BAOTAYNINH.VN trên Google News

Hội nghị Phân tích, đánh giá các chỉ số PCI, PAPI, Par Index, SiPas và ICT Index:

Tìm giải pháp cải thiện thứ hạng, cải thiện môi trường đầu tư 

Cập nhật ngày: 02/07/2020 - 21:30

BTNO - Năm 2019 kết quả xếp hạng PCI của tỉnh Tây Ninh giảm 1 bậc; chỉ số PAPI thuộc nhóm có điểm trung bình thấp…

Mới đây, UBND tỉnh tổ chức hội nghị trực tuyến phân tích, đánh giá và đề xuất các giải pháp khắc phục các tồn tại, hạn chế của Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI), Chỉ số CCHC (Par Index), Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SiPas), Chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT - Truyền thông Việt Nam (ICT index).

 

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu UBND tỉnh.

Tại điểm cầu UBND tỉnh, ông Dương Văn Thắng- Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị. Ở điểm cầu các địa phương, tham dự hội nghị có lãnh đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố và UBND các xã, phường, các phòng, ban cấp huyện.

Tại hội nghị, đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư đã phân tích về kết quả xếp hạng PCI của tỉnh năm 2019. Năm qua, dù kết quả xếp hạng PCI của tỉnh giảm 1 bậc so với năm 2018 (năm 2019 hạng 15, năm 2018 hạng 14) nhưng điểm số PCI năm 2019 tăng hơn so với năm 2018 và Tây Ninh được xếp đứng vào nhóm điều hành tốt.

Bên cạnh đó, vẫn có 2 chỉ số thành phần giảm so với năm 2018 gồm chỉ số chi phí không chính thức và dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp. Do đó để cải thiện môi trường kinh doanh, nâng chỉ số PCI năm 2020, UBND tỉnh đã đề ra những giải pháp triển khai thực hiện, như tiếp tục triển khai có hiệu quả Quyết định số 1732 của UBND tỉnh về việc ban hành chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 35 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020; Nghị quyết 139 của Chính phủ về cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp.

Đối với dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, tiếp tục triển khai có hiệu quả Kế hoạch 397 của UBND tỉnh thực hiện Nghị quyết số 02 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2020.

UBND tỉnh phân công các sở, ngành căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 1732/QĐ-UBND ngày 30.6.2016 của UBND tỉnh, Kế hoạch số 397/KH-UBND ngày 3.3.2020, Nghị quyết 139/NQ-CP ngày 9.11.2018 của Chính phủ thực hiện tốt công tác quản lý cán bộ công chức và công tác hỗ trợ doanh nghiệp.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Thắng phát biểu chỉ đạo hội nghị.

Đối với chỉ số PAPI, theo Sở Nội vụ, kết quả năm 2019 Tây Ninh có tổng số điểm 42.38 (điểm cao nhất là 46.74), đứng vị trí thứ 16/16 tỉnh thuộc nhóm có điểm trung bình thấp. Trong đó, có 3 nội dung thuộc nhóm có điểm trung bình cao (gồm: Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công, Thủ tục hành chính công và Cung ứng dịch vụ công); 3 nội dung thuộc nhóm có điểm trung bình thấp (gồm: Công khai, minh bạch trong việc ra quyết định; Quản trị môi trường và Quản trị điện tử) và 2 nội dung thuộc nhóm có điểm thấp nhất (gồm: Tham gia của người dân ở cấp cơ sở; Trách nhiệm giải trình với người dân).

Đánh giá chung kết quả PAPI của Tây Ninh qua 5 năm cho thấy, về tổng thể kết quả chỉ số PAPI của Tây Ninh có xu hướng ổn định và xoay quanh nhóm có điểm số trung bình, các nội dung có thay đổi tăng, giảm theo thời gian nhưng biến động không nhiều. Điều này cho thấy, Tây Ninh chưa cải tiến mạnh, mang tính đột phá ở tám nội dung đánh giá của PAPI và cũng cho thấy cải cách hành chính ở Tây Ninh chưa có điểm đặc biệt lớn so với các tỉnh, thành phố khác.

