BAOTAYNINH.VN trên Google News

Tình trạng chảy mủ, đôi lúc còn chảy cả máu có gây điếc hoàn toàn không? 

Cập nhật ngày: 12/03/2018 - 14:04

BTN - Hỏi: Tôi bị bệnh viêm tai giữa gần 15 năm, đã từng mổ tại Bệnh viện Tai - Mũi - Họng (TP. Hồ Chí Minh) nhưng đến giờ lỗ tai vẫn còn bị chảy mủ, đôi lúc còn chảy cả máu. Tôi vẫn làm vệ sinh lỗ tai sạch sẽ hằng ngày nhưng sao bệnh vẫn không hết? Tình trạng này có gây điếc hoàn toàn không?

Hoàng Thuỷ L. (khu phố 2, phường 3, TP Tây Ninh)

Ðáp: Bạn đã bị viêm tai giữa mạn tính. Ðây là quá trình viêm tai giữa thời gian kéo dài nhiều tuần, đã được điều trị nhiều lần nhưng tiến triển chậm. Thường chia làm 2 loại viêm tai giữa mạn tính dịch nhầy và viêm tai giữa chảy mủ mạn tính.

- Viêm tai giữa mạn tính dịch nhầy thường gặp ở trẻ em 3-8 tuổi, lâm sàng cho thấy tai chảy dịch nhầy như dịch mũi, nếu lâu ngày không lau tai sạch và làm thuốc tai có thể thành dịch mủ. Những trường hợp này phải tiến hành điều trị sát khuẩn tại chỗ hằng ngày kết hợp điều trị mũi xoang, hoặc nạo VA.

- Viêm tai giữa chảy mủ mạn tính có cholesteatoma là loại viêm tai giữa nhiễm khuẩn thường gây tổn thương hệ thống xương con trong hòm nhĩ, phá huỷ mê nhĩ và có thể gây ra các biến chứng sọ não rất nặng như: viêm tắc xoang tĩnh mạch bên, nhiễm khuẩn huyết, viêm màng não, áp xe tiểu não… v.v...

- Viêm tai xương chũm cấp tính: Thường xảy ra sau viêm tai giữa cấp tính không được điều trị dứt điểm, dùng kháng sinh không đúng liều lượng, không phù hợp, nên gây ra biến chứng viêm tai xương chũm.

- Viêm tai xương chũm mạn tính hồi viêm là đợt cấp của viêm tai xương chũm mạn tính, bệnh nhân có tiền sử viêm tai xương chũm đã được điều trị nhiều lần, lâm sàng tương đối ổn định, tai khô, đỡ ù tai, đột ngột xuất hiện đau tai, ù tai tăng lên, nghe kém, có thể kèm theo chóng mặt, mủ tai chảy nhiều hơn kèm theo sốt cao, ấn vùng xương chũm rất đau.

Ðiều trị viêm tai xương chũm mạn tính, việc điều trị nội khoa cần được cân nhắc với mức độ tổn thương các tế bào xoang chũm và lâm sàng tại chỗ tai người bệnh để chỉ định phù hợp. Ðầu tiên là phải thường xuyên làm thuốc tai tại chỗ do các thầy thuốc tai - mũi - họng tiến hành kết hợp với kháng sinh chống nhiễm khuẩn là quan trọng, cần lựa chọn kháng sinh thích hợp và đủ liều.

Ðối với viêm mạn tính, yếu tố viêm kéo dài đã gây ra sự biến đổi niêm mạc ở vùng hang chũm và hòm tai, nên việc điều trị cần tái lập điều kiện sinh lý bình thường của tai giữa và các tổ chức phụ thuộc.

Vì vậy quá trình điều trị bảo tồn phải kiên trì, việc lựa chọn sử dụng kháng sinh điều trị viêm tai xương chũm hiện nay thường được dùng các nhóm Penicilline - Cephalosporine có phổ rộng: Cephalotine, Cefuroxime, Cefotaxime, đối với nhóm quinolone (ciprofloxacin, enoxacin, grepafloxacin, lomefloxacin, norfloxacin, ofloxacin gatifloxacin, levofloxacin, moxifloxacin và sparfloxacin) không nên dùng cho trẻ em dưới 15 tuổi.

 Vấn đề điều trị ngoại khoa thường được chỉ định rộng rãi và đạt kết quả tốt nếu kết hợp phẫu thuật chống viêm và tạo hình màng tai phục hồi chức năng cho người bệnh là kết quả lý tưởng nhất. Những kỹ thuật này thường được tiến hành ở các cơ sở y tế chuyên khoa.

BS LÊ TRUNG NGÂN