Pháp luật   An ninh - Quốc phòng

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Thế trận biên phòng toàn dân 

Cập nhật ngày: 12/10/2018 - 06:28

BTN - Ngày 12.10, UBND tỉnh tổ chức hội nghị sơ kết 10 năm thực hiện “Ngày Biên phòng toàn dân” giai đoạn 2009-2019. Nhìn lại công tác xây dựng phong trào quần chúng nhân dân tham gia bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới cho thấy, đã có sự chuyển biến tích cực và rõ nét trong công tác bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên tuyến biên giới, góp phần hết sức quan trọng vào nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ biên giới.

Quân và dân trên địa bàn xã Tiên Thuận tham gia bảo vệ hệ thống đường biên, cột mốc.

Nhận thức bảo vệ biên giới ngày càng được nâng cao

Ðại tá Lê Hồng Vương, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng (BÐBP) cho biết, thời gian qua, được sự quan tâm của Ðảng, Nhà nước, các bộ, ngành Trung ương, tình hình KT-XH ở khu vực biên giới của tỉnh đã có bước chuyển biến rõ rệt, đời sống nhân dân từng bước được cải thiện, hệ thống chính trị cơ sở khu vực biên giới thường xuyên được củng cố, kiện toàn, hoạt động có nề nếp, hiệu quả. Chủ quyền lãnh thổ, an ninh chính trị (ANCT), trật tự, an toàn xã hội (TTATXH) luôn được giữ vững.

Với trên 240km đường biên, Tây Ninh là tỉnh có đường biên giới dài nhất trên tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia, nên được xem là địa bàn có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - chính trị, quốc phòng - an ninh. Ðịa bàn nội biên có 20 xã thuộc 5 huyện biên giới. Ngoại biên tiếp giáp với 19 xã và 3 phường thuộc 6 huyện, 1 thành phố của 3 tỉnh Tbong Khmum, Prey Veng và Svay Rieng thuộc Vương quốc Campuchia.

Bên cạnh đó, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo về nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ an ninh biên giới quốc gia. Ðối với các xã, phường biên giới, việc sơ kết cũng được các cấp uỷ Ðảng, chính quyền, MTTQ phối hợp với các đồn Biên phòng tiến hành thường xuyên trên khắp địa bàn biên giới của tỉnh vào dịp tổ chức “Ngày Biên phòng toàn dân” 3.3 hằng năm, gắn với sơ kết phong trào “Quần chúng tham gia tự quản đường biên, cột mốc, giữ gìn an ninh, trật tự xóm (ấp) khu vực biên giới”, phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”; và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá khu dân cư”.

Có thể thấy, nhiều hoạt động phong phú của “Ngày Biên phòng toàn dân” đã thực sự trở thành một phong trào lớn, có hiệu quả thiết thực, sôi nổi, rộng khắp. Qua đó, nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về “Ngày Biên phòng toàn dân”, về nhiệm vụ xây dựng, quản lý và bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới ngày càng được nâng cao.

Hệ thống chính trị cơ sở được củng cố, kiện toàn; kinh tế, văn hoá, xã hội từng bước phát triển đi lên, mối quan hệ đoàn kết gắn bó giữa cán bộ, nhân dân, chiến sĩ các lực lượng vũ trang nói chung, BÐBP nói riêng và cán bộ, nhân dân hai bên biên giới ngày càng được tăng cường, phát triển.

Từ kết quả thực hiện “Ngày Biên phòng toàn dân” cho thấy, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, trực tiếp của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh, của Ðảng uỷ, Bộ Tư lệnh BÐBP, quân dân trên 5 huyện biên giới của tỉnh đã đồng tâm hiệp lực, thực hiện có hiệu quả 5 nội dung của “Ngày Biên phòng toàn dân” xây dựng thế trận biên phòng ngày thêm vững chắc.

Trong đó, đáng chú ý là Tây Ninh đã hiện thực hoá việc xây dựng thế trận biên phòng toàn dân bằng Chỉ thị 29 về việc “Tổ chức phong trào quần chúng tham gia tự quản đường biên cột mốc và giữ gìn an ninh trật tự xóm ấp khu vực biên giới”.

Qua đó, đã xuất hiện nhiều mô hình như Tổ tuần tra thanh niên, Tổ tuần tra nhân dân, Tổ tự quản vùng biên, Tổ liên kết sản xuất vùng biên lần lượt ra đời, đi vào hoạt động và mang lại nhiều hiệu quả thiết thực.

Lãnh đạo tỉnh Tây Ninh cùng lãnh đạo tỉnh Prey Veng khảo sát khu vực biên giới Tân Nam chuẩn bị nâng cấp lên cửa khẩu quốc tế.

Trên nền tảng đó, từ năm 2015 đến nay, Tây Ninh phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, triển khai và thực hiện Chỉ thị 01 của Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới” trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển, huy động được sức mạnh toàn dân vào sự nghiệp biên phòng.

Từ 2014 đến nay, đã vận động số tiền trên 2,8 tỷ đồng, xây dựng 13 ngôi nhà trị giá 780 triệu đồng. Chương trình “Nâng bước em đến trường” từ năm 2015 đến nay của BÐBP tỉnh đã đỡ đầu cho 73 em học sinh, trong đó có 58 em trên địa bàn nội biên, 15 em phía ngoại biên, với định mức 6 triệu đồng/năm/mỗi em và được duy trì cho đến khi các em hoàn thành trung học cơ sở.

