Xã hội   Giáo dục

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Kết quả triển khai thực hiện một số đề án của ngành giáo dục:

Thành công nhưng vẫn lo 

Cập nhật ngày: 10/05/2018 - 11:25

BTN - Gần 10 năm qua, ngành Giáo dục tỉnh nhà đã xây dựng và ban hành nhiều đề án để phát triển theo từng lĩnh vực. Mỗi đề án thường được thực hiện trong khoảng thời gian nhất định tuỳ vào tính chất, quy mô của đề án đó. Vừa qua, lãnh đạo Sở GD-ÐT Tây Ninh đã có những đánh giá, nhìn nhận lại việc thực hiện một số đề án của ngành.

Học sinh Trường THCS Lý Tự Trọng (Hoà Thành) trong buổi sinh hoạt câu lạc bộ môn Tiếng Anh.

Trước hết là đề án xây dựng trường chuẩn quốc gia giai đoạn 2011-2015 và giai đoạn 2016-2020. Theo đề án, trong giai đoạn 2011-2015, tỉnh xây dựng 130 trường đạt chuẩn quốc gia, trong đó có 27 trường mầm non, 50 trường tiểu học, 37 trường THCS và 16 trường THPT. Kết quả cho thấy, chỉ có 15/130 trường trong giai đoạn này đạt chuẩn, tỷ lệ chưa đến 12%. 

Theo lãnh đạo Sở GD-ÐT, để đạt được đồng thời hai nhiệm vụ (vừa đạt được chỉ tiêu xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia vừa đạt được tiêu chí xây dựng cơ sở vật chất theo bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới), UBND tỉnh đã chỉ đạo tập trung thực hiện xây dựng trường chuẩn quốc gia lồng ghép xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, để đạt được cả hai tiêu chí đó cần nguồn kinh phí khá lớn. Tính đến cuối năm 2017, toàn tỉnh có 107 trường đạt chuẩn quốc gia từ mầm non cho đến THPT, 48 trường đạt chuẩn cơ sở vật chất theo tiêu chí xã nông thôn mới.

Ðề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi là đề án được thực hiện theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ vào năm 2010. Trên cơ sở quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Sở GD-ÐT đã tham mưu UBND tỉnh ban hành các quyết định và kế hoạch thực hiện đề án nêu trên.

Kết quả thực hiện cho thấy, sau hơn 6 năm triển khai phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, Tây Ninh đã được Bộ GD-ÐT công nhận đạt chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi vào năm 2017.

Ðề án thứ ba là đề án kiên cố hoá trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2008-2012. Ðây cũng là đề án được thực hiện theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ vào năm 2008.

Ðến năm 2018, Tây Ninh cơ bản hoàn thành đề án nêu trên. Số phòng học được kiên cố hoá trong giai đoạn này là 2.610 phòng trên tổng số 2.662 phòng theo kế hoạch. Một số phòng còn lại, cụ thể là 52 phòng chưa xây.

Trường mẫu giáo Rạng Đông  (Trảng Bàng).

Trong giai đoạn vừa qua, ngành giáo dục cũng đã tập trung phát triển loại hình trường học bán trú theo đề án phát triển trường bán trú ở bậc học mầm non và cấp tiểu học do UBND tỉnh phê duyệt vào năm 2014.

Ðến nay trên địa bàn tỉnh có 132 trường tổ chức bán trú, trong đó có 99 trường mầm non và 33 trường tiểu học, đạt tỷ lệ hơn 89% so với kế hoạch. Nguồn kinh phí thực hiện tổ chức bán trú được huy động từ nguồn đóng góp của phụ huynh, ngân sách Nhà nước đầu tư không quá 30%. Chủ trương của ngành giáo dục trong thời gian tới là việc tổ chức bán trú được thực hiện theo hình thức xã hội hoá hoàn toàn, tức không dùng ngân sách Nhà nước.

Giai đoạn 2011-2015, có một đề án dành được nhiều  sự quan tâm của xã hội đó là đề án xã hội hoá giáo dục. Theo tinh thần của đề án này, Nhà nước kêu gọi các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đầu tư vào giáo dục đào tạo, cụ thể như xây dựng trường tư thục, xây dựng các hạng mục trong nhà trường để bổ sung cho hoạt động giảng dạy như một số trường có hồ bơi, sân bãi tập thể dục…

Ðể thực hiện đề án nêu trên, các chính sách ưu đãi đã được ban hành nhằm kêu gọi đầu tư vào giáo dục mà không dùng tiền ngân sách của Nhà nước. Sau khoảng 8 năm triển khai đề án này, đến nay, toàn tỉnh có 85 cơ sở mầm non ngoài công lập. Các cơ sở này được hình thành và hoạt động phần lớn ở địa bàn thị trấn, thành phố và các cụm công nghiệp. Hiện tại, cả tỉnh có 29 trung tâm ngoại ngữ - tin học ngoài công lập.

