Pháp luật   Bạn đọc

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Thức ăn đường phố - lợi bất cập hại 

Cập nhật ngày: 01/09/2018 - 13:29

BTN - Với sự đa dạng về thực đơn, giá cả phải chăng, thuận lợi cho người đi đường, thức ăn đường phố được nhiều người tiêu dùng lựa chọn và sử dụng. Trên các đường phố, hàng quán, thức ăn vỉa hè đua nhau mọc lên như “nấm sau mưa” để phục vụ thực khách. Tuy nhiên, việc bày bán thức ăn trong điều kiện không bảo đảm vệ sinh, luôn tiềm ẩn nguy cơ đối với sức khoẻ người sử dụng.

Một tiệm ăn trên vỉa hè tại TP. Tây Ninh (ảnh minh hoạ).

TIỆN NHƯNG KHÔNG LỢI

Hiện nay, không khó để tìm một chỗ ăn uống “nhanh, rẻ”. Thức ăn đường phố có ở khắp nơi, từ đường lớn đến hẻm nhỏ, cổng trường học đến bến xe, chợ, công viên… Các món ăn trên vỉa hè rất đa dạng, đủ chủng loại, từ lẩu, cơm tấm, bún riêu cho đến đồ ăn vặt như chân gà nướng, xiên que, bắp xào, trái cây…

Quan sát một số khu vực sân vận động tỉnh, công viên Quang Trung, các đường phố chính- nhất là đường Nguyễn Văn Rốp… các quán ăn vỉa hè, quầy lưu động xuất hiện khắp nơi. Mức giá thức ăn tại đây khá rẻ, hợp túi tiền, chỉ từ 5.000 đồng/xiên que tự chọn; 15.000 - 20.000 đồng tô hủ tiếu, bún riêu, thậm chí lẩu hải sản cũng chỉ có giá 70.000 - 100.000 đồng… thu hút khá đông lượng khách đến ăn uống.

Khoảng 4-5 giờ chiều, tại công viên Quang Trung (phường 2), công viên Thắng Lợi (phường 1, TP.Tây Ninh), công viên Hoà Thành (huyện Hoà Thành), các hàng quán, xe đẩy lưu động bắt đầu xuất hiện, sắp xếp bàn ghế chuẩn bị đón khách. Thức ăn được chế biến ngay trên xe, ngay vỉa hè thậm chí dưới lòng đường- nơi dày đặc khói bụi, xe cộ lưu thông liên tục. Không gian chế biến là như vậy, còn nguồn gốc, nguyên liệu không rõ ràng.  

Bạn T.T, sinh viên Trường trung cấp Kinh tế Kỹ thuật Tây Ninh chia sẻ: “Hằng ngày, do vừa đi học, đi làm thêm, thời gian khá bận, mình thường mua thức ăn ngoài đường ăn cho tiện; giá cả hợp túi tiền sinh viên, lại có nhiều món, có thể thay đổi khẩu vị, cũng đỡ ngán”.

Còn theo một số chị nội trợ, việc sử dụng thức ăn đường phố tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm, như: “Nhiều chủ quán chiên thực phẩm trong chảo dầu đã chuyển màu đen”, “thịt nướng ngay giữa đường, khói bụi mù mịt”, “người bán dùng tay trần để chế biến, cầm tiền rồi bốc thực phẩm” hay “tô, chén được rửa ngay tại vỉa hè với lượng nước ít ỏi, không thể tẩy rửa sạch”, “thức ăn không được che đậy có nguy cơ bị nhiễm khuẩn, hoá chất độc hại”…

CÓ QUY ÐỊNH NHƯNG KHÓ XỬ LÝ

Theo Thông tư số 30/2012 của Bộ Y tế về điều kiện an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố, địa điểm bày bán thực phẩm phải cách biệt các nguồn ô nhiễm, bảo đảm sạch sẽ, không làm ô nhiễm môi trường xung quanh. Trường hợp kinh doanh trên các phương tiện để bán rong, phải thiết kế khoang chứa đựng, bảo quản thức ăn ngay, đồ uống bảo đảm vệ sinh, chống bụi bẩn, mưa nắng, ruồi nhặng và côn trùng gây hại.

