BAOTAYNINH.VN trên Google News

Tây Ninh - 180 năm giữ vẹn chính danh, rạng ngời chính nghĩa

Cập nhật ngày: 09/09/2016 - 07:43

TRẦN LƯU QUANG

Uỷ viên Trung ương Đảng - Bí thư Tỉnh uỷ

Theo các sách sử còn lưu lại từ nửa đầu thế kỷ XIX, mùa Thu năm Bính Thân 1836, năm Minh Mạng thứ 17 triều đại nhà Nguyễn, tên gọi Tây Ninh chính thức ra đời, thể hiện ước vọng an lạc, khang ninh của người dân vùng rừng núi biên cương phía Tây Nam nước Việt. Phủ Tây Ninh là một trong 3 phủ của tỉnh  Gia Định, một trong lục tỉnh Nam Kỳ, phần cuối của công cuộc mở mang bờ cõi về phương Nam của tổ tiên ta vốn đã diễn ra từ hàng trăm năm trước đó, vào khoảng giữa thế kỷ XVII.

Từ mùa Thu ấy đến nay, trải qua 180 năm với biết bao thay đổi thăng trầm của lịch sử, Tây Ninh từ đơn vị cấp phủ - trên huyện, dưới tỉnh - đã được nâng lên thành tỉnh vào năm cuối thế kỷ XIX. Suốt 180 năm ấy, Tây Ninh là một trong rất ít tỉnh, thành trên cả nước giữ nguyên tên gọi chính danh của quê hương mình; ngoại trừ giai đoạn cuối cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp tái xâm lược nước ta, Tây Ninh tạm thời sáp nhập với tỉnh Gia Định thành tỉnh Gia Ninh; nhưng cũng chỉ có 4 năm - từ năm 1951 đến năm 1954, sau đó phần lãnh thổ Tây Ninh trước khi sáp nhập được trả lại chính danh và giữ nguyên cho đến bây giờ.

Hình thành đơn vị hành chính cấp phủ chưa được bao lâu, sáu tỉnh Nam kỳ rơi vào tay thực dân Pháp, phủ Tây Ninh trở thành một hạt, một khu tham biện, rồi sau là một tỉnh của bộ máy hành chính thuộc địa Nam kỳ - Cochinchine, hay còn gọi là Đông Dương thuộc Pháp. Thế nhưng, nhân dân các dân tộc ở Tây Ninh, dù trong tay không có tàu đồng, súng lớn, chỉ có giáo mác thô sơ vẫn không cam tâm khuất phục ngoại bang xâm lược, đã liên tục đứng lên quyết đánh đuổi giặc. Từ vị quan Tham tán quân vụ Khâm Tấn Tường do triều đình nhà Nguyễn bổ nhiệm ở phủ Tây Ninh không tuân hành lệnh bãi binh của triều đình đã rút quân về An Cơ (huyện Châu Thành) chiêu mộ nghĩa quân, mua sắm vũ khí, lương thực, bám lấy địa hình rừng rậm, quyết tâm chống giặc, đến những nghĩa sĩ xuất thân là nông dân, có ý chí bất khuất như lãnh binh Tòng, lãnh binh Két đã phục kích đánh Pháp nhiều trận oanh liệt, gây cho địch nhiều tổn thất nặng nề. Oanh liệt nhất là lực lượng nghĩa quân Trương Quyền, cháu của Bình Tây Đại nguyên soái Trương Định, sau khi Trương Định hy sinh ở Gò Công, Trương Quyền đã đưa quân lên vùng rừng núi Tây Ninh phối hợp với nghĩa quân Khmer của Pukumpo đánh Pháp. Điển hình như trận đánh của liên quân Việt - Khmer ngày 7.6.1866 tiêu diệt viên quan trấn nhậm Tây Ninh đầu tiên của thực dân Pháp là Đại uý De Larclauze tại bến Trường Đổi, cách lỵ sở trung tâm của chính quyền thuộc Pháp ở Tây Ninh chỉ vài cây số…

