BAOTAYNINH.VN trên Google News

Thao thức một dòng sông 

Cập nhật ngày: 02/09/2017 - 06:10

BTN - Từ bến Trung Dân ở xã Phước Vinh lên một đỗi nữa là mở ra một khung trời nước xanh mơ, bát ngát. Nơi ấy là Vàm Trảng Trâu. Điểm nhấn lung linh là một lưới vó chung chiêng giữa gió vớt nắng vàng. Chiếc ghe máy đôi chỗ phải chồm lên, đè lấn cả mảng lục bình đi tới. Nơi ấy là ngã ba biên giới, nên cái cột mốc đường biên ở đây phải nhân bản thành ba…

Bút ký của NGUYỄN QUỐC VIỆT

Gia đình một ngư dân sống trên sông Vàm Cỏ. Ảnh: Đ.H.T

Nhà thơ Tế Hanh viết bài “Nhớ con sông quê hương” khi đã xa quê sống trên đất Bắc. Hẳn là trong thời kỳ “ngày Bắc, đêm Nam”, không ít đêm ông thao thức nhớ quê hương. Và nỗi nhớ hẳn rất cồn cào da diết, nhất là với những người thân và dòng sông quê hương đang chịu đựng đạn bom cùng gót giày quân xâm lược. Để rồi ông có một bài thơ chạm đến xúc cảm của rất nhiều người.

Nhạc sĩ Hoàng Hiệp cũng đã viết: “Quê tôi ai cũng có một dòng sông bên nhà/ Con sông quê gắn bó với tuổi thơ đời tôi”. Nghĩ lại mà coi! Chẳng những ở quê hương các ông mà với người dân Tây Ninh quê ta, điều này luôn đúng.

Thì ngay phố nhà tôi ở đây thôi, đường Lê Lợi, TP. Tây Ninh, chỉ chạy xuôi chừng năm trăm mét là đã tới rạch Tây Ninh đang cồn cào mùa nước đổ. Dù chưa tới lũ nhưng mấy trận mưa to cuối tháng 8 đã làm con nước rạch hồng hào miên man phủ lấp gần chân móng bờ kè. Bên phía đường Quang Trung, vài chiếc máy cẩu gầm gừ đang thi công công viên mé bờ sông.

Lạy trời, cho đến tết năm Thân tới đây, phần chợ hoa xuân mé rạch phố Quang Trung không còn phải lội bùn. Để cho gái lịch trai thanh tha hồ rủ nhau đi chụp ảnh ké dưới những vòm, những bãi hoa muôn sắc. Vậy là kể như tôi cũng có một dòng sông bên nhà rồi đấy! Chạy xe máy chừng ba phút, là tôi đã có thể buông cần thả câu như ông Lã Vọng ngày xưa.

Với những người chỉ thích độ rộng dài, phóng khoáng của sông thì nào cũng xa gì. Lên xe phóng thẳng đến Bến Kéo, Long Thành Nam, hay Gò Chai, Thanh Điền, thậm chí Bến Sỏi, bến Tầm Long của xã Trí Bình là đã thấy Vàm Cỏ Đông mênh mông bát ngát.

Những nơi ấy chỉ cách TP. Tây Ninh trên dưới mười cây số. Mùa nước đổ năm này vẫn có thể còn câu được cá lăng sông. Ấy là một bác công nhân về hưu đã dạy tôi như thế, trong khi tôi chờ ghe chở qua bên rạch Giồng Nần. Lúc đi, bác còn chưa câu được con nào mà lúc về, bác đã xách rọng cá lên khoe được tới ba con cá.

Hôm trước, trên mạng xã hội có đưa tin các đại gia Đà Nẵng mới mua và chở bằng máy bay từ Campuchia về một đôi cá lăng hai trăm ký. Nhưng tôi vẫn tin rằng, thứ ấy chỉ để nhìn cho đã mắt, chứ chẳng có món gì sánh được cá lăng sông Vàm Cỏ quê mình. Giờ còn thêm một loại cá lăng lòng hồ Dầu Tiếng ở huyện Dương Minh Châu nữa. Toàn loại cỡ một đến ba ký một con. Ngon đến độ chưa kịp cảm nhận vị ngọt thơm đã tan ngay trên đầu lưỡi.

