Pháp luật   Tin tức

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Trảng Bàng: Hàng cây tầm vông gây thu hẹp đường công cộng 

Cập nhật ngày: 06/04/2019 - 20:21

BTNO - Ông Nguyễn Văn Phinh ở Trảng Bàng gởi đơn về Báo Tây Ninh, thắc mắc hàng tầm vông được gia đình ông trồng từ năm 1975 trên con đường đi chung do người dân tự chừa, tại sao chính quyền địa phương lại ra quyết định xử phạt ông lấn, chiếm đất do Nhà nước quản lý.

Theo đơn của ông Nguyễn Văn Phinh (SN 1954, ngụ tổ 8, ấp Suối Sâu, xã An Tịnh, huyện Trảng Bàng), ngày 17.11.2015, vợ chồng ông được Sở Tài nguyên và Môi trường cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản khác gắn liền với diện tích đất 1.314,9m², thuộc thửa 686, tờ bản đồ số 39, số vào sổ cấp CS14936, đất tọa lạc tại nơi gia đình cư ngụ.

Con đường hiện trạng khá rộng nhưng khi đến đoạn cổng nhà của ông Phinh và hàng cây tầm vông thì bị thu hẹp.

Cạnh đất phía trước nhà có chiều dài hơn 40m, được ông Phinh trồng hàng tầm vông dọc theo đó để tận dụng làm hàng rào. Cạnh đất này còn giáp ranh với một con đường đất có chiều ngang khoảng 1,5m, do ông Phinh và chủ đất liền kề tự chừa làm lối đi chung.

Ông Phinh nêu trong đơn, trên giấy chứng nhận QSDĐ không thể hiện con đường xe công cộng. Thế nhưng, vào ngày 28.3, UBND xã An Tịnh đã ra quyết định số 05 về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai đối với ông, số tiền phạt lên đến 4 triệu đồng.

Lý do, ông Phinh đã có hành vi lấn, chiếm đất phi nông nghiệp không phải là đất ở và do Nhà nước quản lý, cụ thể là đất đường xe giáp ranh với cạnh đất phía trước nhà ông. Biện pháp khắc phục hậu quả, buộc ông Phinh phải phá bỏ hàng tầm vông trong thời hạn 10 ngày (kể từ ngày nhận được quyết định xử phạt), nếu không chấp hành sẽ bị cưỡng chế.

Ngày 29.3, UBND xã An Tịnh tống đạt quyết định trên cho người vi phạm, ông Phinh đã đồng ý ký tên vào biên bản nhận quyết định. Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên, ông cho biết "vẫn không phục", vì “hàng tầm vông được gia đình tôi trồng từ năm 1975, cây trồng không lấn đường xe, không xảy ra tranh chấp về đất đai, đường đi chung cũng là do người dân tự chừa, tại sao chính quyền địa phương lại ra quyết định xử phạt như vậy? Ngoài ra, tôi còn thắc mắc về nội dung của quyết định khi không ghi rõ số diện tích đất đường bị lấn chiếm, tại vị trí cận giáp ranh thửa đất nào, tờ bản đồ số bao nhiêu…”.

Qua xem kỹ sơ đồ thửa đất minh họa trong giấy chứng nhận QSDĐ của vợ chồng ông Phinh, nhận thấy có thể hiện con “đường đất nội ấp”, tức đường như trên đang đề cập. Con đường hiện trạng ngoài thực địa khá rộng, nhưng khi đến đoạn cổng nhà của ông Phinh và đổ dài đến hết cạnh đất có hàng cây tầm vông thì bị thu hẹp, theo kiểu “thắt cổ chai”. Giải thích về hiện trạng này, ông Phinh cho rằng “con đường do người dân tự bỏ đất chừa lối đi chung, từ trước đến nay đã vậy”.

Đoạn đường cặp bên hàng cây tầm vông khá hẹp gây khó khăn cho việc lưu thông của bà con trong khu dân cư.

Thời điểm phóng viên đến tìm hiểu, ngay trên nền xi măng tại cổng nhà ông Phing, phát hiện có dấu chấm nước sơn do cơ quan chức năng đo đạc và xác định phạm vi con đường trước đó. Vị trí đánh dấu sơn vừa qua khỏi một cây trụ cổng bên phải (hướng từ ngoài đường vào nhà), tức cả hàng tầm vông và cây trụ cổng này đều nằm trong phạm vi đường công cộng.

Ông Phinh phản đối việc xác định phạm vi đường như vậy. Ông đồng thời vừa quan sát trên “sổ đỏ” vừa dùng thước đo từ cạnh thửa đất của gia đình (do ông tự xác định) hướng ra lòng đường.

