Thời Sự - Chính trị   Việt Nam - Thế giới

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Thủ tướng kết thúc tốt đẹp chuyến tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN 34 

Cập nhật ngày: 24/06/2019 - 15:49

Thông qua ASEAN 34, hình ảnh Việt Nam tích cực đổi mới, tham gia chủ động, tích cực và có trách nhiệm vào các nội dung hợp tác tiếp tục được nâng cao.

Cách đây ít phút theo giờ Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân dẫn đầu đoàn cấp cao Việt Nam đã về đến Hà Nội, kết thúc tốt đẹp chuyến tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 34 tại Thái Lan, trong hai ngày 23 và 24-6..

Các nhà lãnh đạo ASEAN tại lễ khai mạc Hội nghị.

Trong các phát biểu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp tục khẳng định, Việt Nam luôn là thành viên có trách nhiệm, đồng thời đề nghị ASEAN ưu tiên hàng đầu là tiếp tục củng cố đoàn kết, gắn kết nội khối, phát huy vai trò trung tâm và hiệu quả của các cơ chế khu vực do ASEAN chủ trì và dẫn dắt.

Trong chuyến đi, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tham dự tất cả các phiên họp quan trọng của Hội nghị, gồm Phiên toàn thể, lễ khai mạc hội nghị và phiên họp kín của các nhà lãnh đạo ASEAN. Trong các phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nêu nhiều đề xuất quan trọng để thúc đẩy đoàn kết nội khối cũng như giải quyết các thách thức trong bối cảnh hiện nay.

Điểm đáng chú ý là Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 34 diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực có nhiều biến động, chủ nghĩa bảo hộ thương mại, cạnh tranh nước lớn tăng lên, và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang tác động mọi mặt đời sống. Đây là những yếu tố cho thấy, các nước ASEAN phải tiếp tục đoàn kết hơn nữa để cùng nhau chung tay vượt qua thách thức.

Trong bối cảnh như vậy, nước chủ nhà Thái Lan, Chủ tịch ASEAN năm 2019 đã chọn chủ đề "Tăng cường quan hệ đối tác vì sự phát triển bền vững" và nhận được sự đồng thuận cao của các nước thành viên, trong đó có Việt Nam. 

Thông điệp chính Thái Lan muốn gửi đi qua hội nghị lần này là xây dựng một ASEAN bền vững mọi mặt từ an ninh, kinh tế, an ninh con người... với khái niệm "vạn vật bền vững" (Sustainable of Things - SOT), coi đây như một ADN của ASEAN để tiếp tục truyền lại cho các thế hệ sau.

Tháp tùng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong chuyến đi, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng, cho biết, bối cảnh tình hình thế giới làm các nhà lãnh đạo quan tâm rất nhiều và bày tỏ sự lo ngại của mình.

Về an ninh, các quốc gia rất lo ngại cạnh tranh nước lớn ảnh hưởng đến các nước ASEAN. Về kinh tế, chiến tranh thương mại Mỹ-Trung rồi Cách mạng 4.0 đặt ra những thách thức rất lớn cho ASEAN, rồi các mặt như rác thải ở biển, vấn đề gài hóa dân số; làm sao thích nghi phát huy được sức trẻ của thanh niên bây giờ… Đó là những vấn đề thanh niên hết sức lo ngại. Và vì sự lo ngại đó, Thái Lan đã đưa ra chủ đề của năm “Bền vững”. Bền vững ở đây là bền vững trong tất cả mọi lĩnh vực tổng thể.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Phiên họp toàn thể Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 34. Ảnh: VGP

Trên tinh thần đó, lãnh đạo các nước đã thảo luận về thúc đẩy 3 trụ cột hợp tác là chính trị-an ninh, kinh tế và văn hóa. Các nước khẳng định nhu cầu duy trì một nền an ninh bền vững trên cơ sở những nguyên tắc cơ bản của Hiệp ước Thân thiện và hợp tác ASEAN (TAC), bảo đảm vai trò trung tâm của ASEAN và định hướng ứng xử với đối tác bên ngoài trên cơ sở tài liệu Quan điểm ASEAN về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng, phân tích: “Cái cốt lõi nhất trong quan điểm của ASEAN là khu vực này sẽ như thế nào?. Đó là một khu vực hòa bình, ổn định, thịnh vượng, trong đó các nước hợp tác với nhau, phát triển với nhau một cách bình đẳng,tôn trọng luật lệ, không có nước nào bị phân biệt đối xử, không có nước nào có thể áp đặt đối với các nước khác. Đồng thời ASEAN cũng đặt ra các nguyên tắc, các lĩnh vực để hợp tác với nhau trong tương lai ở khu vực này, kể cả trong lĩnh vực an ninh, kinh tế, con người và xã hội”.

