BAOTAYNINH.VN trên Google News

“Tổng động viên” các nguồn lực ứng phó dịch Covid-19 

Cập nhật ngày: 09/04/2020 - 22:40

BTN - Thủ tướng đề nghị ngành ngân hàng cần lưu ý kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp về tiếp tục miễn, giảm tiền lãi, bảo lãnh tín dụng, hỗ trợ lãi suất với tinh thần ngân hàng đồng hành với doanh nghiệp vượt qua khó khăn hiện nay, “doanh nghiệp sống được, ngân hàng sống được”.

Công nhân làm việc tại một doanh nghiệp dệt may ở Khu công nghiệp TMTC. Ảnh: Trúc Ly

Chiều 8.4, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về việc chuẩn bị nội dung hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương. Dự kiến hội nghị sẽ được tổ chức vào ngày 10.4, tập trung vào 4 nội dung lớn, gồm: nhiệm vụ, giải pháp cấp bách về tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; hỗ trợ người dân, bảo đảm an sinh xã hội; bảo đảm trật tự an toàn xã hội ứng phó dịch Covid-19.

Theo Chinhphu.vn, có thể coi đây như một “Hội nghị Diên Hồng” để tổng động viên các nguồn lực, khơi dậy quyết tâm, ý chí mạnh mẽ hơn cho 4 mặt trận ứng phó toàn diện với các tác động từ dịch Covid-19.

Kinh tế xã hội bị ảnh hưởng nặng nề

Trong quý I/2020, do ảnh hưởng của dịch, tăng trưởng cả nước đạt thấp (3,82%), chỉ hơn một nửa so với kế hoạch đề ra. Trong tình hình hiện nay, muốn tăng trưởng tốt thì cần giải quyết vấn đề đầu tư, sản xuất kinh doanh, thương mại, xuất nhập khẩu… Trong hội nghị ngày 10.4, Thủ tướng lưu ý mỗi nội dung nêu trên sẽ có một báo cáo lớn, trong đó nêu rõ các gói hỗ trợ về tài khoá (đến nay, vào khoảng 180.000 tỷ đồng), gói hỗ trợ tiền tệ, gói hỗ trợ an sinh xã hội (khoảng 62.000 tỷ đồng)...

Sau hội nghị, sẽ có một nghị quyết hay một văn bản để thúc đẩy vấn đề này. Thủ tướng nêu rõ, dịch bệnh giảm thì mới triển khai được công việc phát triển sản xuất kinh doanh, còn nếu dịch tiếp tục thì phải tập trung sức ngăn ngừa dịch, bảo vệ sức khoẻ, tính mạng của nhân dân.

Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dịch Covid-19 đã và đang tác động, ảnh hưởng toàn diện đến nhiều ngành, lĩnh vực của nền kinh tế nước ta; trong đó nhiều doanh nghiệp tạm dừng hoạt động, thu hẹp quy mô, một bộ phận người lao động phải ngừng việc, dừng hợp đồng lao động không hưởng lương hoặc thất nghiệp.

Ước tính sơ bộ, 19% doanh nghiệp đã tạm dừng hoạt động, thu hẹp quy mô; 98% lao động khu vực du lịch, dịch vụ nghỉ việc; 78% lao động ngành vận tải, giày da, dệt may bị giảm việc, giãn việc hoặc ngừng việc; 98% lao động hàng không tạm nghỉ việc.

Hàng triệu người lao động đã và đang bị ảnh hưởng nặng nề, nhất là lao động giản đơn, thu nhập thấp, không thường xuyên. Đồng thời, dịch Covid-19 cũng ảnh hưởng lớn tới các đối tượng yếu thế khác như đối tượng bảo trợ xã hội, hộ nghèo, hộ cận nghèo... Dự báo trong tháng 4, tháng 5 dịch bệnh còn phức tạp, ước khoảng 2 triệu lao động ngừng việc, mất việc làm; trường hợp dịch bệnh bùng phát mạnh sẽ có khoảng 3,5 triệu lao động ngừng việc, mất việc làm.

Còn theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trong 3 tháng đầu năm, cả nước đã có tới gần 35 ngàn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường- con số kỷ lục từ trước đến nay. Lần đầu tiên sau hàng thập kỷ, số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường lớn hơn số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới.

