BAOTAYNINH.VN trên Google News

Sứ mệnh thiêng liêng của những chuyến đi 

Cập nhật ngày: 27/07/2017 - 10:24

BTNO - Bất kể thời tiết nắng hay mưa, mỗi khi đã thu thập đủ thông tin, lên kế hoạch chu đáo, các anh lại lên đường. Ở những nơi rừng rậm, đồi cao, họ đã vượt qua mọi khó khăn, gian khổ để mong tìm thấy và đưa “các chú, các anh” về với gia đình, tổ quốc sau bao nhiêu năm xa cách.

Đó là đội quân đặc biệt chuyên thực hiện những chuyến đi quy tập, tìm kiếm hài cốt liệt sĩ hy sinh trong các thời kỳ chiến tranh tại nước bạn Campuchia.

Ban chỉ đạo quy tập hài cốt liệt sĩ tỉnh Tây Ninh tổ chức đón hai đội K70, K71 về nước.

Băng rừng tìm mộ

Ở đội K71, thiếu tá Nguyễn Cao Phong là một trong những thành viên có mặt ngay từ những ngày đầu khi đội quy tập hài cốt liệt sĩ được thành lập (năm 2001). Thiếu tá Phong cho biết, 16 năm qua, anh không nhớ mình đã sải bao nhiêu bước chân khắp các vùng rừng núi, khu dân cư, cánh đồng trên nước bạn Campuchia. Anh chỉ biết rằng, mỗi chuyến đi như thế, khi gặp được các bậc cha, chú mình đang nằm ở đó là anh lại rưng rưng nước mắt.

Thiếu ta Phong kể lại: “Chúng tôi còn nhớ những ngày đầu đi tìm mộ. Khi đó, dù giao thông, địa hình bên Campuchia đã thay đổi nhiều, nhưng việc đi lại vẫn cực kỳ khó khăn. Có những đoạn xe không thể di chuyển, toàn đội phải lội bộ cả ngày trời.

Mùa khô trời mịt mù bụi, đứng cách nhau dăm ba mét đã không thấy gì; trời mưa sình lầy còn vất vả hơn. Đêm xuống, vì không kịp trở về nơi đóng quân, có những hôm toàn đội mắc võng ngủ luôn trong rừng, không ngại đối mặt với muỗi, vắt và rắn rết".

Đội K71 và Quân đội Hoàng gia Campuchia phối hợp tìm kiếm hài cốt liệt sĩ trong rừng cao su tại Campuchia. Ảnh: Đội K71 cung cấp.

 “Gian khổ nhất với anh em chúng tôi là tìm kiếm nguồn nước sinh hoạt. Vào mùa khô, các giếng nước của người dân nơi đây đều nhiễm vôi rất nặng, nhưng riết rồi chúng tôi cũng quen với những khó khăn đó, bởi mong mỏi lớn nhất của đội mỗi lúc hành quân là tìm thấy phần mộ của các anh”, thiếu tá Nguyễn Cao Phong tâm sự.

Đối với thiếu tá Bùi Văn Tâm, suốt 16 năm qua anh chưa “bỏ lỡ” bất kỳ chuyến đi nào cùng đội. Trong vai trò là một cán bộ phiên dịch, thiếu tá Tâm đã tích cực kết nối giữa đội K71 với người dân, chính quyền nước bạn Campuchia trong việc trao đổi thông tin, phối- kết hợp các hoạt động về quy tập, tìm kiếm hài cốt. Bản thân anh cũng trực tiếp cùng các tổ công tác đến nhiều nơi để tìm kiếm các phần mộ liệt sĩ còn nằm rải rác trên nước bạn.

Chúng tôi gặp trung úy Phạm Văn Việt khi anh và đồng đội vừa kết thúc một chuyến đi dài ngày. Anh Việt cho biết, chuyến đi này đã “gặp” được rất “nhiều chú, nhiều bác” bên đó.

“Chúng tôi không mệt vì phải đào hàng chục khối đất, nhưng sẽ rất buồn nếu không tìm được bộ hài cốt nào” –Trung úy Phạm Văn Việt.

Anh Việt hiện là Bí thư Chi đoàn cơ sở đội K71. Cách nay 5 năm, anh công tác ở Ban Cơ yếu Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Tây Ninh, khi được phân công nhận nhiệm vụ mới tại đội K71, Việt sớm vượt qua những khó khăn, bỡ ngỡ ban đầu để gắn bó từ đó cho tới nay.  