Ðến nay, trên địa bàn 20 xã biên giới của tỉnh đã có 1.282 hộ, với 1.979 người đăng ký tham gia tự quản 170km đường biên, có 386 hộ với 886 người đăng ký trông coi bảo vệ 95 cột mốc, có 928 tổ thuộc các mô hình tuần tra, bảo vệ an ninh trật tự xóm ấp với trên 28.300 thành viên tham gia.

Những chuyển biến tích cực trên vùng biên giới

Theo Ðại tá Nguyễn Tài Sơn, Chính uỷ BÐBP tỉnh, trong 10 năm thực hiện “Ngày Biên phòng toàn dân” đã tập hợp và phát huy sức mạnh to lớn của cả hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân tham gia sự nghiệp xây dựng, quản lý và bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới.

Các cấp uỷ đảng, chính quyền, MTTQ, các ban, ngành, đoàn thể và các đơn vị lực lượng vũ trang tỉnh đã tích cực tổ chức tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân, phù hợp với từng đối tượng, địa bàn trên khu vực biên giới.

Cụ thể, đã quán triệt, tuyên truyền, triển khai thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương  8 (khoá VIII) về chiến lược bảo vệ Tổ quốc; Nghị quyết Trung ương 8 (khoá XI) về chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; Hiến pháp, Bộ luật Hình sự, Luật Biên giới quốc gia, Luật Bảo vệ môi trường; các hiệp định, hiệp nghị, quy chế biên giới... Nghị định 34/2014/NÐCP về quy chế khu vực biên giới đất liền.

Các ban, ngành, đoàn thể, các lực lượng từ tỉnh đến cơ sở đã vận dụng linh hoạt, sáng tạo nhiều hình thức như tuyên truyền tập trung, tuyên truyền cá biệt, tuyên truyền qua hệ thống truyền thanh, qua hội họp, hội nghị, sinh hoạt học tập, tập huấn, toạ đàm, diễn đàn, sơ tổng kết, phát tờ rơi, hoạt động VHVN, thăm, tặng quà, kết nghĩa nhận đỡ đầu giữa tuyến sau với các lực lượng vũ trang và nhân dân nơi biên giới.

Với phương châm hướng về cơ sở, gần dân, trọng dân, hiểu dân, có trách nhiệm với nhân dân, “Nghe dân nói, nói dân hiểu, làm cho dân tin”, “Cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc, cùng nói tiếng của đồng bào dân tộc”.

Ðại tá Lê Hồng Vương, Chỉ huy trưởng BÐBP chia sẻ thêm, các cấp uỷ Ðảng, chính quyền, MTTQ, các ban, ngành, lực lượng vũ trang tỉnh đã triển khai nhiều chủ trương, giải pháp, đối sách, xử lý linh hoạt, đúng đắn những vấn đề liên quan đến chủ quyền, lãnh thổ, an ninh trật tự khu vực biên giới.

Trong đó, nổi bật là Ðồn Biên phòng Vàm Trảng Trâu, Phước Tân, Kà Tum. Ðã tổ chức nhiều hình thức vận động quần chúng sáng tạo, hiệu quả, duy trì tốt hoạt động tuần tra, kiểm soát trên biên giới. Chủ động nắm chắc mọi diễn biến tình hình nội, ngoại biên, phát động và triển khai sâu rộng phong trào quần chúng tham gia bảo vệ đường biên, mốc giới và nắm chắc âm mưu, phương thức, thủ đoạn và ý đồ của các thế lực thù địch, nắm bắt tâm tư nguyện vọng và diễn biến tư tưởng trong quần chúng nhân dân, kịp thời giải quyết các vấn đề nảy sinh ngay từ cơ sở.

Tích cực tham mưu, đề xuất với Ðảng, Nhà nước, Chính phủ và các bộ, ngành chức năng giải quyết tốt các vấn đề liên quan đến chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.

Tổ tuần tra xung kích Ðồn BP Tân Hà.

Ðặc biệt, BÐBP tỉnh đã tích cực phối hợp với các lực lượng chức năng của nước bạn trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, đấu tranh với các loại tội phạm, giải quyết tốt các vấn đề xảy ra trên biên giới, diễn tập liên hợp ngăn chặn di cư tự do và xuất nhập cảnh trái phép sang Campuchia.

Ðồng thời giúp đỡ nước bạn trong huấn luyện nghiệp vụ bảo vệ biên giới, hỗ trợ vật chất xây dựng hạ tầng cơ sở và trang thiết bị phục vụ công tác... Các hoạt động đó đã góp phần tích cực trong việc vun đắp và tô thắm thêm tình đoàn kết hữu nghị giữa Tây Ninh với 3 tỉnh tiếp giáp của Campuchia, xây dựng biên giới hoà bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển.

Ðức An - Lê Quân

Ðể động viên sức mạnh toàn dân tham gia vào công tác biên phòng, ngày 22.2.1989, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ban hành Quyết định số 16/HÐBT lấy ngày 3 tháng 3 hằng năm là “Ngày Biên phòng”. Ðến tháng 6 năm 2003, tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XI đã thông qua Luật Biên giới quốc gia, trong đó quy định ngày 3 tháng 3 hằng năm là “Ngày Biên phòng toàn dân”.