Kinh tế   Nông thôn mới

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Thi đua xây dựng nông thôn mới:

Tây Ninh vượt chỉ tiêu Nghị quyết về số xã đạt chuẩn 

Cập nhật ngày: 20/11/2019 - 17:12

BTN - Đến tháng 9.2019, đã có 36 xã được công nhận đạt chuẩn NTM (trong đó có 8 xã biên giới), chiếm 45% số xã toàn tỉnh. Theo kế hoạch của UBND tỉnh và Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh, năm 2019 sẽ có thêm 6 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, nâng tổng số xã đạt chuẩn lên 42 xã (đạt 52,5% tổng số xã trên địa bàn tỉnh), vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X.

Một tuyến đường giao thông nông thôn ở Châu Thành (ảnh minh hoạ).

Thực hiện Quyết định số 1620/QĐ-TTg ngày 20.9.2011 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành kế hoạch tổ chức thực hiện phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” và hướng dẫn của Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), ngày 8.11.2011, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 112/KH-UBND về phát động phong trào thi đua “Tây Ninh chung sức xây dựng nông thôn mới”.

Ngày 26.4.2012, Tỉnh uỷ ban hành chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh về phát triển NTM gắn với phát triển đô thị và bố trí các điểm dân cư; phát triển công nghiệp, dịch vụ và làng nghề trên địa bàn tỉnh đến năm 2015; tập trung phát động phong trào thi đua thực hiện 3 chương trình đột phá: xây dựng kết cấu hạ tầng; phát triển nguồn nhân lực; cải cách hành chính, tạo tiền đề quan trọng trong thực hiện các tiêu chí xây dựng NTM trên địa bàn các xã, góp phần thúc đẩy thực hiện thắng lợi Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 7, khoá X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và “Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới”.

Hưởng ứng phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” do Thủ tướng Chính phủ phát động, xác định đây là phong trào thi đua lớn, quan trọng, mang tính thiết thực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương, UBND tỉnh đã tổ chức lễ phát động phong trào thi đua “Tây Ninh chung sức xây dựng nông thôn mới” và chọn 25 xã làm điểm để tập trung chỉ đạo, rút kinh nghiệm. Đồng thời, UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành trong tỉnh phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, khơi dậy tinh thần thi đua yêu nước của các tầng lớp nhân dân và huy động nguồn lực tham gia xây dựng NTM của các thành phần kinh tế.

Trên cơ sở chỉ đạo của tỉnh, các ngành, địa phương đã tổ chức phát động phong trào thi đua với mục đích, yêu cầu, nội dung, tiêu chuẩn, đối tượng cụ thể. Phong trào thi đua chung sức xây dựng NTM được phát động rộng khắp ở cả 3 cấp tỉnh, huyện, xã, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức, vận động nhân dân tham gia thực hiện.

Các đơn vị sở, ngành, địa phương tập trung thi đua nâng cao chất lượng tham mưu, chú trọng tính hiệu quả trong hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, triển khai các đề tài, dự án, mô hình mới thực hiện phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân, nông thôn…; thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền; triển khai đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn, trang bị cho người dân những kiến thức cơ bản trong trồng trọt, chăn nuôi.

Ngành Nông nghiệp đẩy mạnh thực hiện mô hình liên kết thâm canh lúa theo hướng VietGAP, cánh đồng lớn; liên kết với các doanh nghiệp kinh doanh vật tư nông nghiệp uy tín, chất lượng để cung ứng vật tư đầu vào cho nông dân; tăng cường đầu tư hệ thống các công trình thuỷ lợi phục vụ tưới, tiêu cho sản xuất nông nghiệp, thực hiện kiên cố, nạo vét kênh mương. Ngành Giao thông Vận tải đẩy mạnh thu hút nguồn lực đầu tư phát triền giao thông nông thôn- được xác định làm khâu đột phá, đáp ứng nhu cầu đi lại và phục vụ sản xuất của người dân.

