Thời Sự - Chính trị   Việt Nam - Thế giới

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Tăng cường thúc đẩy hợp tác và liên kết Á - Âu 

Cập nhật ngày: 19/10/2018 - 19:17

Trước thềm Hội nghị Cấp cao Diễn đàn hợp tác Á - Âu (ASEM) lần thứ 12, sáng 18-10 (giờ địa phương), tại Cung điện Egmont ở thủ đô Brussels, Vương quốc Bỉ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng Thủ tướng Na Uy Erna Solberg là 2 nhà lãnh đạo ASEM được mời phát biểu chính tại Diễn đàn Doanh nghiệp Á -Âu (AEBF) lần thứ 16.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp song phương Thủ tướng Na Uy, Erna Solberg bên lề ASEM 12. Ảnh: Thống Nhất - TTXVN

Hai điểm sáng của tăng trưởng toàn cầu

Phát biểu tại diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, châu Á và châu Âu nổi lên là 2 điểm sáng của tăng trưởng và liên kết kinh tế toàn cầu.  Châu Á là một trung tâm kết nối toàn cầu, trong đó ASEAN, ngay từ 2011 đã triển khai “Kế hoạch tổng thể kết nối ASEAN”, với 3 nội hàm chính là kết nối hạ tầng, kết nối thể chế và kết nối con người.

Việc 2 châu lục cùng chủ động thúc đẩy đàm phán, ký kết nhiều Hiệp định Thương mại tự do (FTA) quy mô lớn đang mở ra cơ hội to lớn cho liên kết và phát triển. Thủ tướng cho rằng, trong bối cảnh những thách thức ngày càng phức tạp, đan xen, đây chính là thời điểm cần tăng cường hơn nữa sự kết nối để thúc đẩy tiến trình hợp tác và liên kết Á - Âu một cách hiệu quả, phục vụ đắc lực hơn nhu cầu của cộng đồng doanh nghiệp 2 châu lục, hướng tới sự phát triển bền vững, thịnh vượng chung.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đề xuất tăng cường kết nối chính phủ và doanh nghiệp. Với vai trò kiến tạo phát triển, các chính phủ tạo các cơ chế, chính sách thuận lợi, ký kết các thỏa thuận quốc tế, mở đường cho các doanh nghiệp định hướng kinh doanh. Các doanh nghiệp gắn kết các dự án đầu tư, kế hoạch kinh doanh với các phương hướng, kế hoạch phát triển quốc gia, tích cực hợp tác công tư về đầu tư cơ sở hạ tầng chất lượng cao, kết nối số, giáo dục, y tế, năng lượng, nông nghiệp, chế tạo, chế biến...

Tổ chức đối thoại định kỳ giữa lãnh đạo các nước và cộng đồng doanh nghiệp 2 châu lục Á, Âu trong các dịp hội nghị cấp cao ASEM để trao đổi sâu rộng về các vấn đề cùng quan tâm, phù hợp với lợi ích của 2 châu lục. Cùng với đó cần sớm đẩy mạnh hơn hoạt động của kênh Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEM và đối thoại giữa các Bộ trưởng Kinh tế với cộng đồng doanh nghiệp 2 châu lục nhằm triển khai hiệu quả các định hướng hợp tác kết nối ASEM trong thời gian tới. Thủ tướng cũng đề nghị chủ động kết nối doanh nghiệp với doanh nghiệp, phát triển quan hệ đối tác nhằm triển khai các thỏa thuận thương mại tự do giữa các nền kinh tế Á - Âu.

Thông tin với lãnh đạo các doanh nghiệp hàng đầu 2 châu lục về tình hình Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, với 16 FTA đã ký, đang đàm phán và sẽ triển khai trong thời gian tới, trong đó có các FTA thế hệ mới quan trọng như CPTPP, Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Việt Nam sẽ có quan hệ thương mại tự do ưu đãi cao với thị trường gần 60 quốc gia, đối tác lớn và là cơ hội đẩy mạnh kết nối, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị và mạng lưới cung ứng toàn cầu. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh các doanh nghiệp châu Âu có tiếng nói với các cơ quan của EU để Hiệp định EVFTA sớm được ký kết và đi vào thực thi.

