Pháp luật   An ninh - Quốc phòng

BAOTAYNINH.VN trên Google News

KỶ NIỆM 73 NĂM CÁCH MẠNG THÁNG TÁM - QUỐC KHÁNH 2.9:

Thanh Điền - nơi đánh thắng trận đầu thời kháng Pháp 

Cập nhật ngày: 20/08/2018 - 13:21

BTN - Trận đánh Pháp đầu tiên thắng lợi ở Thanh Ðiền có tác dụng rất mạnh, tạo sự phấn khởi cho cán bộ, chiến sĩ lực lượng kháng chiến, tạo niềm tin cho đồng bào trong tỉnh.

Thanh Điền là một trong những xã đầu tiên của tỉnh được công nhận là xã nông thôn mới.

VẺ VANG TRUYỀN THỐNG KHÁNG CHIẾN

Cách nay 73 năm, tháng 8.1945, cả nước sục sôi khí thế cách mạng, quyết tâm giải phóng dân tộc thoát ách thống trị của thực dân, phát xít, giành độc lập cho đất nước. Ngày 19.8, cách mạng nổ ra giành thắng lợi tại Hà Nội. Ngày 23.8, Tây Ninh nhận lệnh khởi nghĩa, đồng chí Huỳnh Văn Thanh- Trưởng Ban Cán sự Ðảng tỉnh họp bàn việc tổ chức mít-tinh, kêu gọi toàn dân trong tỉnh đoàn kết với Mặt trận Việt Minh đứng lên giành chính quyền về tay nhân dân. Thực hiện chủ trương của Ban Cán sự, ngay trong đêm 23.8, các đảng viên, cán bộ Việt Minh toả đi các nơi để huy động lực lượng tham dự mít-tinh.

Thanh Ðiền là vùng ven tỉnh lỵ, vốn đã có phong trào Việt Minh rất sôi nổi từ tháng 4.1945. Ðồng chí Trần Văn Mạnh- phụ trách khu vực từ Thanh Ðiền đến tổng Giai Hoá (vùng Ngũ Long thuộc huyện Bến Cầu ngày nay, cơ sở Việt Minh trong hãng đường Thanh Ðiền của Pháp, người dân địa phương gọi là hãng đường Ca-răng) lấy vải của nhà máy đường nhuộm đỏ để may cờ, làm băng-rôn khẩu hiệu phát cho quần chúng.

Chiều ngày 24.8, lực lượng quần chúng đầu tiên từ vùng Bến Cầu đến khu vực hãng đường (lúc này chủ hãng đường người dân gọi là “Tây Măng-so” đã bỏ trốn từ trước) bằng ghe xuồng, sau đó tập trung tại Xóm Dốc (ấp Thanh Thuận) ổn định tổ chức, chờ lệnh xuất phát.

Sáng 25.8, từ Thanh Ðiền, đoàn biểu tình gồm khoảng 400 người, cùng với quần chúng các nơi như Xóm Vịnh, Quán Cơm… trang bị tầm vông vạt nhọn, ná, trên tay áo mỗi người đeo băng đỏ, các đảng viên mang súng ngắn dẫn đầu đội ngũ tiến đến sân vận động Tây Ninh. Tham dự cuộc mít-tinh còn có lực lượng quần chúng vùng Chà Là, Trường Hoà, đồng bào tín đồ đạo Cao Ðài vùng Toà Thánh và lực lượng Thanh niên Tiền phong ở Thị xã.

Ðồng chí Huỳnh Văn Thanh thay mặt Ban lãnh đạo Việt Minh tỉnh đọc diễn văn kêu gọi quần chúng đứng lên sẵn sàng giành chính quyền. Sau buổi mít-tinh, lực lượng quần chúng biểu tình thị uy kéo qua dinh Tỉnh trưởng, chợ Tây Ninh và các đường phố chính trong tỉnh lỵ. Ngay trong chiều 25.8, lực lượng cách mạng đã chiếm dinh Tỉnh trưởng và các công sở, Tỉnh trưởng Lê Văn Thạnh và một số thuộc cấp bị bắt giữ, cuộc Cách mạng tháng Tám tại Tây Ninh đã thành công, chính quyền thuộc về nhân dân.     

  Không bao lâu sau, thực dân Pháp quay lại nước ta, ngày 8.11.1945, chúng kéo quân lên xâm chiếm Tây Ninh lần thứ hai. Tuy quân Pháp có vấp phải sự kháng cự ở Suối Sâu (Trảng Bàng), Trâm Vàng (Gò Dầu), nhưng do lực lượng của ta còn yếu, vũ khí thô sơ, không ngăn cản được bước tiến của quân xâm lược.

