BAOTAYNINH.VN trên Google News

Giai đoạn 2016-2018:

Toàn tỉnh tiết kiệm hơn 2.000 tỷ đồng 

Cập nhật ngày: 19/09/2019 - 07:50

BTNO - Thông tin trên được Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Thắng chia sẻ tại hội nghị sơ kết công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2018 do UBND tỉnh Tây Ninh tổ chức hôm 18.9.2019.

Quang cảnh hội nghị.

Theo ông Dương Văn Thắng, nhìn chung trên cơ sở quy định của pháp luật và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của trung ương và địa phương, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã được quán triệt, tổ chức thực hiện khá nghiêm túc và đạt được một số kết quả tích cực.

Lãnh đạo UBND tỉnh cũng cho biết, công tác tuyên truyền về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đạt được kết quả tích cực; nhận thức về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động từng bước được nâng lên.

Hầu hết các giải pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được các cơ quan, đơn vị triển khai kịp thời, đồng bộ; các cơ quan, đơn vị nghiêm chỉnh chấp hành các định mức, tiêu chuẩn chế độ quy định trong mua sắm, quản lý, sử dụng tài sản, trang thiết bị, phương tiện làm việc, xe ô tô công… “Kết quả trên là sự nỗ lực, quyết tâm của các cơ quan, đơn vị, các huyện, thành phố trong công tác thực hành tiết kiệm chống lãng phí, rất đáng ghi nhận”- ông Thắng bày tỏ thêm.

Đánh giá về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trên địa bàn tỉnh trong 3 năm giai đoạn 2016-2018 cho thấy, tỉnh đã tập trung xây dựng các giải pháp quyết liệt để nâng cao hiệu quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí nhằm phát huy cao nhất mọi nguồn lực để thực hiện các mục tiêu tăng trưởng, phát triển kinh tế, ổn định đời sống của nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Thắng phát biểu kết luận hội nghị.

Mặt khác, các cấp, ngành và địa phương trong tỉnh đã xây dựng và thực hiện tốt Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí 5 năm (giai đoạn 2016 - 2020) và hàng năm. Đây là yếu tố quan trọng góp phần thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2016 - 2020) và tạo cơ sở để phấn đấu hoàn thành các mục tiêu của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2011 - 2020) của tỉnh.

Bên cạnh đó, thực hiện Nghị định số 130/2005/NĐ-CP và Nghị định số 117/2013/NĐ-CP của Chính phủ, UBND tỉnh đã tổ chức triển khai thực hiện cơ chế tự chủ về biên chế và kinh phí đối với các cơ quan hành chính, đã giao tự chủ 41/41 cơ quan, đơn vị cấp tỉnh (đạt 100%); 257/257 cơ quan, đơn vị cấp huyện (đạt 100%). Với đơn vị sự nghiệp cấp tỉnh, đã giao tự chủ 120/120 đơn vị (đạt 100%); 541/541 đơn vị sự nghiệp cấp huyện (đạt 100%).

Ngoài ra, trong công tác quản lý, khai thác, sử dụng đất, tài nguyên nước, khoáng sản luôn được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo và tổ chức thực hiện theo đúng chủ trương của Đảng và chính sách nhà nước ban hành; quản lý chặt chẽ việc cấp phép khai thác và sử dụng đất, tài nguyên thiên nhiên đảm bảo có hiệu quả; tăng cường tổ chức kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm trong lĩnh vực này.

Về quản lý cấp phép, thăm dò khai thác tài nguyên khoáng sản, trong 3 năm (2016 - 2018),  UBND tỉnh đã cấp 86 giấy phép; ban hành 34 quyết định thu hồi giấy phép, đóng cửa mỏ khoáng sản, thu hồi giấy phép khai thác khoáng sản, đề án đóng cửa mỏ.

Qua thanh tra, kiểm tra tại các cơ quan, đơn vị có phát hiện vi phạm quy định về tài chính, ngân sách, có kiến nghị thu hồi nộp ngân sách. Tuy vậy, khi đánh giá việc thực hiện quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cho thấy việc thực hiện tương đối nghiêm túc, chưa phát hiện hành vi lãng phí.

Chủ tịch UBND huyện Trảng Bàng Trần Anh Minh phát biểu chia sẻ kinh nghiệm về những giải pháp thực hiện của huyện.

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Thắng đề nghị các sở, ngành tiếp tục đổi mới công tác tuyên truyền gắn với các biện pháp về động viên, khen thưởng và đánh giá cán bộ, công chức, viên chức hàng năm về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong các cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập.

Tiếp tục thực hiện tốt các nội dung hướng dẫn tại Thông tư số 129/2017  của Bộ Tài chính về quy định tiêu chí đánh giá kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong chi thường xuyên.

Lãnh đạo UBND tỉnh cũng yêu cầu lãnh đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc chỉ đạo việc xây dựng, ban hành Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí hằng năm, tổ chức thực hiện tốt chương trình này, báo cáo kết quả định kỳ kịp thời. Trong đó lưu ý các cơ quan sở, ngành, UBND các huyện, thành phố (có đơn vị trực thuộc) cần tăng cường kiểm tra về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, hướng trọng tâm vào việc quản lý, sử dụng ngân sách, tài sản công. Kịp thời phát hiện tài sản dôi dư để điều chuyển hoặc có phương án sử dụng, không để xảy ra tình trạng tài sản còn có thể sử dụng nhưng không sử dụng gây lãng phí.

Kết quả 3 năm (2016-2018) cả tỉnh đã thực hành tiết kiệm được 2.147,56 tỷ đồng; trong đó tiết kiệm qua lập, thẩm định phê duyệt, phân bổ dự toán là 596,02 tỷ đồng; tiết kiệm qua sử dụng và thanh toán, quyết toán ngân sách nhà nước là 237,07 tỷ đồng; tiết kiệm trong quản lý đầu tư xây dựng 903,67 tỷ đồng và trong tiêu dùng, sử dụng điện tiết kiệm hơn 189 triệu KWh điện, tương đương số tiền 410,8 tỷ đồng.

Đức An