BAOTAYNINH.VN trên Google News

Trái ngon thì nhớ ! 

Cập nhật ngày: 11/01/2019 - 11:08

BTN - Câu tục ngữ trên đã không đúng nữa rồi! Trên miền đất Tây Ninh thời hiện tại, ở đâu và chẳng kể chủ vườn trẻ hay già, ta cũng thấy chuối và na (mãng cầu). Vùng chung quanh và phía Bắc núi Bà ở đâu cũng có những vườn mãng cầu trải ra bát ngát.

“Trẻ trồng na, già trồng chuối”

Chuối thì dễ nhìn thấy nhất là những vệt vườn chuối nõn nà xanh trên núi. Nhất là sườn núi Phụng, núi Heo. Chuối kể như đã leo tới tận đỉnh, cao gần một cây số giữa trời. Chẳng thế mà các anh ở trạm ăng- ten phát sóng truyền hình trên ấy, thỉnh thoảng đi quanh trạm cũng tìm ra ngay những bụi chuối hột rừng đem về làm quà cho bè bạn đấy thôi!

Câu tục ngữ trên đã không đúng nữa rồi! Trên miền đất Tây Ninh thời hiện tại, ở đâu và chẳng kể chủ vườn trẻ hay già, ta cũng thấy chuối và na (mãng cầu). Vùng chung quanh và phía Bắc núi Bà ở đâu cũng có những vườn mãng cầu trải ra bát ngát. Chuối thì dễ nhìn thấy nhất là những vệt vườn chuối nõn nà xanh trên núi. Nhất là sườn núi Phụng, núi Heo. Chuối kể như đã leo tới tận đỉnh, cao gần một cây số giữa trời. Chẳng thế mà các anh ở trạm ăng- ten phát sóng truyền hình trên ấy, thỉnh thoảng đi quanh trạm cũng tìm ra ngay những bụi chuối hột rừng đem về làm quà cho bè bạn đấy thôi!

Chuối Tây Ninh giờ có thêm những điểm mới. Là những trang trại mênh mông toàn chuối. TTV11 tuần trước có phát hình một dây chuyền thu hoạch chuối ở Tân Châu. Ngộ lắm! Có những đường cáp xuyên sâu trong vườn chuối, những buồng vừa chặt treo lên, chiếc xe máy của công nhân chạy kéo theo một dây dài lúc lỉu cả trăm buồng đưa về xưởng gia công, đóng thùng xuất khẩu. Nghe nói đấy là chuối già gốc quê Nam Mỹ.

Nhưng! Chuối và mãng cầu mới chỉ là hai trong số hàng trăm loài cây ăn trái quê ta. Như chôm chôm trĩu trái mạn Trường Hoà, Trường Ðông hay bên suối Vườn Ðiều. Như ổi xanh vỏ đỏ lòng đặc sản Dương Minh Châu. Hoặc sầu riêng, nhãn da bò Lộc Ninh, Truông Mít. Cũng không quên trái thanh long ruột đỏ, có mặt đầu tiên ở Gia Lộc, Trảng Bàng, nay thì đã tràn lan khắp các huyện phía Nam.

Rồi dâu vàng An Hoà, khóm Phước Chỉ, An Thạnh, dừa thơm mùi dứa. Và cũng nhớ cho vị giòn thanh của trái xoài tứ quý trồng trên đất Tân Biên… Ðấy là còn chưa kể đến những loài trái cây mới xuất hiện gần đây như bưởi da xanh, dưa lưới, chanh leo…và cả nho rừng (trái giác).

Sẽ chẳng thể nào nhớ hết những loại cây trái Tây Ninh ta đã gặp trên mọi con đường. Ðành phải cậy nhờ ký ức. Mà ký ức một người âu cũng chỉ là “ếch ngồi đáy giếng” mà thôi! Trong ký ức tôi mấy tuần qua thì trái ngon nhất lại không phải là những trái cây vừa kể. Mà đấy lại là trái táo một bà đem bán rong trên phố.

Táo ta thôi, nhưng trồng cách nào mà cho những trái to hơn hột vịt. Bà kể, táo vườn nhà trên xã Long Vĩnh, huyện Châu Thành. Ôi trái táo ta! Mà dường như ngon hơn cả táo Tàu, táo Mỹ. Bởi cắn vào giòn rụm và toả lan hương vị thơm tho, thanh khiết, ngọt ngào. Ký ức xa hơn, là trái ổi Dương Minh Châu, thời ông Hai Lưu còn làm Chủ tịch huyện. Ðấy là lần theo nhà văn Nguyễn Ðức Thiện đi làm chương trình Tiếng nói cử tri, ông kéo về vườn nhà kề bên kênh tiêu đầu mối Lòng hồ.

Lần đầu tôi được thấy những cây ổi thấp nhỏ mà trái lại to như thế. Cùi ổi dày và trắng, cắn giòn tan và cũng ngọt thơm như táo và lê nhập khẩu. Bây giờ thì giống ổi ấy đã được bán tràn lan ngoài các chợ. Lại còn thêm những giống mới khoe vỏ xanh, ruột đỏ hay vàng. Ðất Tây Ninh mênh mông, người nông dân sáng tạo, cần cù. Thử hỏi những doanh nghiệp, nhà máy như Tanifood không về với Tây Ninh mới là chuyện lạ.

Tôi lại nhớ những dịp cúng lễ Kỳ yên ở các ngôi đình Thanh Phước, Gia Lộc và An Tịnh, cả Hội yến Diêu Trì cung vào đúng ngày rằm tháng 8. Những mâm trái cây dâng cúng ở đấy thường được xếp hình long, lân, quy, phụng. Các nghệ nhân khéo léo của quê ta còn đem sản phẩm của mình đi dự lễ hội trái cây Nam bộ hằng năm. Và mới đây, tại tuần lễ hội bánh tráng phơi sương; nhiều loại trái Tây Ninh cũng náo nức về dự hội.

Bạn đồng nghiệp viết: “Ta dễ dàng thưởng thức trái mãng cầu Bà Ðen dịu ngọt của TP. Tây Ninh, sản phẩm rượu, mứt từ thanh long ruột đỏ của xứ Trảng, những trái ổi, bưởi ngọt từ Dương Minh Châu…” (Bài của Châu Pha - Vi Xuân, báo Tây Ninh ngày 28.12.2018). Nghĩ mà coi, chỉ bánh tráng phơi sương đã có hẳn một tuần lễ hội vinh danh. Mà quê ta, cây trái còn phong phú gấp cả trăm lần, cũng xứng để có một lễ hội riêng cho trái ngon Tây Ninh lắm chứ!

Lại nhớ… có cả những loại trái cây như đã trôi về miền thương nhớ với các bác từng kháng chiến trên rừng, như các trái gùi, gắm, trường trên rừng chiến khu... Hay trái thị, với lớp học sinh từng hát vang bài ca bống bống bang bang… kể chuyện về cô Tấm. Cả trái bồ quân mà đầu năm đã thấy một rổ của ai đem ra chợ phường IV bán. Nói về trái cây, mới nhớ tết này phải đến chợ Cư Trú mua về một chùm xoài mút. Chua le chua lét, nhưng đẹp và thơm thì không có mấy loại sánh bằng. Biết đâu! Có nhà máy Tanifood rồi, thì sẽ có ngày xoài mút lại “lên hương”.

NGUYỄN