BAOTAYNINH.VN trên Google News

Ghi chép tản mạn

Suýt lạc ở Lò Than

Cập nhật ngày: 07/09/2018 - 06:35

BTN - Trước hết phải xin lỗi bà con sống ở khu phố 7, phường 3, Thành phố mà trên 10 năm trước người dân quanh vùng quen gọi là xóm Lò Than.

Chẳng hiểu sao ngày cuối đợt nghỉ lễ Quốc khánh năm nay, tôi lại muốn tìm về khu phố ấy. Có thể do cả buổi sáng trời cứ xầm xì mây mưa, chỉ từng lúc hơi hửng nắng. Bỗng nhiên thèm một tấm bánh đa vừng (mè); nay là đặc sản của xóm cũ Lò Than. Từ chuyện thèm ăn liền xách xe chạy tới.

Lò than. Chẳng biết làm sao mà cái tên này cứ đọng lại trong tôi suốt hơn chục năm trời làm công dân Thị xã, nay là Thành phố. Ô hay, giữa phường 3 đông đúc của Thành phố sao lại có một “Lò than”? Vậy mà có thật. Hồi ấy tìm vào xóm qua những lối hẻm quanh co sẽ thấy ngay những chiếc lò đốt than đắp bằng đất bùn khum khum tròn như đống rơm. Củi cây xếp ở bên trong. Lửa âm ỉ cháy và khói lên nghi ngút. Ði khắp xóm, nơi nào cũng oi nồng và ngàn ngạt mùi than. Củi được “hầm” trong lò, sẽ cho ra một thứ than củi đen nhánh, phục vụ cho các nơi cần có những bếp than nho nhỏ như nhà hàng hay quán xá.

Cái nghề đốt than này chắc chẳng cho thu nhập khá, nên rút cuộc xóm Lò Than vẫn nghèo. Nhà cửa bên những lối hẻm quanh co phần nhiều cột cây, mái lá mái tôn. Tối tối, các hộ dân lại đổ ra đường Hoàng Lê Kha buôn bán xì xằng vài thứ. Ðường Hoàng Lê Kha hơn 10 năm trước cũng chỉ có ngôi nhà hát mới xây, chưa được đông đúc như bây giờ. Thì vỉa hè đấy, ai có tài năng gì đem ra mà thi thố. Nhớ nhất là những xe đẩy từ trong các ngõ xóm đi ra. Tủ kính treo vài chùm mực và cá đuối khô. Khách cứ tự lấy ghế con ngồi xệp sát vỉa hè. Cô chủ quán nướng cá xong, lấy búa kê ngay trên gạch đập cho mềm, trước khi xé tơi cho khách lai rai vài xị đế. Phố cứ vui kiểu bình dân như thế tới gần nửa đêm. Mà vui nhất là đêm nào có sinh hoạt văn nghệ gì đó ở nhà hát (nay thuộc Trung tâm Văn hoá tỉnh). Thế nào sau chầu diễn, các văn nghệ sĩ cũng ra ngay vỉa hè ở cạnh xóm Lò Than. Ðủ thứ chén tạc chén thù hay cháo gà, cháo vịt… Người phục vụ và được phục vụ đều nghèo gần như nhau, nên rất đỗi thân tình…

Nhưng, đấy đã là chuyện của hơn 10 năm trước. Giờ đây, nếu không phải là người quen cũ cũng khó tìm ra xóm Lò Than ấy nữa. Thì, một bên là đường Cách Mạng Tháng Tám thênh thang phố rộng nhà cao. Nơi có nhà máy nước đá đìu hiu thuở trước đã thành siêu thị Co.opMart. Gớm! Ngày lễ tết hay nghỉ cuối tuần lại đông nghịt người, xe. Góc bên kia là đường Hoàng Lê Kha cũng phố xá bộn bề toàn nhà lớn, các công trình công cộng. Bên nhà hát đã có thêm ngôi Bảo tàng. Liền bên là trung tâm thi đấu thể thao hoành tráng. Dưới nữa là showroom ô tô và khách sạn Sunrise cao cả chục tầng. Thân thương và bình dân có lẽ chỉ còn quán cơm Ba Trí vẫn kiên trì phục vụ 20 ngàn đồng/suất.

Suýt quên mất là phải vào mấy lò bánh đa xem phơi phóng thế nào. Vừa may gặp bác Bảy Ha- chủ lò. Bác bảo: “Lo gì. Chưa phơi được thì chiều nắng đem phơi. Mà nếu mưa suốt ngày thì cho vào lò sấy…”. Thực ra, bác Bảy chỉ là chủ lò thời khởi nghiệp, cách nay cũng đã nhiều năm. Chủ thực sự bây giờ là con trai của bác. Anh và những người làm vừa xong phần tráng bánh, còn đang thu dọn, lau rửa nhà xưởng. Xưởng bánh của anh cũng đã “hiện đại hoá” bởi có cả máy tráng bánh. Máy tráng mà vẫn cho ra những tấm bánh tròn, dày dặn như dưới tay người thợ giỏi. Mà một máy chạy bằng cả mấy chục nhân công. Vậy mà xưởng vẫn vừa tráng tay, vừa tráng máy. Sao không lắp máy hết cho nhàn? Tôi hỏi. Bác Bảy trầm ngâm:- Mình cũng còn phải tính tới bài toán việc làm cho dân khu phố nữa chứ. Ðâu chỉ nghĩ cho riêng mình được…

Chào bác Bảy rồi đi. Loanh quanh ngõ hẻm thế nào mà lại ra đường Nguyễn Trãi. Biết là đi lạc, liền quay xe trở lại. Giờ mới có dịp ngắm kỹ khu phố 7 đây. Vẫn quanh co ngõ nhỏ như xưa, nhưng đã lớp lớp nhà xây khang trang cao ráo. Hẻm nào cũng rực rỡ đỏ cờ bay trước mỗi ngôi nhà. Và, đường nào cũng đã tráng bê tông xi măng sạch bóng. Không còn thấy dấu vết nào của những lò than. Mà thay vào đó là đường hẻm, sân phơi đều rực hồng lên màu phên phơi bánh tráng, bánh đa.

Thế mà vẫn không tìm được đường về lại phường 3. Phải hỏi mới tìm được lối. Chẳng biết có phải do hương vị nồng nàn thơm tho bánh vừa nướng xong hay là nhớ những oi nồng ngàn ngạt kỷ niệm lò than xưa, mà tôi quên cả lối về.

NGUYỄN