Theo một kết quả khảo sát nhanh của VCCI được triển khai cuối tháng 3 đầu tháng 4, thì tác động của đại dịch đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp là rất nghiêm trọng. Có tới gần 85% doanh nghiệp trong mẫu khảo sát cho biết dịch bệnh đã làm cho thị trường tiêu thụ của họ bị thu hẹp, gần 60% doanh nghiệp cho rằng dịch bệnh khiến họ thiếu vốn và đứt dòng tiền cho kinh doanh, trên 40% doanh nghiệp cho biết đại dịch gây thiếu nguồn cung nguyên liệu, 43% doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô lao động do thiếu việc làm. 82% doanh nghiệp cho rằng doanh thu năm 2020 của họ sẽ bị sụt giảm so với năm 2019. Và có tới 30% doanh nghiệp dự báo có thể tụt giảm tới 30-50% và 22% sẽ tụt giảm trên 50%.

Cũng theo kết quả khảo sát của VCCI, nếu tình hình dịch bệnh vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, thì có tới gần 30% số doanh nghiệp chỉ có thể duy trì hoạt động được không quá 3 tháng, 50% doanh nghiệp chỉ trụ được nửa năm. Trên 75% số doanh nghiệp thì báo sẽ phải thu hẹp quy mô lao động và có tới gần 10% số doanh nghiệp phải giảm quy mô lao động tới 50% so với hiện nay. Chỉ có chưa đầy 1% số doanh nghiệp gia tăng lao động. Hệ luỵ của xu hướng này sẽ là hàng triệu lao động sẽ có nguy cơ mất việc làm trong những tháng tới đây.

Không để doanh nghiệp thiếu vốn tín dụng

Thủ tướng đề nghị, tại hội nghị trực tuyến ngày 10.4, các bộ, ngành sẽ tập trung báo cáo và làm rõ một số vấn đề quan trọng.

Về giải ngân vốn đầu tư công, Thủ tướng đặt vấn đề toàn quốc, các cấp, các ngành phải giải ngân hết số vốn còn lại của năm 2019 và vốn kế hoạch năm 2020, không để dồn vào cuối năm như những năm trước đây. Số vốn này gần 700.000 tỷ đồng, tương đương 30 tỷ USD. Cơ quan nào, bộ, ngành, địa phương nào làm chậm thì người đứng đầu trực tiếp kiểm điểm, chịu trách nhiệm. Nếu không hoàn thành hoặc đến tháng 9 không giải ngân được thì điều chuyển vốn sang các đơn vị khác.

Bộ Tài chính trình bày nhiệm vụ, giải pháp cấp bách về tài chính, ngân sách Nhà nước, nhất là thuế, phí, lệ phí để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, cho người dân, doanh nghiệp. Bộ Tài chính cũng cần nói rõ hơn về gói hỗ trợ trong lĩnh vực này, trong đó có nguồn rất quan trọng cho gói này là từ tiết kiệm, gồm tiết kiệm chi thường xuyên, hội nghị, hội thảo, công tác nước ngoài…

Về gói hỗ trợ tiền tệ, hiện nâng lên khoảng 300.000 tỷ đồng, Thủ tướng nêu rõ tinh thần là không để doanh nghiệp thiếu vốn tín dụng, tạo mọi thuận lợi để doanh nghiệp tiếp tục duy trì phát triển sản xuất, kinh doanh.

Thủ tướng đề nghị ngành ngân hàng cần lưu ý kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp về tiếp tục miễn, giảm tiền lãi, bảo lãnh tín dụng, hỗ trợ lãi suất với tinh thần ngân hàng đồng hành với doanh nghiệp vượt qua khó khăn hiện nay, “doanh nghiệp sống được, ngân hàng sống được”.

Bộ Công Thương cần tạo mọi thuận lợi cho xuất khẩu, sẵn sàng cung ứng nguồn hàng dồi dào, chất lượng cao, giá cả phù hợp, bảo đảm cơ số hàng phục vụ 100 triệu dân. Tập trung phát triển, tập trung giải ngân vốn cho các dự án công nghiệp trọng điểm, bảo đảm cung cấp điện cho sản xuất và đời sống nhân dân.

Công nhân làm việc tại một doanh nghiệp sản xuất giày. Ảnh: Giang Hà

Với ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thủ tướng lưu ý: “Trong lúc khó khăn, thế giới đối diện nhiều thách thức, cần coi nông nghiệp, nông thôn là nền tảng ổn định”.

Bộ Giao thông Vận tải trình bày về những nhiệm vụ, giải pháp cấp bách thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công đối với các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm, trong đó có các dự án chuyển từ đầu tư PPP sang đầu tư công. Phải tạo chuyển biến thực sự trong vấn đề này, đồng thời xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân liên quan nếu không hoàn thành nhiệm vụ.

Bộ Công an có báo cáo về các giải pháp bảo đảm an ninh trật tự. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nói rõ các giải pháp thực hiện hiệu quả gói hỗ trợ an sinh xã hội.

Lê Duy

(Tổng hợp)