BAOTAYNINH.VN trên Google News

Tháo vòng ở phụ nữ mãn kinh nên thực hiện sau mãn kinh hơn 1 năm 

Cập nhật ngày: 15/10/2017 - 11:56

BTN - Mẹ tôi 52 tuổi, sức khoẻ bình thường, đặt vòng tránh thai đã hơn 15 năm. Nay mẹ tôi đã mãn kinh 2 năm nhưng đang phân vân, không muốn tháo vòng vì nghe nói tháo vòng ở người mãn kinh lâu năm sẽ khó, gây đau và chảy máu. Nếu mẹ tôi không tháo vòng thì có nguy hiểm gì không? Xin bác sĩ giải thích.

Ðáp: Vòng tránh thai là dụng cụ đặt trong tử cung để phòng tránh mang thai ngoài ý muốn. Ðây là biện pháp tránh thai rất an toàn và hiệu quả cao.

Vòng tránh thai nên được tháo ra khi không có nhu cầu tránh thai, khi vòng không còn tác dụng (sau đặt 10-12 năm), khi vòng gây biến chứng (chảy máu, đau bụng nhiều, viêm nhiễm không đáp ứng với điều trị bằng thuốc, có thai…), hoặc khi đã mãn kinh.

Tháo vòng ở phụ nữ mãn kinh nên thực hiện sau mãn kinh hơn 1 năm vì các lý do chính: chắc chắn mãn kinh thật sự, tử cung chưa teo nhỏ nên dễ tháo vòng, thường chỉ gây đau, chảy máu không đáng kể lúc tháo vòng và nhanh chóng hết đau, chảy máu.

Cả bác sĩ, điều dưỡng hay nữ hộ sinh đều có thể tháo vòng an toàn nếu đã đuợc huấn luyện về kỹ thuật tháo vòng. Trường hợp tháo vòng gặp khó khăn, có thể tháo vòng qua nội soi buồng tử cung hoặc qua hướng dẫn của siêu âm. So với nội soi buồng tử cung, siêu âm là biện pháp không xâm lấn, thực hiện dễ dàng và hiệu quả hơn.

Giống như khi đặt vòng, tháo vòng cũng phải tuân thủ hướng dẫn phòng ngừa nhiễm trùng, kẹp dây vòng và kéo ra nhẹ nhàng (để không làm gãy vòng hay đứt dây vòng làm cho việc tháo vòng trở nên khó khăn hơn), tư vấn người bệnh rằng sau tháo vòng có thể xảy ra đau và chảy máu ít trong vài giờ. Nếu tháo vòng gặp nhiều khó khăn, nên chuyển người bệnh lên tuyến trên.

Chưa có nghiên cứu báo cáo về ảnh hưởng sức khoẻ và biến chứng nguy hiểm nếu để lại vòng trong tử cung sau mãn kinh. Tuy nhiên, càng lâu sau mãn kinh, tử cung càng teo nhỏ, cổ tử cung càng chít hẹp, thủ thuật tháo vòng càng gặp nhiều khó khăn hơn.

Mặt khác, nếu vẫn còn vòng trong tử cung, bác sĩ sẽ gặp khó khăn về chẩn đoán phân biệt chảy máu tử cung sau mãn kinh (nếu xảy ra) là do ung thư, do viêm nhiễm nội mạc tử cung hay do nguyên nhân lành tính khác, và khó thực hiện sinh thiết buồng tử cung nếu có chỉ định.

Tóm lại, trường hợp mẹ của bạn nên đến cơ sở y tế để tháo vòng vì các lý do như phân tích trên đây. Nếu cần thiết, bác sĩ sẽ chỉ định sử dụng thuốc giảm đau trước khi tháo vòng để việc tháo vòng diễn ra thuận lợi hơn, và mẹ của bạn sẽ cảm thấy dễ chịu hơn. Thân chào bạn.

Bác sĩ Huỳnh Văn Tú