BAOTAYNINH.VN trên Google News

Ca dao, dân ca Tây Ninh:

Tính sáng tạo trong việc dùng từ của người lao động 

Cập nhật ngày: 14/10/2017 - 23:21

BTN - Như vùng miền khác trên đất nước, Tây Ninh cũng có một kho tàng ca dao, dân ca. Tuy không đồ sộ nhưng cũng đủ để người Tây Ninh tự hào về bản sắc riêng, thể hiện tính sáng tạo của quần chúng nhân dân lao động, trong đó nổi bật là nghệ thuật sử dụng từ ngữ.

Mùa nước lũ. Ảnh Lê Văn Hải.

Căn cứ vào kết quả sưu tầm, biên soạn của nhóm nghiên cứu thuộc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch ghi trong tài liệu Dân ca Tây Ninh, kho tàng dân ca Tây Ninh có tổng cộng 327 bài, trong đó hò các thể (hò cấy, hò mái dài, hò rao): 75 bài; hát ru: 17 bài; nói thơ, thơ rơi: 27 bài; hát lý:144 bài; đồng dao: 3 bài; vè: 22 bài.

Theo Giáo sư Tô Vũ: “Ca dao dân ca Tây Ninh không có nghĩa là những điệu dân ca này đều được sản sinh trên đất Tây Ninh mà chỉ hàm ý là những bản, những bài dân ca được người Tây Ninh bảo tồn và phổ biến... Nhưng nói như vậy không có nghĩa là người Tây Ninh chỉ sử dụng mà không có đóng góp gì trong lĩnh vực sáng tạo”.

Khi nghiên cứu về các thể hò, hát ru, nói thơ, vè... cần thấy rằng xét về câu chữ thì đây là những tác phẩm văn học dân gian nhưng xét về góc độ biểu diễn thì đây là hình thức diễn xướng dân gian. Các thể tài này gắn liền với cuộc sống lao động, ứng đối tức thì, hợp cảnh hợp tình cho nên không có nhiều thời gian để cân nhắc, lựa chọn ngôn ngữ, nhưng như thế lại phản ánh thực chất nhất lời ăn tiếng nói của những người lao động.

Tìm hiểu về cách dùng từ trong ca dao, dân ca Tây Ninh tức là chúng ta tìm hiểu những thông tin trong ngôn ngữ và những thông tin ngoài ngôn ngữ được phản ánh trong từ của cư dân trên địa bàn Tây Ninh trong một giai đoạn lịch sử nhất định.

Khi nói đến cách dùng từ trong ca dao, dân ca không thể không khảo sát các lớp từ địa phương “thông thường”. Theo cách phân chia truyền thống, Tây Ninh thuộc phương ngữ Nam bộ. Các lớp từ địa phương “thông thường” theo quan niệm của chúng tôi là những lớp từ thuộc phương ngữ này. Những từ chỉ những đặc sản của địa phương, do đó không có ở các địa phương khác như cà na, sầu riêng, chôm chôm, giồng, trảng, rau nhút (rau rút), bưng... Ví dụ: Nước ròng chảy xuống Nam Vang/ Cà na chín rụng thiếp, chàng ăn chung hoặc: Ngó vô bưng thì rưng rưng nước mắt/ Ngó lên giồng ruột thắt từng cơn.

Những từ địa phương không có từ tương đương ở các địa phương khác nhưng không chỉ đặc sản mà chỉ các sự vật hiện tượng khắp nơi đều biết, đều ý thức được như tộ (tô, bát), ổ qua (khổ qua), ky (rổ), vá (muỗng lớn), dòm (nhìn), rớt (rơi), bể (vỡ). Ví dụ: Nhà tui có dây ổ qua/ Nó ra một trái xắt mà chín ky.

Những từ có ý nghĩa hoàn toàn giống nhau nhưng hình thức ngữ âm khác nhau như heo (lợn), bông hường (hoa hồng), bàng (cói), ghe (thuyền), cọng (ngọn), cẳng (chân)... Ví dụ: Thò tay ngắt cọng rau ngò/ Thương anh đứt ruột giả đò ngó lơ.

Những từ có hình thức ngữ âm giống nhau nhưng nghĩa khác nhau như nón, thương, đau, mạnh... loại này không nhiều lắm. Ví dụ: Xuân tới đông qua khi đau khi mạnh. Những từ địa phương có hình thức ngữ âm giống nhau (hay khác nhau do sự sai dị về phát âm), ý nghĩa có bộ phận giống nhau, ý nghĩa có bộ phận không giống nhau như mau, lẹ, ngon, hun, cưng...

