BAOTAYNINH.VN trên Google News

Phát triển nguồn nhân lực:

Tây Ninh thiếu lao động trình độ cao 

Cập nhật ngày: 30/03/2018 - 05:49

BTN - Sau khi thực hiện cuộc giám sát các sở, ngành chức năng, ngày 26.3, Hội đồng nhân dân tỉnh làm việc với Uỷ ban nhân dân tỉnh về công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2011-2020. Qua giám sát cho thấy, có nhiều vấn đề liên quan đến công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực như giữa quy hoạch và thực tế có sự vênh nhau; lực lượng lao động, quản lý có trình độ chuyên môn cao chưa nhiều, hệ thống đào tạo nghề còn nhiều bất cập...

Công nhân một nhà máy dệt trong khu công nghiệp Phước Đông. Ảnh: Hoàng Thái

DỊCH CHUYỂN LAO ĐỘNG

Báo cáo kết quả thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu về quy hoạch phát triển nhân lực, UBND tỉnh cho biết, từ năm 2011 đến nay, công tác đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ công chức các cấp đã từng bước đi vào nề nếp theo yêu cầu chuẩn hoá, nâng cao chất lượng phục vụ.

Các cấp, các ngành liên quan đã chú trọng đào tạo cán bộ diện quy hoạch gắn với phát hiện, trọng dụng, phát huy nhân tài để xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo. Số liệu thống kê thể hiện, từ năm 2010 đến tháng 6 năm 2017, toàn tỉnh đã bồi dưỡng, đào tạo cho gần 20.000 lượt cán bộ.

Trong đó, những người có trình độ sau đại học tham gia bồi dưỡng trên 1.000 lượt; những người làm công tác chuyên môn nghiệp vụ có trình độ đại học, cao đẳng đã tham gia học tập, bồi dưỡng hơn 2.300 lượt. Đối với cán bộ công chức cấp xã, đã có hơn 1.000 người được cập nhật kiến thức theo chương trình, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng của các cấp, các ngành. Tính đến thời điểm hiện nay, có trên 95% công chức cấp xã đạt tiêu chuẩn chức danh theo quy định.

Liên quan đến việc thực hiện 3 đề án của tỉnh, UBND tỉnh cho biết, đề án tạo nguồn chức danh bí thư đảng uỷ, chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2010-2020 đã tổ chức được hai lớp với 65 học viên. Đề án đào tạo cán bộ, công chức, viên chức trình độ sau đại học tại các cơ sở đào tạo ở nước ngoài giai đoạn 2010-2015, tỉnh đã cử đi học và hỗ trợ kinh phí cho 2 trường hợp học tiến sĩ ở Trung Quốc, một trường hợp học tiến sĩ ở Úc.

Về đề án đào tạo học sinh, sinh viên đại học, sau đại học giai đoạn 2010-2015, có 6 sinh viên theo học đại học và 5 người theo học thạc sĩ. Từ năm 2010-2017, tỉnh đã chi ra 70 tỷ đồng từ nguồn ngân sách để phục vụ cho công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp.

Trong thời gian qua, một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tham gia đào tạo nghề cho lực lượng lao động như lái xe, kế toán doanh nghiệp, tin học văn phòng. Đối với đào tạo nghề tại các khu kinh tế, khu công nghiệp, phần lớn lao động ở đây là lao động phổ thông, vốn là nông dân, lực lượng này được doanh nghiệp đào tạo và sử dụng ngay trên dây chuyền sản xuất.

Nhóm lao động có trình độ quản lý, trình độ kỹ thuật cao hầu hết là từ các địa phương khác đến hoặc do người nước ngoài đảm trách. Tính đến năm 2017, số lao động trong nước làm việc tại khu kinh tế, khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh hơn 107.000 người.

Trong số đó, người có bằng cấp đại học, cao đẳng chiếm tỷ lệ khiêm tốn với 4,4%, còn lại có trình độ từ trung cấp trở xuống. Gần 10 năm qua, lực lượng lao động đang có sự dịch chuyển theo hướng tích cực từ nông thôn sang thành thị.

Số liệu thống kê cho thấy, trong giai đoạn 2012-2015, đã có gần 100.000 lao động dịch chuyển từ lĩnh vực sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản sang các ngành khác.

