BAOTAYNINH.VN trên Google News

Sửa chữa, nâng cấp chợ Ninh Đức:

Tổ trật tự có “quá phận” ? 

Cập nhật ngày: 26/07/2017 - 05:12

BTN - Cứ nhìn vào giấy xác nhận tự nguyện đóng góp chi phí xây dựng, sửa chữa chợ Ninh Đức do Tổ trật tự soạn sẵn và phát cho các tiểu thương tự nguyện đóng tiền xây dựng chợ sẽ nhận ra “uy quyền” đó.

Thời gian qua, dư luận rất quan tâm đến việc tiểu thương đang kinh doanh tại chợ Ninh Đức (chợ Cư Trú), phường Ninh Thạnh, thành phố Tây Ninh đã tự nguyện đóng tiền để sửa chữa nâng cấp chợ.

Thế nhưng có nhiều tiểu thương phản ánh, họ không đồng tình với “chủ trương” trên, bởi có nhiều khía cạnh pháp lý cần được quan tâm để bảo vệ quyền lợi cho tiểu thương.

Khu vực trước đây là nhà kho được Tổ trật tự chợ vận động tiểu thương đóng góp tiền để xây dựng nhà lồng chợ.

“UY QUYỀN” CỦA TỔ TRẬT TỰ CHỢ NINH ĐỨC

Một tiểu thương cho biết, trước đây, khu A chợ Ninh Đức là một nhà kho bỏ trống đã xuống cấp. Tại vị trí này, có một số hộ tiểu thương kinh doanh theo kiểu “chạy chợ”, nghĩa là chỉ cần trải một tấm bạt nylon lấn chiếm một phần nhà kho để ngồi đó buôn bán, do đó, các tiểu thương trên không thể coi là những tiểu thương hoạt động kinh doanh cố định.

Gần đây, Tổ trật tự chợ do ông Nguyễn Văn Dét làm tổ trưởng đã tổ chức họp các tiểu thương “chạy chợ” kể trên, và vận động các hộ này “tự nguyện” đóng góp xây dựng nhà lồng tại nhà kho bỏ trống đó. Mỗi người “tự nguyện” đóng góp tiền để Tổ trật tự chợ ký hợp đồng với đơn vị thi công tiến hành xây dựng nâng cấp khu A của chợ. Sau khi thi công xong nhà lồng, những hộ này sẽ được bố trí diện tích sạp để hoạt động kinh doanh, và đương nhiên thoát khỏi mác “chạy chợ”.

Tiểu thương chợ Ninh Đức cho rằng, việc các tiểu thương “tự nguyện” đóng góp tiền để nâng cấp, sửa chữa chợ được khang trang hơn, tạo thuận lợi cho người dân mua bán là điều đáng mừng. Tuy nhiên thực tế cho thấy, đây không phải là sửa chữa chợ, mà là xây dựng mới một khu vực và sửa chữa một khu vực nhưng lại không hề có dự án, hồ sơ thiết kế được duyệt, đơn vị thi công, thậm chí không hề có pháp nhân của chủ đầu tư dự án xây dựng. Như vậy, “công trình” xây dựng chợ này có hợp pháp hay không, và nếu có xảy ra sự cố rủi ro, ai sẽ chịu trách nhiệm?

Hơn nữa, tiểu thương cũng thắc mắc, không biết UBND phường Ninh Thạnh giao nhiệm vụ cho Tổ trật tự chợ có trách nhiệm, quyền hạn gì; và có xem xét quá trình hoạt động trên lĩnh vực quản lý chợ của ông Tổ trưởng không? Trong khi những gì đang diễn ra tại chợ Ninh Đức đã cho thấy “uy quyền” của Tổ trật tự này.

Cứ nhìn vào giấy xác nhận tự nguyện đóng góp chi phí xây dựng, sửa chữa chợ Ninh Đức do Tổ trật tự soạn sẵn và phát cho các tiểu thương tự nguyện đóng tiền xây dựng chợ sẽ nhận ra “uy quyền” đó.

