Kinh tế   Công nghiệp – Dịch vụ

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Tây Ninh: Bảo đảm cung ứng hàng hóa dịp cuối năm và Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 

Cập nhật ngày: 22/01/2022 - 20:28

BTNO - Chỉ còn chưa đầy 2 tuần nữa là đã đến tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Để bảo đảm cân đối cung - cầu hàng hóa phục vụ tiêu dùng của nhân dân và ứng phó với dịch bệnh Covid-19 trong giai đoạn mới, các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX), cơ sở kinh doanh trên địa bàn tỉnh đã chủ động kế hoạch sản xuất, dự trữ hàng hóa phục vụ Tết, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, tăng giá đột biến và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Người dân mua sắm tết tại siêu thị Co.opMart Tây Ninh.

Nhiều đơn vị dự báo sức mua trong dịp Tết Nguyên đán sẽ tăng từ 15-20% so với ngày thường, do đó các đơn vị kinh doanh, phân phối hàng hóa trên địa bàn tỉnh đã chủ động xây dựng phương án bảo đảm đủ nguồn hàng phục vụ nhu cầu thị trường, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.  

Theo Sở Công thương, để chuẩn bị cho công tác phục vụ Tết được chu đáo, đầy đủ, nhất là các mặt hàng thiết yếu cho nhân dân vui xuân, mua sắm trong những ngày trước, trong và sau Tết. Các doanh nghiệp như: Nhà náy xuất khẩu gạo Tây Ninh, Công ty TNHH xuất nhập khẩu-thương mại-dịch vụ Hùng Duy, Siêu thị Co.opMart Tây Ninh,  hệ thống Bách hóa Xanh, Công ty xăng dầu Tây Ninh… đã dự trữ lượng hàng hóa tương đối đầy đủ, đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trong dịp Tết.

Cụ thể: gạo 4.500 tấn, nếp 1.500 tấn, đậu các loại 1.000 tấn, thịt heo hơi 1.000 tấn, thịt gia cầm các loại 450 tấn, thịt trâu bò 300 tấn, thủy sản các loại 300 tấn, trứng gia cầm 2.000 triệu quả, rau củ quả các loại 1.200 tấn; trái cây các loại: 1.100 tấn; dầu ăn 300.000 lít, đường cát 1.000 tấn, bia các loại 200.000 thùng, két; nước giải khát các loại: 15.000 thùng, két; xăng dầu 24.000 m3, khí dầu mỏ hóa lỏng (gas)  1.500 tấn,…

Hiện nay, giá cả một số mặt hàng lương thực, thực phẩm tương đối ổn định so với Tết nguyên đán Tân Sửu năm 2020 như:  Các loại bánh, kẹo chủ yếu là hàng hoá sản xuất trong nước, phong phú, đa dạng, mẫu mã đẹp ở mức giá từ 40.000 - 100.000đ/kg tùy từng loại và cơ sở sản xuất; Các loại đậu giá từ 25.000-42.000 đồng/kg tùy loại; Thịt gà ta (hơi) giá từ 90.000-120.000 đồng/kg tùy loại; Riêng mặt hàng thịt heo giá từ 52.000-150.000 đồng/kg tùy loại, so với cùng kỳ giảm 21.000-30.000 đồng/kg tùy loại.

Có mặt tại Siêu thị Co.opMart Tây Ninh vào ngày 20.1, chúng tôi ghi nhận các mặt hàng được trưng bày khá dồi dào, phong phú, đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân. Đồng thời, tại hầu hết các nhóm hàng, siêu thị đều triển khai các chương trình khuyến mãi, kích cầu tiêu dùng.

Theo Co.opMart Tây Ninh, để bảo đảm nhu cầu mua sắm của người dân, nhất là trước, trong Tết Nguyên đán, siêu thị đã lên kế hoạch dự trữ hàng hóa, bảo đảm nguồn cung cho người tiêu dùng. Bên cạnh đó, hệ thống siêu thị Co.opMart cũng triển khai các chương trình khuyến mại từ 10 - 50% đối với hàng trăm mặt hàng vừa để kích thích tiêu dùng của người dân vừa hỗ trợ, mang đến cho người tiêu dùng nguồn hàng chất lượng với giá ưu đãi nhất.

Thời điểm này, thị trường hàng hóa thiết yếu đối với thực phẩm chế biến trên địa bàn tương đối đa dạng; các cửa hàng, siêu thị đã đưa ra một số dịch vụ giỏ quà tặng, hộp quà tặng Tết, giao hàng tận nhà theo nhu cầu. 

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã khiến thu nhập của người dân bị sụt giảm, nên việc mua sắm tết năm nay nhiều người dân đã chọn mua những sản phẩm cần thiết trong sinh hoạt hàng ngày của gia đình và hàng hóa phục vụ phòng, chống dịch Covid-19.

Chị Lê Thị Thu Thủy, ngụ thành phố Tây Ninh cho biết, do thu nhập năm nay hạn chế nên gia đình chị chỉ mua những vật dụng cần thiết trong gia đình và hàng hóa  để chống dịch thôi. Thứ tự ưu tiên những thực phẩm thiết yếu hàng ngày, vật dụng cần thiết để chống dịch chứ không mua nhiều những đồ dùng ăn chơi tết như những năm trước.

Chị Hà Mỹ Xuân, ngụ xã Phước Vinh, huyện Châu Thành cũng cho biết, dù dịch bệnh vẫn còn phức tạp nhưng lương thực, thực phẩm sẽ không thiếu nên năm nay chị mua sắm tết vừa đủ dùng, tiết kiệm, không tích trữ vì thu nhập của gia đình kém hơn so với những năm trước đó. Do đó, chị Xuân chỉ mua những vật dụng thường dùng trong gia đình và ưu tiên chọn mua các sản phẩm phòng chống dịch Covid-19, thực phẩm bổ dưỡng, tăng cường sức khỏe.

Hiện nay các nhà vườn, HTX sản xuất trên địa bàn cũng đang đẩy mạnh sản xuất trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản để cung ứng cho thị trường, không để xảy ra đứt gãy nguồn cung hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người tiêu dùng trong dịp cuối năm 2021 và tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.

Người dân mua sắm tết tại siêu thị Co.opMart Tây Ninh.

Anh Nguyễn Văn Sol, hộ kinh doanh vận tải Phú Đô My (tại ấp 3, xã Suối Dây, huyện Tân Châu) cho biết: Sản phẩm na Hoàng hậu được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap. Hiện nay, anh Sol đang chăm sóc, dưỡng trái bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm để cung cấp hàng hóa đạt chất lượng cao về mẫu mã và chất lượng khi đưa ra thị trường dịp tết Nguyên đán 2022.

Song song đó, các ngành chức năng cũng đã và đang tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để bảo đảm chất lượng và an toàn thực phẩm cho hàng hóa bày bán tại siêu thị, cửa hàng, chợ dân sinh. Bảo đảm hàng hóa phải đáp ứng được các yêu cầu trong bộ tiêu chuẩn chung về an toàn thực phẩm.

Vũ Nguyệt