BAOTAYNINH.VN trên Google News

Nông nghiệp công nghệ cao:

Tiềm năng mở rộng 

Cập nhật ngày: 23/02/2018 - 15:29

BTN - Tỉnh đề ra mục tiêu đến năm 2020 sẽ xây dựng ít nhất ba vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với diện tích 800 ha, gắn đầu tư kết cấu hạ tầng hoàn thiện nhằm tạo thuận lợi thu hút các doanh nghiệp làm đầu tàu dẫn dắt, tạo ra nông sản giá trị cao, ứng dụng kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, chế biến.

Sản phẩm chuối già Nam Mỹ xuất khẩu được sơ chế tại huyện Tân Biên.

Tây Ninh là địa phương đầu tiên của cả nước được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chọn thí điểm phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (NNCNC). Riêng đối với ngành trồng trọt, trong giai đoạn từ nay đến năm 2020, tỉnh đề ra mục tiêu đầu tư phát triển NNCNC với tổng diện tích khoảng 800 ha, trong đó có ít nhất 40% diện tích các loại nông sản được sản xuất theo quy trình VietGAP, GlobalGAP, Organic.

Dự kiến đến năm 2020, tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm hơn 30% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh, giá trị sản xuất mỗi ha đất nông nghiệp đạt 130 triệu đồng.

Trảng Bàng là huyện đi tiên phong trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá, trong đó giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm tỷ trọng 15%. Phần lớn việc canh tác được cơ giới hoá từ khâu làm đất, gieo trồng, chăm sóc, riêng cây lúa đạt tỷ lệ cơ giới hoá 100%. Ngành nông nghiệp của huyện cũng phấn đấu đưa tỷ trọng giá trị sản xuất NNCNC đến năm 2020 chiếm trên 30% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của huyện; phấn đấu đến năm 2030, tỷ lệ này là 50%.

Trong khi đó, ở các huyện Tân Biên, Tân Châu... nhiều hộ dân đã mạnh dạn chuyển đổi một số diện tích cây trồng kém hiệu quả như cao su, lúa, mía, mì để chuyển sang trồng các loại cây ăn trái có giá trị cao, cung ứng cho nhà máy chế biến và xuất khẩu như chanh dây, dứa, xoài, mãng cầu...

Tính đến tháng 11 năm 2017, toàn tỉnh đã có 777 ha cây trồng các loại được chuyển đổi từ diện tích trồng cây kém hiệu quả sang trồng cây có hiệu quả kinh tế cao hơn. Sản phẩm thu hoạch từ các loại cây trồng này bước đầu đạt doanh thu từ 300 triệu đồng/ha trở lên, lợi nhuận tăng từ 2 đến 5 lần so với các sản phẩm truyền thống. Hiện, sản phẩm chanh dây, dứa, mãng cầu đã được một số doanh nghiệp cam kết bao tiêu.

Ông Võ Đức Trong, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, sau khi Tỉnh uỷ ban hành Nghị quyết số 07 về phát triển nông nghiệp công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, UBND tỉnh ban hành quyết định cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Sau 1 năm thực hiện đã đạt kết quả nhất định, điểm nổi bật là chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng nâng cao giá trị gia tăng.

Ngành nông nghiệp cũng tập trung tổ chức lại sản xuất theo hướng liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ. Đồng thời, trong tỉnh đã có sự chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật đối với cây trồng truyền thống để gia tăng năng suất, giảm giá thành đối với các loại sản phẩm như lúa, mía, các sản phẩm về chăn nuôi.

Xác định ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp là một trong những hướng phát triển bền vững, hiệu quả, nhưng đòi hỏi phải có nguồn lực cũng như những kinh nghiệm trong sản xuất. Tỉnh Tây Ninh đã triển khai nhiều chính sách thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, ưu tiên dành một phần quỹ đất công với diện tích khoảng 1.800 ha để các doanh nghiệp đầu tư phát triển.

Hiện đã có nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước thực hiện các dự án phát triển mô hình sản xuất nông nghiệp kiểu mẫu theo chuỗi giá trị. Tỉnh đề ra mục tiêu đến năm 2020 sẽ xây dựng ít nhất ba vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với diện tích 800 ha, gắn đầu tư kết cấu hạ tầng hoàn thiện nhằm tạo thuận lợi thu hút các doanh nghiệp làm đầu tàu dẫn dắt, tạo ra nông sản giá trị cao, ứng dụng kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, chế biến.

Ông Võ Đức Trong cho biết thêm, tỉnh chủ trương quy hoạch và phát triển vùng nông nghiệp công nghệ cao, tập trung sắp xếp quỹ đất của các đơn vị doanh nghiệp Nhà nước để xây dựng các vùng chuyên canh. Những vùng này sẽ được dành cho các doanh nghiệp đầu tư dự án NNCNC, đặc biệt là các mặt hàng nông sản mà tỉnh ưu tiên để làm “hạt nhân” dẫn dắt nông dân chuyển đổi sản xuất theo các mô hình mới có giá trị gia tăng cao và ứng dụng công nghệ cao.

Để đẩy mạnh việc cơ cấu lại cây trồng theo hướng sản xuất quy mô lớn, tập trung gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, ứng dụng công nghệ cao, ngành nông nghiệp của tỉnh đang triển khai một số đề án và dự án như đề án nâng cao hiệu quả sản xuất lúa và xây dựng vùng lúa chất lượng cao đạt chứng nhận VietGAP với diện tích 2.000 ha tại các huyện Trảng Bàng, Gò Dầu, Dương Minh Châu, Bến Cầu, Châu Thành và Hoà Thành.

Đồng thời, tỉnh khuyến khích, hỗ trợ nông dân tham gia vào quá trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp, thông qua ban hành các quyết định như: Quyết định 19 về chính sách đặc thù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017-2020; Quyết định 15 về mức hỗ trợ xây dựng cánh đồng lớn. Đây là thuận lợi rất lớn cho các doanh nghiệp khi đầu tư vào NNCNC trên địa bàn tỉnh.

Vũ Nguyệt

Ông Nguyễn Văn Trở (ấp Lộc Khê, xã Gia Lộc) là nông dân có thâm niên 17 năm trong nghề trồng hoa lan. Ngay từ buổi đầu vào nghề, ông đã áp dụng khoa học kỹ thuật mới như trồng lan trong nhà lưới, tưới nước và phun thuốc phòng trừ sâu bệnh bằng máy phun tự động. Nhờ đó, chi phí đầu tư và nhân công lao động giảm đi một nửa so với phương pháp canh tác theo kiểu truyền thống, lợi nhuận kinh tế cũng cao hơn.

Ông Trở cho biết, do ứng dụng NNCNC, quá trình sản xuất hầu hết đều được sử dụng công nghệ bán tự động nên tốn ít nhân công, năng suất cây trồng ổn định, hoa đẹp. Hiện tại, hơn 2 ha hoa lan của gia đình ông chỉ cần 4 công nhân chăm sóc, trong khi trước đó khoảng 8-10 công nhân. Nếu không đầu tư công nghệ cao, người trồng sẽ mất khoảng 100 triệu đồng/năm cho chi phí chăm sóc, nhân công nhưng năng suất, hiệu quả thấp.