BAOTAYNINH.VN trên Google News

Toạ đàm “Nhà báo và mạng xã hội”

Cập nhật ngày: 08/09/2018 - 07:49

BTN - Sáng 7.9, tại thành phố Cần Thơ, ông Nguyễn Bé- Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam phụ trách phía Nam chủ trì toạ đàm “Nhà báo và mạng xã hội”. Tham dự có lãnh đạo Hội Nhà báo, Ban Tuyên giáo, Sở Thông tin-Truyền thông cùng đại diện các cơ quan báo chí của 22 tỉnh, thành phía Nam.

Cùng với những thành tựu của cách mạng khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ phát thanh, truyền hình, internet đã tạo ra sự bùng nổ thông tin trên phạm vi toàn cầu, đặc biệt là khi có sự xuất hiện của mạng xã hội. Hiện nay, mạng xã hội đã thực sự trở thành một yếu tố rất quan trọng trong việc thu hút sự tương tác, số người sử dụng, cũng như trở thành một nguồn tin quan trọng cho báo chí.

Nhiều cơ quan báo chí đã sử dụng mạng xã hội tăng cường tương tác giữa toà soạn và bạn đọc. Tuy nhiên, mạng xã hội cũng có không ít ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống báo chí. Do vậy, việc tổ chức toạ đàm “Nhà báo với mạng xã hội” là hết sức cần thiết, nhằm xác định rõ hơn trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ của hội viên, nhà báo khi tham gia mạng xã hội.

Tại buổi toạ đàm, nhiều ý kiến của lãnh đạo các Hội Nhà báo, Ban Tuyên giáo, Ban Biên tập các báo đã làm rõ các hành vi vi phạm đạo đức nghề nghiệp báo chí, phân tích nguyên nhân, trao đổi kinh nghiệm ở mỗi địa phương và đề xuất những giải pháp nâng cao phẩm chất đạo đức của người làm báo. Những sai phạm trong báo chí chủ yếu là đưa tin không phù hợp với lợi ích quốc gia, sai sự thật; xúc phạm đời tư, danh dự, nhân phẩm công dân, gây ảnh hưởng lớn.

So với các quy ước được ban hành trước đây, “10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam” có nhiều điểm mới, mang hơi thở thời đại. Rõ nhất là Ðiều 5 quy định về “chuẩn mực và trách nhiệm khi tham gia mạng xã hội và các phương tiện truyền thông khác” của hội viên, nhà báo. Có ý kiến đặt ra, những nội dung quy định tại Ðiều 5 có hạn chế quyền tự do ngôn luận của người làm báo, hội viên hay không? Ðã có Luật An ninh mạng và các quy định khác của pháp luật, có cần đặt ra quy định khác nữa hay không?

Các đại biểu đều thống nhất ý kiến, trước hết phải khẳng định, quy định tại Ðiều 5 không hạn chế quyền tự do ngôn luận của người làm báo. Báo chí ở Mỹ và các nước phương Tây, dù được cho là “làm báo tự do”, nhưng họ vẫn đưa ra những chuẩn mực khá nghiêm ngặt cho người làm báo khi tham gia mạng xã hội, ví như tờ New York Times.

Gần đây, vấn đề mạng xã hội và nhà báo khi tham gia mạng xã hội còn nhiều tồn tại, hạn chế, nhất thiết phải có biện pháp chế tài, quy định cụ thể về chuẩn mực đạo đức, về trách nhiệm đối với hội viên, nhà báo. Mỗi cơ quan báo chí, căn cứ vào tôn chỉ, mục đích và nội quy, quy chế của mình, nên có những quy định về chuẩn mực, trách nhiệm của nhà báo, hội viên cơ quan mình để có sự điều chỉnh, ràng buộc, xử lý vi phạm.

Các ý kiến thảo luận tại buổi toạ đàm sẽ được Hội Nhà báo Việt Nam tổng hợp, cùng với những ý kiến tại các buổi toạ đàm ở phía Bắc và miền Trung, để xem xét ban hành một quy định chung, thực hiện trên cả nước trong thời gian tới.

Thế Lực