Về kinh tế, thúc đẩy hơn nữa thương mại nội khối; một ASEAN không rào cản (Seamless ASEAN), tăng cường kết nối, kết nối tiểu vùng, triển khai Cơ chế một cửa ASEAN, Sáng kiến Mạng lưới các thành phố thông minh ASEAN; thúc đẩy kinh tế số và một ASEAN số hóa; kết thúc đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) trong năm 2019.

Về văn hóa xã hội, các nhà lãnh đạo quyết định chọn 2019 là năm Văn hóa ASEAN nhằm tăng cường giao lưu văn hóa và thúc đẩy bản sắc văn hóa ASEAN. Lãnh đạo các nước cũng nhất trí việc thúc đẩy các sáng kiến được đưa ra như: “An ninh hơn”: tức ứng phó tốt hơn với các thách thức an ninh mạng với việc thành lập Trung tâm an ninh mạng ASEAN - Nhật Bản.

Các lãnh đạo thống nhất thúc đẩy “Thịnh vượng hơn” cho khối ASEAN trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ gia tăng.Theo đó cần phấn đấu kết thúc đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) trong năm nay để tạo ra một khối thương mại tự do lớn nhất thế giới; tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp vừa nhỏ và siêu nhỏ, nông nghiệp, chuỗi cung ứng, thu hẹp khoảng cách phát triển; đối phó với cơ cấu dân số già hóa với việc thiết lập Trung tâm tuổi già năng động ASEAN (ACAI)... 

Về vấn đề các nước ASEAN thúc đẩy sớm kết thúc đàm phán Hiệp định RCEP, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng, cho rằng: “Trong bối cảnh cạnh tranh thương mại giữa các nước lớn rất cao rồi chủ nghĩa bảo hộ có xu hướng tăng lên thì việc ASEAN ủng hộ hoàn tất Hiệp định RCEP hết sức quan trọng. Nếu có được Hiệp định này thì cũng là hỗ trợ cho các nước ASEAN tự cường, bất chấp sóng gió về thương mại toàn cầu. Đây là một ý chí rất mãnh liệt của các nhà lãnh đạo. Tuy nhiên trong đàm phán chúng tôi thấy còn có khó khăn.

Năm ngoái chúng ta đã quyết tâm đàm phán, các nhà lanh đạo hạ quyết tâm đàm phán xong trong năm nay. Cái tinh thần đó các nhà lanh đạo đã quán triệt. Lần này nữa các nàh đàm phán các nước đã cố gắng đảm bảo một sự linh hoạt nhất định nhưng cũng đảm bảo một độ công bằng để đạt được Hiệp định RCEP trong năm nay”.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Thái Lan Chan-o-cha. Ảnh: VGP

Thông điệp từ phát biểu của Thủ tướng

Tại các phiên họp quan trọng này, với cương vị là Chủ tịch kế nhiệm ASEAN năm 2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã kêu gọi các nước ASEAN tiếp tục thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, đẩy mạnh cải cách thể chế và nâng cao hiệu quả bộ máy hoạt động của ASEAN.

Trong bài phát biểu tại phiên toàn thể, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã nhấn mạnh đến ưu tiên hàng đầu là tiếp tục củng cố đoàn kết, gắn kết nội khối, phát huy vai trò trung tâm và hiệu quả của các cơ chế khu vực do ASEAN chủ trì và dẫn dắt.

Cũng theo đề xuất của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, ASEAN cần đẩy mạnh liên kết kinh tế nội khối, tận dụng hiệu quả các cam kết và thoả thuận đã ký, sớm hoàn tất đàm phán Hiệp định Đối tác toàn diện khu vực (RCEP), tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, nâng cao năng lực ứng phó với các cơ hội và thách thức của cuộc cách mạng lần thứ 4, chú trọng kết nối và phát triển các mạng lưới trung tâm công nghệ 4.0.

Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng cho biết, phát biểu của Thủ tướng ở nhiều dịp đưa ra 3 thông điệp. Thứ nhất, Việt Nam ủng hộ những sáng kiến, những đề xuất của Thái Lan về phát triển bền vững trong cả 3 trụ cột của Thái Lan cũng như trong quan hệ của ASEAN với các đối tác.

Thứ hai, Việt Nam sẵn sàng cùng các nước, kêu gọi các nước đẩy mạnh sự đoàn kết, bản lĩnh để xử lý các vấn đề toàn cầu. Muốn có bản lĩnh đõ, Thủ tướng cũng đề nghị quan hệ trong ASEAN phải rất chân thành. Trên tinh thần đó Việt Nam sẵn sàng đóng góp thông qua sáng kiến Ấn Độ-Thái Bình Dương.

Thông điệp thứ ba sang năm Việt Nam sẽ là Chủ tịch của ASEAN đồng thời sẽ là ủy viên không thường trực HĐBA. Indonesia vẫn còn là ủy viên không thường trực HĐBA. Nhân dịp này, Việt Nam sẽ phối hợp với Indonsiea cũng như tận dụng vai trò Chủ tịch của mình bảo vệ tốt nhất lợi ích của ASEAN.

Nhân dịp tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 34, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã có các cuộc gặp song phương với Thủ tướng Thái Lan, Tổng thống Indonesia, Thủ tướng Singapore. Thủ tướng cũng đã có cuộc làm việc với Thủ tướng Campuchia và Thủ tướng Lào. Lãnh đạo các nước đã thảo luận các biện pháp thúc đẩy hợp tác song phương và đa phương, mang lại lợi ích cho người dân mỗi quốc gia và đóng góp vào sự thịnh vượng chung của ASEAN.

Về vấn đề Biển Đông, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các nhà lãnh đạo các nước nhất trí tiếp tục tăng cường hợp tác biển, phối hợp thúc đẩy thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) thực chất, hiệu quả và bảo đảm lợi ích của cộng đồng quốc tế.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Lý Hiển Long.

Đặc biệt trong cuộc gặp với Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phê phán phát biểu ngày 31-5-2019 của Thủ tướng Lý Hiển Long phần liên quan đến Việt Nam và Campuchia giai đoạn 1979 – 1980. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định lịch sử đã chứng minh những nhận định của phía Singapore về vai trò của Việt Nam vào thời điểm đó là không đúng và việc nêu lại những định kiến này làm tổn thương sâu sắc tới Việt Nam và Campuchia, đặc biệt là thân nhân của hàng trăm nghìn quân tình nguyện Việt Nam đã hy sinh xương máu để mang lại hòa bình, giúp giải phóng nhân dân Campuchia khỏi chế độ Khmer Đỏ tàn bạo và cả quá trình xây dựng đất nước đầy khó khăn, gian khổ sau này.

Thủ tướng Lý Hiển Long giải thích Singapore không có ý làm tổn thương Việt Nam, chỉ nhắc lại một chương đau buồn trong lịch sử Đông Dương để nhấn mạnh hoà bình, ổn định và thịnh vượng hôm nay không mặc nhiên mà có, và bối cảnh hiện nay đòi hỏi ASEAN tiếp tục duy trì đoàn kết, gắn bó và tăng cường hợp tác. Thủ tướng Lý Hiển Long cũng nhấn mạnh, Singapore hết sức coi trọng quan hệ hữu nghị và tin cậy với Việt Nam, đánh giá cao vai trò và những đóng góp quan trọng của Việt Nam từ trước tới nay trong việc duy trì hoà bình, an ninh, ổn định và phát triển của khu vực cũng như trong tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN vững mạnh, đoàn kết và tự cường.

Có thể nói chuyến tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 34 của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thành công tốt đẹp, góp phần thắt chặt và củng cố tinh thần đoàn kết ASEAN, phát huy vai trò trung tâm của Hiệp hội, mở rộng và làm sâu sắc quan hệ với các đối tác của ASEAN; đồng thời nâng cao hình ảnh Việt Nam tiếp tục đổi mới, tham gia chủ động, tích cực và có trách nhiệm vào các nội dung hợp tác khu vực, từ đó bảo vệ hiệu quả các lợi ích của Việt Nam, cũng như đóng góp cho hòa bình, ổn định và phát triển bền vững của khu vực.

Nguồn VOV


  • Kết quả SXMT nhanh nhất