Cụ thể, trong cái “giấy xác nhận” ấy có các nội dung như: “những tiểu thương tự nguyện đóng góp kinh phí” bao nhiêu sẽ “được sử dụng phần diện tích” bấy  nhiêu tại chợ. Chưa kể, nếu hộ tiểu thương nào “cố tình sai quan điểm, chủ trương của Nhà nước và Nội quy của Tổ trật tự chợ Ninh Đức”, sẽ bị Tổ trật tự chợ “lập biên bản thu hồi diện tích cấp cho những hộ tiểu thương khác” có nhu cầu sử dụng và “không giải quyết khiếu nại về sau”.

Thế nhưng điều khó hiểu là khi tiến hành xây dựng mới chợ, dù không có giấy phép xây dựng, cũng như việc Tổ trật tự chợ Ninh Đức “sắp chỗ” cho các tiểu thương “chạy chợ” trở thành tiểu thương “cố định” nhưng người dân không nghe UBND phường Ninh Thạnh có ý kiến gì cả.

Rồi đến văn bản đầy “uy quyền” của Tổ trật tự chợ dù không phù hợp với pháp luật nhưng vẫn được lãnh đạo UBND phường ký thông qua, khiến tiểu thương kinh doanh cố định từ lâu tại chợ Ninh Đức càng hoang mang hơn.

Hơn nữa, những ngày gần đây, những tiểu thương đang kinh doanh trong khu vực nhà lồng và khu kiosk phía trước chợ lại tiếp tục “rối bời” trước thông tin Tổ trật tự chợ sẽ vận động các tiểu thương này “tự nguyện” đóng góp để nâng cấp khu vực còn lại của chợ với mức đóng góp lên đến hàng chục triệu đồng/hộ.

 Trong khi đó, từ lâu, chợ Ninh Đức đã có chủ trương kêu gọi đầu tư của chính quyền địa phương.

Như vậy, nếu có nhà đầu tư chính thức được vào đầu tư thì số tiền các tiểu thương đã bỏ ra “tự nguyện đóng góp” để nâng cấp chợ sẽ giải quyết như thế nào? Chưa kể sửa chữa lại khu vực còn lại của chợ, số tiền mà các tiểu thương được cho là “tự nguyện đóng góp” với mức rất lớn thì việc triển khai nâng cấp chợ không thể làm sơ sài như ở khu chợ “nhà kho bỏ trống” vừa qua.

Bởi theo quy định pháp luật, việc xây dựng chợ cần đòi hỏi phải đáp ứng rất nhiều yếu tố như quy cách sắp xếp khu vực kinh doanh, bảo vệ an ninh trật tự, hệ thống phòng cháy chữa cháy, cấp thoát nước…

Đồng thời phải bảo đảm đầy đủ thủ tục về xây dựng như đồ án, bản vẽ thiết kế, giấy phép xây dựng... Việc này, tập thể tiểu thương dù có muốn “tự nguyện đóng góp” cũng không đủ tư cách cũng như khả năng triển khai thực hiện, nói chi đến một Tổ trật tự với những “uy quyền tự phong” kể trên.

CÓ CHỦ TRƯƠNG NHƯNG  CÓ THIẾU SÓT

Tìm hiểu sự việc diễn ra tại chợ Ninh Đức, phóng viên được ông Trần Thanh Danh- Chủ tịch UBND phường Ninh Thạnh cho biết, do chợ Ninh Đức trước đây xuống cấp, phường đã mời gọi  nhưng nhiều nhà đầu tư đến tìm hiểu rồi đi luôn. Do đó, UBND phường đã  họp các tiểu thương lại đề nghị đóng góp tiền để nâng cấp chợ theo phương thức xã hội hoá và được các tiểu thương đồng ý.

