BAOTAYNINH.VN trên Google News

Thêm một cơ hội tốt cho nông dân 

Cập nhật ngày: 10/05/2017 - 10:45

BTNO - Như tin đã đưa, ngày 6.5, UBND huyện Tân Biên tổ chức hội thảo triển khai sản xuất theo quy trình tốt (GAP) gắn với tiêu thụ sản phẩm. Trong dịp này có lãnh đạo Công ty CP Thực phẩm xuất khẩu Ðồng Giao (gọi tắt là Công ty Ðồng Giao) ở tỉnh Ninh Bình đến giới thiệu về hoạt động của doanh nghiệp, đồng thời bày tỏ mong muốn xây dựng trên địa bàn huyện Tân Biên một nhà máy chế biến trái cây để thu mua nguyên liệu của nông dân. Ðây là một cơ hội tốt cho nông dân trên đường sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.

Ông Còn (bìa trái) giới thiệu vườn chanh dây của mình với Công ty Đồng giao và lãnh đạo Sở NN&PTNT.

THÊM MỘT ÐỐI TÁC LỚN

Tại hội thảo, ông Ðinh Văn Khuê- Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Ðồng Giao giới thiệu, Công ty có lịch sử hơn 61 năm hình thành và phát triển. Hiện nay, tổng số lao động trong công ty hơn 2.000 người, lao động thời vụ 4.000 người. Tổng diện tích đất công ty đang quản lý và canh tác hơn 3.400 ha, chủ yếu trồng dứa (khóm, thơm), chanh leo (chanh dây), gấc và vải thiều. Khu tổ hợp nhà máy chế biến có tổng công suất 30.000 tấn sản phẩm/năm. Trong đó gồm các dây chuyền sản xuất đồ hộp, cô đặc, đông lạnh, đồ uống v.v…

Sản phẩm của công ty xuất khẩu đi hơn 50 nước trên thế giới, kể cả các thị trường “khó tính” như Mỹ, Hà Lan, Israel, Ðức, Nhật Bản… Doanh số bán hàng tăng đều đặn từ 15% đến 20%/năm. Hiện nay, công ty đang hoàn thiện để đưa nhà máy chế biến rau quả tại Bắc Giang vào hoạt động trong quý II.2017, đồng thời tập trung thực hiện dự án nhà máy chế biến rau quả tại phía Nam, dự kiến hoàn thiện và đưa vào hoạt động trong quý I.2018; lên phương án xây dựng “Trung tâm nghiên cứu và phát triển giống cây trồng Ðồng Giao” trong năm 2017.

Trước khi dự hội thảo, Công ty Ðồng Giao đã cùng lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Tây Ninh đi tham quan thực tế một số vườn cây ăn trái như chanh dây, mãng cầu, chuối già Nam Mỹ, cam… trên địa bàn Tây Ninh. Phát biểu tại hội thảo, ông Ðinh Văn Khuê nhận xét, đất nông nghiệp ở Tây Ninh rộng, hệ thống nước tưới tốt. Tây Ninh có thể phát triển chanh dây, chuối và một số loại cây ăn quả có múi...

Công ty Ðồng Giao rất mong muốn được hợp tác, cụ thể là có được một “vùng lõi” từ 100- 200 ha để xây dựng mô hình vườn cây ăn trái kiểu mẫu, làm cơ sở ký kết với bà con nông dân mở rộng sản xuất các cây nguyên liệu như chanh dây, chuối, dứa với diện tích khoảng 10.500 ha; và kết hợp với chính quyền địa phương xây dựng một nhà máy sản xuất sản phẩm từ nguyên liệu trái cây. “Tỉnh càng có nhiều nhà máy càng tốt, càng mang tính cạnh tranh và thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển”, ông Khuê nói.

