BAOTAYNINH.VN trên Google News

Tổng thống Zimbabwe bỏ ngai vàng, Trung Quốc hốt bạc 

Cập nhật ngày: 22/11/2017 - 13:15

Việc Tổng thống Zimbabwe Robert Mugabe đồng ý từ chức được đánh giá sẽ mở ra nhiều cơ hội mới cho các nhà đầu tư Trung Quốc, giúp ảnh hưởng của Bắc Kinh ở quốc gia châu Phi ngày một tăng.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) gặp Tổng thống Zimbabwe Robert Mugabe trong chuyến thăm Zimbabwe hồi năm 2015 - Ảnh: TÂN HOA XÃ

Chiều 21-11 (giờ địa phương), trong một quyết định khiến nhiều người dân Zimbabwe vui mừng, Tổng thống Robert Mugabe đã tự nguyện xin từ chức sau 37 năm cầm quyền kể từ năm 1980. Thông tin được công bố chỉ vài phút sau khi Quốc hội Zimbabwe triệu tập để bắt đầu quy trình luận tội ông Mugabe.

Sau khi Chủ tịch quốc hội Zimbabwe Jacob Mudenda đọc đơn xin từ chức của ông Mugabe, các nhà lập pháp đã vỗ tay vui mừng. Người dân Zimbabwe cũng đổ ra đường nhảy múa, reo hò.

Cơ hội mới

Và nằm xa xôi vạn dặm ở bên kia châu Á, các quan chức Trung Quốc có lẽ cũng đang vui mừng không kém trước thế cờ này. Đối với Trung Quốc, đây sẽ là cơ hội mới cho các quan hệ làm ăn "thoáng" hơn với Zimbabwe.

Thực tế cho thấy gần 4 thập kỷ cầm quyền của Tổng thống Zimbabwe Robert Mugabe cũng là khoảng thời gian Trung Quốc tạo dựng được ảnh hưởng lớn ở quốc gia này. Điều đó một phần được phản ánh khi Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn thứ ba kiêm nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Zimbabwe.

Hãng tin Bloomberg ngày 21-11 nhận định Bắc Kinh thậm chí sẽ đạt được nhiều thứ hơn hiện tại sau khi ông Mugabe từ bỏ "ngai vàng".

Theo các nghiên cứu gia cố vấn cho chính quyền Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình về chính sách châu Phi, cựu Phó tổng thống Zimbabwe Emmerson Mnangagwa - nhân tố được cho gây ra binh biến ở Harare đầu tuần trước sau khi bị ông Mugabe phế truất - hiện được xem có lập trường "thoáng" hơn với các nhà đầu tư Trung Quốc và các nước khác so với ngài cựu Tổng thống 93 tuổi.

Về mặt liên hệ với Bắc Kinh, ông Mnangagwa từng được huấn luyện quân sự tại Trung Quốc trong suốt khoảng thời gian chiến đấu giành độc lập của Zimbabwe cách đây nhiều thập kỷ.

Hồi năm 2015, người sáng giá cho vị trí tổng thống mới của nước Cộng hòa Zimbabwe từng đề xuất đưa nhân dân tệ trở thành tiền tệ chính thức khi Zimbabwe đối mặt với tình trạng lạm phát.

Người dân Zimbabwe vui mừng bên ngoài trụ sở Quốc hội Zimbabwe sau khi ông Mugabe xin từ chức - Ảnh: REUTERS

Vị cựu phó tổng thống Zimbabwe cũng từng cho thấy sự phản đối đối với chính sách của ông Mugabe khi nói với truyền hình nhà nước Trung Quốc CCTV rằng ông đang tìm kiếm "một môi trường nơi các nhà đầu tư vui vẻ góp tiền vào vì họ sẽ được nhận lại".

Ông Mnangagwa (Phó tổng thống bị phế truất) hiện có cách tiếp cận cởi mở và ôn hòa hơn trong các chính sách kinh tế, đồng thời cũng là một người bạn của Trung Quốc"

Nhà nghiên cứu Shen Xiao Lei tại Viện khoa học xã hội Trung Quốc (CASS) 

Chuyện gì sẽ tiếp tục?

Theo CNN, hiện chưa rõ ai sẽ thay ông Mugabe để lên thế chỗ khuyết. Phó Tổng thống Mnangagwa đã bị ông Mugabe phế truất. Hiện còn một phó tổng thống thứ hai là ông Phelekezela Mphoko, nhân vật thân cận của vợ ông Mugabe, Đệ nhất phu nhân Grace Mugabe.

