Thời Sự - Chính trị   Việt Nam - Thế giới

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Chủ tịch Hạ viện Kazakhstan 

Cập nhật ngày: 14/11/2019 - 21:39

Trưa 14-11, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp ông Nurlan Nigmatulin, Chủ tịch Hạ viện Kazakhstan.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Chủ tịch Hạ viện Kazakhstan Nurlan Nigmatulin.

Phát biểu ý kiến tại buổi tiếp,Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, chuyến thăm này sẽ mở ra chương mới cho quan hệ hai nước, nhất là trong lĩnh vực hợp tác thương mại, đầu tư. Thủ tướng vui mừng nhận thấy trong thời gian qua, quan hệ hữu nghị truyền thống Việt Nam - Kazakhstan tiếp tục phát triển tốt đẹp qua các thời kỳ khác nhau; khẳng định, Việt Nam luôn quan tâm và vui mừng trước những thành tựu Kazakhstan đạt được trong thời gian gần đây; luôn coi trọng và mong muốn tăng cường quan hệ với các nước hữu nghị truyền thống, trong đó có CH Kazakhstan.

Chủ tịch Hạ viện Nurlan Nigmatulin cảm ơn Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và nhân dân Việt Nam đã đón tiếp đoàn trọng thị; bày tỏ coi đây là cơ hội tốt để hai bên trao đổi các biện pháp thúc đẩy quan hệ hợp tác và hữu nghị hai nước. Chuyển tới Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lời chào và hỏi thăm của các Nhà lãnh đạo Kazakhstan, ông nêu rõ, nước này luôn dõi theo và vui mừng chứng kiến những thành tựu to lớn trong phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam. Điều đó là nhờ có sự nỗ lực rất lớn của Chính phủ Việt Nam.

Ông nhấn mạnh, hai nước có quá trình phát triển kinh tế khá tương đồng; Việt Nam là đối tác quan trọng của Kazakhstan ở khu vực Đông Nam Á; Kazakhstan mong muốn tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ hợp tác và hữu nghị với Việt Nam. Chủ tịch Hạ viện cho biết, ông và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân vừa có cuộc hội đàm hết sức thành công, theo đó, Quốc hội hai bên sẽ tạo điều kiện hết sức để thúc đẩy quan hệ hai nước phát triển. Hai bên nhận thấy cần tăng cường mạnh mẽ quan hệ thương mại song phương. Trong bối cảnh đó, Hiệp định Thương mại tự do (FTA) Việt Nam – Liên minh Kinh tế Á – Âu (EAEU) có ý nghĩa hết sức quan trọng.

Ông Nurlan Nigmatulin cho rằng, quan hệ thương mại song phương phát triển mạnh thời gian qua nhưng thực tế, hai bên còn rất nhiều tiềm năng, nhất là lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp nhẹ, giao thông, logistics và du lịch. Các doanh nghiệp hai nước ngày càng có nhu cầu hợp tác rất lớn.

Ông bày tỏ việc hai bên thiết lập đường bay thẳng giữa hai nước có tác dụng thiết thực thúc đẩy phát triển thương mại, đầu tư, là cầu nối cho doanh nghiệp hai bên, thúc đẩy giao lưu nhân dân, du lịch phát triển. Ông khẳng định, mọi vấn đề liên quan đến Việt Nam đều được Hạ viện Kazakhstan xem xét và giải quyết với sự ưu tiên cao nhất; tin rằng, sự hợp tác chặt chẽ giữa hai nước sẽ đem lại kết quả rất lớn.

Cảm ơn các ý kiến tốt đẹp của Chủ tịch Hạ viện Kazakhstan, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gửi lời hỏi thăm tới các Nhà lãnh đạo Kazakhstan. Thủ tướng nêu rõ, thời gian qua, Việt Nam đạt nhiều thành tựu to lớn trong phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững độc lập, chủ quyền đất nước.

