BAOTAYNINH.VN trên Google News

Đến năm 2030:

Tây Ninh có khoảng 16.000 - 18.000 nam giới khó tìm bạn đời 

Cập nhật ngày: 25/09/2017 - 06:10

BTN - Theo các chuyên gia về Dân số, với tỷ số giới tính khi sinh mất cân bằng như hiện nay, ước tính đến năm 2030, cả nước ta sẽ có khoảng 2,5 đến 3 triệu nam giới không thể có vợ, riêng ở Tây Ninh sẽ có khoảng 16.000 đến 18.000 nam giới không thể có vợ.

Cần đưa nội dung về mất cân bằng giới tính khi sinh vào giảng dạy tại các trường học. Ảnh: học sinh nam, nữ trong ngày khai giảng (ảnh KN).

Nhiều nguyên nhân…

Nguyên nhân đầu tiên của việc mất cân bằng giới tính khi sinh được ngành chức năng xác định, là do một bộ phận người dân có tư tưởng muốn sinh con trai để nối dõi và chăm sóc cha mẹ lúc tuổi già. Trước sự biến động của nền kinh tế thị trường, ngày nay, rất ít gia đình có nhu cầu sinh nhiều con.

Thông thường, họ chỉ sinh từ 1 đến 2 con để có điều kiện chăm sóc, nuôi dạy tốt hơn. Do đó, vấn đề lựa chọn giới tính khi sinh vẫn còn hiện hữu ở một số gia đình ngại đông con, nhưng vẫn muốn có con trai.

Việc lạm dụng dịch vụ siêu âm để xác định giới tính thai nhi cũng vô tình tiếp tay cho một số trường hợp muốn lựa chọn giới tính con trẻ. Trong khi đó, công tác quản lý của ngành chức năng trong hoạt động siêu âm và phá thai tại các cơ sở y tế tư nhân vẫn còn nhiều bất cập.

Qua khảo sát, hầu hết các cặp vợ chồng đều biết giới tính thai nhi trước khi sinh con. Ngoài ra, để có được con trai, một số cặp vợ chồng sẵn sàng áp dụng những biện pháp tạo giới tính theo kinh nghiệm dân gian,, hoặc chấp nhận tốn một khoản tiền không nhỏ để ứng dụng cả công nghệ y học hiện đại.

Một nguyên nhân nữa là do người dân chưa ý thức đươc hậu quả của tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, nhất là tại các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh.

Bên cạnh đó, trong những năm qua, ngành Dân số tỉnh ta chỉ quan tâm nhiều đến quy mô dân số, giảm tỷ suất sinh mà chưa tập trung vào truyền thông nâng cao chất lượng dân số, cụ thể là thay đổi nhận thức, hành vi về lựa chọn giới tính khi sinh.

Kết quả thực hiện công tác DS-KHHGĐ tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2011-2015 và năm 2016 cho thấy, tỷ suất sinh thô năm 2011 là 16,20%o, đến năm 2016 giảm còn 15,06%o; tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên vào năm 2011 là 6,98%, đến năm 2016 giảm còn 5,33%; tỷ lệ tăng dân số tự nhiên giai đoạn 2011 đến 2016 ổn định từ 0,897 - 0,87%; các biện pháp tránh thai hiện đại từ 70,06% trở lên, đạt và vượt chỉ tiêu đề ra hằng năm.

… và những hệ luỵ lâu dài

Trước thực trạng mất cân bằng giới tính khi sinh xảy ra trên địa bàn tỉnh hiện nay, nếu ngành chức năng không kịp đề ra những biện pháp kịp thời khắc phục sẽ gây khó khăn, thách thức lâu dài đối với công tác DS-KHHGĐ; đồng thời tác động tiêu cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội, để lại hậu quả xấu cho gia đình và cộng đồng. Tỷ số giới tính khi sinh tăng cao hoặc thấp đều sẽ tác động đến tỷ số giới tính của các nhóm tuổi và toàn bộ dân số.