Theo hiến pháp Zimbabwe, về mặt lý thuyết người kế nhiệm ông Mugabe hiện nay chính là phó tổng thống đương nhiệm, tức ông Mphoko. Tuy nhiên, ông Mnangagwa được đánh giá có khả năng nhất trở thành lãnh đạo lâm thời của Zimbabwe. Reuters dẫn thông tin từ Thư ký pháp lý của đảng cầm quyền ZANU-PF Patrick Chinamasa cho biết ông Mnangagwa sẽ tuyên thuệ nhậm chức tổng thống trong vòng 24 giờ tới.

Tổng thống mới sẽ phục vụ khoảng thời gian còn lại trong nhiệm kỳ của ông Mugabe cho đến khi diễn ra cuộc bầu cử tiếp theo vào tháng 9-2018. Việc ông Mugabe từ chức được cảnh báo cũng sẽ mở đường cho ông tiếp tục tranh cử trong cuộc bầu cử tổng thống của Zimbabwe vào năm 2018.

Ở thế chắc ăn!

Trong khi đó, về phía mình, Bắc Kinh đã tìm cách tạo dựng lòng tin với các lãnh đạo Zimbabwe bằng các khoản viện trợ tài chính và đầu tư hạ tầng trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, đổi lại Trung Quốc được phép tiếp cận các nguồn tài nguyên thiên nhiên, trong đó có vàng, kim cương cùng các khoáng sản.

Zimbabwe là trong số bốn nước nhận viện trợ phát triển chính thức lớn nhất của Trung Quốc giai đoạn 2000 - 2014, chỉ sau Cuba, Bờ Biển Ngà và Ethiopia.

Chuyến thăm Zimbabwe của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hồi năm 2015 - chuyến thăm Zimbabwe đầu tiên của một Chủ tịch Trung Quốc trong gần 20 năm - đã mang lại cho nước này ít nhất 12 thỏa thuận với ước tính trị giá 4 tỉ USD, bao gồm các đầu tư vào ngành năng lượng, hạ tầng, dược phẩm.

Ông Tập thời điểm đó còn gọi quan hệ giữa hai nước Trung Quốc và Zimbabwe là "một trong những quan hệ tốt nhất giữa các quốc gia đang phát triển".

Một điểm đáng chú ý là hai tuần trước khi diễn ra binh biến ở thủ đô Harare, Tổng tư lệnh quân đội Zimbabwe Constantino Chiwenga đã có chuyến thăm Bắc Kinh và có cuộc gặp với Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã gọi chuyến thăm hôm 5-11 này là một "hoạt động giao lưu quân sự thường kỳ được nhất trí bởi hai nước".

Trung Quốc cho đến nay chưa chính thức công bố sự ủng hộ dành cho ông Mugabe hay ông Mnangagwa. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng hôm 16-11 nói rằng quan hệ song phương Trung Quốc - Zimbabwe sẽ không thay đổi, đồng thời Bắc Kinh hy vọng "tình hình ở Zimbabwe sẽ ổn định và các vấn đề sẽ được giải quyết một cách hòa bình, thích hợp".

Chân dung Tổng thống Zimbabwe Robert Mugabe bị gỡ xuống tại trung tâm Hội nghị quốc tế ở thủ đô Harare sau khi ông từ chức - Ảnh: AFP

Mặc dù tình hữu nghị "dùng cho mọi điều kiện thời tiết" giữa hai nước, nhưng "luật bản địa hóa" của ông Mugabe đã trở thành nguồn gốc gây căng thẳng giữa Bắc Kinh và Harare.

Luật này yêu cầu các công ty nước ngoài làm ăn tại Zimbabwe phải có phần đông số cổ phần do người Zimbabwe da đen nắm giữ. Và điều này không thể nào không làm phật ý các nhà đầu tư Trung Quốc.

"Chính sách này quá cực đoan, khiến các công ty Trung Quốc phải lao đao. Do đó, ông Mnangagwa được xem là một bàn tay cứu giúp. Ông ấy sẽ giới hạn hoặc thậm chí hủy bỏ luật bản địa hóa này" - ông Wang Hong Yi, nhà nghiên cứu về quan hệ Trung Quốc - châu Phi tại CASS nói.

Tuy nhiên, nhà nghiên cứu Ding Yi Fan tại Trung tâm nghiên cứu phát triển (DRC) thuộc Quốc vụ viện Trung Quốc đánh giá: "Trung Quốc hiện ở thế chắc ăn".

Bởi lẽ cho dù xảy ra kịch bản Mugabe duy trì được quyền lực thì Bắc Kinh vẫn sẽ tiếp tục có quan hệ mạnh mẽ với Zimbabwe. Đệ nhất phu nhân Grace Mugabe, người từng được đồn đoán đang được ông Mugabe dọn đường để nắm ghế tổng thống, từng học tại ĐH Nhân Dân (Bắc Kinh) trong khoảng thời gian 2007 - 2011. Bà đã nhận được bằng Ngôn ngữ Trung Quốc.

Nguồn TTO