Các hoạt động sản xuất công nghiệp, xây dựng thương mại và dịch vụ đã thu hút một lực lượng đáng kể lao động làm việc trong các khách sạn, siêu thị, nhà hàng, khu công nghiệp tập trung.

Thực hiện chính sách đào tạo và thu hút nhân tài, từ năm 2011 đến nay, tỉnh đã hỗ trợ kinh phí và cử đi học sau đại học cho hơn 1.000 trường hợp, thu hút 28 trường hợp tốt nghiệp đại học loại giỏi và tốt nghiệp thạc sĩ về công tác tại các sở, ban, ngành cấp tỉnh.

Thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển và thu hút nguồn nhân lực trong ngành Y tế, tỉnh đã cử đi đào tạo sau đại học cho hơn 100 bác sĩ y khoa và chuyên khoa cấp I, II; trên 200 bác sĩ, dược sĩ, cử nhân chuyên ngành y tế được đào tạo liên thông đại học. Cùng với đó, tỉnh đã thu hút được 18 bác sĩ về công tác.

Đánh giá chung về công tác phát triển nguồn nhân lực trong thời gian qua, ngoài những thuận lợi, UBND tỉnh cho biết, những hạn chế, khó khăn cũng còn nhiều. Lực lượng lao động phổ thông dôi dư, thiếu lao động kỹ thuật trình độ cao. Mạng lưới giáo dục đào tạo và dạy nghề, số lượng cơ sở dạy nghề có tăng, nhưng so với các địa phương trong cả nước, việc đầu tư phát triển trường đại học, trường nghề chất lượng cao còn chậm.

Hoạt động dạy nghề trong thời gian qua chỉ dựa trên năng lực thực tế của các cơ sở dạy nghề, tức là chỉ đào tạo những gì mình có chứ chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động. Điều đó dẫn đến tình trạng nguồn cung ứng lao động qua đào tạo cho doanh nghiệp vừa thừa lại vừa thiếu.

Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn cũng còn nhiều hạn chế, bộ phận người lao động chưa tích cực tham gia học nghề; việc tiêu thụ sản phẩm làm ra từ học nghề cũng gặp nhiều khó khăn. Một số địa phương chưa quan tâm, quản lý học viên sau khi học nghề, chưa xây dựng mô hình đào tạo gắn liền với việc làm.

Sự kết nối giữa các doanh nghiệp, trang trại, hộ sản xuất kinh doanh để giới thiệu việc làm cho học viên sau khi học nghề còn nhiều hạn chế, phần lớn học viên tự tìm việc làm sau khi học. Các cơ quan liên quan chưa thống kê và chưa đánh giá được kết quả nhân lực đã qua đào tạo theo bậc đào tạo, nhân lực qua đào tạo ở các ngành, các lĩnh vực để làm cơ sở dự báo cung cầu lao động.

Sinh viên nhận bằng đại học.

THEO NHU CẦU HAY THEO QUY HOẠCH ?

Phát biểu ý kiến tại buổi làm việc với UBND tỉnh, bà Phan Thị Điệp, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh nhận định, công tác đào tạo chỉ chạy theo nhu cầu của người học, chưa tuân thủ theo quy hoạch (số người theo học ngành luật và kế toán ở trung tâm giáo dục thường xuyên quá nhiều).

Như thế, theo bà Điệp, việc đánh giá các trung tâm giáo dục thường xuyên hoạt động có hiệu quả là không có cơ sở. Về giải pháp khắc phục hạn chế, giải pháp nêu ra còn chung chung, do vậy, cần căn cứ vào quy hoạch chung phát triển giáo dục để từ đó đưa ra giải pháp có tính khả thi. “Có nên điều chỉnh quy hoạch không, nếu không làm thế nào để khắc phục những hạn chế báo cáo nêu ra?”- bà Điệp đặt vấn đề. 

Ông Lê Anh Tuấn, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh đề nghị xem xét lại tính khả thi của bản quy hoạch, nếu có nội dung nào không khả thi phải điều chỉnh. Liên quan công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, ông Tuấn kiến nghị không nên mở lớp như lâu nay, thay vào đó, sau khi đã xác định được người học, hãy cấp tiền cho họ tự đi học.