Theo Giám đốc Công ty Ðồng Giao, công ty dự kiến sẽ đầu tư xây dựng một tổ hợp chế biến trái cây xuất khẩu tại Tây Ninh, bao gồm nhà máy đông lạnh khoảng 100 tỷ đồng, nhà máy đồ hộp khoảng 45 tỷ đồng, nhà máy cô đặc khoảng 113 tỷ đồng với máy móc công nghệ Nhật Bản, Ðức, Pháp, Thuỵ Ðiển. Về chính sách đối với vùng nguyên liệu, phía công ty sẽ cung cấp cây giống, thuốc trừ sâu và sẽ có bộ phận khuyến nông đến tận cơ sở để hướng dẫn kỹ thuật cho bà con nông dân.

Lãnh đạo Công ty Ðồng Giao (trái) và lãnh đạo Sở NN&PTNT Tây Ninh tham quan vườn chanh dây của ông Còn.

PHÁT TRIỂN ÐÚNG HƯỚNG, NGÀNH CHỨC NĂNG ỦNG HỘ

Phát biểu tại hội thảo, ông Võ Ðức Trong- Giám đốc Sở NN&PTNT nhấn mạnh, hiện nay, cơ cấu lại nền nông nghiệp là một trong những hướng đi nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng sản phẩm nông nghiệp, phát triển nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng trên địa bàn tỉnh. Ông Trong nói: “Chúng tôi đang tập trung chuyển hướng những cây nông nghiệp truyền thống sang những cây có tiềm năng.

Hiện nay, các loại cây trồng truyền thống của tỉnh có tổng doanh thu không quá 100 triệu đồng/ha và lợi nhuận dưới 40 triệu đồng/ha. Ðối với những loại cây trồng này, nếu không có hướng chuyển dịch kịp thời sẽ gây khó khăn cho nền nông nghiệp, đặc biệt là ảnh hưởng đến thu nhập của bà con nông dân. Quan điểm của chúng tôi, tái cơ cấu nông nghiệp là bắt đầu từ địa phương. Chúng ta vừa nghe Công ty Ðồng Giao đưa ra một số sản phẩm, chiến lược rõ ràng cho thị trường trong nước và thế giới với lợi nhuận khá cao. Chúng tôi thấy rằng, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng mới không khó đối với bà con nông dân trong tỉnh.

Vấn đề đặt ra là làm sao tạo điều kiện thuận lợi nhất để nhà đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất ở Tây Ninh; và tỉnh có chủ trương xây dựng thêm một nhà máy thứ hai sản xuất những sản phẩm có giá trị gia tăng cao từ nông nghiệp. Trên cơ sở đó, chúng tôi sẽ cùng với cô bác nông dân, cùng với các nhà đầu tư xây dựng, phát triển vùng nguyên liệu”.

Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết thêm, cách đây một tháng, Sở NN&PTNT có tổ chức đoàn gồm lãnh đạo tỉnh và lãnh đạo hai huyện Tân Biên, Tân Châu đến tham quan, tìm hiểu Công ty Ðồng Giao ở Ninh Bình. Ðây là công ty được Bộ NN&PTNT đánh giá rất cao về tổ chức sản xuất, chế biến xuất khẩu. Hiện nay, công ty có sản lượng xuất khẩu sản phẩm từ trái cây hàng đầu ở Việt Nam và có thị phần, thị trường lớn trên thế giới.

Khi đến tham quan thực tế, đoàn đánh giá được tiềm năng, khả năng của công ty. Chính vì vậy, lãnh đạo tỉnh và ngành chức năng mời công ty tham dự hội thảo này. Sắp tới, Sở NN&PTNT sẽ báo cáo UBND tỉnh và cùng với Công ty Ðồng Giao xúc tiến các thủ tục cần thiết. Nếu được UBND tỉnh chấp thuận và nhà đầu tư ủng hộ, tỉnh ta sẽ triển khai xây dựng nhà máy chế biến trái cây xuất khẩu thứ hai. Ðây là một trong những chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, giúp cho bà con nông dân chuyển dịch cơ cấu sản xuất và nâng cao giá trị gia tăng.