Ví dụ: Có chồng thì mặc có chồng/ Có duyên anh ẵm, anh bồng, anh cưng. Những từ có hình thức ngữ âm khác nhau nhưng nghĩa có bộ phận giống nhau, có bộ phận khác nhau như đặng, sum hiệp, vầy, như vầy. Ví dụ: Chị em sum hiệp đủ đầy.

Căn cứ vào lịch sử, Tây Ninh được hình thành cách đây hơn ba trăm năm. Những cư dân vùng Ngũ Quảng thực hiện một hành trình di dân từ miền Trung vào Nam bộ. Ngày xưa, khi phương tiện, đường sá còn khó khăn thì việc di chuyển là cả một vấn đề.

Rời quê đến một vùng đất mới “Họ gánh theo tên xã, tên làng trong mỗi chuyến di dân” (Mặt đường khát vọng - Nguyễn Khoa Điềm) và khi đến vùng đất mới, họ lại cùng người dân sở tại: “đã góp tên Ông Đốc, Ông Trang, Bà Đen, Bà Điểm” (Nguyễn Khoa Điềm).

Những địa danh cũ ở vùng đất mới và những địa danh mới lại xuất hiện. Họ đưa các địa danh này vào ca dao, dân ca như một cách thể hiện lòng tự hào và xác lập chủ quyền lãnh thổ ở vùng phên giậu phía Tây Nam của Tổ quốc.

Trong ca dao, dân ca Tây Ninh, hàng loạt từ chỉ địa danh được sử dụng như Trảng Bàng, Gò Dầu, Bến Cầu, Thanh Điền, Suối Đá, Thanh Phước, Bàu Năng, Bàu Đồn, Gia Bình, An Hoà, Bàu Cỏ, Bàu Gõ...

Hãy nghe nỗi lòng của một người con gái, khi lấy chồng về Bàu Gõ (một địa danh thuộc huyện Bến Cầu, gần cửa khẩu quốc tế Mộc Bài hiện nay): Lấy chồng Bàu Gõ nước mắt nhỏ hai hàng/ Dọn mâm cơm ra để đó, giã chín néo bàng mới được ăn hoặc: Ngó lên cây cám quả khô/ Ngó về Thanh Phước mấy cô chưa chồng.

Trong ca dao dân ca Tây Ninh, việc sử dụng các từ ngữ biến âm khá phổ biến với các biểu hiện như đọc chệch, đọc trại như kiểng (cảnh), nhơn (nhân), phước (phúc), phụng (phượng), quỳnh (huỳnh), hoa (huê), thiệt (thật), hiệp (họp, hợp), sanh (sinh), tánh (tính), bịnh (bệnh), lịnh (lệnh), biểu (bảo)... có đến hàng trăm trường hợp. Ví dụ: Con chim liễu nó biểu con chim quỳnh/ Biểu to biểu nhỏ hai đứa mình thương nhau.

Một biểu hiện khác của biến âm là hiện tượng bớt âm, nhược âm như ổng (ông ấy), bả (bà ấy), ảnh (anh ấy), bển (bên ấy), trển (trên ấy), vầy (như vậy, vậy), rày (nay), hổng (không)… Ví dụ: Anh về ở bển mua heo nộp tài hay: Anh là trai hổng thông minh cũng là người trí huệ.

Có những trường hợp biến âm rất khó khôi phục nguyên gốc như thoàn (thuyền) dơn (duyên), thị thiềng (thị thành), bào (bàu)... Chúng tôi đoán rằng những trường hợp này mang khá rõ dấu ấn của người miền Trung bởi những địa danh như Thanh Điền, Ninh Sơn, Mỏ Công... có rất nhiều cư dân miền Trung vào thời kỳ chống Pháp đặc biệt là thời kỳ chống Mỹ (sau năm 1954). Ví dụ: Chật bào cá lội sen rung/ Choàng tay cổ bạn anh hun cho đỡ lòng.

 Ca dao, dân ca là tiếng nói của người bình dân nhưng một điều khá lạ là trong ca dao, dân ca Tây Ninh, các tác giả rất “sính” dùng từ ngữ Hán Việt. Tần số xuất hiện của lớp từ này khá cao như phụ nhơn, thọ thai, hội ngộ, thục nữ, hiền thê, sơn cảnh, hoà ái, thái tử, loan phụng, niên kỷ, mẫu từ, hiền nữ, phụ mẫu, tiết cang, gia cang, gia đạo, tam cang, toạ đăng...

Ví dụ: Phụ mẫu tồn bất khả tôn khanh/ Em thương anh thì phải tính cho nhanh việc nhà hoặc: Em hổng tham anh lớn đất rộng vườn/ Em ham về nhơn nghĩa đạo cang thường anh xử xong.

