BAOTAYNINH.VN trên Google News

Tháo gỡ “điểm nghẽn” để y tế, giáo dục phát triển 

Cập nhật ngày: 16/04/2019 - 23:32

BTN - Trong buổi làm việc với đoàn công tác của Trung ương do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam dẫn đầu hôm 9.4, UBND tỉnh kiến nghị Chính phủ, bộ, ngành xem xét điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung một số quy định hiện hành để tháo gỡ những khó khăn liên quan đến lĩnh vực văn hoá - xã hội.

Bệnh nhân chạy thận tại BVĐK Tây Ninh.

NÓI MÃI VẪN KHÔNG CŨ

Đánh giá về lĩnh vực y tế, UBND tỉnh nhận định, Tây Ninh đang thực hiện mô hình trung tâm y tế huyện bao gồm 2 chức năng là khám, chữa bệnh và y tế dự phòng. Mô hình này có nhiều thuận lợi trong việc quản lý nhân lực, tài chính, kế hoạch. Cách tổ chức này cũng thuận lợi trong việc tổ chức quản lý theo ngành theo tinh thần Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 25.10.2017 của Ban Chấp hành Trung ương khoá XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân trong tình hình mới; phù hợp với định hướng của Bộ Y tế về mô hình tổ chức hệ thống y tế giai đoạn 2016-2020.

Tại thời điểm này, số giường bệnh/vạn dân đạt 21,5 giường, vượt chỉ tiêu kế hoạch năm 2018 (19 giường/vạn dân). So với bình quân chung cả nước, chỉ tiêu nêu trên vẫn còn ở mức thấp (cả nước 26,5 giường bệnh/vạn dân).

Hiện Tây Ninh đạt 6,7 bác sĩ/vạn dân, vượt chỉ tiêu (6,5 bác sĩ/vạn dân). Số cán bộ y tế công lập trong toàn ngành là 3.132 người, trong đó có hơn 700 bác sĩ (công lập và ngoài công lập). Mặc dù đạt tỷ lệ 6,7 bác sĩ/vạn dân, tuy nhiên, vẫn còn ở mức thấp so với trung bình cả nước là 8,4 bác sĩ/vạn dân.

Để khắc phục khó khăn về nhân lực, trong 10 năm qua, tỉnh đã có nhiều giải pháp hỗ trợ đào tạo, thu hút nguồn nhân lực cho ngành Y tế. Cụ thể, tỉnh đã ban hành chính sách đào tạo và thu hút nhân tài; ban hành chính sách hỗ trợ phát triển nhân lực y tế tỉnh Tây Ninh, hỗ trợ đào tạo cho 356 sinh viên y khoa. Trong đó, có 140 sinh viên chính quy theo địa chỉ, tiếp nhận 120 bác sĩ, thu hút được 30 bác sĩ từ các địa phương khác về tỉnh.

Tuy nhiên, tình hình thiếu bác sĩ ở các cơ sở y tế công lập còn chưa được cải thiện nhiều, số lượng bác sĩ trong các cơ sở y tế công lập tăng không đáng kể. Để tháo gỡ, tỉnh vận động các bác sĩ đến tuổi nghỉ hưu tiếp tục làm việc theo dạng hợp đồng lao động để hạn chế khó khăn do thiếu nhân lực đột biến. Hiện tại, đang có 45 bác sĩ nghỉ hưu tiếp tục hợp đồng làm việc theo 3 mức khoán là 6 triệu đồng/tháng (bác sĩ), 7 triệu đồng/tháng (bác sĩ chuyên khoa cấp 1) và 8 triệu đồng/tháng (bác sĩ chuyên khoa cấp 2).

Trong khi nhân lực y tế (bác sĩ) đang thiếu thì địa phương lại phải thực hiện chính sách tinh giản biên chế giai đoạn 2015-2021 theo tinh thần Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Sở Y tế Tây Ninh đã xây dựng Đề án thực hiện mục tiêu về tinh giản biên chế trong giai đoạn 2015-2021, theo quy định đến năm 2021 sẽ giảm 10% biên chế so với năm 2015.

Do đó, hằng năm thực hiện theo kế hoạch số lượng người làm việc phải tinh giản đối với các đơn vị sự nghiệp (từ năm 2017 đến nay đã giảm 173 chỉ tiêu biên chế sự nghiệp, năm 2019 tiếp tục giảm 42 chỉ tiêu).

Việc phân bổ chỉ tiêu biên chế của các đơn vị trong ngành Y tế thực hiện theo Thông tư số 08/2007/TTLT-BYT-BNV ngày 5.6.2007 của liên Bộ Y tế - Nội vụ hướng dẫn định mức biên chế sự nghiệp trong các cơ sở y tế Nhà nước. Số lượng người làm việc hiện nay chưa đáp ứng theo yêu cầu chuyên môn và quy mô của các đơn vị.

Dân số hằng năm trong tỉnh tăng (trên 1,1 triệu người), do đó các cơ sở khám, chữa bệnh cũng phải tăng thêm số giường bệnh kế hoạch để đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân, nhưng không được tăng thêm số lượng người làm việc,  do vậy đơn vị sự nghiệp y tế hiện đang gặp rất nhiều khó khăn trong hoạt động.

Hiện nay, số lượng bác sĩ tỉnh Tây Ninh tính trên số dân còn thấp, nguồn nhân lực bác sĩ cần phải được tăng thêm để đáp ứng. Thế nhưng chỉ tiêu các cơ sở đào tạo hằng năm rất thấp, do đó cần có cơ chế về đào tạo cho những vùng, miền để nâng thêm số lượng bác sĩ.

