BAOTAYNINH.VN trên Google News

Viết ngắn

Tết Đoan Ngọ nhớ hương vị bánh xèo 

Cập nhật ngày: 09/06/2019 - 18:23

BTN - Về Tây Ninh ngày Tết Ðoan Ngọ, bạn hãy cùng “đi vườn”, hái trái hoà mình vào không khí thiên nhiên trong lành, náo nhiệt của xứ sở mến khách. Và hãy cùng thưởng thức một món ăn dân dã nhưng vô cùng độc đáo, mang tên “bánh xèo”.

Tết Ðoan Ngọ (mùng 5 tháng 5 âm lịch) tồn tại từ lâu trong văn hoá phương Ðông và có ảnh hưởng đến sinh hoạt văn hoá nhiều nước, trong đó có Việt Nam. Người dân Nam bộ ăn Tết Ðoan Ngọ rất đơn giản nhưng ý nghĩa, người ta còn gọi là tết nửa năm, cầu mong công việc thuận lợi, mùa màng tốt tươi, cây trái sai quả. Về Tây Ninh ngày Tết Ðoan Ngọ, bạn hãy cùng “đi vườn”, hái trái hoà mình vào không khí thiên nhiên trong lành, náo nhiệt của xứ sở mến khách. Và hãy cùng thưởng thức một món ăn dân dã nhưng vô cùng độc đáo, mang tên “bánh xèo”.

Mùng 5 tháng 5, người dân Tây Ninh quê tôi vui vẻ sum họp gia đình sau nửa năm tất bật với cuộc sống, cùng chuẩn bị các món ăn truyền thống cúng tổ tiên. Trong các món ăn ấy, bánh xèo là món được yêu thích nhất và cũng là món không thể thiếu trong ngày trọng đại này. Bởi lúc này là mùa măng tre và nấm mối, hai nguyên liệu làm nên hương vị thơm ngon, đặc biệt cho bánh xèo. Và cũng bởi một điều rất riêng là làm bánh xèo phải nhiều người mới vui, ăn bánh xèo phải đông người mới ngon.

Ngày nay, bánh xèo được “cách tân” với bột pha sẵn rất tiện lợi. Muốn ăn bánh xèo chỉ cần mua bột và các nguyên liệu sẵn có là đổ bánh được ngay. Nguyên liệu cũng được biến tấu cho phù hợp với khẩu vị người ăn, song hương vị bánh xèo là không thay đổi. Bánh xèo càng thơm ngon đậm đà hơn khi ăn cùng với rau sống quanh vườn như: lá cóc, lá lốt, bằng lăng, rau nhái, rau thơm... chấm cùng nước mắm chua ngọt.

Ăn bánh xèo phải ăn bằng tay mới đúng điệu. Bánh vừa lấy ra khỏi chảo còn nóng hôi hổi, lấy tay xé một miếng bánh vàng ruộm với đầy đủ nhân, cuốn với các loại rau sống đã chuẩn bị, chấm vào chén nước mắm chua ngọt, đưa lên miệng... tức thì bao nhiêu hương vị mặn, ngọt, chua, cay như thay nhau đánh thức toàn bộ vị giác của người thưởng thức. Ôi, chỉ có thể thốt lên: “Quá đã!”.

 Ăn bánh xèo bằng tất cả các giác quan. Tai ta nghe tiếng bột “xèo” trên mặt chảo nóng, nghe tiếng rôm rốp, giòn tan khi bẻ và nhai bánh; mũi hít hà hương thơm của bánh, của các loại rau; mắt quan sát đủ sắc màu: vàng óng của bánh, xanh mượt mà của rau và đỏ au của nước mắm ớt. Ăn một cuốn bánh xèo là đang thưởng thức một món ăn đơn sơ mà tinh tế. Cái hồn quê bảng lảng trên mặt bánh vàng rộm. Hương vị quê nhà ẩn chứa ý tình trong từng miếng bánh, cọng rau. Ai đã thưởng thức một lần thì không thể nào quên cho được, để khi đi xa mỗi lần thấy bánh xèo như thấy quê mình mà tìm về.

Nhắc đến bánh xèo, tôi nhớ ngày còn nhỏ, mùng 5 tháng 5 năm nào nhà nội tôi cũng đổ bánh xèo. Tất cả con cháu, dâu rể đều về quây quần, tụ tập cùng làm. Sáng sớm, ông nội xách xô gạo đã ngâm từ đêm qua ra xay bột, chiếc cối đá quay đều dưới tay ông. Ba tôi và chú thay nhau xay bột với ông. Bởi nhà đông con cháu nên năm nào ông cũng ngâm một thùng gạo mới, ông nói “để con cháu ăn cho đã”.

Thấy ba và chú xay dễ dàng, tôi cũng xin thử, nhưng kỳ lạ thay, chiếc cối cứ ì ra mặc dù tôi đã cố hết sức. Những lúc đó, ông cười thật hiền nói với tôi: “Cái cối này nặng lắm, con không quay nổi đâu, để lớn chút ông chỉ cho nghen chưa”. Tôi chỉ có việc múc gạo bỏ vào cối. Trong lúc đó, mấy cô tôi đi hái rau ngoài vườn, mẹ tôi và thím xắt măng chuẩn bị làm nhân bánh.

Nhân bánh rất đa dạng, có năm là thịt ba chỉ xắt sợi, có năm là tép đồng, năm nào có nấm mối càng ngon. Tất cả xào vừa chín rồi trộn chung cho hương vị hoà quyện vào nhau. Muốn bánh ngon, khâu pha bột là rất quan trọng để cho ra cái bánh vừa béo, vừa bùi. Nội tôi kỹ tính nên thường tự tay pha bột, để bột nghệ sao cho màu vàng đặc trưng của bánh xèo hoà với hành lá cắt nhuyễn tạo thành màu vàng ươm bắt mắt.

Pha nước chấm bánh xèo cũng là một nghệ thuật, bác Hai gái là người đảm trách khâu này. Chén nước mắm sóng sánh, tỏi ớt nổi đều trên mặt, vị chua ngọt vừa ăn. Nhìn con cháu quây quần, nội tôi cười hạnh phúc: “Mai này chỉ mong con cháu lúc nào cũng sum họp, hoà thuận bên nhau”.

Nhớ quê, nhớ nội, nhớ ba, nhớ chiếc bánh xèo ngày xưa ấy. Nhưng tất cả chỉ còn lại trong ký ức bởi nội và ba tôi đã về miền tiên cảnh, để lại trong lòng tôi bao thương nhớ khôn nguôi. Ruộng lúa nhà nội giờ lên liếp lập vườn. Tiếng cối xay bột trở thành thanh âm dĩ vãng. Bụi tre sau nhà khô gốc từ ngày nội đi xa.

Mùng 5 tháng 5 năm nay, tôi sẽ về nhà cùng mẹ đổ những chiếc bánh xèo thơm phức, cùng đàn em quây quần bên bếp. Ðể mắt mẹ nheo cười khi chúng con reo vang: “Mới nhìn mẹ pha bột thôi là tụi con thèm bánh xèo rồi đó”. Ðể nghe tiếng mẹ mắng yêu: “Cha mầy, ăn từ từ kẻo phỏng nghen con!”.

Ðỗ Thu Trang