BAOTAYNINH.VN trên Google News

Tây Ninh thiệt hại nặng nề do mưa lũ

Cập nhật ngày: 02/11/2016 - 07:48

Bà con nhận cứu trợ tại ấp Rạch Tre, xã Biên Giới, huyện Châu Thành (Ảnh: Đại Dương).

Điều đáng quan tâm là mưa lũ làm khá nhiều đường giao thông ở các địa phương bị ngập, một số tuyến đường bị ngập nặng, nước không thoát nhanh khiến một số khu dân cư bị cô lập (điển hình như khu dân cư ấp Rạch Tre, xã Biên Giới, huyện Châu Thành); một số tuyến đường bị sạt lở, hư hỏng, người dân đi lại rất khó khăn.

Ngay từ khi mưa lũ xảy ra, các địa phương trong tỉnh nhanh chóng triển khai công tác khắc phục hậu quả, như: trích ngân sách để tổ chức thăm hỏi, động viên gia đình có người bị chết, hỗ trợ hộ dân có nhà bị thiệt hại nặng, cứu trợ kịp thời lương thực và các nhu yếu phẩm thiết yếu cho nhân dân vùng bị lũ lụt cô lập. Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN) các huyện đánh giá, thống kê thiệt hại tại địa phương, hướng dẫn bà con tranh thủ những ngày thời tiết nắng ráo thu hoạch nhanh diện tích lúa, hoa màu, cây trồng còn lại; bảo vệ diện tích nuôi trồng thuỷ sản, cây trồng chưa đến kỳ thu hoạch; chuẩn bị giống cho sản xuất nông nghiệp để kịp thời khắc phục hậu quả mưa lũ.

Tại huyện Tân Biên, Ban chỉ huy PCTT và TKCN thị trấn Tân Biên chỉ đạo lực lượng công an, quân sự khoảng 15 người trực tiếp đến các điểm ngập úng hỗ trợ bà con khơi thông dòng chảy, di dời tài sản đến nơi khô ráo. Lãnh đạo huyện bố trí 1 xe cuốc đất, cùng với cán bộ chiến sĩ Đại đội 105 thuộc Ban CHQS huyện nạo vét hàng trăm mét cống thoát nước tại các khu phố 2, 3, 6.

Trong đợt mưa lũ cuối tháng 10, Châu Thành là địa phương bị thiệt hại nặng nhất về cả con người và tài sản. Hiện tại, 12/15 xã thuộc huyện đã và đang tiếp tục bị thiệt hại do mưa lũ. Đã có hơn 260 ha lúa bị ngập úng; 44 ha hoa màu bị thiệt hại hoàn toàn, hàng trăm ha hoa màu bị giảm năng suất từ 40 – 60% so với cùng kỳ năm trước. Sau lũ, nông dân huyện này lại gặp nhiều khó khăn khi tái sản xuất, nguyên nhân chủ yếu ngoài vấn đề về vốn, cây giống, còn có vấn đề là hệ quả của lũ lụt khiến tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Mưa lũ gây ngập úng nặng tại ấp Rạch Tre, xã Biên Giới, huyện Châu Thành (Ảnh: Đại Dương).

Cụ thể ở xã Trí Bình - địa phương có vùng chuyên canh rau khoảng 30 ha, mưa lũ làm hơn 3 ha bị mất trắng do rau bị ngập nước nhiều ngày gây thối rễ; khoảng 15 ha bị hư hại một phần, làm giảm năng suất cây trồng. Hiện nay, bà con nông dân Trí Bình bắt đầu xuống đồng khắc phục hậu quả, chuẩn bị cho vụ sản xuất mới. Tuy nhiên, do bị ngập úng nhiều ngày, đất còn khá “nhão” nên chưa thể canh tác được. Bà con nông dân dự đoán phải mất khoảng 1-2 tháng nữa mới có thể gieo trồng trở lại.

Châu Thành là địa phương bị thiệt hại nặng nhất về cả con người và tài sản. Hiện tại, 12/15 xã thuộc huyện đã và đang tiếp tục bị thiệt hại do mưa lũ. Mưa lũ đã làm hơn 260 ha lúa bị ngập úng; 44 ha hoa màu bị thiệt hại hoàn toàn, hàng trăm ha hoa màu bị giảm năng suất từ 40 – 60% so với cùng kỳ năm trước.