Ba ngày sau khi tái chiếm Tây Ninh, quân Pháp cho 2 xe quân sự chở sĩ quan, binh lính sang Thanh Ðiền để khảo sát tình hình hãng đường, cơ sở công nghiệp của Pháp đã có từ trước. Ðược tin, lực lượng vũ trang cách mạng của tỉnh tổ chức thành 2 cánh quân phục kích trên lộ 7 (đường 786 ngày nay) khoảng giữa sở cao su Oconel và hãng đường Ca-răng. Cánh quân thứ nhất do đồng chí Mẫn chỉ huy phục kích tại ngã tư Ðồn (ấp Thanh Phước); cánh quân thứ hai do đồng chí Trần Văn Ðẩu (Tư Ðẩu) chỉ huy, phục kích tại khu rừng gần bàu Cá Trê.

Sau khi khảo sát tình hình hãng đường, quân Pháp quay về tỉnh lỵ. Khi quân địch chạy ngang đình Thanh Ðiền, bộ phận quân báo của ta đánh hồi trống báo động cho lực lượng phục kích biết. Bọn địch cảnh giác chuyển xe có trang bị súng máy lên phía trước, chạy với tốc độ khá nhanh. Xe địch lọt vào ổ phục kích thứ nhất, quân ta nổ súng nhưng không trúng, quân địch chạy qua. Xe địch chạy đến nơi phục kích thứ hai, đồng chí Tư Ðẩu bắn nổ lốp xe, buộc chúng phải dừng lại kháng cự.

Cuộc chiến đấu diễn ra chớp nhoáng, đồng chí Tư Ðẩu bắn chết mấy tên và chỉ huy chiến sĩ xung phong diệt địch. Quân ta bắn chết 7 tên lính Pháp, trong đó có các sĩ quan cấp chuẩn uý và đại uý; đốt cháy 2 xe Jeep, tịch thu 2 súng đại liên Maxim, 2 súng Thomson, 1 súng trường Anh, một súng Colt 12, 1 súng P38 và 20 thùng đạn.

Trận đánh Pháp đầu tiên thắng lợi ở Thanh Ðiền có tác dụng rất mạnh, tạo sự phấn khởi cho cán bộ, chiến sĩ lực lượng kháng chiến, tạo niềm tin cho đồng bào trong tỉnh, tác động mạnh mẽ vào thị xã Tây Ninh, nơi trú đóng cơ quan đầu não của địch. Số vũ khí thu được rất quý giá trong những ngày đầu kháng chiến- quân số ít, súng đạn thiếu thốn, đã tạo nhiều thuận lợi cho những trận đánh về sau của quân ta giành thắng lợi.

Sau Hiệp định Genève 1954, miền Bắc được giải phóng, quân Pháp rút khỏi nước ta, đến quân xâm lược Mỹ nhảy vào miền Nam. Khi chúng kéo đến lập căn cứ quân sự ở Trảng Lớn, thuộc xã Thái Bình, huyện Châu Thành, giáp với xã Thanh Ðiền, quân và dân Tây Ninh lập “Vành đai diệt Mỹ”, xã Thanh Ðiền thuộc cụm 1 của vành đai cũng đã chiến thắng trận đầu trực tiếp đánh quân Mỹ. Thành tích trong 2 thời kỳ kháng chiến giải phóng dân tộc của quân dân Thanh Ðiền được lịch sử ghi nhận, là một trong những xã đầu tiên của tỉnh được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

PHÁT TRIỂN KINH TẾ XÃ HỘI THỜI BÌNH

43 năm qua, kể từ khi hoà bình thống nhất đất nước, xã Thanh Ðiền không ngừng đổi mới, phát triển. Cánh đồng bưng cặp sông Vàm Cỏ Ðông, nơi xưa kia thực dân Pháp xây dựng cánh đồng mía của hãng đường, nay đã trở thành cánh đồng lúa cao sản của tỉnh. Những công trình thuỷ nông thô sơ xưa kia không còn nữa, thay vào đó là hệ thống kênh tưới, kênh tiêu được bê tông hoá và thường xuyên được duy tu bảo dưỡng, bảo đảm phục vụ sản xuất nông nghiệp nhiều vụ trong năm.