Giải trình về sự thiếu nhất quán của các con số trong báo cáo, ông Bùi Công Sơn, Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư cho biết, cơ quan này là nơi tổng hợp các báo cáo, dữ liệu của các sở, ban, ngành khác gửi về nên “có thể có những con số không hoàn toàn chính xác”.

Về tính khả thi của quy hoạch phát triển nguồn nhân lực, theo ông Sơn, bối cảnh xây dựng quy hoạch khi đó (năm 2011) đã khác xa so với hiện nay. Về kế hoạch thành lập hai trường đại học như trong quy hoạch, ông Sơn cho hay, sẽ đánh giá lại.

Tuy nhiên, dẫn lời một lãnh đạo tỉnh, ông Sơn cho rằng, việc chưa thành lập được trường đại học có khi lại là cái hay, vì “nếu thành lập, không biết có người học hay không”. Riêng đề xuất xem xét điều chỉnh lại quy hoạch, không nên thực hiện việc này, vì chỉ còn vài năm nữa là đến năm 2020 (thời hạn cuối thực hiện bản quy hoạch).

Tại buổi giám sát, ông Nguyễn Thanh Ngọc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đề nghị các sở, ban, ngành có liên quan “nói thẳng sự thật”.

Ông cho biết, có một thực tế là tính khả thi của nhiều bản quy hoạch còn thấp. Mặt khác, đã gọi là quy hoạch thì có tính mở, không nên cứng nhắc về những con số. Đánh giá thực hiện quy hoạch, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, ông Ngọc nhận định, cơ bản đội ngũ cán bộ công chức trên địa bàn tỉnh đã được chuẩn hoá.

Về chuyện quá nhiều người theo học ngành luật tại trung tâm giáo dục thường xuyên, không nên quá lo lắng, vì có nhiều người am hiểu pháp luật cũng tốt. Đề cập những hạn chế, ông nhìn nhận, chuyện đào tạo nghề còn nhiều bất cập. Xã hội hoá trong lĩnh vực đào tạo và giáo dục nghề nghiệp cũng còn nhiều khó khăn, vì nhà đầu tư phải tối đa hoá lợi nhuận, họ chỉ muốn tìm đất công (đất sạch) để xây dựng, hạn chế đền bù giải toả.

Kết luận tại buổi làm việc, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thành Tâm đánh giá công tác triển khai quy hoạch đã đạt được thành quả. Giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, giáo dục nghề nghiệp đã đáp ứng, phục vụ cho nhu cầu phát triển kinh tế.

Sự phát triển kinh tế của tỉnh đã tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động, số người thất nghiệp giảm, năng suất lao động có tăng. Nhiều chương trình mục tiêu quốc gia như đào tạo nghề cho lao động nông thôn, chương trình giải quyết việc làm, chương trình giảm nghèo đã góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động.

Tuy nhiên, lao động ở Tây Ninh phần lớn vẫn là lao động phổ thông với nhiều hạn chế, năng suất lao động còn thấp. Tây Ninh còn thiếu nguồn lao động chất lượng, có trình độ cao, đa số những người điều hành trong doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là những người của địa phương khác.

Đầu tư cho giáo dục mầm non cũng chưa thật hoàn thiện, chất lượng giáo dục phổ thông chưa cải thiện được bao nhiêu. Công tác đào tạo nghề chưa bám sát quy hoạch, còn nhiều bất cập, số lao động được cấp chứng chỉ nghề thấp hơn mức trung bình cả nước. Cơ chế, chính sách để đào tạo và phát triển nguồn nhân lực cũng chưa đầy đủ, việc kêu gọi đầu tư xã hội hoá trong lĩnh vực đào tạo và dạy nghề chưa thu được kết quả như kỳ vọng.

Ông Nguyễn Thành Tâm đề nghị UBND tỉnh đánh giá toàn diện kết quả thực hiện quy hoạch, nêu rõ trách nhiệm của cơ quan, đơn vị liên quan để khắc phục những hạn chế. Ông cũng đề nghị UBND tỉnh tổ chức sơ kết, đánh giá việc thực hiện quy hoạch một cách toàn diện, khách quan, từ đó có định hướng phát triển cho địa phương.

VIỆT ĐÔNG


 
Liên kết hữu ích