Đó là những trang sử rất đẹp của ông cha ta trong những ngày đầu chống giặc Pháp xâm lược. Tuy nhiên, do thế và lực không đủ mạnh để xua đuổi giặc ra khỏi quê hương, đất nước, nghĩa quân không địch nổi với đội quân xâm lược nhà nghề nên bọn chúng đã áp đặt được bộ máy cai trị, tiến hành chính sách khai thác thuộc địa theo chủ nghĩa thực dân cũ tại tại phủ. Mặc dù vậy, Pháp vẫn không thể dập tắt lòng yêu nước, tinh thần bất khuất của người dân Tây Ninh. Trái lại, từ sự căm thù sâu sắc đối với quân cướp nước đã hình thành nên truyền thống đấu tranh chống ngoại xâm, giành độc lập dân tộc lưu truyền trong huyết quản các thế hệ người dân Tây Ninh.

Bước sang thế kỷ XX, Tây Ninh trở thành một tỉnh trong số 20 tỉnh Nam kỳ thuộc Pháp theo nghị định ký ngày 20.12.1899. Trước đó 10 năm, Pháp đã ký hiệp ước phân định biên giới với Vương quốc Campuchia, theo đó Pháp cắt một phần đất của Tây Ninh dọc theo “rạch Ngã Bát” cho Campuchia. Từ đấy địa giới hành chính tỉnh Tây Ninh duy trì trọn vẹn cho đến ngày nay. Như thế, tính từ khi được chính danh là phủ Tây Ninh, Tây Ninh đã có 180 năm hình thành và phát triển.

Theo kết quả khảo cổ học của Pháp đầu thế kỷ XX, cũng như kết quả đợt khảo cổ các di tích gò tháp ở Tây Ninh năm 1989 của Viện Khoa học xã hội Việt Nam và các nhà khoa học Liên Xô, đều xác định cộng đồng dân cư cổ xưa đã đến sinh cơ lập nghiệp trên đất Tây Ninh - Vàm Cỏ vào khoảng 2.000 năm trước Công nguyên với phương thức sản xuất nông nghiệp nương rẫy, đánh bắt thuỷ sản, nghề làm đồ gốm và một số nghề thủ công khác. Đến đầu Công nguyên, đồng bằng châu thổ sông Cửu Long dần trở thành vùng đất trù phú, văn minh vào bậc nhất Đông Nam Á (thế kỷ I - thế kỷ VII) với Nhà nước theo chế độ chính trị tôn giáo Ấn Độ mà sử xưa gọi là Phù Nam. Sau khi nước Phù Nam cổ đại suy yếu và sụp đổ, Tây Ninh cũng như nhiều vùng khác ở đồng bằng châu thổ sông Cửu Long trở thành”vùng đệm”, vùng tranh giành ảnh hưởng của các vương quốc lớn lúc bấy giờ (Angco, Champa, Java). Có lẽ vì vậy mà từ thế kỷ thứ IX trở về sau, cộng đồng dân cư ở vùng đất phồn thịnh một thời về kinh tế, rực rỡ về văn hoá đã phải lưu tán đến những vùng đất khác, khiến nơi đây trở thành hoang địa suốt nhiều thế kỷ.