Gia đình anh Phan Văn Biện, ngụ ấp Xóm Mới 1, xã Trí Bình có khoảng 1.500m2 hoa màu gồm rau muống, hẹ, rau om, rau diếp cá đang cho thu hoạch đã bị ngập úng, toàn bộ thành quả của gia đình anh Biện suốt mấy tháng qua đã bị cuốn theo con nước. Một vài luống rau muống, rau om nổi lên trên mặt nước là những gì gia đình anh còn vớt vát được. Hiện nay nước đang rút nhưng gia đình anh Biện vẫn chưa thể gieo trồng vì đất còn ẩm nhiều. Anh Biện cho biết: “Đất này phải vài tháng nữa mới có thể gieo trồng lại, lúc ấy lại phải lo phân bón, thuốc bảo vệ thực vật để đối phó với tình hình sâu bệnh diễn biến phức tạp, hiện nay ốc bươu và ốc sên ở ruộng rất nhiều, các loại ốc này phá hoại cây trồng rất nhanh. Những năm trước không ngập lụt, khoảng lúc này tôi thu từ hoa màu được khoảng 15 triệu đồng. Nhưng giờ hỏng hết rồi, chỉ cứu lại được rất ít”.

Gia đình bà Hoàng Thị Ngắm, ngụ ấp Xóm Mới 1, cũng là một nông hộ bị thiệt hại nặng nề. Hiện nay, đất của gia đình bà vẫn chưa rút hết nước nên chưa thể tái sản xuất. Bà Ngắm than thở: “Đợt mưa vừa rồi lớn quá, thiệt hại cho bà con chúng tôi rất nặng, nước ngập làm rau màu hư hại hết. Chắc chắn cuộc sống của chúng tôi không tránh khỏi khó khăn nhiều mặt. Trước đây khi nước chưa ngập, gia đình tôi có thu nhập từ 100.000 – 150.000 đồng/ngày, từ khi mưa lũ đến nay tôi mất thu nhập. Và từ nay đến khi đất ráo để canh tác, chúng tôi hoàn toàn không có thu nhập, khiến cuộc sống hết sức khó khăn”.

Để có hướng giúp đỡ bà con tái sản xuất, ông Mai Văn Công- Chủ tịch Hội Nông dân xã Trí Bình cho biết: “Sắp tới,  Hội Nông dân xã sẽ tham mưu cho Đảng uỷ, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể thực hiện nhiều giải pháp để tạo điều kiện cho nông dân an tâm canh tác các loại rau. Bên cạnh đó, liên hệ với ngành chuyên môn hướng dẫn nông dân tái canh tác rau màu sau lũ. Ngoài ra, Hội sẽ tích cực phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng NN&PTNT tạo điều kiện cho nông dân vay vốn sản xuất, tái sản xuất”.

Vườn rau nhà bà Hoàng Thị Ngắm hầu như bị mất trắng.

Ngoài xã Trí Bình, nhiều xã khác trên địa bàn huyện Châu Thành có tập quán canh tác rau cũng bị thiệt hại nặng như Ninh Điền, Phước Vinh, Thái Bình… Ở các xã này, nông dân bắt đầu tái sản xuất và đều gặp nhiều khó khăn về nguồn vốn, về cách khắc phục các loại sâu bệnh.

Gia đình bà Nguyễn Thị Tươi, ngụ ấp Bình Phong, xã Thái Bình, có khoảng 2.000m2 hoa màu bị ngập nước, gia đình bà bị thiệt hại ước tính khoảng 20 triệu đồng. Hiện nay gia đình không còn vốn sản xuất nên bà Tươi đang làm thủ tục phải vay vốn tín dụng nhà nước để đầu tư làm giàn lưới, cọc, phân bón, cải tạo đất tiếp tục trồng lại hoa màu.

Trước những thiệt hại nặng do mưa lũ gây ra, ông Phạm Đình Giản- Phó Trưởng Phòng NN&PTNT Châu Thành cho biết: “Ở những vùng ngập úng nặng, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão huyện đã chỉ đạo địa phương vận động bà con nạo vét kênh mương thoát nước để nước rút sớm, nhanh chóng phục hồi sản xuất. Về tái sản xuất, ngay khi nước rút, lãnh đạo huyện Châu Thành đã chỉ đạo các xã thành lập tổ đi đánh giá tình hình thiệt hại của bà con, để trình UBND tỉnh xin chủ trương, biện pháp hỗ trợ bà con tái sản xuất. Với những hộ bị thiệt hại lớn, không có điều kiện tái sản xuất thì huyện sẽ hỗ trợ giống để bà con tái sản xuất”.

Ước tính thiệt hại do mưa lũ gây ra trong tháng 10 tại 4 huyện Dương Minh Châu, Trảng Bàng, Tân Châu, Bến Cầu gần 7 tỷ đồng, nâng mức thiệt hại luỹ kế từ đầu năm lên gần 11 tỷ đồng. Các huyện còn lại chưa thống kê ước tính thiệt hại.

Vũ Nguyệt