Để rồi thấy râm ran trong từng mao mạch dưới làn da. Bác thợ câu còn cho biết, thỉnh thoảng vẫn còn câu được cả tôm càng xanh mà đã lâu nay không thấy. Tôm vẫn ngập bàn cỗ cưới nhưng là thứ tôm nuôi thịt bở, nhiều vỏ với đầu. Cá tôm tự nhiên có ít đi, thì người ta lại nuôi các loại cá tôm thương phẩm ngay trên dòng sông quê. Như anh Tấn Tới nhà ở bến Đình, Trường Tây chuyên nuôi cá lóc lồng. Chỉ một lồng chiếm diện tích hăm bốn mét vuông mặt nước, mà anh thu được hàng tấn cá mỗi năm. 

Hình như tôi có mạng mộc, hoặc thuỷ gì đó mà có dịp đi sông lần nào cũng ráng đi theo. Nhờ thế mà trong tâm trí luôn có nhiều gương mặt của sông Vàm hiển hiện. Như chuyến theo anh Tư Thanh lúc còn làm Bí thư huyện Trảng Bàng vượt qua Vàm Trảng sang thăm Đồn Biên phòng Phước Chỉ. Sông Vàm chỗ ấy thênh thang, phóng khoáng đến vô cùng. Thấy là muốn hát ngay câu: “Ôi bát ngát chân trời miền hạ…”.

Rồi các chuyến theo các hoạ sĩ Tây Ninh và TP. Hồ Chí Minh đi ngược sông từ Bến Kéo. Mọi người ngơ ngác nhìn hai vợ chồng trẻ chủ thuyền vừa đi, vừa vớt lưới thả sẵn lên, tươi ròng những cá chốt, cá tra. Lại tò mò nhìn ngắm mấy chiếc lò gạch cũ bỏ hoang ngay cạnh bờ sông, vừa nhớ đến Chí Phèo vừa liên tưởng đến các di tích đền đài xưa đã mất.

Lại một chuyến theo đoàn làm phim HTV đi tận ngọn nguồn Vàm Cỏ Đông. Từ bến Trung Dân ở xã Phước Vinh lên một đỗi nữa là mở ra một khung trời nước xanh mơ, bát ngát. Nơi ấy là Vàm Trảng Trâu. Điểm nhấn lung linh là một lưới vó chung chiêng giữa gió vớt nắng vàng. Chiếc ghe máy đôi chỗ phải chồm lên, đè lấn cả mảng lục bình đi tới. Nơi ấy là ngã ba biên giới, nên cái cột mốc đường biên ở đây phải nhân bản thành ba…

Một cái ở đất bạn, còn một ở Phước Vinh và cái còn lại cắm trên mỏm đất thuộc ấp Lồ Cồ, xã Biên Giới, huyện Châu Thành nay đã đổi tên ấp thành Tân Định. Xoay nhìn góc nào của sông cũng đẹp như mơ. Ấy thế mà khi tới bến Năm Chỉ thuộc Đồn Biên phòng Lò Gò thì sông như khiêm nhường khép lòng mình trở lại. Để, bắt đầu luồn vào rừng Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát; hay là chỉ để cho dân hai nước lại qua dễ dàng trên con phà kéo dây, đem theo vài món nông sản bán mua, đổi chác.

“Vàm Cỏ Đông đây, ta quyết giữ/ Từng mái nhà nép dưới rặng dừa/ Từng thửa ruộng ngời đen màu mỡ/ Từng mối tình hò hẹn sớm trưa…”.

Đấy là một đoạn bài thơ Vàm Cỏ Đông, Hoài Vũ viết năm 1964, thời quân dân Tây Ninh đang phải gồng mình đánh giặc giữ sông, giữ đất. Sông Vàm Cỏ Đông gắn bó với mọi giai đoạn cách mạng ở Tây Ninh, từ thuở cách mạng mới gieo mầm.

Ngay từ năm 1930 thành lập Đảng, đã có những người yêu nước theo sông Vàm ngược lên, vào rạch Giồng Nần gieo những hạt giống đỏ đầu tiên. Để rồi từ chi bộ đầu tiên ấy, phong trào cách mạng lan khắp miền Long Giang, Long Chữ.

Đến Cách mạng tháng Tám, thì từ miền đất này, những người nông dân lại nương theo con nước sông Vàm để sang tập trung trước nhà người chỉ huy Trần Văn Mạnh ở Thanh Điền, tiến về thị xã Tây Ninh góp phần làm nên cuộc tuần hành lịch sử.

