Kinh tế   Công nghiệp – Dịch vụ

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Tăng cường quản lý hoạt động nhập khẩu, sử dụng phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất 

Cập nhật ngày: 29/11/2018 - 18:58

BTNO - Trên địa bàn tỉnh, việc nhập phế liệu từ nước ngoài dùng làm nguyên liệu sản xuất diễn ra không thường xuyên, số lượng nhập khẩu không lớn.

Phế liệu nhập khẩu của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chủ yếu là sắt, thép, nhựa, giấy… Cửa khẩu nhập tại các cảng của TP. HCM và Vũng Tàu.

Một điểm thu mua phế liệu tại khu vực biên giới ấp Long Hưng, xã Long Thuận, huyện Bến Cầu- Ảnh minh họa 

5 năm, nhập khẩu hàng ngàn tấn phế liệu

Vào tháng 9.2018, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định về việc thanh tra hoạt động nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu xuất khẩu trên địa bàn tỉnh, thời kỳ thanh tra từ ngày 1.1.2013 – 31.8.2018.

Qua thanh tra, từ ngày 1.1.2013 – 27.10.2015, Sở Tài nguyên Môi trường đã cấp giấy chứng nhận/xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất cho 8 doanh nghiệp (theo Thông tư liên tịch số 34/2012 của Bộ Công thương và Bộ Tài nguyên Môi trường về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất - sau đây gọi là Thông tư số 34). Hiện nay, các giấy xác nhận đã hết hạn, do các doanh nghiệp không có nhu cầu nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài nên không xin cấp mới hoặc cấp lại.

Từ ngày 27.10.2015 – 31.8.2018, Sở Tài nguyên Môi trường đã cấp cho 3 doanh nghiệp giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất và còn hiệu lực (theo Thông tư 41/2015 của Bộ Tài nguyên Môi trường về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất - sau đây gọi là Thông tư số 41).

8 đơn vị được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất (theo Thông tư số 34) có tổng số lượng nhập khẩu khoảng 21.970 tấn. Đến thời điểm kiểm tra, các doanh nghiệp đã xử lý hết khối lượng phế liệu, không còn tồn kho.

Còn 3 doanh nghiệp được cấp giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất (theo Thông tư số 41) có tổng số lượng được phép nhập khẩu 5.560 tấn. Qua kiểm tra hồ sơ thông quan do Hải quan xác nhận, các doanh nghiệp thực nhập khoảng 1.710 tấn và nhập khẩu từ ngoài nước. Đến thời điểm kiểm tra, các đơn vị đã xử lý hết khối lượng phế liệu và không còn tồn kho.

Theo đánh giá của UBND tỉnh, trong giai đoạn 2013 – 2018, Tây Ninh đã thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, các ngành chức năng thường xuyên kiểm tra các đơn vị nhập khẩu phế liệu về làm nguyên liệu, tiến hành xử lý các đơn vị có vi phạm, chấn chỉnh kịp thời những sai sót có liên quan đến công tác này.

Các đơn vị, doanh nghiệp nhập khẩu phế liệu về làm nguyên liệu sản xuất, cơ bản đã chấp hành tốt các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, nhất là sau khi Thông tư số 41 có hiệu lực pháp luật, chưa có doanh nghiệp nào phải xử lý.

Cụ thể, trước khi tiến hành nhập khẩu có thông báo để kiểm tra, thông quan về Sở Tải nguyên Môi trường; có kho bãi dành riêng cho việc tập kết phế liệu, bảo đảm các điều kiện về bảo vệ môi trường; có công nghệ, thiết bị để tái chế phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất; có phương án, giải pháp xử lý phế liệu nhập khẩu, đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường; bảo đảm chất thải từ quy trình sản xuất đều được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật về môi trường.

Tăng cường quản lý hoạt động nhập khẩu, sử dụng phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất

Mới đây, UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo các sở, ngành có liên quan, UBND các huyện, thành phố nhằm tăng cường quản lý hoạt động nhập khẩu, sử dụng phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất. Trong đó, Sở Tài nguyên Môi trường chỉ xem xét cấp mới, cấp lại giấy xác nhận đối với đơn vị nhập khẩu sử dụng trực tiếp phế liệu làm nguyên liệu sản xuất khi chứng minh được nhu cầu và năng lực sử dụng phế liệu làm nguyên liệu sản xuất. Phối hợp đơn vị liên quan tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với các cơ sở được cấp giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu là nguyên liệu sản xuất; xử lý nghiêm theo quy định pháp luật đối với các hành vi vi phạm.

Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo hệ thống thông tin cơ sở thông báo cho các tổ chức, cá nhân nhập khẩu phế liệu về việc kể từ ngày 1.10.2018 không cho phép phế liệu nhập khẩu thông qua các cửa khẩu bằng đường bộ vào tỉnh Tây Ninh; đồng thời, tuyên truyền tác hại của việc lợi dụng nhập khẩu phế liệu để đưa chất thải vào địa bàn tỉnh, nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng và các tổ chức, cá nhân sử dụng phế liệu nhập khẩu.

UBND các huyện, thành phố tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với các cơ sở tái chế phế liệu, cương quyết đình chỉ, không cho phép hoạt động đối với các cơ sở tái chế phế liệu gây ô nhiễm môi trường; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định pháp luật.

Trong thời gian tới, để nâng cao công tác quản lý đối với hoạt động này, UBND tỉnh kiến nghị Bộ Tài nguyên Môi trường có hướng dẫn thực hiện khoản 1, Điều 10 Thông tư số 41. Tại đây quy định cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm thông báo bằng văn bản lô hàng phế liệu nhập khẩu (chỉ kiểm tra thủ tục hành chính) cho tổ chức, cá nhân và cơ quan Hải quan cửa khẩu để kiểm tra, thông quan nhưng chưa có quy định cơ quan nào chịu trách nhiệm giám sát quá trình vận chuyển từ cửa khẩu đến cơ sở tái chế phế liệu.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng kiến nghị Bộ Tài nguyên Môi trường có chính sách hạn chế nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất (tiến tới đình chỉ việc nhập khẩu phế liệu), chỉ cho phép nhập khẩu đối với những ngành nghề thiết yếu, thật sự cần thiết theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Tăng cường, đề xuất các chính sách về thu gom, phân loại, xử lý, tái chế phế liệu trong nước để làm nguyên liệu sản xuất nhằm bảo vệ môi trường tốt hơn.

Giang Hà


Liên kết hữu ích