Về cấu tạo từ, ca dao dân ca Tây Ninh có nhiều cái lạ. Từ những từ đơn, các tác giả dân gian đã tạo ra các kiểu từ phức khác nhau. Chúng ta bắt gặp các từ ghép nghĩa như ông xã, con nít, chim chạ, trà phô, trà thảo, sui nghĩa, má tía, hoa hiên, làm thinh, mau lẹ, trả thảo, giao nghĩa, làm bộ, hò rân, nín khe, tư tình, dễ ợt, hiền câm, đô lậu, dịu oặt... Không những thế, có hàng loạt từ có cấu tạo rất sáng tạo như náu nương, oan ương, dắt dìu, nhịn nhường, ghẹo chọc, trung trinh... Ví dụ: Trời nộ khiến lòng qua thương bậu/ Dìu dắt nhau kiếm chỗ náu nương.

Đối với từ láy, tính sáng tạo thể hiện còn rõ hơn. Trước hết là những từ láy có sự biến âm như linh đinh (lênh đênh), chèm nhèm (lèm nhèm, kèm nhèm), nghinh ngang (nghênh ngang), linh chinh (lênh chênh), lan xan (lon xon), đầm đầm (hầm hầm, hằm hằm), ình ình...

Sự biến hoá ngữ âm này có hiệu quả nhất định, tạo nên sắc thái biểu cảm rất riêng. Ví dụ: Giận ai cái mặt đầm đầm/ Cái môi xề xệ cái cằm xụi lơ. Đọc những câu này, người đọc cảm nhận được nhân vật nói đến chắc chắn là cô gái. Bởi nếu là đàn ông thì mặt “hằm hằm” hoặc “hầm hầm” chứ không đầm đầm. Đầm đầm là mặt nặng, mặt cúi xuống nhưng không có vẻ “đe doạ”, còn môi xề xệ là môi trề xuống thể hiện sự giận dỗi rất hợp với “cái cằm xụi lơ”.

Một điều đáng chú ý khác trong việc tạo từ láy rất riêng của ca dao Tây Ninh ít thấy trong ngôn ngữ toàn dân là hầu như bất kỳ trường hợp nào cũng có thể tạo được từ láy.

Đây có phải là “chủ ý” hay do giải pháp tình thế, phải ứng phó tức thì mà tạo ra cái riêng này. Chúng ta bắt gặp hàng loạt từ láy rất lạ như quặn quịu, bận bịu, xơ rơ, nhấp nhem, luồng xuồng, lông phông, chuông vuông, thanh thao, lú mú, lưa cưa, lao lư...

Sự sáng tạo này đã mang lại hiệu quả thiết thực: Trách ai trồng chuối dưới bàu/ Trái ăn, lá rọc, bỏ tàu xơ rơ. Khi đọc hai câu này, ngoài ý nghĩa ẩn dụ, từ láy xơ rơ đã tạo một ấn tượng nhất định. Xơ rơ chứ không phải là một từ láy nào khác. Nó là sự kết hợp giữa bơ vơ và xơ xác. Dùng xơ rơ vừa diễn tả được sự mất mát, tiều tuỵ về hình thức, thể xác, vừa diễn tả được sự cô đơn, lẻ loi, không nơi nương tựa của nhận vật trữ tình.

Đọc ca dao, dân ca Tây Ninh, chúng tôi bắt gặp khá nhiều bài, nếu đọc lướt, đọc qua thì cảm thấy hơi kỳ kỳ nhưng nếu đọc kỹ, suy ngẫm sâu sắc thì lại thấy khá thú vị: Nước sôi bận bịu trong niêu/ Anh đừng bận bịu, em xiêu tấm lòng. Nước sôi bận bịu là sôi như thế nào? Có phải là sôi lên sôi xuống, sôi tới sôi lui, sôi lâu sôi nhiều? Còn anh bận bịu là anh quá để ý, quan tâm, lo lắng đến em thì trước sau em cũng “xiêu lòng thôi” (vì Năng mưa thì giếng năng đầy/Anh năng đi lại mẹ thầy em thương mà).

Ca dao, dân ca là trí tuệ của quần chúng nhân dân lao động, là bách khoa toàn thư về lịch sử, xã hội, đời sống... của một cộng đồng. Nó là tài sản tinh thần vô giá mà các thế hệ đi trước để lại cho các thế hệ sau.

Qua ca dao dân ca, chúng ta biết, hiểu, tiếp nhận được rất nhiều điều - trong đó có ngôn ngữ. Đó là lời ăn tiếng nói của cha ông vừa dân dã vừa có tính nghệ thuật cao. Tìm hiểu từ được dùng trong ca dao dân ca Tây Ninh, chúng tôi muốn tìm hiểu những nét riêng biệt, mang dấu ấn của một vùng đất có lịch sử hơn ba trăm năm ở vùng phên giậu phía Tây Nam của Tổ quốc.

Nguyễn Văn Dung


Liên kết hữu ích