Thay đổi dễ nhận ra nhất là bộ mặt nông thôn Thanh Ðiền- nhất là hệ thống hạ tầng giao thông. Xưa kia, gần như toàn xã Thanh Ðiền cũ (bao gồm xã An Bình hôm nay) chỉ có 2 đoạn đường thuộc lộ 7 và quốc lộ 22 chạy qua, ngoài ra, chỉ có những con đường mòn, đường xe bò đi vào thôn xóm. Hiện nay, có dịp đi về các ấp của xã mới thấy hệ thống giao thông “cứng hoá” được đầu tư xây dựng rất tốt. Hầu hết các trục đường lớn, nhỏ của xã đều được trải nhựa, bê tông hoá hoặc ít nhất là trải sỏi phún, để bảo đảm giao thông thông suốt.

Tính đến cuối năm 2016, xã thực hiện cứng hoá 66 tuyến đường trục xã, đường ngõ xóm, đường trục chính nội đồng và đã được công nhận đạt xã nông thôn mới. 6 tháng đầu năm 2018, xã tiếp tục được đầu tư cứng hoá thêm 7 tuyến đường khác. Trong thời gian tới, xã tiếp tục tổ chức họp dân vận động sức người sức của nâng cấp các tuyến đường còn lại trên địa bàn. Bên cạnh hệ thống kênh mương thuỷ lợi, đường giao thông, lưới điện quốc gia đã phủ kín toàn xã đáp ứng đầy đủ nhu cầu sản xuất và đời sống của người dân.

Cơ sở hạ tầng phát triển tạo điều kiện để Thanh Ðiền phát triển công nghiệp hoá. Nếu như trước Cách mạng tháng Tám, xã Thanh Ðiền, nói rộng hơn là toàn tỉnh Tây Ninh có độc nhất hãng đường của chủ tư bản Pháp với khoảng 500 công nhân, kể cả công nhân trồng mía, thì nay trên địa bàn xã Thanh Ðiền đã có khu công nghiệp rộng 166 ha, tập trung hàng chục ngàn công nhân làm việc.

Gần như như mỗi nhà, mỗi người dân đều có phương tiện nghe nhìn, thiết bị di động. Tại xã hiện có một cơ sở bưu chính viễn thông, đủ đáp ứng nhu cầu sử dụng dịch vụ bưu chính. Các dịch vụ thư từ, vận chuyển hàng hoá, phát hành báo chí đều có nhân viên phụ trách giao, nhận đầy đủ, đúng định kỳ. Hệ thống cáp quang điện thoại, hạ tầng kỹ thuật viễn thông đáp ứng nhu cầu phát triển thuê bao ngày càng cao của khách hàng.

Số liệu thống kê cho thấy, toàn xã có gần 5.000 hộ gia đình có thuê bao sử dụng dịch vụ viễn thông, đạt 98% hộ dân. Trên địa bàn các ấp trong xã hiện có 11 điểm kinh doanh dịch vụ truy cập internet, góp phần đáp ứng nhu cầu nắm bắt thông tin, vui chơi giải trí của người dân.

Môi trường dân sinh cũng được quan tâm đúng mức. Những năm qua, các ban, ngành, đoàn thể xã, ấp tích cực tuyên truyền, vận động người dân giữ gìn vệ sinh chung, cùng thực hiện phong trào xanh, sạch, đẹp từ nhà đến đường làng, ngõ xóm bằng việc dọn dẹp vệ sinh, phát quang các tuyến đường. Xã còn tổ chức trồng cây xanh nhân sinh nhật Bác.

Từ đó, tạo sự chuyển biến nhận thức để người dân cùng chung tay xây dựng nông thôn mới. Xã còn vận động người dân ký hợp đồng với Công ty Công trình đô thị Tây Ninh thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt, từng bước bảo đảm vệ sinh môi trường nông thôn. Những hộ dân ở các trục lộ, công ty không đến thu gom được thì vận động người dân tự phân loại, xử lý bằng cách tiêu huỷ, không vứt rác ra đường bừa bãi.

Ðồng thời cơ quan chức năng thường xuyên giám sát, kiểm tra môi trường các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn, nhằm kịp thời xử lý tình trạng gây ô nhiễm, vận động người dân sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh, luôn ăn chín, uống sôi, kết hợp Công ty Cấp thoát nước Tây Ninh lắp đặt ống dẫn nước trên 4 tuyến đường chính của xã, tạo điều kiện cho gần 150 hộ dân sử dụng nước sạch.

73 năm kể từ ngày lực lượng Việt Minh Thanh Ðiền rầm rập lên đường đấu tranh giành quyền độc lập dân tộc, thoát ách nô lệ ngoại bang, người và đất Thanh Ðiền đã hoàn toàn đổi mới, phấn khởi đi lên xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc, làm chủ xã hội, làm chủ cuộc đời

Tấn Hùng - Ðại Dương