Công nghệ   Ô tô - Xe máy

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Toyota Wigo - làn gió mới trong phân khúc thống trị bởi xe Hàn 

Cập nhật ngày: 01/11/2018 - 14:22

Mẫu hatchback Nhật Bản hội tụ những điểm mạnh để cạnh tranh sòng phẳng dù gia nhập thị trường muộn hơn các đối thủ xe Hàn.

Trong danh mục sản phẩm của Toyota, một chiếc xe cỡ nhỏ, giá rẻ là thứ nhiều người chờ đợi từ lâu. Phân khúc này nhắm đến những khách hàng “ăn chắc mặc bền”, phù hợp với thu nhập của nhiều người Việt. Tuy nhiên, đây cũng là phân khúc có sự khác biệt khi nắm giữ phần lớn doanh số là các dòng xe Hàn Quốc i10, Morning thay vì xe Nhật. Sự xuất hiện của Wigo giúp người dùng có thêm lựa chọn.

Thiết kế thực dụng

Wigo có kích thước nhỏ nhắn, hướng đến những khách hàng thường xuyên di chuyển trên quãng đường ngắn, khu vực đường phố mật độ giao thông cao. So với các đối thủ xe Hàn như Hyundai Grand i10, Kia Morning, Wigo có kích thước gần như tương đương. Chiều dài tổng thể xe 3.660 mm (ngắn hơn i10, dài hơn Morning), trong khi trục cơ sở dài nhất phân khúc 2.455 mm.

Toyota Wigo tại nhà máy thuỷ điện Hoà Bình.

Thiết kế đầu xe mang phong cách đặc trưng của Toyota thời gian gần đây, với lưới tản nhiệt mở rộng ở đáy. Mặt ca-lăng tích hợp thanh mạ crôm tạo điểm nhất đầu xe. Cụm đèn pha thiết kế lớn không tinh tế, nhưng lại hợp với một chiếc xe ở phân khúc thấp nhất, không bóng bẩy, trau truốt. Như mọi xe ở phân khúc A, Wigo không có đèn chạy ban ngày, mà chỉ tích hợp đèn sương mù.

Phía đuôi xe cụm đèn hậu có tiết diện lớn, tạo hình theo phong cách vuông vức, cứng cáp, thay vì những đường nét mềm mại. Đuôi xe có thiết kế phức tạp hơn so với sự đơn giản ở phần đầu, khi đèn phản quang phía sau tích hợp cùng vị trí với khe gió. Trên cánh gió đuôi xe tích hợp đèn báo phanh trên cao. Cụm gương chiếu hậu tích hợp đèn báo rẽ.

Tổng thể bên ngoài Wigo hướng đến tính thực dụng, trang bị những gì cần thiết, không cầu kỳ hoa mỹ. Tuy nhiên, người dùng chỉ có thể mở cửa cốp sau bằng lẫy gạt từ bên trong cabin hoặc dùng chìa khoá cơ, thay vì tích hợp lẫy mở luôn trên cửa.

Cửa cốp của Wigo phải mở từ cabin hoặc dùng chìa mở ổ khoá phía sau.

Tiến vào cabin, phong cách thực dụng được giữ nguyên. Bảng táp-lô một màu đen hoàn thiện bằng vật liệu nhựa giả vân da. Khu vực điều khiển trung tâm khá cổ điển, với cửa gió điều hoà chữ nhật, công tắc điều khiển hệ thống làm mát dạng núm xoay như thiết kế trên ôtô nhiều năm trước.

Điểm nhấn trên bảng táp-lô nằm ở cụm màn hình hiển thị màu cảm ứng, chất lượng hoàn thiện khá tốt. Người dùng có thể phát wifi từ điện thoại hoặc bộ phát để sử dụng tính năng kết nối internet trên màn hình. Hình ảnh từ hiển thị từ camera phía sau lên màn hình có chất lượng khá.

Hệ thống giải trí của xe có đủ kết nối thông dụng, kèm theo một cổng kết nối HDMI để trích xuất hình ảnh từ các thiết bị ngoại vi như điện thoại, máy quay. Ngoài ra, phía sau màn hình hiển thị còn được bố trí một đầu đĩa DVD, tương tự cách thiết kế trên các dòng xe hiện tại của Toyota. Tuy nhiên, chất lượng âm thanh từ hệ thống loa không cao, phù hợp với nhu cầu nghe cơ bản. Những bản nhạc có nhiều âm bass chất lượng phát ra kém trên 4 loa theo xe.

Nội thất Wigo phiên bản 1.2 AT. Chất liệu chủ yếu là nhựa, ghế bọc nỉ.

Phiên bản cao cấp nhất trên xe cũng chỉ trang bị ghế nỉ, trong khi các đối thủ cùng phân khúc đều sử dụng ghế da. Wigo trang bị an toàn cơ bản với 2 túi khí cho hàng ghế phía trước và dây đai an toàn 3 điểm.

Vận hành phù hợp với đô thị

Wigo nhập khẩu về Việt Nam sử dụng động cơ 1.2, 4 xi-lanh, công suất 86 mã lực và mô-men xoắn cực đại 107 Nm, tương đương thông số của các đối thủ. Những con cho thấy tập khách hàng nhắm đến sẽ thường xuyên chạy nội thị, những quãng đường ngắn.

