BAOTAYNINH.VN trên Google News

Tránh “giọt nước tràn ly” 

Cập nhật ngày: 02/06/2017 - 07:04

Ngày 29/5, Bình Nhưỡng đã phóng một loại tên lửa đạn đạo tầm ngắn mới, tương tự tên lửa Scud, bay 448 km rồi rơi xuống Vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản. Động thái mới này khiến tình hình bán đảo Triều Tiên tiếp tục lún sâu vào căng thẳng, gây nguy cơ xung đột quân sự ngày càng cao. Bởi đây là lần thử tên lửa thứ ba trong vòng ba tuần qua và cũng là lần thử thứ 12 trong năm nay của Triều Tiên.

Động thái của Bình Nhưỡng diễn ra sau khi Mỹ có quyết định điều tàu sân bay thứ ba tới gần bán đảo Triều Tiên. Với quyết định điều 3 trong 11 hàng không mẫu hạm của Mỹ đến trước “cửa ngõ” Triều Tiên, kéo theo cả một kho vũ khí khổng lồ bao gồm 250 máy bay chiến đấu, hơn 20 tàu chiến và tàu ngầm hạt nhân, Washington đang gây sức ép và tạo ra mối đe dọa chưa từng có đối với Bình Nhưỡng.

Đây là lần đầu tiên kể từ sau cuộc chiến tranh Iraq năm 1991, Mỹ điều 3 tàu sân bay tập trung trong cùng một khu vực. Diễn biến này khiến giới quan sát dự đoán về sự cương quyết và không ngại dùng vũ lực của chính quyền Trump trong giải quyết vấn đề Triều Tiên. Thậm chí, những kịch bản về một cuộc chiến tranh trên bán đảo này trong thời gian tới đã được nhắc đến.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis cảnh báo xung đột trên bán đảo Triều Tiên sẽ trở thành “cuộc chiến tồi tệ nhất” nếu như không thể giải quyết căng thẳng thông qua các kênh ngoại giao.


Người dân Osaka, Nhật Bản theo dõi tin tức về vụ phóng tên lửa của Triều Tiên ngày 29/5. (Nguồn: AP)

Trong bối cảnh đó, vụ phóng tên lửa lần này của Triều Tiên mang theo nhiều thông điệp đáng chú ý. Giới phân tích cho rằng vụ thử không chỉ nhằm kiểm tra công nghệ như những lần trước, mà là hành động nắn gân Mỹ và đồng minh. Tuyên bố thử nghiệm thành công của Triều Tiên là sự đe dọa trực tiếp về khả năng đánh trúng các mục tiêu tại Hàn Quốc, Nhật Bản cũng như các tàu sân bay của Mỹ đang neo đậu trong khu vực, qua đó buộc Mỹ và đồng minh phải cân nhắc, thậm chí chùn bước trong các nỗ lực gây sức ép chống Triều Tiên.

Trong lúc tình hình đang căng như dây đàn này, chỉ cần một giọt nước nào đó tràn ly đều có thể khiến chiến tranh bùng nổ. Chiến tranh là điều mà bất kỳ bên nào khởi xướng sẽ phải cân nhắc thận trọng thiệt hơn.

Đặc biệt, Hàn Quốc chắc chắn không muốn chiến tranh bùng nổ bởi họ sẽ là bên thiệt hại nhất. Mặc dù tuyên bố sẽ đáp trả mạnh mẽ, song, Bộ Thống nhất Hàn Quốc ngày 29/5 tuyên bố vẫn linh hoạt xem xét viện trợ nhân đạo và nối lại các hoạt động giao lưu dân sự với Triều Tiên.

Hòa bình, ổn định trên bán đảo Triều Tiên là mong muốn và nguyện vọng chung của người dân hai miền liên Triều cũng như cộng đồng quốc tế. Vì vậy, các quốc gia liên quan cần tuân thủ nghiêm túc các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và có những hành động mang tính xây dựng, thiết thực đóng góp cho việc duy trì hòa bình, an ninh và ổn định trên bán đảo Triều Tiên và cả khu vực.

Bên cạnh đó, việc ngăn chặn nguy cơ chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên phải được xem là nhiệm vụ cấp thiết hiện nay của các quốc gia, tổ chức quốc tế mang trong mình sứ mệnh duy trì hòa bình, ổn định của khu vực và thế giới.    

Nguồn Baoquocte