Trong giai đoạn 2016-2020, nội dung trọng tâm các phong trào thi đua là thực hiện nhiệm vụ chính trị gắn với việc đẩy mạnh “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, triển khai thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua “Tây Ninh chung sức xây dựng nông thôn mới” gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” trên địa bàn tỉnh.

Từ khi triển khai thực hiện đến nay, phong trào thi đua “Tây Ninh chung sức xây dựng nông thôn mới” đã thực sự đi vào đời sống người dân, tạo khí thế mới, khích lệ nông dân hăng hái thi đua lao động sản xuất; các cơ chế, chính sách đầu tư, hỗ trợ đã phát huy tác dụng tích cực. Kết quả thực hiện các phong trào, các cuộc vận động đã góp phần tích cực vào việc xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, xây dựng các thiết chế văn hoá, giảm tỷ lệ hộ nghèo, cải thiện mức sống của người dân tại khu vực nông thôn.

Qua phong trào thi đua đã xuất hiện nhiều mô hình, điển hình tiên tiến trong lao động sản xuất phát triển kinh tế để thoát nghèo và vươn lên làm giàu chính đáng; hiến đất làm các công trình công cộng; đóng góp công sức lao động xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn. Khoảng cách chênh lệch giữa khu vực nông thôn và thành thị trong tỉnh từng bước được rút ngắn.

Đến tháng 9.2019, đã có 36 xã được công nhận đạt chuẩn NTM (trong đó có 8 xã biên giới), chiếm 45% số xã toàn tỉnh. Theo kế hoạch của UBND tỉnh và Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh, năm 2019 sẽ có thêm 6 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, nâng tổng số xã đạt chuẩn lên 42 xã (đạt 52,5% tổng số xã trên địa bàn tỉnh), vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X (chỉ tiêu đạt 50% tổng số xã). 

Một tuyến kênh vừa được đầu tư (ảnh minh hoạ).

Ngay khi bắt tay vào thực hiện xây dựng NTM, Ban Chỉ đạo tỉnh đã xác định: nguồn lực quan trọng để xây dựng chương trình này là “sức dân”, sự đồng lòng của nhân dân mới là yếu tố quyết định đến sự thành công của phong trào. Và để nhân dân đồng lòng tham gia, công tác tuyên truyền đã được quan tâm, tập trung thực hiện. Đây là nội dung quan trọng nhằm thay đổi, nâng cao nhận thức về chương trình, huy động sự tham gia của toàn xã hội, đặc biệt là nâng cao vai trò chủ thể của người dân trong tham gia phong trào. 

Các sở, ban, ngành tỉnh và các địa phương tích cực tuyên truyền, vận động người dân tham gia công tác xây dựng NTM với phương châm “Xây dựng nông thôn mới là dựa vào nội lực của cộng đồng dân cư, phát huy tốt dân chủ”, làm rõ những nội dung Nhà nước đầu tư, hỗ trợ và những nội dung nhân dân, cộng đồng, doanh nghiệp đóng góp để thực hiện gắn với việc phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội ở nông thôn. Đồng thời, các cơ quan, ban, ngành của tỉnh đã thực hiện các chương trình, hướng dẫn cho nông dân về chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất; hỗ trợ phong trào thanh niên lập nghiệp… tạo niềm tin, khát vọng cho thanh niên vào sự nghiệp xây dựng NTM...

Tỉnh đã lồng ghép các chương trình khác vào nội dung của phong trào thi đua xây dựng NTM như Chương trình 135, chương trình hỗ trợ nhà ở, đặc biệt là chương trình dạy nghề cho lao động nông thôn. Các lớp dạy nghề, trang bị cho người dân những kiến thức cơ bản trong trồng trọt, chăn nuôi, giúp làm giàu trên quê hương. Sau 10 năm triển khai thực hiện, nhiều chính sách giảm nghèo, giải quyết việc làm được triển khai đồng bộ, tạo điều kiện giải quyết việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống hộ nghèo, làm thay đổi đáng kể diện mạo ở nông thôn, đặc biệt là xã vùng biên giới.

ĐÌNH CHUNG