Kinh tế   Công nghiệp – Dịch vụ

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Thị trường tôm, cá tra ấm trở lại 

Cập nhật ngày: 08/12/2019 - 16:46

Sau nhiều ngày rớt thê thảm, giá tôm, cá tra đã tăng trở lại. Tổng cục Thủy sản dự báo, các mặt hàng này sẽ tăng trưởng tốt trong tháng cuối năm.

Chủ động điều chỉnh nguồn cung

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT), 10 tháng năm 2019, xuất khẩu thủy sản của cả nước đạt 7,09 tỷ USD, giảm nhẹ gần 2,0% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi cá ngừ vẫn tăng khả quan 12,7%, xuất khẩu các mặt hàng chủ lực khác đều sụt giảm. Đặc biệt, xuất khẩu tôm giảm 6,4%, cá tra giảm 10%.

Giá tôm nguyên liệu và giá cá tra liên tục giảm mạnh đã làm ảnh hưởng đến kim ngạch xuất khẩu toàn ngành. Cụ thể, giá tôm thẻ chân trắng ướp đá giảm 15.000 - 20.000 đồng/kg, giá cá tra giảm 5.000 - 8.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm 2018.

Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, giá bán tôm nguyên liệu và cá tra hiện đã tăng cao so với các tháng đầu năm. Đối với tôm, EU đang tăng mua thủy sản trong các tháng cuối năm 2019. Các thị trường khác như: Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc đang tăng trưởng khá tốt.

Cụ thể, tôm thẻ chân trắng loại 100 con/kg, khu vực ĐBSCL giá dao động từ 95.000đ; Khu vực miền Trung, giá dao động từ 100.000 - 115.000đ; Khu vực miền Bắc giá dao động từ 100.000 - 120.000đ/kg. Tôm sú loại 40 con/kg giá 183.000 - 255.000đ/kg.

Giá cá, tôm đã tăng trở lại.

Giá tôm hiện nay tăng mạnh nhất là tôm thẻ loại 30 - 40 con/kg với giá 140.000 - 160.000đ/kg, tăng khoảng 25.000đ/kg so với tháng 8/2019. Xuất khẩu tôm dự báo sẽ chuyển biến tích cực hơn trong những tháng cuối năm. Nhu cầu thị trường nhích lên, sản lượng tôm và giá tôm trong nước và thế giới được cải thiện, tạo đà cho xuất khẩu tôm những tháng cuối năm.

Đối với cá tra thương phẩm đã tăng 500 - 1.000 đồng/kg so với các tháng giữa năm và theo quy luật vào cuối năm sẽ có nhiều đơn hàng để phục vụ nhu cầu tiêu dùng cuối năm. Do vậy, dự báo giá cá tra thương phẩm các tháng cuối năm 2019, đầu năm 2020 có thể duy trì ở mức hiện tại.

Một trong những nguyên nhân khiến thị trường khởi sắc trở lại, theo ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, trước thực trạng khó khăn về giá, sức tiêu thụ của thị trường sụt giảm nên người nuôi và doanh nghiệp đối với tôm đã chủ động giảm sản lượng bằng việc giảm diện tích nuôi tôm và điều chỉnh giảm mật độ thả nuôi cá tra.

Ông Trần Đình Luân phân tích, so với cùng kỳ năm 2018, mặc dù diện tích thả nuôi, diện tích thu hoạch tăng nhưng sản lượng thu hoạch giảm. Do đó có thể nhận định là ngay từ thời điểm cuối tháng 3 (thời điểm giá cá thương phẩm bắt đầu có xu hướng giảm), người nuôi đã điều chỉnh giảm mật độ thả nuôi để giảm thiểu rủi ro.

Phát triển bền vững

Dự kiến cả năm nay xuất khẩu tôm sẽ đạt 4,1 tỷ USD; cá tra đạt 2,3 tỷ USD tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản cả năm đạt khoảng 9,4 - 9,6 tỷ USD. Xuất khẩu hai sản phẩm nuôi chủ lực này đã có tín hiệu khả quan hơn so với nửa đầu năm và dự kiến trong quý IV kết quả sẽ tích cực hơn, tuy nhiên, trong đà sụt giảm hiện tại, khó có thể đạt được mức tăng trưởng dương. Cạnh tranh về giá cũng như các điều kiện của thị trường nhập khẩu vẫn là áp lực đối với doanh nghiệp trong nước trong nửa cuối năm 2019.

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, giá tôm, cá tra giảm mạnh trong nhiều tháng qua là do: Đối với mặt hàng một số nước trong khu vực như Ấn Độ, Ecuador... tiếp tục được mùa tôm, chi phí sản xuất thấp, nguồn cung dồi dào đã ảnh hưởng ít nhiều đến giá tôm trong nước. Trong khi đó, giá thành sản xuất tôm nguyên liệu nước ta vẫn cao hơn các nước khác. Một số doanh nghiệp nhập tôm nguyên liệu từ Ấn Độ có giá rẻ hơn dẫn đến tôm nguyên liệu trong nước bị cạnh tranh, dư cung.

Còn đối với cá ba sa, do giá cá tra nguyên liệu đã duy trì ở mức cao liên tục trong 2 năm 2017 - 2018, nhiều doanh nghiệp, cơ sở nuôi đầu tư nguồn lực mở rộng diện tích nuôi, tạo xu hướng giảm giá do nguồn cung dư. 

Bên cạnh đó, còn có nguyên nhân, các nước nhập khẩu tăng rào cản kỹ thuật. Trung Quốc siết chặt quản lý nhập khẩu biên mậu; tăng cường kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc. Một số quốc gia nuôi cá tra khác như Indonesia, Trung Quốc, Bangladesh đã đầu tư phát triển cá tra, đặc biệt Indonesia bắt đầu xây dựng, quảng bá dòng cá tra sạch và chiếm lĩnh thị trường Trung Đông. Arap Saudi vẫn đóng cửa đối với sản phẩm thủy sản Việt Nam, trong đó có sản phẩm cá tra. 

Vì thế ông Trần Đình Luân đưa ra giải pháp phát triển tôm và cá tra theo hướng, giảm giá thành sản xuất, nâng cao giá trị gia tăng để tăng khả năng cạnh tranh.

Để sản xuất, xuất khẩu bền vững, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho rằng, yêu cầu trước mắt lẫn dài hạn là phải tạo ra nguồn tôm sạch có chứng nhận với giá cạnh tranh. Yêu cầu dài hạn phải xây dựng cho được thương hiệu tôm Việt. Vì vậy cần sự hỗ trợ của Bộ NN&PTNT và Tổng cục Thủy sản trong việc kiểm soát chặt chẽ chế phẩm nuôi tôm, ngặn chặn từ gốc các nguồn thẩm lậu các hoá chất nuôi tôm không có tên trong danh mục cho phép.

Đối với sản phẩm cá tra, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam phân tích, để cân đối nguồn cung - cầu cá tra, tránh tình trạng thừa cung trong chu kỳ của ngành cá tra, cần thiết có dữ liệu ngành đầy đủ và lũy kế theo chuỗi để đánh giá tình hình, áp dụng số hóa và có thông tin định hướng cho ngành. Ngoài ra, cần tăng cường khâu kiểm soát giống để đảm bảo chất lượng, chú trọng chất lượng cá xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch, hạn chế xuất khẩu mậu biên. Đối với thị trường EU cần có thêm sự hỗ trợ từ các chuyên gia và nguồn lực bên ngoài để đẩy mạnh marketing, thúc đẩy thị trường.

Nguồn Báo Tiếng nói Việt Nam


Liên kết hữu ích