BAOTAYNINH.VN trên Google News

Tiếp tục rà soát, điều chỉnh, nâng cao hiệu quả hoạt động các cụm công nghiệp 

Cập nhật ngày: 10/01/2018 - 05:06

BTN - Sở Công Thương đề xuất một số nội dung để góp phần phát triển các CCN trong tỉnh như đề xuất UBND tỉnh điều chỉnh Quyết định số 29/2013/QĐ-UBND, ngày 2.7.2013 của UBND tỉnh Tây Ninh, về điều chỉnh quy hoạch các CCN trên địa bàn tỉnh Tây Ninh cho phù hợp với quy định tại Nghị định số 68/2017/NĐ-CP về quản lý, phát triển CCN.

Một góc CCN Thanh Xuân.

Theo Sở Công Thương, tại Quyết định số 02/2008/QĐ-UBND ngày 12.1.2008 của UBND tỉnh về ban hành quy hoạch phát triển công nghiệp giai đoạn đến năm 2010, có xét đến năm 2020, Tây Ninh định hướng quy hoạch 16 cụm công nghiệp (CCN) với tổng diện tích đất 2.344 ha và 7 điểm công nghiệp với tổng diện tích đất 207 ha. Đến nay, trong quá trình triển khai thực hiện, tỉnh đã rà soát, điều chỉnh theo quy định, xoá quy hoạch nhiều CCN không khả thi hoặc có diện tích không phù hợp.

Cụ thể, năm 2012, UBND tỉnh ban hành quyết định về điều chỉnh quy hoạch các CCN trên địa bàn tỉnh, xoá quy hoạch 10 CCN (gồm Bình Minh, Bàu Rông, Cơ Khí, Tân Đông, Suối Ngô, Đồng Khởi, Suối Cạn, Bàu Đồn, Long Chữ, Tiên Thuận); điều chỉnh giảm quy mô CCN Tân Hà từ 150 ha xuống còn 50 ha. Tổng diện tích đất xoá quy hoạch 1.249 ha.

 Năm 2013, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 29/2013/QĐ-UBND ngày 2.7.2013 về      điều chỉnh quy hoạch các CCN trên địa bàn tỉnh, xoá quy hoạch 2 CCN Thạnh Tân (TP. Tây Ninh) và Tân Hà (Tân Châu); điều chỉnh giảm quy mô CCN Tân Bình từ 92 ha xuống còn 50,8 ha, giảm quy mô CCN Bến Kéo từ 143,9 ha xuống còn 35,78 ha. Tổng diện tích đất xoá quy hoạch là 307 ha.

Đến năm 2017, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 23/2017/QĐ-UBND ngày 28.7.2017 về điều chỉnh quy hoạch các CCN trên địa bàn tỉnh, định hướng đến năm 2020. Theo đó, tỉnh quyết định xoá quy hoạch CCN Bến Củi (100 ha).

Tính đến thời điểm 30.10.2017, đã có 13 CCN (diện tích đất 1.656 ha) được xoá quy hoạch. Tổng số CCN còn trong quy hoạch theo Quyết định số 29/QĐ-UBND là 18 CCN với diện tích đất 802.48 ha.

Về thu hút đầu tư phát triển các CCN, tính đến 30.10.2017, có 5 CCN đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng với diện tích đất 218 ha (Thanh Xuân 1, Tân Hội 1, Hoà Hội, Thành Long, Ninh Điền). Có 2 CCN được thành lập theo quy chế quản lý CCN (Tân Hội 1, Thanh Xuân 1). Có 3 CCN có chủ đầu tư xây dựng kinh doanh hạ tầng (Thanh Xuân 1, Tân Hội 1, Thành Long), hiện các CCN đã và đang xây dựng một số hạng mục công trình. CCN Tân Hội 1 đã xây dựng hoàn chỉnh hạ tầng với tổng vốn đầu tư 68,745 tỷ đồng.

Có 5 CCN có dự án đầu tư thứ cấp (Bến Kéo, Tân Hội 1, Thanh Xuân 1, Ninh Điền, Hoà Hội), thu hút 17 dự án đăng ký đầu tư với diện tích đất công nghiệp xin thuê 94,863 ha. Trong đó, có 13 dự án hoạt động, 1 dự án đang vận hành thử, 1 ngừng xây dựng, 2 dự án chưa xây dựng. Tổng vốn đăng ký đầu tư 1.365 tỷ đồng, vốn đã thực hiện 1.227 tỷ đồng. Tỷ lệ lấp đầy của các CCN đạt 63,1% so với diện tích đất công nghiệp.