Hiện nay, Tây Ninh đang đào tạo diện cử tuyển tại các trường hơn 230 y đa khoa chính quy và liên thông, trung bình mỗi năm sẽ có từ 30-40 sinh viên ra trường về công tác. Theo kế hoạch hợp tác đào tạo, từ năm 2018 đến năm 2020, dự kiến sẽ có từ 70-75 chỉ tiêu để xét cử đi đào tạo bác sĩ (60-65 sinh viên Y chính quy và khoảng từ 10-15 y liên thông).

Từ  thực tế nêu trên, UBND tỉnh đề nghị Chính phủ giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo có phương án về đào tạo nhân lực y tế, nhất là đào tạo bác sĩ cho những địa phương còn thiếu so với mặt bằng chung của cả nước và của khu vực. Đồng thời, xem xét có quy định đối với bác sĩ khi tốt nghiệp ra trường: phải có nghĩa vụ đến phục vụ tại những vùng miền còn khó khăn, thiếu bác sĩ.

Trong lĩnh vực giáo dục, tỷ lệ bố trí giáo viên mầm non trên địa bàn tỉnh, chưa đạt yêu cầu theo tỷ lệ quy định (quy định 2,2 giáo viên/lớp, hiện chỉ đạt 1,65 giáo viên/lớp). Số giáo viên đủ theo quy định phải là 2.730 người (hiện tại thiếu 674 giáo viên).

Công tác tuyển dụng giáo viên, hợp đồng giáo viên mầm non còn gặp nhiều khó khăn do thực hiện tinh giản biên chế. Giáo viên, nhân viên ở bậc mầm non còn thiếu, dẫn đến khó khăn trong công tác sắp xếp, ổn định đội ngũ. Đa số giáo viên mới ra trường, tuổi đời còn trẻ, hằng năm, số giáo viên nghỉ chế độ thai sản, thôi việc, thuyên chuyển công tác còn chiếm tỷ lệ cao, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng công tác bố trí, sử dụng đội ngũ.

Để đáp ứng nhu cầu phát triển ngành học mầm non và tạo thuận lợi cho trường học bố trí số lượng giáo viên/trẻ đúng theo quy định, Tây Ninh đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ xem xét, có ý kiến để ngành Giáo dục Tây Ninh được thực hiện hợp đồng lao động giáo viên mầm non. Từ đó, khắc phục thực trạng không đủ biên chế giáo viên mầm non hiện nay, không để dẫn đến tình trạng các trường phải dồn lớp, không sử dụng hết cơ sở vật chất, sĩ số lớp quá đông, khó bảo đảm chất lượng cũng như việc quản lý và bảo đảm an toàn cho trẻ.

“THÓC Ở ĐÂU BỒ CÂU Ở ĐÓ”

Câu chuyện thiếu bác sĩ cùng với giáo viên mầm non diễn ra từ lâu và đã được đề cập khá nhiều. Trong đó, chuyện thiếu bác sĩ trong các cơ sở y tế công lập có hai nguyên nhân chính, đó là số bác sĩ đến tuổi phải nghỉ hưu theo quy định và bác sĩ đang trong độ tuổi làm việc nhưng rời bỏ bệnh viện công, đầu quân cho cơ sở y tế tư nhân.

Lâu nay, người trong ngành, các nhà quản lý, kể cả báo chí cũng thường xuyên “lo ngại”, than phiền chuyện bác sĩ “bỏ công vào tư”. Thực ra, điều này không có gì lạ, bởi vì dù làm ở đâu, trong hay ngoài nhà nước thì bác sĩ cũng chữa bệnh cứu người. Trong buổi làm việc hôm 9.4, phát biểu về vấn đề này, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho rằng, bệnh viện công thiếu bác sĩ thì tìm cách bổ sung cho đủ, nhưng “chuyện bác sĩ bỏ bệnh viện công ra làm ở bệnh viện tư thì không nên lo lắng.

Ngược lại, hiện tượng đó chứng minh rằng, xã hội hoá y tế là một chủ trương đúng”. Nhìn nhận cho công bằng, đó là sự cạnh tranh lành mạnh giữa khu vực công và khu vực tư. “Thóc ở đâu bồ câu ở đó”, nơi nào trả lương cao hơn, ở đó thu hút người lao động; và ở đâu chất lượng dịch vụ tốt hơn, khách hàng sẽ tìm tới.

Nhìn rộng ra, sự dịch chuyển lao động là điều bình thường, ngành nghề nào cũng vậy. Về kiến nghị “xem xét có quy định đối với bác sĩ khi tốt nghiệp ra trường: phải có nghĩa vụ đến phục vụ tại những vùng miền còn khó khăn, thiếu bác sĩ”, đề xuất này có lẽ không có cơ sở để thực hiện, trừ khi có một đề án nào đó.

Đối với tình hình thiếu giáo viên mầm non, chuyện này hoàn toàn có thể giải quyết được: chỉ cần bổ sung biên chế, vì số lượng sinh viên mầm non đã tốt nghiệo chưa tìm được việc làm vẫn còn nhiều. Lãnh đạo Bộ GD&ĐT cho biết, Bộ Chính trị đã đồng ý cho 17 tỉnh tuyển thêm giáo viên mầm non, nhưng trước khi tuyển dụng chính thức, địa phương phải rà soát, sắp xếp, quy hoạch lại mạng lưới trường lớp cho hợp lý.

VIỆT ĐÔNG