Kéo thanh điều chỉnh ghế cơ, tựa lưng với tư thế lái thích hợp, người lái bắt đầu hành trình trải nghiệm chiếc Wigo trên cung đường từ Hà Nội – Hoà Bình. Buông chân phanh, tay phanh, cài số D, chiếc xe từ từ tiến về phía trước. Vô-lăng trợ lực điện nhưng không quá nhẹ khi xe vừa lăn bánh, nhịp chuyển hướng của bánh xe có thể cảm nhận được trên tay lái.

Hatchback của Toyota thể hiện sự tăng tốc mượt, êm ở nước đề. Chân ga phản ứng tốt với từng nhịp dẵm của người lái, không gây hiện tượng giật đột ngột. Bạn của người lái cũng phải dành lời khen cho chân ga của Wigo, dù rất tôn sùng mẫu xe đang sở hữu Hyundai Grand i10.

Toyota Wigo tại đỉnh đập thuỷ điện Hoà Bình.

Lái xe ở những con phố nhỏ, lối đi hẹp, kích thước nhỏ nhắn của xe mới thể hiện rõ ưu thế, không mệt cũng chẳng vất vả để căn xe, chỉnh hướng. Phiên bản Wigo số tự động trang bị cảm biến lùi, xe trải nghiệm được gắn thêm camera lùi nên việc ghép xe vào bãi đỗ rất dễ và thuận tiện. Hình ảnh hiển thị ở màn hình trên bảng táp-lô chất lượng khá tốt.

Lăn bánh khỏi khu vực nội đô Wigo để lại ấn tượng tốt, với sự linh hoạt, dễ làm chủ trong phố. Chỉ dừng lại ở đó, người lái có lẽ không ngần ngại xuống tiền mua xe ngay như anh bạn ở một tờ báo khác với nhu cầu xe “che mưa, che nắng”.

Tuy nhiên, trải nghiệm trên đường dài giúp người lái có đánh giá toàn diện hơn về chiếc xe. Đại lộ Thăng Long với mặt đường mấp mô, nhiều đoạn gờ phía trên cầu chui dân sinh trở thành nơi đánh giá hệ thống giảm xóc của xe. Khi phanh xe về vận tốc khoảng 60-70 km/h, hệ thống giảm xóc xe êm ái, thân xe ổn định. Như vậy là đủ dùng với một xe nhỏ mà có lẽ những người mua chủ yếu chạy phố.

Động cơ công suất 86 mã lực, với sức kéo 107 Nm của xe thể hiện những hạn chế ở tốc độ cao. Từ ngưỡng tốc độ khoảng trên 75 km/h, xe tăng tốc chậm, hiện tượng trễ ga nhiều. Đạp ga sát sàn, động cơ gầm rú, kim vòng tua dựng lên, đồng hồ báo Eco (tối ưu nhiên liệu) tắt, nhưng xe chỉ từ từ chạm ngưỡng 90 km/h, 100 km/h với tua máy ổn định ở mức khoảng 2.900 vòng/phút. Với một chiếc xe nhỏ, máy yếu thì không thể chờ đợi nhiều ở khả năng tăng tốc.

Hết đại lộ Thăng Long, con đường mới nối từ Hoà Lạc đến thành phố Hoà Bình vừa hoàn thiện, mặt đường đẹp có độ nhám và cho phép xe chạy 80 km/h. Cảnh quan hai bên đường có những đoạn đẹp mê mẩn như vùng Tây Bắc xa xôi tạo thêm cảm hứng cho người lái, tuy nhiên mọi sự không trọn vẹn. Những âm thanh từ mặt đường, động cơ vọng vào cabin đều có thể cảm nhận rõ, phá vỡ những xúc cảm của người ngồi trong xe. “Ồn thế” là những gì anh hành khách ngồi hàng ghế sau thốt lên, dù vị trí ngồi khá rộng rãi, thoải mái với một người cao gần 1m8. Độ ồn trung bình bên trong cabin, ở tốc độ 80 km/h, khoảng 83 dB.

Làn gió mới trên thị trường

Sau hơn 20 năm có mặt ở Việt Nam, Toyota mới có một chiếc hatchback cỡ nhỏ đáng chú ý, đánh vào phân khúc đang đứng đầu bởi xe Hàn. So đối thủ cùng phân khúc, Wigo kém hơn về trang thiết bị, lợi thế ở mác xe Nhật và nhập khẩu nguyên chiếc.

Tập khách hàng của Wigo nhắm đến những người chạy trên quãng đường ngắn, khu vực nội đô, người mua xe với nhu cầu cơ bản, nên các đặc tính về linh hoạt, dễ lái, dễ điều khiển đều đáp ứng tốt. Tuy nhiên, với những ai muốn đổi gió đi chơi xa, đi đường dài, hatchback của Toyota lộ rõ những điểm yếu của một chiếc xe nhỏ. Đây là điểm chung trên các dòng xe nhỏ, vốn dĩ thiết kế cho khu vực đô thị, hành trình đi ngắn.

Với mức giá phiên bản cao nhất 405 triệu, Wigo đắt nhất phân khúc, nhưng chỉ nhỉnh hơn vua doanh số Hyundai Grand i10 3 triệu. Trong khi đó, bản số sàn giá 345 triệu có thể là lựa chọn cho những người chạy dịch vụ.

Tín hiệu ban đầu của Wigo khá khả quan, khi doanh số trong 5 ngày mở bán cuối tháng 9 đạt 238 xe, trung bình hơn 47 chiếc/ngày. Mẫu hatchback Nhật Bản rõ ràng được đón nhận, nhưng vấn đề nguồn hàng nhập khẩu nguyên chiếc có thể là rào cản nếu cầu vượt cung.

Nguồn VNE

Từ khóa
phân khúcWigo