Trong thời gian tới, để quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa hai nước đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả, Thủ tướng đề nghị, hai bên tích cực duy trì trao đổi đoàn các cấp và tiếp xúc cấp cao, góp phần củng cố sự tin cậy và hiếu biết, tạo động lực thúc đẩy hợp tác giữa hai nước. Thủ tướng đánh giá cao sự phối hợp chặt chẽ và ủng hộ lẫn nhau giữa hai nước tại các diễn đàn khu vực và quốc tế.

Việt Nam mong muốn Kazakhstan tích cực ủng hộ việc duy trì hòa bình, ổn định và phát triển, ủng hộ việc giải quyết các tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình, đàm phán ngoại giao, tôn trọng luật pháp quốc tế. Thủ tướng đánh giá, quan hệ kinh tế, thương mại giữa hai nước ngày càng được tăng cường.

Việc triển khai FTA Việt Nam - EAEU đem lại những chuyển biến tích cực trong hợp tác kinh tế thương mại, đầu tư giữa hai nước. Để hợp tác kinh tế, thuơng mại song phương đạt kết quả tốt hơn nữa, Thủ tướng mong muốn hai bên nỗ lực hơn nữa để đạt kim ngạch thương mại cao hơn nhiều so với hiện nay.

Trên tinh thần đó, Thủ tướng đề nghị, hai bên đánh giá thực chất kết quả triển khai FTA Việt Nam - EAEU, rút kinh nghiệm và đề ra những biện pháp hữu hiệu nhằm tiếp tục triển khai hiệu quả Hiệp định; tranh thủ những ưu đãi thuế quan mà Hiệp định đem lại đẩy mạnh xuất nhập khẩu giữa hai nước bởi hai bên có rất nhiều tiềm năng.

Tích cực thúc đẩy triển khai các kết quả đạt được của Khóa họp lần thứ 9 vừa qua của Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam – Kazakhstan. Tiếp tục thúc đẩy trao đổi đoàn doanh nghiệp, tổ chức hội chợ, triển lãm, diễn đàn doanh nghiệp ở cả hai nước; thúc đẩy hợp tác đầu tư. Ngoài ra, hai bên cần quan tâm tăng cường hơn nữa hợp tác trong các lĩnh vực tiềm năng khác như nông nghiệp, giáo dục và đào tạo, khoa học-kỹ thuật, văn hóa thể thao, du lịch nhằm đạt hiệu quả thực chất, góp phần thúc đẩy quan hệ song phương.

Nêu rõ, lĩnh vực hàng không ở Việt Nam đang phát triển rất mạnh mẽ, Thủ tướng hoan nghênh việc hai bên mở đường bay thẳng giữa hai nước; đồng thời bày tỏ tin tưởng quan hệ hữu nghị và hợp tác hai nước sẽ phát triển mạnh mẽ thời gian tới.

Cảm ơn ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Hạ viện Nurlan Nigmatulin khẳng định, Quốc hội Kazakhstan sẽ tạo ưu tiên, hỗ trợ pháp lý hết sức để tạo kết nối thương mại hai bên; tạo điều kiện hết sức để các doanh nghiệp hai bên tham gia tích cực FTA Việt Nam - EAEU.

Cho biết môi trường đầu tư hấp dẫn, vị trí địa chính trị của Kazakhstan hết sức quan trọng, nằm cạnh các cường quốc lớn, ông bày tỏ vui mừng và đánh giá cao các liên doanh sản xuất của hai nước tại Kazakhstan sẽ hết sức thuận lợi trong thâm nhập thị trường châu Âu. Đây cũng là điều thuận lợi, tạo cơ hội tốt cho hai nước.

Bày tỏ ấn tượng việc Việt Nam trở thành Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021, ông khẳng định hai bên sẽ phối hợp chặt chẽ trên các diễn đàn quốc tế. Năm 2020, Việt Nam đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN, đây cũng là điều thuận lợi để thúc đẩy quan hệ hợp tác hai nước. Ông tin tưởng quan hệ hợp tác giữa Cơ quan lập pháp hai nước sẽ góp phần tích cực thúc đẩy quan hệ song phương.

Nguồn nhandan