Cụ thể, CCN Tân Hội 1 hiện có 6 dự án đăng ký đầu tư (4 dự án sản xuất, 2 dự án dịch vụ). Hiện có 3 dự án sản xuất hoạt động, 1 dự án ngừng xây dựng. Tỷ lệ lấp đầy của CCN này đạt 19,96% so với diện tích đất công nghiệp. Đến nay, CCN Tân Hội 1 đã có nhà máy xử lý nước thải tập trung đang hoạt động.

CCN Thanh Xuân 1 có 1 dự án đăng ký đầu tư đang hoạt động, tỷ lệ lấp đầy 58,18% so với diện tích đất công nghiệp. Hiện nhà máy sản xuất đã có xây dựng công trình xử lý nước thải, nhưng CCN này chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung.

CCN Ninh Điền đã có 3 dự án đăng ký đầu tư, trong đó có 1 dự án đang hoạt động, 1 dự án đang vận hành thử, 1 dự án đang thực hiện các thủ tục đầu tư. Tỷ lệ lấp đầy của CCN này đạt 62,34% so với diện tích đất công nghiệp. Các nhà máy sản xuất có xây dựng công trình xử lý nước thải. CCN không có hệ thống xử lý nước thải tập trung.

CCN Hoà Hội có 4 dự án đăng ký đầu tư, trong đó có 3 dự án đang hoạt động, 1 dự án chưa xây dựng. Tỷ lệ lấp đầy 100% so với diện tích đất công nghiệp. CCN đã có hệ thống xử lý nước thải tập trung đang hoạt động do Công ty TNHH XNK-TM Hùng Duy làm chủ đầu tư.

CCN Bến Kéo hiện có 3 dự án (FDI) đang hoạt động, tỷ lệ lấp đầy 92,05% so với diện tích đất công nghiệp. Các dự án sản xuất có xây dựng hệ thống xử lý nước thải. Đối với CCN Thành Long, UBND đã đồng ý chủ trương cho Công ty TNHH MTV Biên Hoà - Thành Long đầu tư dự án nhà máy điện mặt trời. Riêng CCN Tân Phú, CCN Trường Hoà, hiện đã có nhà đầu tư xin chủ trương đầu tư xây dựng, kinh doanh hạ tầng CCN.

Thời gian qua, Tây Ninh đã thực hiện nhiều cơ chế, chính sách của trung ương và địa phương để hỗ trợ phát triển CCN. Giai đoạn 2012-2015, Sở Công Thương chủ trì phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu UBND tỉnh xây dựng kế hoạch đề xuất vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ có mục tiêu đầu tư xây dựng hạ tầng CCN Tân Hội 1, nhà máy xử lý nước thải tập trung tại CCN Hoà Hội của Công ty TNHH XNK-TM-CN Hùng Duy với kinh phí 10 tỷ đồng.

Năm 2014, tỉnh xây dựng đề án hỗ trợ từ chương trình khuyến công quốc gia cho xây dựng hạ tầng CCN Tân Hội 1 với kinh phí 3 tỷ đồng. Giai đoạn 2009-2013, chương trình khuyến công quốc gia hỗ trợ lập đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng 3 CCN với tổng kinh phí 794,7 triệu đồng; ngân sách cấp huyện hỗ trợ lập đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng 2 CCN với kinh phí 315,8 triệu đồng. Năm 2017, chương trình khuyến công quốc gia hỗ trợ 2 đề án với tổng kinh phí 700 triệu đồng.

Nhìn chung, các doanh nghiệp đầu tư vào CCN được hưởng các chính sách ưu đãi về vay vốn tín dụng, miễn giảm tiền thuế, tiền sử dụng đất... theo quy định của pháp luật. Trong đó, CCN Tân Hội 1 được hưởng chính sách miễn tiền thuê đất theo quy định tại Khoản 6 Điều 3 Nghị định số 135/2016/NĐ-CP ngày 9.9.2016 của Chính phủ (toàn bộ thời gian thuê đất nếu đầu tư tại địa bàn cấp huyện thuộc danh mục địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật về đầu tư).