Ông Trong cũng cho biết thêm, ngoài mô hình trồng chanh dây bước đầu thành công ở Tân Biên, sắp tới, Sở NN&PTNT sẽ triển khai thêm một số mô hình cây nông nghiệp khác để giới thiệu cho bà con nông dân, đặc biệt là đối với những nông dân tiêu biểu của Tân Biên để chuyển đổi sản xuất cây trồng.

Một nông dân phát biểu tại buổi hội thảo.

NGƯỜI DÂN ÐỒNG TÌNH

Tham gia hội thảo, nông dân Nguyễn Văn Còn (xã Thạnh Bình) chia sẻ, ông đang trồng 66 ha chanh dây. Hiện tại, vườn chanh dây của ông đã lớn và bắt đầu ra trái. Thời gian đầu mới trồng loại cây ăn trái này ông rất trăn trở về đầu ra nông sản. Ông nói: “Ở  tỉnh ta đã có nhà máy Tanifood vừa khởi công, bây giờ lại có thêm Công ty Ðồng Giao đang xúc tiến xây dựng thêm một nhà máy sản xuất, chế biến các mặt hàng từ cây ăn trái ở huyện Tân Biên thì chúng tôi đã có thể an tâm sản xuất, không còn lo lắng gì nữa”. Tại hội thảo, hầu hết nông dân đến dự đều phấn khởi, tin tưởng khi tỉnh sắp có thêm một nhà máy thu mua, chế biến sản phẩm nông nghiệp của bà con. Nhiều nông dân đã ký kết hợp tác với Công ty Ðồng Giao. 

Tuy nhiên, cũng có một số nông dân còn cảm thấy băn khoăn. Ông Chạnh, ở xã Trà Vong kể, trước đây có một công ty đến hợp đồng trồng gừng trong bao và hứa bao tiêu sản phẩm. Thậm chí công ty còn cử cán bộ kỹ thuật đến từng nhà hướng dẫn cho bà con trồng theo đúng kỹ thuật. Nhưng, đến khi thu hoạch, công ty nọ không thu mua, khiến sản phẩm của người dân không tiêu thụ được, bị lỗ.

“Tôi muốn Công ty Ðồng Giao hợp đồng với nông dân là phải chắc ăn, cam kết hỗ trợ, giúp đỡ cho nông dân, vì nông dân chúng tôi là những người thật thà, chất phác, nếu bị thiệt thòi, không biết nhờ cậy vào đâu”, ông Chạnh nói. Ông Mẽo, cũng là nông dân xã Trà Vong, hỏi rõ hơn: “Tôi muốn liên hệ ký kết hợp đồng với Công ty Ðồng Giao thì phải gặp ai, số điện thoại, địa chỉ ở đâu, hợp đồng bắt đầu thực hiện cụ thể từ lúc nào, cần thông tin rõ ràng để nông dân biết, thực hiện”.

Ông Sáu, ở xã Tân Phong quan tâm: “Làm sao cho nông dân tiếp cận được với phân vi sinh để sử dụng an toàn cho sản phẩm nông nghiệp? Mặt khác, làm thế nào để nông dân tránh mua nhầm phân bón kém chất lượng, thuốc trừ sâu giả” v.v… Ông Nguyễn Duy Ân, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT đã giải thích, hướng dẫn những vấn đề người dân còn băn khoăn, chưa rõ.

Rõ ràng, niềm vui của người dân Tân Biên khi nghe tin huyện nhà sẽ có nhà máy chế biến - tiêu thụ là rất đáng chia sẻ. Bởi bao lâu nay, tiêu thụ sản phẩm luôn là vấn đề “đau đầu” nhất đối với người nông dân. Cũng qua đó cho thấy, rõ ràng sự đồng hành của chính quyền cùng với người dân trong hành trình xây dựng nền nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh nhà. Một chủ trương đúng, ắt có sự đồng thuận cao. Niềm hy vọng về một nền nông nghiệp chất lượng cao trên đất Tây Ninh sẽ nhanh chóng thành hiện thực.

Ðại Dương