BAOTAYNINH.VN trên Google News

Thiếu kẽm, trẻ bị gì? 

Cập nhật ngày: 18/09/2017 - 23:10

Trẻ em bị thiếu kẽm hiện đang là vấn đề được quan tâm ở nhiều nước, trong đó có Việt Nam. Theo Viện Dinh dưỡng quốc gia, tỉ lệ thiếu kẽm ở trẻ em nước ta khá cao, từ 25-40%, tùy theo địa phương và nhóm tuổi.

Hải sản bổ sung kẽm cho bà mẹ và trẻ em - Ảnh: T.T.D.

Kẽm được biết đến như một vi chất dinh dưỡng cần thiết được phân bổ rộng rãi trong cơ thể khi được hấp thu trong các loại thức ăn. Kẽm có vai trò quan trọng đối với chức năng phát triển, sinh sản...

Kẽm tác động hormon tăng trưởng

Kẽm có vai trò quan trọng trong quá trình nhân bản ADN và tổng hợp protein. Kẽm tập trung nhiều ở hệ thần kinh trung ương, chiếm khoảng 1,5% tổng lượng kẽm trong toàn bộ cơ thể. Các synap thần kinh (tế bào thần kinh) hấp thụ kẽm một cách chủ động.

Kẽm có ảnh hưởng tốt đến sự phát triển của cơ thể, ảnh hưởng này có thể giải thích trên nhiều tác dụng như tăng hấp thu, tăng tổng hợp protein, tăng cảm giác ngon miệng, tác động lên hormone tăng trưởng.

Ngay cả hệ thống miễn dịch đặc biệt nhạy cảm với tình trạng kẽm của cơ thể. Theo một nghiên cứu khoa học, thiếu kẽm gây suy giảm miễn dịch, ảnh hưởng xấu tới sự phát triển và chức năng của hầu hết các tế bào miễn dịch, bao gồm cả tế bào T, tế bào B và đại thực bào.

Dấu hiệu thiếu kẽm

Trong hấp thu và chuyển hóa, lượng kẽm được hấp thu khoảng 5mg/ngày. Tỉ lệ hấp thu này phụ thuộc nhiều vào các điều kiện như hàm lượng kẽm trong thức ăn, nguồn gốc thức ăn và sự có mặt của các chất ức chế hay các chất kích thích sự hấp thu kẽm.

Có thể phát hiện trẻ bị thiếu kẽm như: trẻ ăn không ngon, vị giác bất thường, rụng tóc, tiêu chảy kéo dài, thương tổn vùng da và mắt, chậm phát triển. Thiếu kẽm ảnh hưởng đến vị giác và khứu giác khiến trẻ không có cảm giác ngon miệng khi ăn.

Về lâu dài, trẻ sẽ biếng ăn, gây nên tình trạng suy dinh dưỡng, chậm lớn. Khi trẻ bị thiếu kẽm sẽ tác động tiêu cực tới việc phát triển chiều cao, thể chất, hệ thần kinh và hệ miễn dịch của trẻ.

Nếu không đáp ứng đủ nhu cầu kẽm cho cơ thể của trẻ sẽ dẫn đến thấp còi, giảm chức năng của hầu hết tế bào miễn dịch, nguy cơ mắc bệnh nhiễm khuẩn và tử vong cao.

Lưu ý thức ăn giàu kẽm

Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), nhu cầu kẽm cho trẻ tùy thuộc mỗi độ tuổi.

Cụ thể trẻ em dưới 3 tháng tuổi cần 3mg kẽm mỗi ngày, trẻ từ 5-12 tháng tuổi là 5 -8 mg/ngày, ở trẻ từ 1 tuổi -10 tuổi cần khoảng 10-15 mg/ngày để phát triển chiều cao và thể chất tối ưu.

Đối với các trẻ dưới 6 tháng tuổi thì nguồn kẽm tốt nhất và dễ hấp thu nhất đó chính là sữa mẹ. Tuy nhiên, lượng kẽm trong sữa mẹ sẽ giảm dần theo thời gian. Vì thế, người mẹ cần duy trì lượng kẽm trong sữa cũng như bổ sung kẽm cho sự phát triển của trẻ trong tương lai bằng việc ăn nhiều những loại thức ăn giàu kẽm như tôm đồng, lươn, hàu, sò, gan heo, sữa, thịt bò... Sữa mẹ là nguồn kẽm tốt nhất với trẻ dưới 6 tháng tuổi

Đối với các bé từ 6 tháng tuổi trở lên thì có thể bổ sung kẽm qua thức ăn. Để trẻ hấp thụ kẽm tốt nhất, mẹ nên bổ sung vitamin C cho trẻ từ chính các loại trái cây tươi giàu lượng vitamin C sẵn có như cam, chanh, quýt, bưởi...

Kẽm có nhiều ở động vật

Kẽm có trong nhiều loại thực phẩm nguồn gốc động vật. Tuy nhiên, hầu hết trẻ em ở các nước đang phát triển đều được ăn rất ít những loại thực phẩm có hàm lượng kẽm cao và có tỉ lệ hấp thu kẽm cao như thịt gia súc, gia cầm, cá, tôm, cua...

Thực phẩm có nguồn gốc thực vật thường chứa ít kẽm trừ phần mầm của các loại hạt.

"Thiếu kẽm trẻ còn có biểu hiện rối loạn tinh thần như hay nổi cáu, khóc nhè, ngủ không yên giấc" 

Nguồn TTO