Trung úy Việt tâm sự: “Những ngày đầu băng rừng, vượt suối tìm kiếm mộ liệt sĩ khá vất vả, nhưng bản thân tự xác định nhiệm vụ dù khó mấy cũng phải vượt qua”. Những hạ sĩ mới “vào nghề” cùng đội K71 như Nguyễn Thanh Quân, Nguyễn Thái Giang, dưới sự hướng dẫn tận tình của Việt cũng đã sớm vượt qua khó khăn để cùng các chú, các anh trong đội hoàn thành nhiệm vụ.

Không chỉ thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, trên cương vị là Bí thư chi đoàn Đội K71, Việt cùng các đoàn viên, thanh niên trong đội tổ chức trồng rau, nuôi gia súc, gia cầm để cải thiện bữa ăn cho anh em. Anh còn cùng đoàn viên tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao với người dân nước bạn để tạo mối quan hệ gần gũi, nhằm thực hiện công tác hiệu quả hơn.

Trung úy Phạm Văn Việt chia sẻ: “Thế hệ chúng tôi chỉ biết đến sự ác liệt, đau thương của chiến tranh qua lời kể và sách vở nên khi được giao nhiệm vụ này, mỗi anh em đều cảm nhận được một trách nhiệm, sứ mệnh thiêng liêng đối với các bậc cha, anh đã nằm xuống cho hòa bình của đất nước hôm nay”.

Khó mấy cũng tìm

Chính trị viên đội K71-đại tá Lê Văn Mỹ cho biết, với 67 cán bộ, chiến sĩ, mỗi đợt nhận nhiệm vụ, đội sẽ chia thành 4- 5 nhóm với đủ các đơn vị chuyên trách như thông tin, cơ yếu, lái xe, phiên dịch, quân y, dân vận… để triển khai đồng bộ các hoạt động liên quan đến việc quy tập hài cốt liệt sĩ.

Cán bộ, chiến sĩ đội K71 tìm kiếm hài cốt liệt sĩ tại nước bạn Campuchia. Ảnh: Đội K71 cung cấp.

Theo đại tá Lê Văn Mỹ, qua 16 giai đoạn được thực hiện, các đội đã cất bốc được 4.131 hài cốt liệt sĩ, trong đó 85 bộ có tên, số còn lại là liệt sĩ vô danh. Riêng trong mùa khô 2016 và 2017, hai đội K70 và K71 đã tổ chức cất bốc được 263 bộ hài cốt liệt sĩ sau khi tìm kiếm trên 850 vị trí.

Khó khăn nhất hiện nay trong công tác quy tập, tìm kiếm của các cán bộ trong đội là địa hình bên phía nước bạn đã thay đổi rất nhiều, nên việc xác định các phần mộ liệt sĩ khá vất vả. Những người nắm được thông tin các mộ liệt sĩ hiện cũng đã già, đã mất hoặc không có đầu mối liên lạc, khiến việc tập hợp thông tin về mộ liệt sĩ khó hơn so với trước đây rất nhiều.

Lễ truy điệu, an táng hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện Việt Nam hy sinh ở Camphuchia tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia đồi 82.

Không chỉ thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, trong thời gian công tác trên đất bạn, các đội quy tập, tìm kiếm còn tích cực tham gia công tác dân vận, quan hệ mật thiết với chính quyền và nhân dân Campuchia bằng những việc làm thiết thực, đóng góp hơn 1.500 ngày công giúp người dân và nhà chùa nơi đội đóng quân xây dựng các công trình; khám, phát thuốc điều trị bệnh cho gần 1.400 người dân Campuchia; thăm, tặng quà cho gia đình cán bộ, chính quyền địa phương, các chùa nhân các dịp lễ, Tết cổ truyền của nước bạn.

Theo Ban chỉ đạo quy tập hài cốt liệt sĩ tỉnh Tây Ninh, qua thu thập thông tin từ các nguồn, hiện trên địa bàn 7 tỉnh của Vương quốc Campuchia còn 342 thông tin mộ liệt sĩ quân tình nguyện Việt Nam. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Tây Ninh, kiêm Trưởng Ban chỉ đạo quy tập hài cốt liệt sĩ tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc nhấn mạnh: Đây là nhiệm vụ rất khó khăn đối với các đội tìm kiếm, nhưng trên tinh thần uống nước nhớ nguồn, là nhiệm vụ thiêng liêng với gia đình các liệt sĩ, với dân tộc nên bằng mọi cách, các cán bộ, chiến sĩ sớm đưa các anh trở về Tổ quốc”.

Hữu Thiện – Xuân Phú