Kinh tế   Công nghiệp – Dịch vụ

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Bộ Công Thương:

Trả lời kiến nghị của cử tri về quản lý đường lỏng 

Cập nhật ngày: 31/08/2019 - 13:43

BTN - Đường lỏng không thuộc diện quản lý theo cơ chế hạn ngạch thuế quan theo cam kết tại WTO và thuộc danh mục hàng hoá phải kiểm tra Nhà nước về an toàn thực phẩm nhập khẩu do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý.

Một số sản phẩm từ cây mía ở Tây Ninh.

Vừa qua, Bộ Công Thương có văn bản trả lời kiến nghị của cử tri Tây Ninh gửi tới trước kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XIV. Kiến nghị do Ban Dân nguyện chuyển đến, với nội dung như sau: Đường lỏng chiết xuất từ tinh bột ngô (HFCS) là thủ phạm chính gây ra mỡ gan, béo phì. Mặt khác, HFCS lại đang được hưởng ưu đãi từ chính sách ưu đãi thuế nhập khẩu hiện hành của Chính phủ Việt Nam.

Hệ quả là gây thiệt hại nghiêm trọng cho các doanh nghiệp sản xuất mía đường trong nước do bị giảm sút thị phần, giảm sản lượng đường bán nội địa dẫn đến tồn kho tăng cao và thất thu thuế của Nhà nước. Để thực hiện cơ chế chống bán phá giá, cạnh tranh bình đẳng đối với mặt hàng HFCS nhập khẩu, bên cạnh nỗ lực nâng cao năng lực cạnh tranh của nội tại doanh nghiệp, cần có sự hỗ trợ của Chính phủ. Đề nghị có giải pháp thích hợp hơn nhằm bảo vệ ngành mía đường trong nước.

Về vấn đề trên, Bộ Công Thương trả lời như sau: đường lỏng  là các loại si rô (mã HS 1702) nhập khẩu chủ yếu phục vụ sản xuất nước giải khát. Đây là loại si rô thực phẩm ở dạng lỏng, được làm từ tinh bột ngô (bắp) với thành phần chứa nhiều loại đường như: glucose, fructose, maltose, oligosaccharide với tỷ lệ khác nhau tuỳ thuộc vào yêu cầu về thành phần các loại đường trong sản phẩm si rô cần tạo ra. Si rô này dùng để làm bánh kẹo, nước giải khát, nước hoa quả và được sử dụng trong sản xuất thực phẩm để làm mềm kết cấu, tăng thể tích, ngăn ngừa sự kết tinh của đường và tăng hương vị.

Hiện nay, trong ngành công nghiệp thực phẩm đồ uống, đường lỏng đang được sử dụng ngày càng phổ biến do giá thành sản xuất thấp hơn và có độ ngọt cao hơn đường trắng. Tuy nhiên, các loại si rô này không thể thay thế 100% đường trắng mà chỉ có thể sử dụng theo tỷ lệ nhất định tuỳ từng loại sản phẩm.

Trong thời gian qua, lượng đường lỏng nhập khẩu vào Việt Nam đã tăng nhanh do nhu cầu sử dụng phục vụ sản xuất ngành đồ uống và thực phẩm của một số doanh nghiệp lớn tại Việt Nam như Coca-Cola, URC, Tân Hiệp Phát. Đường lỏng có chi phí nguyên liệu đầu vào thấp với mức thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt theo các Hiệp định thương mại tự do (như Hiệp định thương mại hàng hoá ASEAN, Hiệp định thương mại ASEAN - Trung Quốc, ASEAN - Hàn Quốc) từ một số nước sản xuất HFCS lớn (Trung Quốc, Hàn Quốc và các nước ASEAN) ở mức 0%. Mức thuế (MFN) của Việt Nam đối với đường lỏng hiện duy trì ở mức 15%.

Đường lỏng không thuộc diện quản lý theo cơ chế hạn ngạch thuế quan theo cam kết tại WTO và thuộc danh mục hàng hoá phải kiểm tra Nhà nước về an toàn thực phẩm nhập khẩu do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý. 

Trường hợp việc nhập khẩu đường lỏng tăng mạnh ảnh hưởng xấu đến sản xuất đường trong nước như kiến nghị của cử tri, Bộ Công Thương sẽ nghiên cứu phương án áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại phù hợp với quy định, đồng thời, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu quy định các tiêu chuẩn, quy chuẩn cao đối với mặt hàng đường lỏng để kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu.

Đối với việc nâng cao năng lực cạnh tranh ngành sản xuất đường trong nước, các doanh nghiệp sản xuất đường trong nước cần thực hiện các giải pháp tái cơ cấu ngành sản xuất mía, đường cụ thể là: nghiên cứu giống mía đạt năng suất cao, chất lượng và hình thành các cánh đồng mẫu lớn để cơ giới hoá, áp dụng tiến bộ, khoa học kỹ thuật; chuyển đổi cây trồng phù hợp để áp dụng các quy trình canh tác tiên tiến với từng vùng; tổ chức sản xuất áp dụng công nghệ hiện đại tiên tiến đáp ứng quy mô và trình độ; liên kết chuỗi giá trị sản xuất, giảm chi phí tổn thất hao hụt về cả sản lượng và chữ đường; tái cơ cấu sản xuất của nhà máy bảo đảm chất lượng sản xuất đường đáp ứng tiêu chuẩn quy định và phù hợp với nhu cầu của thị trường; đa dạng hoá đầu ra của sản phẩm để tận dụng tối đa nguồn nguyên liệu từ cây mía, ngoài sản phẩm đường còn có ethanol, điện đồng phát.

HOÀNG THI