Theo đó, trong tương lai, chế độ “một vợ, một chồng” nhưng với số nam nhiều hơn nữ thì việc kết hôn của nam, nữ thanh niên sẽ không thể thuận lợi, có thể xảy ra tình trạng tranh giành trong hôn nhân, kết hôn muộn, thậm chí không thể kết hôn do khó hoặc không tìm được bạn đời.

Theo các chuyên gia về Dân số, với tỷ số giới tính khi sinh mất cân bằng như hiện nay, ước tính đến năm 2030, cả nước ta sẽ có khoảng 2,5 đến 3 triệu nam giới không thể có vợ, riêng ở Tây Ninh sẽ có khoảng 16.000 đến 18.000 nam giới không thể có vợ.

Mất cân bằng giới tính khi sinh còn làm gia tăng các loại tội phạm xã hội như lừa đảo, bắt cóc, buôn bán trẻ em gái và phụ nữ. Ngoài ra, phụ nữ có thể bị ép buộc sinh thêm con, ép buộc phá thai khi thai nhi là gái, bị ruồng bỏ khi không sinh được con trai; nhiều khả năng phụ nữ phải kết hôn sớm, tình trạng ly hôn và tái hôn của phụ nữ tăng cao...

 Nhiều hậu quả khác về kinh tế-xã hội và nhân khẩu học cũng sẽ xảy ra, trong đó, đáng báo động là vấn đề bất bình đẳng giới, vai trò của người phụ nữ trong xã hội ngày càng bị hạn chế.

Cần sự chung tay của toàn xã hội

Để kéo giảm tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh đòi hỏi phải có sự chung tay của toàn xã hội. Nhiệm vụ của ngành Dân số tỉnh là tích cực truyền thông nâng cao nhận thức của người dân trong việc lựa chọn giới tính khi sinh.

Nhằm kiểm soát và kéo giảm tình trạng mất cân bằng giới tính trên địa bàn tỉnh, ngày 15.3.2017, UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2017-2020.

Mục tiêu của Đề án là từng bước khống chế có hiệu quả tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh của tỉnh, tiến tới đưa tỷ số giới tính khi sinh trở lại mức cân bằng tự nhiên. Mục tiêu cụ thể là giảm tốc độ tăng tỷ số giới tính khi sinh xuống dưới mức 0,46%/năm và đạt dưới mức 115 bé trai/100 bé gái vào năm 2020.

Đề án được triển khai tại 95 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh, bắt đầu thực hiện từ năm 2017 đến năm 2020 với tổng kinh phí dự kiến hơn 22 tỷ đồng, bao gồm ngân sách Trung ương và địa phương.

Các hoạt động cụ thể của Đề án gồm: khảo sát và đánh giá tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh; tổ chức các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi đối với công tác kiểm soát mất cân bằng giới tính; cung cấp thông tin, tài liệu, sản phẩm truyền thông; đưa nội dung về mất cân bằng giới tính khi sinh vào chương trình giảng dạy tại các trường học; xây dựng, thử nghiệm các mô hình tuyên truyền, góc sinh hoạt, câu lạc bộ về giới và bình đẳng giới; nâng cao hiệu lực thực thi pháp luật về nghiêm cấm các hình thức lựa chọn giới tính thai nhi...

Trong đó, nổi bật là việc thực hiện các chính sách khuyến khích, hỗ trợ nhằm nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ và trẻ em gái trong gia đình, cộng đồng và xã hội. Chính sách khuyến khích dành cho các cặp vợ chồng sinh con gái một bề thuộc hộ nghèo, cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, người dân đang sống tại các xã vùng sâu, biên giới và các cặp vợ chồng sinh con gái một bề khi hết tuổi lao động nhưng không có lương hưu.

Bên cạnh Đề án Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2017-2020 của UBND tỉnh, vừa qua, Sở Y tế đã ban hành quyết định phê duyệt kế hoạch thực hiện Chương trình hành động truyền thông chuyển đổi hành vi về dân số và phát triển giai đoạn 2017-2020 của tỉnh.