Mãi đến đầu thế kỷ XVII, Tây Ninh vẫn còn là vùng rừng rậm hoang vu. Người Khmer di cư đến ở trước, sau đó người Việt cũng đến đây khai hoang lập ấp, làm ăn sinh sống. Hai dân tộc cùng hiếu hoà đã chung sống chan hoà, đoàn kết trên mảnh đất này từ trước khi Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh vâng mệnh chúa Nguyễn Phúc Chu vào miền Đồng Nai (xưa gọi là Nông Nại) ổn định tình hình, thiết lập bộ máy hành chính, lập phủ Gia Định với hai huyện Phước Long và Tân Bình. Đất Tây Ninh ngày nay trước chỉ là những thôn xóm nhỏ rời rạc của những lưu dân từ Đàng Ngoài vào Đàng Trong, xuôi về đất Nam kỳ định cư ở hai đơn vị hành chính nhỏ của phủ Gia Định là đạo Quang Phong và đạo Quang Hoá. Về phía người dân, chính từ sự chung sống chan hoà, thân ái, cùng giúp đỡ nhau khắc phục khó khăn nghiệt ngã của thiên nhiên vùng rừng hoang đầy thú dữ để sản xuất tạo nguồn sống, cùng chung lưng đấu cật chống lại nạn cướp bóc của thổ phỉ, rồi đến giặc ngoại xâm đã hình thành truyền thống đoàn kết, hữu nghị giữa hai dân tộc từ thời xa xưa, mà hoạt động liên quân giữa Trương Quyền và Pukumpo đoàn kết kháng Pháp là một minh chứng rõ ràng nhất.

Sống khổ ải, lầm than dưới ách đô hộ của thực dân Pháp, người dân Tây Ninh luôn nung nấu ý chí bất khuất, nuôi dưỡng lòng yêu quê hương đất nước cho đến khi có ánh sáng của Đảng Cộng sản Việt Nam soi rọi đến Tây Ninh bằng ngọn lửa Nam kỳ khởi nghĩa. Toàn dân Tây Ninh không phân biệt dân tộc, tôn giáo đã đoàn kết dưới ngọn cờ Việt Minh do Tỉnh uỷ lâm thời lãnh đạo, vùng lên hưởng ứng cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945 giành lấy chính quyền từ tay thực dân, phát - xít, xoá bỏ bộ máy cai trị thuộc Pháp, lập nên Uỷ ban Hành chính tỉnh Tây Ninh thuộc nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trịnh trọng đọc Tuyên ngôn độc lập ngày 2.9, khẳng định trước thế giới Tổ quốc Việt Nam ta đã vĩnh viễn xoá bỏ ách nô lệ của chế độ thực dân, phong kiến, trở thành một nước tự do và độc lập.

Thế nhưng, dã tâm xâm lược của thực dân Pháp vẫn chưa chấm hết, sau ngày Việt Nam độc lập không bao lâu, Pháp lại xâm lược nước ta một lần nữa. Và ngay sau khi chiếm Sài Gòn - Gia Định, bọn chúng lại rầm rộ kéo quân lên Tây Ninh. Thế là nhân dân Tây Ninh lại lên đường kháng chiến cứu nước. Lần này dù chỉ “nóp với giáo mang trên vai”, nhưng quân dân ta đã có ánh sáng của Đảng, của Bác Hồ soi đường chỉ lối, nên tuy không cản được bước tiến của giặc với xe tăng, đại pháo ở các mặt trận Suối Sâu, Trâm Vàng, Bến Kéo dọc theo quốc lộ 1 (nay là quốc lộ 22, 22B) từ Sài Gòn lên Tây Ninh, nhưng quân dân ta cũng đã cảnh báo với giặc lần này chúng đừng hòng khuất phục được dân tộc Việt Nam như cuộc xâm lược đầu tiên 80 năm về trước.

Rồi trong một đêm xuân năm Bính Tuất – 1946, 27 thanh niên nghĩa sĩ xứ Trảng Bàng đã tụ họp tại rừng Rong, một vị trí ở Bình Tịnh thôn thời khai cơ mở đất Tây Ninh, nay là xã An Tịnh, để mở hội thề quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Trong khi đó, Tỉnh uỷ lâm thời cùng với Uỷ ban Hành chính và các cơ quan, đoàn thể tỉnh đã kéo ra bưng biền bắt đầu cuộc kháng chiến. Đặc biệt, trong cuộc kháng chiến chống Pháp, đất Tây Ninh vinh dự được chọn làm nơi đứng chân của Xứ uỷ Nam bộ, sau là Trung ương Cục miền Nam, để lãnh đạo quân dân miền Nam kháng chiến đến khi thắng lợi. Sau Hiệp định Genève, ta giải phóng được phân nửa đất nước, miền Bắc trở thành hậu phương lớn, là chỗ dựa vững chắc để cách mạng miền Nam tiếp tục cuộc trường chinh giải phóng dân tộc, khi mà đế quốc Mỹ đã thay chân thực dân Pháp chiếm đóng miền Nam. Một lần nữa đất Tây Ninh lại được chọn làm nơi đứng chân của Trung ương Cục miền Nam, một bộ phận của Trung ương Đảng, cơ quan đầu não, lãnh đạo cuộc kháng chiến của nhân dân miền Nam.

