BAOTAYNINH.VN trên Google News

Tri ân những cống hiến to lớn của nhà chí sĩ yêu nước Bùi Bằng Đoàn 

Cập nhật ngày: 09/09/2019 - 20:27

Phát biểu tại Hội thảo khoa học “Bùi Bằng Đoàn với cách mạng Việt Nam”, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nhấn mạnh: Hội thảo là hoạt động thiết thực nhằm tưởng nhớ, tri ân những cống hiến to lớn của nhà chí sĩ yêu nước Bùi Bằng Đoàn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc...

Nhân dịp kỷ niệm 130 năm ngày sinh Cụ Bùi Bằng Đoàn - Trưởng ban Thường trực Quốc hội khóa I (1889 –2019), sáng ngày 9/9, tại Hà Nội, Văn phòng Quốc hội phối hợp với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Bùi Bằng Đoàn với cách mạng Việt Nam”.

Toàn cảnh hội thảo

Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, Đại tướng Đỗ Bá Tỵ đồng chủ trì Hội thảo.

Tham gia Hội thảo có: nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng; nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên; nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại, nguyên Chủ nhiệm VPQH Vũ Mão; cùng các nhà khoa học đến từ nhiều cơ quan ở Trung ương và địa phương.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho biết: Cụ Bùi Bằng Đoàn sinh năm 1889 tại làng Liên Bạt, huyện Ứng Hoà, Hà Đông, nay thuộc Hà Nội. Sinh ra trong một gia đình có truyền thống nho học, từ nhỏ Cụ đã theo con đường khoa cử, sớm đỗ đạt. Vào tháng 1/1946, Cụ được bầu làm đại biểu Quốc hội của tỉnh Hà Đông. Vào tháng 11 năm đó, Cụ đã được Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại kỳ họp thứ 2 tín nhiệm bầu giữ chức Trưởng Ban thường trực Quốc hội.

Tuy thời gian giữ chức Trưởng Ban Thường trực Quốc hội không dài (từ tháng 11/1946 đến tháng 9/1955), nhưng ở vào giai đoạn quyết liệt của cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân, Cụ đã được Ban Thường trực Quốc hội ủy nhiệm ở bên cạnh Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ để góp ý kiến với Chính phủ trong mọi công tác kháng chiến.

Đây là môi trường để những kiến thức, kinh nghiệm của Cụ, như Chủ tịch Hồ Chí Minh có ghi là “học vấn cao siêu, kinh nghiệm phong phú” phát huy giá trị, giúp ích cho công tác của Quốc hội, phục vụ cho lợi ích của Nhân dân, của Cách mạng.

Trên cương vị đứng đầu Quốc hội, Cụ Bùi Bằng Đoàn luôn đề cao tư tưởng đại đoàn kết để động viên các lực lượng tham gia kháng chiến, qua đó khẳng định vai trò của Quốc hội trong việc đại diện cho ý chí của toàn dân, cho tinh thần đoàn kết toàn dân tộc. Vào thời điểm đó, Cụ và Ban thường trực Quốc hội đã nhận thức rõ nhiệm vụ của Quốc hội là tập trung toàn lực cho cuộc kháng chiến.

Dù không thể tổ chức các cuộc họp thường xuyên, nhưng đại biểu Quốc hội chính là cơ sở kết nối đối với quần chúng, động viên quần chúng đấu tranh với nhiều hình thức và khả năng sẵn có. Cụ đã có những hành động cụ thể để phát huy tinh thần đoàn kết của dân tộc, huy động lực lượng, sức người, sức của cho cuộc kháng chiến.

Với vai trò là người đứng đầu cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, do cử tri cả nước bầu nên, Cụ Bùi Bằng Đoàn đã tích cực đấu tranh phản bác những luận điệu của thực dân Pháp và bè lũ tay sai về tính hợp hiến, hợp pháp của Chính phủ liên hiệp kháng chiến do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu.

Trong những ngày ở chiến khu Việt Bắc, trên cương vị Trưởng Ban Thường trực Quốc hội, Cụ Bùi Bằng Đoàn đã luôn luôn ở bên cạnh Chủ tịch Hồ Chí Minh và tham dự các cuộc họp của Hội đồng Chính phủ để góp ý kiến với Chính phủ và giám sát các hoạt động của Chính phủ trong mọi công tác kháng chiến. Cụ đã có những đóng góp vào việc cải tổ nhân sự của Chính phủ; thực hiện chính sách sản xuất tiết kiệm, chính sách thuế nông nghiệp, chính sách ruộng đất; chỉ đạo các đoàn đại biểu khu vực kiểm tra tình huống, lấy nguyện vọng của nhân dân góp ý cho Quốc hội và Chính phủ trong lãnh đạo cuộc kháng chiến. Thời gian ấy Bác Hồ và cụ Đoàn như hai người bạn tri kỷ.

