Kinh tế   Nông - lâm - thủy sản

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Thanh long ruột đỏ đã “hết thời”? 

Cập nhật ngày: 03/11/2018 - 07:03

BTN - Hiện nay, hầu hết sản phẩm thanh long được bán sang thị trường Trung Quốc thông qua thương lái nên giá cả do thương lái quyết định. Do đó, người trồng thanh long hoàn toàn phụ thuộc vào sự “may rủi” của thị trường.

Giăng đèn cho vườn thanh long tại xã Bàu Ðồn ra bông trái vụ.

Trên địa bàn tỉnh có khá nhiều người trồng thanh long ruột đỏ, tập trung ở các xã Bàu Ðồn (huyện Gò Dầu), Tiên Thuận (huyện Bến Cầu), nhưng diện tích sản xuất manh mún, nhỏ lẻ. Bình quân mỗi hộ chỉ sản xuất từ 2 ha trở xuống. Thời gian qua, người trồng thanh long ruột đỏ khó kiểm soát được dịch bệnh và không dự đoán được cung cầu của thị trường nên gặp nhiều khó khăn về giá cả và đầu ra.

Hiện nay, hầu hết sản phẩm thanh long được bán sang thị trường Trung Quốc thông qua thương lái nên giá cả do thương lái quyết định. Do đó, người trồng thanh long hoàn toàn phụ thuộc vào sự “may rủi” của thị trường.

Anh Ngô Tôn Quờn (ấp Xóm Lò, xã Tiên Thuận, huyện Bến Cầu) cho biết, gia đình đang trồng gần 700 trụ thanh long ruột đỏ trên diện tích gần 5.000m2 với chi phí đầu tư ban đầu gần 200 triệu đồng. Vụ thu hoạch vừa rồi (khoảng 20 ngày trước), người trồng thanh long “khóc ròng” vì thương lái Trung Quốc đột ngột hạn chế mua  thanh long nên giá rớt xuống còn 3.000 - 5.000 đồng/kg tuỳ loại. Vụ này, vườn anh Quờn cho thu hoạch 3 tấn trái, với giá bán trên, gia đình anh lỗ hơn 10 triệu đồng.

Anh Quờn cho biết thêm, vụ này, sản phẩm trái thanh long sau khi thu hoạch không được thương lái đến tận vườn thu mua như những loại trái cây khác. Chỉ đến khi được sự đồng ý của thương lái, nông dân mới chở sản phẩm đi giao. Nếu sản phẩm bị chê thì nông dân lại phải chở về.

Anh Quờn chia sẻ: “Trúng 3 vụ không đủ bù 1 vụ thất. Nếu phá bỏ toàn bộ diện tích thanh long thì gia đình không còn vốn để đầu tư trồng cây trồng khác. Còn giữ lại thì người nông dân tiếp tục hồi hộp canh tác theo kiểu trông chờ vận may”.

Tương tự, ông L.C.M (ấp 2, xã Bàu Ðồn) cho biết, trước đây ông trồng 2 ha thanh long. Mấy vụ đầu, cây thanh long thật sự mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, hơn 1 năm nay, cây thanh long không còn là cây “hái ra tiền” như trước vì giá cả bấp bênh và đầu ra hạn chế. Vụ vừa rồi, khi giá thanh long bất ngờ “lao dốc” còn 3.000 đồng/kg. Lúc này, các vườn thanh long trên địa bàn xã đang cho thu hoạch đồng loạt. Người trồng phải tự thuê xe vận chuyển thanh long xuống tận các tỉnh miền Tây để “bán tháo, bán đổ”.

Thấy chi phí vận chuyển khá cao nên ông M đành thu hoạch rồi mang thanh long ra chợ bán lẻ với giá 10.000 đồng/kg. Với giá này, ông M chỉ lấy lại vốn và công chăm sóc. Sau đợt giá thấp vừa rồi, ông quyết định phá bỏ toàn bộ diện tích thanh long để chuyển sang trồng cây khác.

Trong khi đó, ông P.T.T (cùng ngụ ấp 2) cho biết, dù giá cả bấp bênh nhưng gia đình không đành lòng phá bỏ mà quyết bám giữ cây thanh long với hy vọng giá thanh long phục hồi trở lại.

Còn theo ông Nguyễn Trí Hưng (ấp 3, xã Bàu Ðồn), là người có kinh nghiệm trồng thanh long nhiều năm liền, trước đây gia đình ông trồng gần 2 ha thanh long ruột đỏ. Theo ông Hưng, cây thanh long là khó chăm sóc, đặc biệt khó kiểm soát được dịch bệnh. Muốn có sản phẩm đạt chất lượng, người trồng phải tốn rất nhiều chi phí bón phân, thuốc dưỡng cả trái và thân cây cũng như tốn nhiều công lao động để chăm sóc. Không phải người trồng nào cũng có thể hiểu được quy trình chăm sóc để phòng bệnh hiệu quả cho cây thanh long.

Thời gian gần đây, hầu hết diện tích cây thanh long trên địa bàn tỉnh đều nhiễm bệnh đốm trắng trên diện rộng. Bệnh này hiện không có thuốc đặc trị. Ðến mùa thu hoạch, cây cho trái kém chất lượng nên bị thương lái chê, mua với giá rất rẻ.

Theo ông Minh, người trồng thanh long cần phải liên kết lại để sản xuất tập trung, bền vững; cùng tìm hiểu và phát triển thị trường. Có như vậy, cây thanh long mới thật sự phát triển ổn định, đầu ra không phải phụ thuộc vào thương lái như hiện nay.

Ông Lê Công Minh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Bàu Ðồn cho biết, thanh long cho trái 6 đợt mỗi năm, sản lượng bình quân 20 tấn trái/ha. Trên địa bàn xã có gần 28 ha thanh long với gần 20 hộ canh tác. Những năm trước, trái thanh long được tiêu thụ tương đối thuận lợi nên người trồng thoát nghèo, có người vươn lên làm giàu. Thế nhưng đến nay thì khác. Do giá cả bấp bênh, không có hợp đồng bao tiêu ổn định nên gần đây, người dân đã phá bỏ hơn 5 ha thanh long, chuyển sang trồng cây khác.

Hướng đến phát triển bền vững cây ăn trái trên địa bàn xã, trong thời gian tới, Hội Nông dân xã Bàu Ðồn sẽ đứng ra vận động nông dân thành lập HTX cây ăn trái gồm sầu riêng, bưởi da xanh và thanh long. Từ đó, HTX liên kết nông dân sản xuất tập trung, đồng thời liên kết với doanh nghiệp bao tiêu đầu ra, hỗ trợ sản xuất đúng kỹ thuật...

Thu hoạch thanh long tại xã Bàu Ðồn.

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bến Cầu, trên địa bàn huyện có 17 ha thanh long ruột đỏ với hơn 20 hộ sản xuất, tập trung tại xã Tiên Thuận. Thời gian gần đây, cây thanh long không còn mang lại hiệu quả kinh tế cao do những nguyên nhân đã nêu trên. Do đó, Phòng khuyến cáo nông dân trên địa bàn huyện không tăng diện tích cây thanh long ruột đỏ, tránh tình trạng được mùa mất giá, phụ thuộc vào thương lái như hiện nay.

Ðược biết, Phòng Nông nghiệp huyện Bến Cầu đang rà soát lại diện tích trồng cây ăn trái của huyện, vận động và hướng dẫn nông dân tham gia sản xuất tập trung, xây dựng phương thức sản xuất cây ăn trái theo hướng nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo đảm an toàn thực phẩm, đáp ứng quy trình VietGAP, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm.

NHI TRẦN