BAOTAYNINH.VN trên Google News

Thú vui chọi hột điều

Cập nhật ngày: 09/04/2018 - 11:18

BTN - Ngày ấy, chúng tôi chọi hột điều với hai cách là đáo dạt và ca rê. Cách chơi đáo dạt là chúng tôi vạch xuống sân hai đường thẳng song song, mỗi đường dài chừng vài thước và cách nhau cũng vài thước, gọi là mức.

Trước kia, người dân quê tôi trồng khá nhiều cây điều vàng, điều đỏ trước cửa, sau hè, bờ ao, bờ rạch… Hễ nơi nào có đất trống là người ta trồng điều, không cần hàng ngũ, thứ tự gì cả. Hằng năm, sau tết nguyên đán là mùa điều chín rộ… Trái điều ngày ấy chỉ để dùng làm món ăn hoặc tặng cho hàng xóm, không ai hái đem bán. Còn hột điều chỉ để nướng ăn, hay chẻ ra lấy ruột làm nhân gói bánh tét, không bán cho nhà máy chế biến như bây giờ.

Nhà tôi có cây điều vàng do ông nội trồng trên bờ rạch, phía sau nhà. Tôi không biết ông nội đã trồng cây điều đó từ khi nào. Nhưng từ bé, tôi đã thấy cây điều cao lớn, tán rộng che mát một góc hè nhà. Trái điều chín vàng rơm, mọng nước và ngon ngọt, không chát hoặc chua chua chát chát như những cây khác.

Trái điều vàng này dùng ăn sống hay nấu canh chua đều rất ngon. Nhiều người trong xóm, dù nhà có nhiều cây điều, vẫn thường đến nhà tôi xin điều chín về ăn. Bọn con nít chúng tôi lại thích hột điều của cây này vì nó vừa dẹp, vừa to, dùng để làm “hột cái” trong trò chơi chọi hột.

Muốn có được một hột điều cái, bọn trẻ phải đổi ba, bốn hột điều con khác. Vậy mà có khi tôi làm giá, không chịu đổi. Chính vì bọn trẻ hàng xóm luôn “dòm ngó” cây điều của nội, nên vào mùa điều chín, bà nội phân công anh em tôi thay phiên nhau túc trực phía sau hè để canh chừng.

Nội không sợ mất điều, chỉ sợ đám trẻ trong xóm lật bật leo lên cây hái trộm trái, vặn hột, sơ sẩy té cây hoặc rơi xuống rạch. Vậy mà, có khi mấy trái điều ở dưới cành thấp chưa kịp chín tới đã bị đám trẻ vặn mất hột.

Nói vậy để thấy bọn trẻ xóm tôi, cũng như anh em tôi rất mê trò chơi chọi hột điều. Không chỉ chơi ở nhà, chúng tôi còn đem đến trường rủ nhau chọi. Ngày ấy, chúng tôi chọi hột điều với hai cách là đáo dạt và ca rê. Cách chơi đáo dạt là chúng tôi vạch xuống sân hai đường thẳng song song, mỗi đường dài chừng vài thước và cách nhau cũng vài thước, gọi là mức.

Tuỳ theo chỗ đứng mà gọi mức trên, hay mức dưới. Số lượng hột điều tham gia cuộc chơi có thể một hoặc vài ba hột. Trước khi chọi, chúng tôi phải thi mức để xác định đứa nào chọi trước, đứa nào chọi sau. Thi xong, đứa nào đi trước thì gom số hột điều theo giao ước của mình và của những đứa cùng chơi lại nắm trong tay, rồi thảy ra khoảng giữa hai mức.

Ðứa được chơi thứ hai có quyền chỉ một hột điều cho là khó chọi nhất cho đứa thứ nhất chọi. Khi chọi, nếu hột cái trúng hột con văng lên khỏi mức trên thì đứa chọi ăn hết các hột điều vừa thảy ra. Nếu chọi không lên, hoặc hột con lên mà hột cái cũng như hột con va chạm vào hột khác thì người chọi tạm thời dừng, để người kế tiếp chơi.

Nếu người chơi khi thảy ra mà có hai hột điều chồng lên nhau (mắc cặp), người chơi đương nhiên được chọi vào cặp hột điều đó. Nếu một trong hai hột điều đó văng lên khỏi mức thì người chọi thắng cuộc. Còn chơi ca rê thì vẽ hình vuông hoặc vòng tròn dưới đất rồi cùng bỏ hột điều vào.

Từng đứa đứng ở vạch mức để thảy hột cái vào vòng sao cho văng hột con ra khỏi vòng thì “ăn” hột đó. Luật chơi ca rê khá ngặt nghèo. Khi hột cái chọi trúng hột con và cả hột cái và hột con đều văng ra khỏi vòng thì mới được ăn hột con đó. Nếu hột con văng ra hoặc không văng ra mà hột cái nằm trong vòng vẽ thì người chơi bị “ca rê” và bị loại khỏi vòng chơi đó. Dù cho người chơi trước đó có ăn được bao nhiêu hột mà bị ca rê cũng phải trả hết số hột này vào trong vòng ca rê để những người khác chơi.

Ngoài hai cách chơi trên, còn một cách chọi thả lang nữa. Cách chơi này đơn giản, chỉ cần hai người chơi. Khi chơi, một người thảy hột cái về phía trước cho người kia chọi, nếu chọi trúng thì thắng; nếu không trúng, hột cái nằm ở đâu để nguyên đó cho người kia chọi lại. Trò chơi này ít có đứa tham gia vì khó phân biệt thắng thua và ít vui…

Lúc chơi, bọn bạn tôi hơn thua từng hột điều, kể cả khi mới thi mức, cũng đo đạc chi li để xác định đứa nào đi trước, đứa nào đi sau. Nhưng khi đem hột điều đi nướng ăn, cả đám vui vẻ sẵn sàng hùn nhau số hột điều mà mình có. Ðứa nào có ít hột hoặc không có hột điều hùn vào phải đi gom rơm, ngồi nướng…

Khi vỏ hột điều chín đen, mỗi đứa tự đi kiếm cây củi, hoặc lấy gạch đá đập ra. Tay chân, mặt mày của đứa nào cũng bị tro bụi dính bám lem luốc. Ăn xong rủ nhau ra rạch ùm xuống mà thi nhau lặn lội… cho đến chừng nào chán thì tan hàng, ai về nhà nấy. Ngày này chơi chán thì ngày sau chơi tiếp. Hết mùa điều này, lại đến mùa điều khác. Cách tạo niềm vui, giải trí của bọn trẻ chúng tôi hồi đó chỉ là như thế! 

T.L