Mục tiêu của Kế hoạch này là đẩy mạnh công tác vận động, giáo dục, truyền thông thay đổi hành vi về dân số và phát triển; tạo sự đồng thuận, ủng hộ của toàn xã hội, góp phần thực hiện các mục tiêu toàn diện về quy mô, cơ cấu, phân bổ, chất lượng dân số và phát huy lợi thế, thích ứng với dân số để phát triển bền vững kinh tế-xã hội.

Kế hoạch cũng chú tâm vào mục tiêu tăng cường hiểu biết và thay đổi hành vi về kiểm soát mất cân bằng giới tính, tạo dư luận xã hội ủng hộ những người phát hiện, ngăn chặn các hành vi lựa chọn giới tính thai nhi, góp phần giảm mất cân bằng giới tính khi sinh.

Mới đây, trong hội nghị triển khai Đề án, kế hoạch trọng tâm của ngành Dân số tỉnh giai đoạn 2017-2020 do Sở Y tế tổ chức, nhiều cán bộ lãnh đạo sở, ban, ngành, đoàn thể cho rằng, việc kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh là một nhiệm vụ khó khăn, chỉ có thể tập trung vào truyền thông là chính.

Mất cân bằng giới tính khi sinh đã và đang là vấn đề quan trọng được ngành Dân số và UBND tỉnh đặc biệt quan tâm.

Theo số liệu thống kê từ Chi cục Dân số - Kế hoạch hoá gia đình (DS-KHHGĐ), giai đoạn 2011 - 2015, tỷ số giới tính khi sinh của tỉnh dao động nhẹ trong khoảng từ 111,89 đến 111,98 bé trai/100 bé gái.

Sang năm 2016, tỷ số giới tính tăng lên 112,27 bé trai/100 bé gái, tăng 0,29% so với năm 2015. Tuy tỷ lệ này vẫn nằm trong giới hạn tăng cho phép của ngành chức năng, nhưng thực tế lại vượt quá mức bình thường (103-106 bé trai/100 nữ).

Hiện nay, ngành chức năng khó phát hiện cũng như xử phạt người phá thai do lựa chọn giới tính khi sinh. Nguyên do là việc thực hiện các quy định của pháp luật nghiêm cấm tuyên truyền, phổ biến phương pháp tạo giới tính thai nhi và các văn bản quy định chuyên ngành về các dịch vụ kỹ thuật y học có liên quan đến lựa chọn giới tính thai nhi, còn nhiều bất cập, nhất là công tác quản lý dịch vụ siêu âm và phá thai tại các cơ sở y tế tư nhân.

Một số ý kiến khác cho rằng, ngày nay tỷ lệ vô sinh ở nam, nữ ngày càng nhiều. Việc biết trước giới tính thai nhi chỉ nhằm mục đích giúp cho gia đình chuẩn bị phụ kiện đi sinh theo đúng giới tính sẵn có của bé. Mất cân bằng giới tính khi sinh không loại trừ khả năng do tỷ lệ tự nhiên. Do đó, việc kiểm soát và điều chỉnh tỷ số giới tính khi sinh trong thời gian tới sẽ khó khăn hơn.

Bác sĩ Đặng Tấn Thành- Chi cục Trưởng Chi cục DS-KHHGĐ cho biết, tới đây, Chi cục sẽ phối hợp với UBND, Trung tâm DS-KHHGĐ, Trung tâm Y tế và Phòng Văn hoá - Thông tin các huyện, thành phố tổ chức kiểm tra và yêu cầu các cơ sở y tế tư nhân có liên quan đến dịch vụ khám, siêu âm thai ký cam kết không thực hiện công bố giới tính thai nhi. Nếu vi phạm sẽ xử phạt theo Nghị định số 176/2013/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.

Lê Thuỳ