Một đề án (kế hoạch) khác được thực hiện từ năm 2011 đến nay nữa là chủ trương hợp tác trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Trong lĩnh vực này, lãnh đạo Sở GD-ÐT cho biết, Trường CÐSP Tây Ninh liên kết với một số trường đại học đào tạo được gần 500 cử nhân.

Trường trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Tây Ninh liên kết với đại học Trà Vinh, đại học Lâm nghiệp đào tạo 907 cử nhân. Cũng trong lĩnh vực hợp tác giáo dục, Sở GD-ÐT Tây Ninh và Sở GD-ÐT thành phố Hà Nội đã ký thống nhất hợp tác trao đổi kinh nghiệm toàn diện về các mặt công tác.

Sở cũng phối hợp với Trường ÐHSP TP Hồ Chí Minh về việc thực hiện đề án đào tạo ngoại ngữ đến năm 2020. Quá trình thực hiện, đã có 152 giáo viên THPT được bồi dưỡng về nghiệp vụ sư phạm và ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy ngoại ngữ (nguồn kinh phí do Trường ÐHSP TP Hồ Chí Minh cung cấp).

Trường ÐHSP Hà Nội đã giúp Tây Ninh bồi dưỡng giáo viên giỏi, giáo viên dạy học sinh giỏi quốc gia và đào tạo nguồn nhân lực cao cho tỉnh, trong số này có cả đào tạo sau đại học.

Về hợp tác quốc tế, từ nguồn tài trợ của một số doanh nghiệp, ngành giáo dục dự kiến thuê giáo viên người Philippines dạy tiếng Anh ở một số trường phổ thông. Năm học 2017-2018, tổ chức Teach For Vietnam (giảng dạy vì Việt Nam) triển khai dạy thí điểm ở 16 trường tiểu học và 16 trường THCS trên địa bàn các huyện Hoà Thành, Châu Thành, Dương Minh Châu và TP Tây Ninh.

Một đề án khác, đó là đề án ngoại ngữ 2020 được triển khai từ năm 2012 đến nay. Tính đến tháng 5.2017, số giáo viên tiếng Anh được công nhận đạt chuẩn năng lực ngoại ngữ Việt Nam có tham chiếu chuẩn châu Âu là 406 người trên tổng số 740 người đang dạy môn học này.

Trong số đó, cấp tiểu học có 132 giáo viên đạt chuẩn B2, THCS có 191 người và THPT có 83 giáo viên đạt chuẩn C1. Thiết bị, phòng học dành cho việc dạy ngoại ngữ cũng được tăng cường, quan tâm đầu tư. Ðối với học sinh, toàn tỉnh có 203 trường tiểu học dạy ngoại ngữ ở các khối 3,4,5.

Ở cấp THCS, tổng số trường dạy môn ngoại ngữ là 107/107 trường, trong đó có 10 trường dạy tiếng Anh thí điểm theo chương trình 10 năm. Ở cấp THPT, môn tiếng Anh được dạy 32/32 trường, trong số này có 5 trường dạy tiếng Anh thí điểm theo chương trình 10 năm của Bộ GD-ÐT.

Trường THCS Tân Đông - ngôi trường sát biên giới của xã Tân Đông, huyện Tân Châu.

Ðề án phát triển giáo dục mầm non ở vùng nông thôn và khu công nghiệp mới được triển khai cách nay chưa lâu. Theo tinh thần của đề án này, từ năm 2017-2020, sẽ có 16 trường mầm non được xây dựng ở vùng nông thôn, đồng thời nâng cấp mở rộng thêm 24 trường với tổng kinh phí gần 130 tỷ đồng.

Còn đề án phát triển mầm non ở các khu công nghiệp, khu kinh tế, theo kế hoạch sẽ xây 6 trường mầm non tại những địa điểm này với tổng kinh phí gần 34 tỷ đồng.

Nhìn lại việc xây dựng và triển khai đề án của ngành giáo dục trong thời gian qua, có thể thấy có những đề án được thực hiện tương đối thành công.

Ví dụ như đề án kiên cố hoá trường lớp và nhà công vụ cho giáo viên, đề án phát triển trường bán trú và đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi. Một số đề án khác, sự thành công chỉ mới dừng lại ở một mức độ nhất định nào đó.

Chẳng hạn như đề án xây dựng trường chuẩn quốc gia giai đoạn 2011-2015 tuy số lượng trường chuẩn được nâng lên nhưng vì nhiều nguyên nhân khác nhau đã không đạt mục tiêu đề ra. Có những đề án vì nhiều nguyên nhân đến nay vẫn chưa thực hiện được.

Ðó là đề án nâng cấp Trường CÐSP Tây Ninh lên đại học, Trường trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật lên cao đẳng. Ðối với đề án xã hội hoá giáo dục, sự thành công của đề án này chỉ nên đón nhận với sự thận trọng cần thiết. Bởi vì ngoài những mặt được như đã trình bày ở trên, Tây Ninh chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư vào lĩnh vực giáo dục.

Chưa kể, chủ trương xã hội hoá giáo dục ở nơi này nơi kia còn để xảy ra tình trạng lạm thu, thậm chí điều này không hề cá biệt.

VIỆT ÐÔNG