BAOTAYNINH.VN trên Google News

Thế giới tuần qua: Hiệp định Paris, Thỏa thuận hạt nhân JCPOA trước nguy cơ đổ vỡ lớn? 

Cập nhật ngày: 10/11/2019 - 10:07

Mỹ chính thức rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu và Iran có nhiều động thái thu hẹp cam kết hạt nhân là hai sự kiện quốc tế đáng chú ý tuần qua.

Mỹ chính thức rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu

Khí thải bốc lên từ ống khói tại nhà máy điện ở Castle Dale, Utah, Mỹ, ngày 8/10/2017. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngày 4/11, Chính quyền của Tổng thống Donald Trump bắt đầu tiến trình chính thức rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, đưa Mỹ trở thành quốc gia đầu tiên rời khỏi thỏa thuận toàn cầu này.

Bộ Ngoại giao Mỹ cùng ngày đã đệ trình thông báo về mục đích rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu lên Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ). Theo các điều khoản của hiệp định, tiến trình rút khỏi thỏa thuận toàn cầu này sẽ kéo dài một năm. Điều này đồng nghĩa với việc Mỹ sẽ không còn là thành viên của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu vào ngày 4/11/2020 - một ngày sau ngày bầu cử tổng thống vào năm sau.

Phản ứng trước động thái từ Mỹ, người phát ngôn của LHQ, Stephane Dujarric cho biết quyết tâm của LHQ về Thỏa thuận Paris 2015 về biến đổi khí hậu vẫn không thay đổi.

Trong cuộc họp báo tại trụ sở LHQ ở New York, Mỹ hôm 5/11, diễn ra một ngày sau khi LHQ nhận được thông báo của Mỹ, ông Stephane Dujarric nhấn mạnh "quyết tâm của chúng ta tiến về phía trước trong việc thực thi Thỏa thuận Paris vẫn không thay đổi". Người phát ngôn của LHQ cho biết tổ chức này "tiếp tục khuyến khích các nước thành viên tích cực tham gia trước khi diễn ra COP25 tại Madrid nhằm nâng cao tham vọng ngăn chặn và đẩy lùi biến đổi khí hậu", khi đề cập đến Hội nghị các bên về Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu dự kiến diễn ra vào tháng 12 tới.

Về phần mình, Pháp bày tỏ "lấy làm tiếc" trước quyết định của Mỹ, cũng như ký kết một thỏa thuận chung với Trung Quốc mang tuyên bố "tính không thể đảo ngược" của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Trong khi đó, theo hãng thông tấn Kyodo, Bộ trưởng Môi trường Nhật Bản Shinjiro Koizumi bày tỏ việc Mỹ khởi động tiến trình rút khỏi Hiệp định Paris là điều "rất đáng thất vọng”. 

Trước đây, Tổng thống Trump từng nhiều lần khẳng định kế hoạch rút Mỹ khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Theo nhà lãnh đạo Mỹ, hiệp định sẽ khiến nước Mỹ tổn hại hàng nghìn tỷ USD, người lao động mất việc làm và cản trở các ngành công nghiệp khai thác dầu mỏ, khí đốt, than đá và cả lĩnh vực sản xuất cơ khí. 

Mỹ là quốc gia có lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính lớn thứ 2 thế giới. Chính vì vậy, giới chuyên gia nhận định việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận quốc tế về chống biến đổi khí hậu không những sẽ gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng cho môi trường và hệ sinh thái toàn cầu, mà còn là một đòn giáng mạnh vào những nỗ lực chung của quốc tế trong việc kìm hãm mức tăng nhiệt độ toàn cầu.

Iran tiếp tục thu hẹp cam kết hạt nhân

Nhân viên kỹ thuật Iran làm việc tại cơ sở làm giàu urani Isfahan, cách thủ đô Tehran 420km về phía nam, ngày 20/11/2004. Ảnh: AFP/TTXVN

Iran đang triển khai những biện pháp thu hẹp dần cam kết của mình trong thỏa thuận hạt nhân đạt được với các cường quốc năm 2015. Đây được đánh giá là một bước đi nguy hiểm, đặt thỏa thuận hạt nhân trước những mối đe dọa đổ vỡ lớn.

Theo thỏa thuận, Iran nhất trí đưa cơ sở hạt nhân ngầm Fordow thành một trung tâm hạt nhân, vật lý và công nghệ, còn 1044 máy ly tâm tại đây sẽ được sử dụng vì các mục đích khác chứ không phải làm giàu urani, như sản xuất các dạng nguyên tử đồng vị không phóng xạ với nhiều mục đích dân sự.

Tuy nhiên, trong một diễn biến mới nhất, Iran ngày 7/11 bắt đầu bơm khí urani vào các máy ly tâm tại cơ sở Fordow, chính thức nối lại hoạt động làm giàu urani. Theo người phát ngôn của Tổ chức Năng lượng Hạt nhân Iran (AEOI) Behrouz Kamalvandi, tiến trình này sau khoảng vài giờ sẽ đi vào ổn định. 

Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế IAEA xác nhận Iran đã chuyển một thùng khí urani tới cơ sở hạt nhân Fordow và đấu nối thùng này vào các máy ly tâm ở đây, qua đó vi phạm thỏa thuận hạt nhân giữa Tehran với các cường quốc lớn. Tuy nhiên, tổ chức giám sát hạt nhân của Liên hợp quốc này không đề cập gì đến việc làm giàu urani của Iran.

Theo ông Kamalvandi, sự kiên nhẫn của Tehran “đang xói mòn” khi các bên còn lại trong thỏa thuận hạt nhân, còn được biết đến với tên gọi Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) đã ký hồi năm 2015 với Nhóm P5+1 (gồm 5 quốc gia thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và Đức), không tuân thủ những cam kết theo thỏa thuận. Ông Kamalvandi khẳng định Iran có tất cả các quyền khôi phục việc làm giàu urani. Thứ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Araqchi ngày 8/11 tuyên bố bảo vệ những lợi ích của quốc gia còn quan trọng hơn việc duy trì thỏa thuận hạt nhân JCPOA.

Trong một diễn biến liên quan, Iran thông báo ngừng hợp tác với một thanh sát viên hạt nhân của Liên hợp quốc sau một sự cố mà bà gặp phải khi kiểm tra an ninh ở lối vào của nhà máy làm giàu urani Natanz ở miền Trung. 

Thông báo của Tổ chức Năng lượng nguyên tử Iran (IAEO) nêu rõ khi thanh sát viên của LHQ được kiểm tra an ninh tại lối vào của nhà máy, chuông báo động đã rung lên để cảnh báo vị này mang theo một vật dụng tình nghi. Thông báo không nêu rõ phía Iran có phát hiện vật dụng tình nghi trong tư trang của thanh sát viên trên hay không.

Thanh sát viên của LHQ đã rời Iran về Vienna, nơi đặt trụ sở của IAEA. Phản ứng trước sự cố này, IAEA khẳng định việc Tehran cấm một thanh sát viên của cơ quan này rời Iran là điều "không thể chấp nhận được".

Nguồn Báo Tin tức