Vì sao đất Tây Ninh, một vùng đất biên cương khô cằn, nắng cháy, rừng rậm đồng hoang lại được Trung ương tin tưởng, trú đóng từ đầu đến cuối cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc? Điều này đã được ông cha ta, những người có công khai hoang mở đất Tây Ninh lý giải, đó là nơi hội tụ cả “thiên thời, địa lợi, nhân hoà” để có thể làm nên nghiệp lớn. Ta hãy nghe lời của một vị lão thành cách mạng của Đảng bộ tỉnh Tây Ninh, cố Thiếu tướng Ngô Quang Nghĩa, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Công an, nguyên Uỷ viên Thường vụ Tỉnh uỷ, Giám đốc Công an tỉnh Tây Ninh kể trong tập hồi ký Căn cứ địa Bắc Tây Ninh trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước:

“…Việc đặt Căn cứ R ở Tây Ninh là sự sáng suốt, tinh nhạy trong ý đồ chiến lược của Trung ương Cục. Vì địa bàn Tây Ninh hội tụ nhiều yếu tố thuận lợi:

Yếu tố thứ nhất, dựa lưng vào chiến trường Campuchia. Từ thời kháng Pháp, ta và nước bạn Campuchia, nước bạn Lào đã là một chiến trường. Truyền thống đó gần như là quy luật tất yếu trong thế chân vạc để chiến thắng kẻ thù chung của ba nước Đông Dương…

Yếu tố thứ hai, đường giao liên giữa Tây Ninh đến Trung ương ở miền Bắc thông qua lãnh thổ Campuchia rất thoáng. Từ địa bàn Trung ương Cục ở Rùm Đuông, Chàng Riệc đến biên giới và quốc lộ 7 Campuchia chỉ 1km. Từ quốc lộ 7 đi lên Phnom  Penh chỉ mất hai tiếng đồng hồ, với giấy tờ hợp pháp có thể đi đường hàng không ra Hà Nội rất nhanh. Đồng chí Nguyễn Chí Thanh, đồng chí Lê Đức Thọ, đồng chí Phạm Hùng và nhiều cán bộ trung, cao cấp của Đảng thường đi lại giữa Hà Nội và Trung ương Cục bằng con đường này.

Yếu tố thứ ba, căn cứ chỉ cách Sài Gòn, trung tâm đầu não của địch 100km, có sông Sài Gòn, sông Vàm Cỏ Đông và quốc lộ 22, liên tỉnh lộ 19-26 (nay là đường tỉnh 782-784) tạo thành tuyến giao thông quan trọng để tạo yếu tố bất ngờ khi đánh vào đầu não địch. Căn cứ đặt ở vùng rừng đồng bằng, không đồi núi, tiếp giáp vùng ruộng rẫy phì nhiêu hai bên biên giới, nhân dân hai nước luôn nhiệt thành ủng hộ cách mạng, sẵn sàng tiếp tế lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm… vì vậy mặt hậu cần luôn được bảo đảm. Đó cũng là một yếu tố quan trọng giúp ta chiến thắng quân đội Mỹ.

