Kinh tế   Nông - lâm - thủy sản

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Tây Ninh: Dự kiến giảm sản lượng đường do ảnh hưởng thời tiết

Cập nhật ngày: 26/12/2016 - 18:00

Theo đó, vụ chế biến năm nay, các nhà máy đường thành viên trực thuộc Công ty Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh chỉ đặt mục tiêu sản xuất 186.513 tấn đường thành phẩm, giảm 12.606 tấn (7%) so với vụ chế biến 2015-2016. Trong đó, nhà máy đường Thành Thành Công (TTCS Tây Ninh) sản xuất 168.013 tấn, Nước Trong 18.500 tấn. Riêng nhà máy đường Biên Hòa - Tây Ninh phấn đấu sản xuất 33.800 tấn đường thô để đưa về TTCS Tây Ninh tinh luyện.

Dây chuyền tiếp nhận nguyên liệu mía đưa vào chế biến của Nhà máy đường TTCS Tây Ninh.

Ông Nguyễn Việt Hùng, Phó Tổng Giám đốc nguyên liệu, thuộc TTCS cho biết, trong tổng số khoảng 22.000 ha mía thuộc vùng đầu tư nguyên liệu của các nhà máy, thì năm nay có khoảng 11.000 ha bị ngập, trong đó có khoảng 8.000 ha ngập nặng. Do bị nước ngập lâu ngày nên nhiều diện tích mía bị đỗ ngã, sâu bệnh tấn công, mía khô, chết dần. Từ đó, năng suất mía và chất lượng chữ đường (CCS) cũng giảm đáng kể.

Do ảnh hưởng của tình hình thời tiết kể trên, phần thiệt hại lớn nhất thuộc về người trồng mía. Ông Nguyễn Văn Triển (sinh năm 1955 ở ấp Suối Muồn, xã Thái Bình, huyện Châu Thành) cho biết, ông có hợp đồng trồng 230 ha mía cho nhà máy đường TTCS Tây Ninh (đất hợp đồng bên Campuchia). Cũng như các hộ nông dân trồng mía khác, toàn bộ diện tích mía của ông cũng bị ngập nặng, đường sá vận chuyển khó khăn (nước ngập không thu hoạch, vận chuyển được), phải lùi thời gian thu hoạch chậm hơn 15 ngày, nên phần nào cũng ảnh hưởng đến năng suất, cây mía khô dần, do quá lứa thu hoạch.

Ông Triển nhẩm tính, theo giá thu mua hiện thời của nhà máy là 1 triệu đồng (10 CCS), kèm theo điều kiện bao tối thiểu 8 CCS, sau khi trừ chi phí tiền thuê đất, phí đầu tư, công đốn chặt... thì ông phải chịu lỗ khoảng 15 triệu đồng/ha mía.

Nhiều vùng nguyên liệu mía bị ngập lâu ngày như xã Hòa Hiệp (huyện Tân Biên), Bình Thạnh (huyện Trảng Bàng), Tân Hội (huyện Tân Châu), sau khi thu hoạch nông dân phải phá bỏ mía gốc trước thời hạn để trồng lại do mía bị thối gốc. Đến nay, chỉ tính riêng vùng nguyên liệu mía của nhà máy đường Nước Trong ở xã Tân Hội, huyện Tân Châu, đã có khoảng 200 ha phải phá bỏ mía gốc trước thời hạn để trồng lại.

Để giảm bớt những khó khăn của người trồng mía trong vụ này, ông Nguyễn Việt Hùng cho biết, với quan điểm nông dân và nhà máy đường cùng đồng hành tồn tại, kể từ ngày 9.12, khi nhà máy đường TTCS Tây Ninh bắt đầu tiếp nhận mía để đưa vào chế biến, Công ty đã ưu tiên cho thu hoạch sớm đối với những diện tích bị thiệt hại nặng phải bỏ mía gốc trước thời hạn, để nông dân làm đất trồng lại kịp thời vụ, đồng thời Công ty đang phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tây Ninh tiến hành khảo sát, đánh giá mức độ thiệt hại của từng vùng, từng diện tích để có chính sách hỗ trợ cho nông dân.

Bên cạnh đó, nhà máy cũng đưa ra chính sách thu mua thích hợp nhằm bảo đảm người trồng mía có lãi từ 20 đến 30 triệu đồng/ha, trong điều kiện năng suất mía đạt trung bình 70 tấn/ha.

Lê Đức Hoảnh


 
Liên kết hữu ích