Từ tháng 8/1948, do lâm bệnh nặng nên Cụ Bùi Bằng Đoàn không còn trực tiếp điều hành các hoạt động của Ban thường trực Quốc hội. Tuy nghỉ dưỡng bệnh, nhưng Cụ vẫn theo dõi tình hình trong nước, quốc tế và thường xuyên gửi thư thăm hỏi Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chính phủ, Ban Thường trực Quốc hội và đóng góp nhiều ý kiến lợi ích cho nhân dân.

Đặc biệt, nhân dịp khai mạc kỳ họp thứ 4 của Quốc hội khóa I vào tháng 3/1955, kỳ họp đầu tiên trong thời gian hòa bình lập lại ở Miền Bắc, Cụ đã gửi thư đến Quốc hội và toàn thể quốc dân đồng bào, qua đó thể hiện tư tưởng xuyên suốt là cần phải phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc để giữ gìn hoà bình, thực hiện thống nhất đất nước.

Do tuổi cao, sức yếu, bệnh tình ngày càng trầm trọng, mặc dù đã được tận tình cứu chữa, nhưng Cụ đã từ trần vào ngày 13/4/1955.

Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nhấn mạnh: “Trong lịch sử hình thành và phát triển của Quốc hội Việt Nam, Quốc hội khóa I là nhiệm kỳ Quốc hội đi cùng với công cuộc kháng chiến, kiến quốc của dân tộc. Với trọng trách là một trong những người đứng đầu Quốc hội trong giai đoạn này, Cụ Bùi Bằng Đoàn đã cống hiến trọn vẹn tài năng và kinh nghiệm của mình để phụng sự Tổ quốc, phụng sự Nhân dân”.

Hội thảo khoa học “Bùi Bằng Đoàn với cách mạng Việt Nam” là hoạt động thiết thực nhằm tưởng nhớ, tri ân những cống hiến to lớn của nhà chí sĩ yêu nước Bùi Bằng Đoàn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc; bổ sung thêm tư liệu về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của cụ Bùi Bằng Đoàn; đồng thời, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, tấm gương đạo đức cao đẹp, sáng ngời của thế hệ cha anh đi trước với cán bộ, đảng viên và nhân dân, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Được biết, Ban Tổ chức Hội thảo đã nhận được 27 tham luận của các đồng chí lãnh đạo, hoạt động thực tiễn, các nhà khoa học đến từ nhiều cơ quan khác nhau ở Trung ương và địa phương.

Các tham luận khoa học tại Hội thảo đã tập trung phân tích, luận giải những nhân tố ảnh h¬ưởng của gia đình, quê hương Hà Nội - vùng đất giàu truyền thống văn hóa và lịch sử, địa linh nhân kiệt, nơi hội tụ khí thiêng sông núi đối với sự hình thành nhân cách của nhà chí sĩ yêu nước Bùi Bằng Đoàn.

Đồng thời phân tích, luận giải về những mốc son trong cuộc đời và sự nghiệp của cụ Bùi Bằng Đoàn. Đó trước hết là sự nghiệp của vị quan thanh liêm, chính trực, hết lòng vì dân; là những cống hiến to lớn trong hoạt động thanh tra, trong cải cách tư pháp, góp phần xây dựng ngành thanh tra, ngành tư pháp tiến bộ ở nước ta.

Các tham luận tại Hội thảo cũng khẳng định trên cương vị một chính khách, một nhà lãnh đạo của Chính phủ, Quốc hội, cụ Bùi Bằng Đoàn luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, trở thành một người bạn, người cộng sự thân thiết, tin cậy của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cụ Bùi Bằng Đoàn là tấm gương đạo đức cao đẹp trong công cuộc kháng chiến, kiến quốc và xây dựng nền dân chủ mới. Cuộc đời, sự nghiệp của cụ Bùi Bằng Đoàn là tấm gương sáng cho các thế hệ người Việt Nam hôm nay và mai sau học tập, noi theo, trong đó có Đảng bộ và nhân dân Thủ đô Hà Nội.

Nguồn chinhphu