Chiều ngày 25.8.1945, cuộc cách mạng ấy đã thành công trên khắp tỉnh Tây Ninh. Nhìn vào lịch sử xa hơn, những cuộc dấy binh khởi nghĩa đánh Pháp đầu tiên trên miền đất này cũng tựa vào thế núi, hình sông mà đánh giặc.

Như Khâm Tấn Tường, Trương Quyền cũng tìm về ngọn nguồn sông Vàm Cỏ Đông lập thế trận diệt thù. Và dẫu giặc có tàu đồng đại bác hùng hổ ngược sông tiến đánh, thì Trương Quyền cũng biết vận dụng miền rạch Sóc Om, để lôi cổ quan năm chỉ huy Mác-se-zơ vùi xuống bùn sông.

Thanh thản sông Vàm.

Gần đây tôi có dịp trở lại Phước Vinh, càng bỡ ngỡ khi “tìm thấy” bên sông những kỳ tích của kháng chiến cả hai thời chống Pháp rồi chống Mỹ. Đấy là nơi Hoàng Việt đến tăng gia tự túc sau lũ Nhâm Thìn 1952, để viết lên những tuyệt phẩm: Mùa lúa chín, Lên ngàn...

Đấy cũng là các bến Băng Dung, Cây Sao, nơi có ngôi trường học đầu tiên của nền giáo dục cách mạng Tây Ninh những năm 1960. Dòng sông vẫn tha thiết chảy ngoài kia, uốn lượn qua những khúc quanh lịch sử. Còn đây lững thững một con phà qua lại, do một bác gái nông dân cầm lái. Gương mặt đôn hậu trầm tư mỉm một nụ cười như sông nước mênh mang.

“Sông cũng như người ấy/ Có khi vui buồn có khi hờn ghen”. Xin mượn hai câu này trong một bài ca của nhạc sĩ Hoàng Hiệp, để kể về những vui buồn sông nước. Hơn mười năm qua tôi đã từng đi dọc rồi đi ngang những bến sông Vàm Cỏ Đông. Tôi vẫn thấy muôn mặt những niềm vui sống.

Vui đến độ, có lần thu hoạch lồng cá lóc xong, anh Tấn Tới hứa dành cho tôi một cái lồng để về thả cá tăng thêm thu nhập. Anh bảo, cán bộ công chức gì thì cũng chẳng bằng một năm nuôi hai vụ cá, mỗi vụ thu chừng 2 tấn.

Từ chối quà, tôi chỉ xin anh thỉnh thoảng tôi về thì cho thằng Kha con anh đánh ghe chở ngang dọc một hồi cho đỡ nhớ dòng sông. Thằng Kha cũng đã bỏ học rồi khi tới lớp 5, vì nó không ham học. Nhưng được cái cu cậu lại chăm chỉ theo cha làm đủ mọi nghiệp nghề sông nước. Giống như cậu trai tên Sang cũng ở Bến Đình, Trường Tây, mười bảy tuổi đã có cả bầy vịt mấy ngàn con lẫn máy gặt cho thuê.

Vậy nên, lớp trẻ lớn lên ai đi đâu học hành, làm việc gì thì cứ đi, còn lại luôn có một số bạn trẻ nguyện gắn chặt cuộc đời mình với sông từ tấm bé. Nghe ra cũng có lý. Ai học hành lên cao thì về lập dự án bảo vệ, phát huy sông nước quê nhà; hoặc nếu có khiếu văn nghệ thì làm thơ, viết bài hát ngợi ca. Cũng phải có người ở lại, bám lấy và bảo vệ dòng sông để còn có cái mà ca ngợi hay thể hiện tài năng chứ! Như dự án dẹp lục bình năm qua xem chừng hiệu quả.

Và cũng còn đó những mối hoạ cho sông đang đợi những người “bắt ấn quyết” cao tay. Báo Tây Ninh cũng đã kể rồi, không nói nữa. Chỉ gọn lại là sông Vàm Cỏ Đông quê ta luôn luôn có những tiềm năng và cả mối hiểm hoạ chực chờ.

Vấn đề còn lại chỉ là thái độ và ứng xử của mỗi người với dòng sông quê hương. Sao cho mai này, con cháu không thẹn thùng khi hát hoặc ngâm những thơ ca viết về dòng sông mẹ. Sông cũng như người ấy! Và là một người mẹ vĩ đại nuôi sống đất đai, nuôi sống con người.

N.Q.V