Tuy nhiên, ông Danh cũng thừa nhận, khu vực xây dựng mới nhà lồng chợ sau này vốn là mặt bằng nhà kho bị các hộ tiểu thương “chạy chợ” chiếm chỗ ngồi để bán.

Khi Tổ trật tự chợ có “chủ trương xây dựng nhà lồng chợ” tại vị trí này, các hộ trên đã tự nguyện đóng góp chi phí để được bố trí chỗ ngồi bán thuận lợi. Do các tiểu thương tự nguyện đóng góp tiền nên UBND phường đã ban hành quyết định thành lập tổ giám sát sửa chữa và xây dựng chợ Ninh Đức do ông Nguyễn Văn Dét làm tổ trưởng.

Việc thu tiền và xây dựng chợ đều được công khai minh bạch theo hoá đơn chứng từ. Thế nhưng, do khu chợ được xây dựng với chi phí tự nguyện đóng góp của các tiểu thương nên UBND phường để các “tiểu thương tự quyết định”.

Trong đó, ông Dét “đại diện đi ký hợp đồng với một cá nhân” hành nghề cửa sắt để làm nhà lồng chợ, hợp đồng được ký cũng “không phải là hợp đồng kinh tế”. Ngoài ra, bản vẽ thiết kế cũng “không có con dấu pháp nhân”.

Sau khi xây dựng xong, Tổ trật tự chợ bố trí chỗ bán cho các tiểu thương đóng góp tiền. Đây là một thiếu sót nhưng được lý giải là: nếu làm đúng thủ tục quy định thì cần nhiều loại giấy tờ, thuế...

Ngoài ra, khi Tổ trật tự chợ thu tiền của những hộ tiểu thương kinh doanh “chạy chợ” để xây dựng và bố trí chỗ kinh doanh cố định, nhưng UBND phường lại để cho “Tổ trật tự chợ tự bố trí” cũng “không phù hợp với chức năng của Tổ trật tự chợ”.

Nói về văn bản đầy “uy uyền” của Tổ trật tự chợ được lãnh đạo UBND phường thông qua, ông Danh thừa nhận là do “cán bộ tham mưu đã không đọc kỹ văn bản khi tham mưu cho lãnh đạo UBND phường”.

Tổ trật tự chợ chỉ có trách nhiệm thu phí chợ và bảo đảm việc mua bán của tiểu thương được trật tự, không lấn chiếm đường chứ “không có thẩm quyền thu hồi diện tích kinh doanh của tiểu thương” vi phạm nội quy của chợ để “bố trí cho tiểu thương khác”, đây là trách nhiệm của UBND phường.

UBND phường sẽ yêu cầu Tổ trật tự chợ thu hồi toàn bộ những giấy xác nhận đã phát cho tiểu thương. Đồng thời sẽ làm việc với Tổ quản lý trật tự chợ về trách nhiệm được giao trong việc quản lý trật tự chợ Ninh Đức nhằm bảo đảm việc quản lý chợ minh bạch, khách quan.

Riêng vấn đề vận động các tiểu thương khu vực còn lại đóng góp để nâng cấp chợ Ninh Đức, UBND phường đã quyết định ngưng chủ trương này, bởi hiện nay đã có nhà đầu tư đến tìm hiểu.

Nếu thời gian sau này vẫn không có nhà đầu tư nào đầu tư vào chợ Ninh Đức, UBND phường sẽ xin ý kiến các ngành chức năng thành phố Tây Ninh về chủ trương thực hiện xã hội hoá kêu gọi các tiểu thương đóng góp chi phí bao nhiêu, hồ sơ thủ tục nâng cấp chợ được thực hiện ra sao, xin giấy phép như thế nào cũng như đơn vị thi công nâng cấp chợ phải có pháp nhân...

Nếu có thực hiện chủ trương trên, UBND phường sẽ đứng ra tổ chức thực hiện chứ không giao cho Tổ trật tự chợ, dẫn đến tình trạng người dân phản đối như vừa qua.

THẾ NHÂN