Sau đó ông Phinh khẳng định, “nếu tính phạm vi con đường như theo cơ quan chức năng đã đánh dấu thì đất của tôi sẽ bị mất so với diện tích đã được cấp trong sổ đỏ. Cụ thể, phần đất bị mất có chiều ngang hơn 1m, dài đến hết cạnh giáp đường”.  

Mặc dù trong đơn của ông Phing trình bày việc trồng hàng cây tầm vông không lấn đường, nhưng theo kết quả do ông tự đo đạc lại thể hiện có đến hơn nửa hàng cây tầm vông đang lấn vào phạm vi đường xe. Ông Phinh tiếp tục giải thích, đây là loại cây trồng nảy nở dần theo thời gian, nên phần cây nào sinh sôi nằm ngoài diện tích đất trong “sổ đỏ” thì ông sẽ chủ động chặt bỏ.

Riêng phần hàng cây nằm trong đất của ông (do ông tự xác định), nếu chính quyền địa phương muốn giải phóng để mở rộng con đường thì ông cũng đồng ý. Nhưng với hai điều kiện, UBND xã An Tịnh phải hỗ trợ kinh phí cho ông xây dựng hàng rào mới, kể cả việc phải chừa lại cây trụ cổng bên phải.

Cùng ngày 2.4, cán bộ địa chính xã An Tịnh có giải thích về việc ông Phinh cho rằng “đường đi chung là do người dân tự chừa nhưng tại sao xã lại ra quyết định xử phạt như vậy?”. Thực tế, khi tiến hành cấp giấy chứng nhận QSDĐ cho người dân, Nhà nước đã thống nhất quản lý về những con đường công cộng hiện trạng, tức không đưa vào phần diện tích đất được cấp trong “sổ đỏ”. Đường công cộng được thể hiện rõ trên bản đồ địa chính, kể cả trên sơ đồ thửa đất minh họa trong giấy chứng nhận QSDDĐ. Ông Phinh cần hiểu rõ vấn đề này để tránh việc khiếu nại không đáng có.

Ông Phinh tự thực hiện đo đạc xác định ranh đất.

Cán bộ địa chính xã còn cho hay, đối với trường hợp của ông Phinh, đoàn công tác của xã đã thực hiện đo đạc, xác định lại phần diện tích đất thực tế của ông và hộ dân có đất giáp ranh phía sau nhà.

Phát hiện “sổ đỏ” được cấp cho hai hộ này không sai, nhưng nếu căn cứ theo hàng rào phân ranh đất giữa hai hộ thì đất của ông Phinh có “hao hụt” ngang hơn 1m x dài đến hết cạnh giáp ranh. Có thể ông Phinh đã lấy điểm mốc từ hàng rào này để kéo thước đo ra hướng đường công cộng, nên ông mới cho hay diện tích đất trong “sổ đỏ” của gia đình đã bị mất hơn 1m ngang x dài đến hết cạnh giáp đường (nếu căn cứ theo phạm vi con đường do xã xác định).

Ông Đỗ Hoàng Vũ- Chủ tịch UBND xã An Tịnh nêu ý kiến, ông Phinh thắc mắc về việc “trong quyết định xử phạt không ghi rõ số diện tích đất đường bị lấn chiếm, tại vị trí cận giáp ranh thửa đất nào, tờ bản đồ số bao nhiêu…”.

Thật ra, trước khi ban hành quyết định số 05, UBND xã đã nhiều lần làm việc với ông Phinh, mỗi lần như vậy đều có ghi biên bản, có cả biên bản nêu rõ những thắc mắc trên của ông Phinh mà sau này đã đính kèm theo quyết định xử phạt.

Mặt khác, mức xử phạt là được áp dụng tại khoản 2, Điều 10, Nghị định số 102 ngày 10.11.2014 của Chính phủ (về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai) nên chỉ cần nêu rõ về hành vi vi phạm.

“Về hai điều kiện của ông Phinh, UBND xã xét thấy chỉ có thể chấp nhận một điều kiện là chừa lại cây trụ cổng bên phải cho gia đình ông. Riêng điều kiện chính quyền địa phương phải hỗ trợ kinh phí cho ông xây dựng hàng rào mới là không thể được, vì ông Phinh đã có hành vi lấn chiếm đất phi nông nghiệp do Nhà nước quản lý.

Cụ thể, việc ông Phinh trồng hàng cây tầm vông gây lấn chiếm đường công cộng. Đây cũng là bức xúc chung của nhiều hộ dân trong khu dân cư gửi đơn đến UBND xã yêu cầu giải quyết trả lại hiện trạng con đường thông thoáng. Ông Nguyễn Văn Phinh nên tự nguyện chấp hành theo quyết định xử phạt để tránh phát sinh thêm khoản phí cưỡng chế thi hành”, ông Vũ cho hay.

Quốc Sơn


 
Liên kết hữu ích