BAOTAYNINH.VN trên Google News

Tàu Hải Dương địa chất 8 của Trung Quốc phải rút khỏi vùng biển Thềm lục địa Việt Nam 

Cập nhật ngày: 20/07/2019 - 20:17

BTNO - Hơn hai tuần qua, dư luận trong nước và thế giới đặc biệt quan tâm đến sự kiện tàu Hải Dương địa chất 8 của Trung Quốc ngang nhiên vi phạm chủ quyền Thềm lục địa của Việt Nam.

Hiện tại tàu Hải Dương địa chất 8 của Trung Quốc đang “án ngữ” tại khu vực Bãi cạn Tư Chính (Nhà giàn DK1) thuộc Thềm lục điạ Việt Nam. Hành động này không chỉ vi phạm trắng trợn chủ quyền, quyền tài phán và Công ước Quốc tế về Luật biển năm 1982 mà Trung Quốc là một thành viên tham gia ký kết; mà còn ảnh hưởng đến tình hữu nghị, mối quan hệ tốt đẹp truyền thống giữa hai dân tộc và quan điểm của lãnh đạo cấp cao hai nước, đe dọa đến nền hòa bình trên biển Đông và tự do hàng hải quốc tế.

Hơn hai tuần qua, dư luận trong nước và thế giới đặc biệt quan tâm đến sự có mặt “không mời mà đến” của tàu Hải Dương địa chất 8 Trung Quốc, khi ngang nhiên vi phạm chủ quyền Thềm lục địa của Việt Nam. Sự có mặt của con tàu “không mời mà đến” này thực sự càng chứng tỏ mưu đồ độc chiếm biển Đông và dã tâm thực hiện “đường 9 đoạn” của Bắc Kinh.

Tàu Trung Quốc phun vòi rồng vào Tàu Kiểm ngư Việt Nam trong sự kiện “Hải dương 981” bốn năm trước- Ảnh Lê Văn Thành

Bãi cạn Tư Chính là lãnh thổ hoàn toàn nằm trong Thềm lục địa của Việt Nam, nơi có Nhà giàn DK1 Tư Chính tồn tại 30 năm qua và có những người lính Hải quân Vùng 2 đang canh giữ chủ quyền của đất Việt.

Sự kiện Trung Quốc đem tàu Hải Dương địa chất 8 đến Bãi cạn Tư chính thuộc Thềm lục địa của Việt Nam là động thái thách thức dư luận toàn cầu, đe dọa đến nền hòa bình ổn định trên biển Đông, nhất là các nước có liên quan đến chủ quyền vùng biển trong khu vực, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tự do hàng hải thế giới.

Cũng thời điểm này 4 năm trước, Trung Quốc đã ngang ngược điều tàu Hải Dương 981 xuống vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam. Sau thời gian “kiên trì đấu tranh” bằng các biện pháp hòa bình và bị thế giới lên án, Trung Quốc buộc phải rút giàn khoan Hải Dương 981 ra khỏi vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam.

Mặc dù sự kiện đó đã lùi vào dĩ vãng, song những việc Trung Quốc đã làm là coi thường, bất chấp luật pháp quốc tế, bất chấp Công ước Luật Biển 1982, do chính họ tham gia, ký kết.

Tàu Hải Dương địa chất 8 là con tàu thuộc sở hữu của Cơ quan Khảo sát địa chất Trung Quốc (China Geological Survey - CGS), theo thông tin từ chính website cơ quan này. Theo thông số của CGS, tàu Hải Dương địa chất 8 được chế tạo năm 2017, rộng 20,4m, dài 88m. Con tàu nặng 2.368 tấn và có tổng trọng tải 6.918 tấn.

Trước việc nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc có hành vi vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và Thềm lục địa Việt Nam ở khu vực phía nam Bãi cạn Tư Chính, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng đã khẳng định lập trường nhất quán của Việt Nam là kiên quyết, kiên trì đấu tranh bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, Công ước của LHQ về Luật biển 1982 trước bất cứ hành vi nào xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam trên các vùng biển được xác định phù hợp với Công ước của LHQ về Luật biển 1982.

Bà Hằng cũng nhấn mạnh: “Việt Nam đã tiếp xúc nhiều lần với phía Trung Quốc ở các kênh khác nhau, trao công hàm phản đối, kiên quyết yêu cầu chấm dứt ngay các hành vi vi phạm, rút toàn bộ tàu ra khỏi vùng biển Việt Nam.Việt Nam yêu cầu Trung Quốc tôn trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam vì quan hệ hai nước và ổn định, hòa bình ở khu vực.

Các lực lượng chức năng trên biển của Việt Nam tiếp tục triển khai nhiều biện pháp phù hợp thực thi chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán một cách hòa bình, đúng pháp luật nhằm bảo vệ vùng biển Việt Nam. Do đó, Việt Nam mong muốn các nước liên quan và cộng đồng quốc tế cùng nỗ lực đóng góp nhằm bảo vệ và duy trì lợi ích chung này”.

Mai Thắng


Liên kết hữu ích