niềm đau cho nhiều người, rất đáng được nêu gương, nhân rộng điển hình người tốt việc tốt trong toàn xã hội.          

Các tác phẩm đoạt giải chính thức (giải Nhì, Ba) của hai thể loại báo in và phát thanh, truyền hình cũng là những tác phẩm đã đi sâu, bám sát tiến trình phát triển kinh tế - xã hội theo hướng bền vững, cổ vũ công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân.

Đây là những tác phẩm báo chí nêu lên những bước phát triển mới trên đường công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Đặc biệt là những tác phẩm phản ánh nỗ lực của tỉnh trong công tác chuyển đổi cơ cấu kinh tế, phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao theo chuỗi giá trị.

Đối với thể loại báo in có các tác phẩm đoạt giải Nhì như loạt bài: “Để nông dân Tây Ninh làm giàu trên chính mảnh đất của mình” ghi nhận và phản ánh trung thực những ý kiến tâm huyết, những nhận định đúng đắn về thực trạng nền kinh tế nông nghiệp của tỉnh và những đề xuất phương hướng phát triển tiến bộ, bền vững phù hợp với khả năng, thực lực của tỉnh.

Bên cạnh đó còn có những tác phẩm đề cập đến những vấn đề ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng cuộc sống xã hội. Tác phẩm báo in cùng đoạt giải Nhì là loạt bài “Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen: Vẫn còn tình trạng chặt chém” phản ánh những hiện tượng tiêu cực còn tồn tại, chủ yếu là ở bên ngoài vòng rào khu du lịch, để ngành chức năng và chính quyền địa phương tăng cường quản lý chặt chẽ hơn, góp phần xây dựng hình ảnh đẹp của khu du lịch quốc gia trên địa bàn tỉnh.

Các tác phẩm báo in đoạt giải Ba phản ánh một số hiện tượng tiêu cực mới nảy sinh trong đời sống kinh tế xã hội như các loạt bài: “Nông dân Thạnh Bình nghi ngờ phân bón kém chất lượng”, “Khóc ròng vì chuối già Nam Mỹ- Đừng để nông dân tự bơi rồi tự đuối” và bài: “Bạn trẻ đi bar, beerclub: Thể hiện đẳng cấp hay huỷ hoại tuổi xuân”.

Phóng viên Đài PT-TH Tây Ninh tác nghiệp tại lễ kỷ niệm 180 năm Tây Ninh hình thành và phát triển. Ảnh: Đ.H.T

Tác phẩm đoạt giải Nhì của thể loại phát thanh truyền hình là phóng sự “Ai bức tử suối Tà Ôn, Tà Ly, bến Cửu Long”, phản ánh tình trạng xâm hại môi trường tại khu vực có địa danh trên. Điều đáng quan ngại, suối Tà Ôn, Tà Ly, bến Cửu Long là những địa danh đầu nguồn hồ Dầu Tiếng, hồ nước chứa hàng tỷ mét khối nước, cung cấp nước phục vụ nông nghiệp, công nghiệp và sinh hoạt cho nhân dân Tây Ninh và các tỉnh, thành lân cận.

Trong phóng sự này, nhóm tác giả đã tiếp cận và ghi nhận ý kiến bức xúc của người dân, của chính quyền địa phương phản ánh thực trạng các nhà máy chế biến nông sản xả nước thải “bức tử” các dòng chảy đầu nguồn hồ Dầu Tiếng, khiến cho quần thể động, thực vật thuỷ sinh bị tận diệt và gây ô nhiễm nguồn nước.

Đáng lưu ý, tác phẩm cũng nêu đích danh các doanh nghiệp vi phạm môi trường đã bị phát hiện, xử phạt, và phản ánh thực trạng các doanh nghiệp này tuy đã có xây dựng hệ thống xử lý nước thải đạt chuẩn cột A nhưng vẫn cố ý xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường. Đây là thực trạng đáng báo động để xã hội cùng quan tâm, hợp tác với ngành chức năng trong việc giám sát, tăng cường công tác bảo vệ môi trường.

Tác phẩm đoạt giải Nhì thứ hai là phóng sự phát thanh: “Nỗi lo cho đầu ra nông sản - Bao giờ mới có hồi kết” phản ánh thực trạng nông dân thiếu vốn, thiếu thông tin đã tự tìm đường ký kết hợp đồng với những doanh nghiệp kém uy tín, mua cây giống về trồng nhưng khi thu hoạch sản phẩm thì không được bao tiêu, phải bán đổ bán tháo nông sản ra thị trường với giá rẻ mạt trong thời điểm thu hoạch đông ken.

Phóng sự này góp phần đánh động dư luận, thu hút sự quan tâm của xã hội cùng ra tay “cứu vớt”, tuy nhiên, đây cũng không phải là giải pháp căn cơ. Vấn đề là ngành chức năng và chính quyền địa phương cần tăng cường hơn nữa việc cung cấp thông tin thị trường, cũng như hướng dẫn, giúp đỡ nông dân xây dựng mối quan hệ hợp đồng kinh tế với các doanh nghiệp thu mua, chế biến nông sản có uy tín, nhằm bảo đảm hiệu quả sản xuất, tạo điều kiện cho nông dân làm ăn có lãi, nâng cao đời sống.

Các tác phẩm đoạt Ba của thể loại phát thanh truyền hình tập trung khai thác các đề tài trong đời sống ngày nay như các vấn đề sử dụng điện an toàn, xây dựng nông thôn mới, phát triển nông nghiệp công nghệ cao.

Các tác phẩm đoạt giải Khuyến khích của cả hai loại hình báo chí cũng là những phát hiện đề tài trên các lĩnh vực cuộc sống xã hội hiện đại như vấn đề chống ô nhiễm, bảo vệ môi trường, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, vấn đề quan hệ giữa sản xuất và chế biến trong sản xuất nông nghiệp, vấn đề quan hệ sở hữu nguồn vốn trong hoạt động kinh tế... vv…

Tuy nhiên, do cách khai thác, xử lý thông tin còn sơ lược, chưa có những phân tích, đánh giá đủ sức thuyết phục nên những tác phẩm này chưa đạt điểm cao, chỉ đoạt giải Khuyến khích.

Một điểm mới đáng trân trọng của Giải năm nay là sự thể hiện năng lực, tố chất nghề nghiệp của những cây bút mới, những phóng viên trẻ của cả hai cơ quan báo chí. Tác phẩm của những tác giả này đã vươn lên từ mức độ chất lượng giải Khuyến khích của năm trước để đoạt giải chính thức trong năm nay.

Điều này đã khẳng định sự trưởng thành trong nghề của những tay bút mới, cho thấy có một bước kế thừa trong đội ngũ làm báo, có khả năng thay thế được những tên tuổi đã khẳng định nhiều năm qua trong làng báo Tây Ninh. Chúng ta hy vọng và chờ đợi sự vươn lên mạnh mẽ của những tay bút mới ở mùa giải năm sau.

NGUYỄN TẤN HÙNG