Đánh giá kết quả thu hút đầu tư phát triển cụm công nghiệp thời gian qua, Sở Công Thương cho biết, mặt được là tỉnh đã phát triển các cụm công nghiệp, góp phần giải quyết nhu cầu mặt bằng sản xuất của các doanh nghiệp, tiếp nhận các cơ sở sản xuất tập trung ra ngoài khu dân cư. Các dự án sản xuất trong CCN đã và đang góp phần vào phát triển ngành công nghiệp của tỉnh và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm cho lao động ở khu vực nông thôn, nhất là đối với những CCN quy hoạch ở vùng biên giới của tỉnh. Năm 2016, giá trị sản xuất của các dự án trong CCN đạt 1.439,91 tỷ đồng, chiếm 1,79% so với giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp; giá trị xuất khẩu đạt 513,02 tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm 2017, giá trị sản xuất của các CCN ước thực hiện 612,29 tỷ đồng, giá trị xuất khẩu đạt 189,94 tỷ đồng.

Các CCN cũng tạo việc làm cho 3.020 lao động, chiếm 2,1% so tổng lao động trong các doanh nghiệp năm 2016. Trong 6 tháng đầu năm 2017, số lao động làm việc ở các CCN còn 2.395 người. Năm 2016, các doanh nghiệp hoạt động ở các CCN nộp ngân sách 25,657 tỷ đồng; 6 tháng đầu năm 2017 nộp 6,228 tỷ đồng.

Nhìn chung, hoạt động của cụm công nghiệp hiện nay đã góp phần tăng thu ngân sách cho địa phương, giải quyết việc làm cho lao động, tạo điều kiện thuận lợi trong công tác quản lý Nhà nước về nắm bắt thông tin, môi trường, theo dõi kiểm tra... các doanh nghiệp trong cụm.

Tuy nhiên, quá trình phát triển các CCN còn không ít vấn đề cần tháo gỡ, giải quyết. Đó là việc kêu gọi, thu hút, hỗ trợ doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng CCN có kết quả chưa đạt yêu cầu; tỷ lệ diện tích đất lấp đầy so với quy hoạch còn thấp (20,55%); số doanh nghiệp đầu tư xây dựng, kinh doanh hạ tầng cụm công nghiệp còn ít.

Hệ thống xử lý nước thải ở CCN Thanh Xuân.

Các cụm công nghiệp có chủ đầu tư phần lớn chưa đầu tư xây dựng hạ tầng hoàn chỉnh; thu hút dự án thứ cấp còn chậm nên chưa phát huy được hiệu quả vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng cụm công nghiệp. Cơ chế, chính sách (đất đai, thuế, tín dụng) phát triển cụm công nghiệp thực hiện theo quy định chung của Nhà nước, nên chưa đủ hấp dẫn để thu hút các nhà đầu tư bỏ vốn xây dựng cơ sở hạ tầng, cũng như đầu tư sản xuất trong cụm công nghiệp.

Những hạn chế trên chủ yếu là do ngân sách địa phương còn khó khăn nên chưa phân bổ vốn đầu tư hạ tầng và giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất sạch để thu hút đầu tư. Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng thường thực hiện chậm do người dân không thống nhất giá bồi thường, một số ít hộ dân cố tình không nhận tiền đền bù, giao đất để thực hiện dự án đã làm mất đi cơ hội đầu tư. Phần lớn các CCN được quy hoạch ở vùng biên giới của tỉnh, giao thông chưa đồng bộ, xa trung tâm tỉnh và thành phố Hồ Chí Minh nên các dự án đầu tư vào CCN chủ yếu là các ngành có sẵn nguyên liệu tại địa phương, vùng lân cận...

Trước thực trạng trên, Sở Công Thương đề xuất một số nội dung để góp phần phát triển các CCN trong tỉnh như đề xuất UBND tỉnh điều chỉnh Quyết định số 29/2013/QĐ-UBND, ngày 2.7.2013 của UBND tỉnh Tây Ninh, về điều chỉnh quy hoạch các CCN trên địa bàn tỉnh Tây Ninh cho phù hợp với quy định tại Nghị định số 68/2017/NĐ-CP về quản lý, phát triển CCN.

Sở Công Thương cũng đề xuất xoá quy hoạch một số CCN như CCN Tân Bình (TP. Tây Ninh), CCN Thành Long (ấp Nam Bến Sỏi, xã Thành Long, huyện Châu Thành, đã chuyển sang quy hoạch đất năng lượng); điều chỉnh giảm quy mô diện tích CCN Tân Phú từ 200 ha xuống còn 75 ha.

ĐÌNH CHUNG

Từ khóa
ĐÌNH CHUNG