BAOTAYNINH.VN trên Google News

Tham nhũng "vặt" đã thành nét văn hoá xấu xí của người Việt 

Cập nhật ngày: 14/11/2018 - 10:09

Tham nhũng "vặt" thực sự đã làm tha hoá, biến chất nhiều công chức và lâu dần đã thành nét văn hoá xấu xí của người Việt. Tuy nhiên, xử lý loại tội phạm này không dễ vì số lượng rất đông, diễn ra mọi lúc, mọi nơi và trong nhiều lĩnh vực..

Chiều 13-11, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường các báo cáo về công tác của Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát Nhân dân Tối cao năm 2018; công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2018. Đáng chú ý, rất nhiều đại biểu lo lắng về tội phạm ma túy, tội phạm buôn bán người, nạn tham nhũng...

Theo ĐB Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp), tham nhũng "vặt" là loại tội phạm nhũng nhiễu, tiêu cực trong khu vực hành chính, dịch vụ công gây bức xúc với người dân và doanh nghiệp trong thời gian qua.

Nếu các nhóm tham nhũng trục lợi chính sách làm suy kiệt nền kinh tế thì tham nhũng "vặt" với số lượng đông đảo cũng có một sức gây hại rất lớn đối với đời sống kinh tế xã hội và đặc biệt đã làm giảm lòng tin của người dân với bộ máy công quyền.

“Đến mức mà hành vi của loại tội phạm tham nhũng "vặt" như đưa phong bì lót tay, hoặc nhờ người chạy trường, chạy việc, chay điểm, chạy chức, chạy án đã trở thành thói quen”, Nguyễn Thị Mai Hoa nói.

ĐB Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp)

Theo Nguyễn Thị Mai Hoa, tham nhũng "vặt" thực sự đã làm tha hoá, biến chất nhiều công chức và lâu dần đã thành nét văn hoá xấu xí của người Việt. Tuy nhiên, xử lý loại tội phạm này không dễ vì số lượng rất đông, diễn ra mọi lúc, mọi nơi và trong nhiều lĩnh vực.

ĐB Nguyễn Thị Mai Hoa đề nghị cần có sự nghiên cứu, đánh giá một cách tổng thể và làm rõ nguyên nhân, tác hại cũng như có giải pháp để ngăn chặn loại tội phạm này. Cần tăng cường tuyên truyền thể thay đổi tư duy, thái độ của mỗi người Việt đối với tội phạm tham nhũng "vặt". Không coi những biểu hiện của tham nhũng "vặt" như lót tay, chung chi, bôi trơn trở thành tất yếu trong giao dịch với lực lượng chấp pháp. Kiên quyết nói không với tiếp tay cho tham nhũng.

ĐB Nguyễn Thị Mai Hoa cũng nhấn mạnh, cần công phá tư tưởng lợi ích nhóm, có những quy định cụ thể để dễ nhận diện, xử lý tội phạm tham nhũng vặt trong bộ máy công quyền. Đẩy nhanh cải cách hành chính, hạn chế cơ hội tiếp xúc của người dân với công chức thi hành công vụ. Công khai, minh bạch, thắt chặt công tác cán bộ. Bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của công dân với công tác cán bộ. Chuyển sang hình thức thi tuyển các chức danh bổ nhiệm theo nhiệm kỳ, rèn luyện đạo đức công vụ cũng như trách nhiệm nghề nghiệp để mỗi cán bộ xứng đáng là công bộc của nhân dân.

Theo ĐB Nguyễn Thị Mai Hoa, đây là giải pháp thanh lọc bộ máy công quyền để tiến tới không còn tham nhũng "vặt". Cùng với đó, cần cải cách nhanh công tác tiền lương gắn với tăng cường trách nhiệm công vụ của công chức, thực hiện công khai, minh bạch việc kê khai tài sản, thu nhập cá nhân theo quy định. Năm 2018 chỉ tiến hành xác minh 44 người, có 6 trường hợp vi phạm chiếm 13,6%. “Nếu xác minh 1.136.902 người trong diện kê khai thì con số vi phạm sẽ không nhỏ”, ĐB Nguyễn Thị Mai Hoa nói.

ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) cũng cho rằng tham nhũng đang diễn ra khắp nơi, tồn tại ở ngay cả những người thực thi pháp luật, đó là điều rất nguy hiểm.

ĐB cho rằng, người đứng đầu phải tỏ rõ quyết tâm phòng chống tham  nhũng, không để vợ con, anh em lợi dụng chức vụ quyền hạn để làm ăn bất chính. Thực hiện nghiêm đúng việc kê khai tài sản. Cùng với đó, phải tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, điều tra để phát hiện tham nhũng. 

Dẫn ra hàng loạt các vụ mà dân bức xúc, “khởi tố rồi để đó” khiến dân bức xúc, ĐB Nguyễn Ngọc Phương cho rằng, lực lượng thực thi chức năng cần phải quyết liệt hơn trong nhiệm vụ của mình để lấy lại lòng tin của dân.  

ĐB Mai Sĩ Diến (Thanh Hóa) cảnh báo: đang có sự cấu kết giữa những người có tiền-quyền, thậm chí là tiền-quyền-xã hội đen để tham nhũng, tiêu cực, cần triệt tiêu điều này.

Nguồn SGGPO