Ở nội dung “Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công”, Tây Ninh luôn có điểm số thuộc trong nhóm cao, năm 2019 có xu hướng giảm và nội dung “Thủ tục hành chính” có điểm số ổn định và có xu hướng tăng. Điều này cho thấy, những nỗ lực, quyết tâm của lãnh đạo tỉnh trong thực hiện về cải cách hành chính của Tây Ninh. Bên cạnh đó, nội dung “Sự tham gia của người dân ở cơ sở” đã giảm liên tục 3 năm gần đây và luôn ở nhóm điểm trung bình thấp và nội dung “Trách nhiệm giải trình với người dân” ở hai năm (2018, 2019) thuộc nhóm điểm số thấp nhất, đã giảm nhiều so với năm 2017 (thuộc nhóm có điểm cao nhất). Điều này cho thấy, Tây Ninh cần có giải pháp mạnh hơn để nâng cao hiệu quả quản trị ở cấp chính quyền cơ sở.

So với năm 2018, chỉ số PAPI 2019 đã giảm điểm số của hai nội dung “Kiểm soát tham nhũng trong lĩnh vực công” và “Quản trị môi trường”, nhưng có sự gia tăng ở ba nội dung “Công khai minh bạch”, “Cung ứng dịch vụ công” và “Quản trị điện tử”. Điều này cho thấy, cải tiến trong công tác cải cách hành chính của Tây Ninh đã và đang phát huy hiệu quả; và đây cũng là điểm sáng nhằm nâng cao chỉ số PAPI trong năm 2020.

Để nâng cao chỉ số PAPI trong năm 2020, Sở Nội vụ đề xuất giải pháp như tổ chức khảo sát độc lập để đánh giá sự hài lòng của người dân đối với những thủ tục hành chính thiết yếu mà người dân thường xuyên có nhu cầu giao dịch (tập trung lĩnh vực đất đai, xây dựng), kết quả khảo sát phải có phân tích và đề ra giải pháp cải tiến những nội dung “Thủ tục hành chính”, “Cung ứng dịch vụ công” và “Quản trị điện tử”; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện thủ tục hành chính tại Trung tâm hành chính công tỉnh, cũng như tại các bộ phận tiếp nhận và trả kết quả ở cấp huyện, cấp xã.

Bà Nguyễn Đài Thy – Giám đốc Sở Nội vụ phát biểu đề xuất giải pháp để nâng cao chỉ số PAPI tại hội nghị.

Thông tin kết quả chỉ số PAPI 2019 của Tây Ninh trong kỳ họp UBND tỉnh gần nhất, để các ngành, các cấp liên quan có thông tin và tự đề ra giải pháp cụ thể của từng ngành, cơ quan, địa phương của mình. Đồng thời kiến nghị UB.MTTQ tỉnh tăng cường công tác giám sát, kiểm tra việc thực hiện các nội dung thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn theo Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11 ngày 20.4.2007 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Ngoài ra, tại hội nghị, lãnh đạo Văn phòng đoàn ĐBQH-HĐND-UBND tỉnh cũng báo cáo kết quả xếp hạng và phân tích điểm số các tiêu chí thành phần của chỉ số Par index và chỉ số SiPas của tỉnh Tây Ninh năm 2019, cũng như các giải pháp đề xuất khắc phục hạn chế, giải pháp để cải thiện chỉ số Par Index và chỉ số SiPas của tỉnh trong thời gian tới. Báo cáo kết quả xếp hạng và và phân tích các tiêu chí thành phần của chỉ số ICT Index của tỉnh năm 2019, cũng như đề xuất các giải pháp cải thiện chỉ số này trong thời gian tới.

Cũng tại hội nghị, các đại biểu tham dự đã có ý kiến đóng góp xung quanh vấn đề nâng cao chỉ số PAPI, việc tham gia của người dân ở cấp cơ sở, trách nhiệm giải trình với nhân dân.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Thắng cơ bản thống nhất với các báo cáo đánh giá kết quả bao gồm các mặt làm được, chưa được, cũng như những phương hướng giải pháp của các ngành, các cấp để cải thiện thứ hạng và điểm số các chỉ số của tỉnh trong thời gian tới.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh biểu dương các cơ quan, địa phương, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh đã có nhiều cố gắng, nỗ lực, sáng kiến nhằm đem lại những kết quả cho tỉnh trong thời gian qua thông qua những mặt tích cực của các chỉ số đã thể hiện; đồng thời giao nhiệm vụ cho các sở, ngành liên quan phối hợp trong việc khắc phục các hạn chế, cải thiện thứ hạng xếp hạng các chỉ số của tỉnh trong thời gian tới.

Ông Dương Văn Thắng nhấn mạnh, cần xác định rõ việc cải thiện các thứ hạng đồng nghĩa với việc cải thiện môi trường đầu tư, cải thiện các chỉ số còn thấp, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh trong thời gian tới để tỉnh trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, để Tây Ninh tiếp tục phát triển nhanh và bền vững trong giai đoạn mới.

Thế Nhân