BAOTAYNINH.VN trên Google News

Tận dụng lục bình, phát triển nghề nuôi dế 

Cập nhật ngày: 12/06/2019 - 13:06

BTN - Với những người làm nghề nuôi dế ở Long Vĩnh, nhờ tận dụng cây lục bình mà họ đã duy trì được công việc nuôi dế, góp phần phát triển kinh tế gia đình. Ðây cũng là một điều rất đáng để phát huy.

Anh Phát chất lục bình lên xe.

Vừa qua, tôi có dịp đi ngang qua cầu Gò Chai, thuộc xã Long Vĩnh, huyện Châu Thành. Thời điểm này, mặt sông dày đặc lục bình trôi nổi theo dòng nước. Phía chân cầu có mấy con bò gặm nhấm đám lục bình cặp mé sông, vài người nông dân trầm mình dưới sông để vớt lục bình.

Dừng xe, tôi gặp ngay anh Thái Ngọc Phát (41 tuổi, ngụ ở ấp Long Ðại, xã Long Vĩnh) đang ôm mớ lục bình bước lên bờ. Anh Phát cho biết, anh có hơn 10 năm đi vớt cây lục bình ở khúc sông này. Ngày nào cũng vậy, anh Phát làm công việc nhà xong, chạy xe ra sông vớt lục bình đem về lựa ra. Mớ lục bình nõn anh đem bán hoặc để dành làm thực phẩm cho gia đình, số còn lại đem cho dế ăn.

Hiện nhà anh Phát nuôi 16 chuồng dế, cứ khoảng 35 ngày thì cho xuất chuồng một lần. Trung bình mỗi chuồng, anh Phát thu hoạch từ 40 ký dế trở lên. Sau khi trừ các khoản chi phí, anh còn lãi hơn 5 triệu đồng. Nhờ có nguồn lục bình làm thức ăn cho dế, kinh tế gia đình anh Phát luôn ổn định, có điều kiện  nuôi hai con ăn học, trưởng thành.

 Cùng chung việc vớt lục bình với anh Phát còn có anh Võ Văn Lệnh (42 tuổi, ngụ xã Long Vĩnh). Anh Lệnh nuôi đến 40 chuồng dế nên ngày nào anh cũng chạy xe ra sông để vớt lục bình đem về làm thức ăn cho dế. Nhờ có lục bình, anh Lệnh phần nào tiết kiệm được khoản chi phí mua nguyên liệu nuôi dế. Gia đình anh Lệnh sinh sống bằng nghề nuôi dế đã hơn 12 năm qua.

Ngoài anh Phát, anh Lệnh, tại đây còn có ông Út Núi- cũng người ở xã Long Vĩnh đến vớt lục bình. Ông Út Núi vui vẻ nói, nhà ông nuôi đến 70 chuồng dế, trước kia ông phải đi xin lá mì về cho dế ăn.

Tuy nhiên, muốn có lá mì thì ông phải chờ cây mì lớn và già, nếu cây mì còn non mà hái lá thì cây sẽ chết và củ xấu. Việc tìm nguồn lá mì rất khó nên ông chuyển sang lục bình. Ông Út Núi đã có thâm niên nuôi dế hơn 15 năm. Cũng nhờ cây lục bình mà ông giảm được một khoản chi phí đáng kể để duy trì nghề nuôi dế, từ đó có thêm khoản lợi nhuận cho gia đình.

Với những người làm nghề nuôi dế ở Long Vĩnh, nhờ tận dụng cây lục bình mà họ đã duy trì được công việc nuôi dế, góp phần phát triển kinh tế gia đình.  Ðây cũng là một điều rất đáng để phát huy.

THUỲ DUNG