Phát triển hợp tác Việt Nam - EU

Sáng cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có buổi hội kiến với Nhà vua Bỉ Philippe; tiếp nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Bỉ, Chủ tịch Nhóm các nghị sĩ đảng Dân chủ Thiên Chúa giáo Thượng viện Bỉ, Steven Vanackere, người có nhiều đóng góp vào việc thúc đẩy quan hệ hợp tác Việt Nam - Bỉ.

Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Bỉ, tại Brussels, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc gặp với Chủ tịch Hạ viện Bỉ Seigried Bracke. Ông Seigried Bracke đánh giá chuyến thăm Bỉ lần này của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Bỉ phát triển mạnh mẽ và khẳng định, Hạ viện Bỉ ủng hộ việc tăng cường sâu rộng hơn nữa hợp tác Việt Nam - Bỉ ở tất cả các cấp, ở cấp trung ương cũng như cấp vùng, cộng đồng.

Chủ tịch Seigried Bracke ủng hộ và khẳng định việc sớm ký và phê chuẩn EVFTA là lợi ích của tất cả các bên; việc ký kết hiệp định quan trọng này sẽ tạo động lực mạnh mẽ để thúc đẩy hợp tác kinh tế thương mại giữa Việt Nam với các quốc gia thành viên EU, trong đó có Bỉ.

Sau khi Ủy ban châu Âu thông qua thỏa thuận thương mại tự do với Việt Nam (EVFTA), chiều 17-10 giờ địa phương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp ông Bernd Lange, Chủ tịch Ủy ban Thương mại quốc tế của Nghị viện châu Âu (EP), cơ quan có vai trò rất quan trọng trong việc thúc đẩy EVFTA.

Trước đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng phu nhân và đoàn cấp cao Việt Nam đã đến thăm Đại sứ quán Việt Nam tại thủ đô Brussels, Vương quốc Bỉ. Tại đây, Thủ tướng đã gặp gỡ, nói chuyện với cán bộ, nhân viên đại sứ quán, các cơ quan đại diện của Việt Nam tại Brussels cùng cộng đồng người Việt và các du học sinh tại Bỉ.

TPHCM - Phần Lan: Thúc đẩy hợp tác trên nhiều lĩnh vực

Chiều 18-10, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong đã tiếp Bộ trưởng Kinh tế Phần Lan Mika Tapani Lintila. Chia sẻ tình hình phát triển kinh tế - xã hội của TPHCM, đồng chí Nguyễn Thành Phong cho biết, trong quá trình xây dựng và phát triển TPHCM trở thành một trung tâm kinh tế, tài chính, khoa học - công nghệ của khu vực, TPHCM ưu tiên phát triển xây dựng đô thị, ứng dụng công nghệ cao hay các dự án hợp phần của đề án xây dựng đô thị thông minh.

Đánh giá cao trình độ công nghệ và kinh nghiệm của các chuyên gia, doanh nghiệp Phần Lan trong lĩnh vực xử lý nước thải, biến chất thải thành năng lượng, xây dựng đô thị thông minh, đồng chí Nguyễn Thành Phong bày tỏ mong muốn doanh nghiệp Phần Lan cùng tham gia giải quyết những thách thức TPHCM đang phải đối mặt trong quá trình phát triển đô thị. 

Bộ trưởng Mika Tapani Lintila khẳng định, Phần Lan và TPHCM có rất nhiều tiềm năng hợp tác trong các lĩnh vực đổi mới sáng tạo, giải quyết các thách thức của quá trình đô thị hóa, biến đổi khí hậu hay các lĩnh vực Phần Lan có thế mạnh như an ninh mạng, số hóa giáo dục, công nghệ viễn thông, xử lý nước thải, biến chất thải thành năng lượng...

Nguồn SGGPO