Chọn Tây Ninh làm căn cứ Trung ương Cục là sự lựa chọn đúng đắn. Từ các ưu điểm lợi thế đó mà địch gọi Trung ương Cục là “Nhà Trắng”, là “Lầu Năm Góc” của Việt Cộng. Lịch sử đã đặt cho Tây Ninh phải đảm nhận vai trò căn cứ địa của cách mạng miền Nam đó là yếu tố khách quan, tất yếu không thể khác được…”.

Với mục tiêu tiêu diệt căn cứ này, quân Mỹ và nhiều nước đồng minh của Mỹ đổ hơn nửa triệu quân vào miền Nam Việt Nam trong giai đoạn chiến tranh cục bộ. Mùa khô năm 1966-1967, chúng đã mở những cuộc hành quân quy mô lớn nhất trong suốt cuộc chiến tranh, với 45.000 quân Mỹ, hàng ngàn chiến xa, đại pháo, hàng trăm phi cơ, mệnh danh là cuộc hành quân Junction City càn quét lên vùng Bắc Tây Ninh để hòng tìm diệt Trung ương Cục miền Nam. Trước tình thế đó, quân dân Tây Ninh đã hình thành thế trận bảo vệ Trung ương Cục từ xa và đã đánh cho chúng tan tác, trong khi chúng chẳng thấy bóng dáng một “Việt Cộng đầu não” nào ở khu căn cứ mệnh danh là R.

Đại thắng mùa xuân năm 1975, đất nước sạch bóng quân thù, cả nước ta ca khúc khải hoàn, trong khi đó Tây Ninh lại phải tiếp tục cầm súng chiến đấu chống bọn diệt chủng Pôn Pốt, giúp đất nước Chùa Tháp hồi sinh. Nghĩa cử này một lần nữa khẳng định tình đoàn kết hữu nghị giữa hai dân tộc, hai đất nước Việt Nam - Campuchia đời đời bền vững, mãi mãi trường tồn.

Cho đến năm 1980, cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc kết thúc, Đảng bộ và nhân dân Tây Ninh mới thực sự bắt tay vào khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng kinh tế, phát triển xã hội. Thế mà chỉ 5 năm sau, năm 1985, Tây Ninh đã xây dựng hoàn thành một công trình vĩ đại, lớn nhất vùng Đông Nam Á, công trình thuỷ nông Dầu Tiếng - Tây Ninh trên vùng đất chiến khu Dương Minh Châu năm xưa với diện tích mặt hồ 27.000 ha, chứa 1,5 tỷ mét khối nước, tưới cho hàng trăm ngàn ha cây trồng của Tây Ninh và cả những huyện ngoại thành thành phố Hồ Chí Minh, tức Sài Gòn - Gia Định năm xưa.

Tổng duyệt chương trình nghệ thuật “Tây Ninh 180 năm tình đất tình người”.

180 năm qua, từ một vùng đất hoang sơ, dân cư chỉ có hơn 11.000 người - theo số liệu điều tra ban đầu của chính quyền thuộc Pháp, đến nay dân số tỉnh Tây Ninh đã tăng gấp 100 lần với hơn 1,1 triệu nhân khẩu. Thế mà, từ chỗ phải đương đầu với thiên nhiên hà khắc ở nơi rừng thẳm, đến nay Tây Ninh chỉ còn rất ít hộ dân nghèo, phần lớn dân cư từ nông thôn đến thành thị đều có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, được học hành, được chăm sóc sức khoẻ, được hưởng đầy đủ quyền con người, quyền công dân của một nước tự do, độc lập. Đó là nhờ công ơn các bậc tiền nhân đã đội nắng dầm mưa, khai cơ lập nghiệp trên vùng đất này. Đó là nhờ bao thế hệ chiến sĩ, đồng bào Tây Ninh, cùng với biết bao người con ưu tú của nhân dân cả nước đã hy sinh xương máu tô thắm ngọn cờ chính nghĩa để cho Tây Ninh giữ vững chính danh trên vùng đất này. Công ơn ấy, người Tây Ninh hôm nay và các thế hệ mai sau mãi mãi không quên. 

T.L.Q


 
Liên kết hữu ích