Người kinh doanh phải có đủ trang bị, dụng cụ để chế biến, bảo quản, bày bán riêng biệt thực phẩm sống và thức ăn ngay; có đủ dụng cụ ăn uống, bao gói, chứa đựng thức ăn bảo đảm vệ sinh; nguyên liệu thực phẩm, phụ gia thực phẩm, thực phẩm bao gói, chế biến sẵn bảo đảm có hoá đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng và bảo đảm an toàn thực phẩm theo quy định…  

Ngoài ra, tại Ðiều 22, Nghị định 178/2013/NÐ-CP cũng nêu rõ, nếu vi phạm quy định về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong kinh doanh thức ăn đường phố sẽ bị xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 - đến 2.000.000đ đồng, nhưng trên thực tế, rất ít cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố nghiêm túc thực hiện.

“Thức ăn trên đường phố rõ ràng là “lợi bất cập hại”. Thức ăn càng rẻ, chế biến càng sơ sài, mức độ an toàn vệ sinh thực phẩm càng thấp. Các quán vỉa hè, xe đẩy lưu động xuất hiện nhan nhản khắp nơi, nhưng chưa bị xử lý. Chưa kể, việc kinh doanh còn gây lấn chiếm lòng, lề đường, mất trật tự an toàn giao thông, ảnh hưởng đến cảnh quan đô thị”- anh Thái, ngụ TP.Tây Ninh bày tỏ.

CẦN TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ

Ðại diện Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh cho biết, việc kinh doanh thức ăn đường phố đang diễn biến phức tạp. Lâu nay, vấn đề quản lý hàng quán lề đường, vỉa hè được giao cho địa phương. Tuy nhiên, thực tế việc kiểm tra an toàn thực phẩm, đang gặp rất nhiều khó khăn như: khó kiểm soát do sự di chuyển liên tục, của các hàng quán; các quán ăn đường phố chủ yếu là cơ sở nhỏ, tạm bợ, người dân nghèo… nên đa phần lực lượng chức năng chỉ tập trung tuyên truyền, nhắc nhở.

Ðược biết, nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý trường hợp vi phạm về an toàn thực phẩm, từ đầu năm 2018 đến nay, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm cùng các cơ quan chức năng tổ chức nhiều đợt thanh tra, kiểm tra cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm thực phẩm, dịch vụ ăn uống… Qua đó, từng bước đưa hoạt động sản xuất, kinh doanh, bảo quản, vận chuyển thực phẩm thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.

Ðể tăng cường quản lý an toàn thực phẩm đối với thức ăn đường phố, thời gian tới, theo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, các cấp chính quyền cần vào cuộc quyết liệt hơn. Ðầu tháng 9.2018, Chi cục sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức thanh tra, kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm trong dịp Tết Trung thu tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm; dịch vụ ăn uống, suất ăn công nghiệp, bếp ăn tập thể; thực phẩm chức năng, thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng.

Trong đó, tập trung thanh tra, kiểm tra những nơi cung cấp thực phẩm với số lượng lớn như chợ đầu mối, siêu thị; ngăn chặn, phòng ngừa cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, hàng nhái, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc.

Ðối với công tác quản lý về an toàn vệ sinh thực phẩm, trong quá trình thanh tra, kiểm tra, đoàn sẽ làm việc với Ban Chỉ đạo liên ngành an toàn vệ sinh thực phẩm của tuyến dưới để nắm bắt tình hình công tác bảo đảm an toàn thực phẩm tại các địa phương, việc triển khai các biện pháp quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm, công tác thanh tra, kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm tại mỗi cấp.

PHƯƠNG THẢO - THIÊN DI